Ở bài trước tôi đã giới thiệu về cách nhớ mặt chữ qua phim, truyện. Ở bài này tôi không nói về kỹ thuật mà chỉ chia sẻ một chút về hành trình tìm tòi và thử nghiệm phương pháp ấy.
Câu chuyện làm sao nhớ mặt chữ luôn là vấn đề của rất nhiều người, dù là mới học hay học lâu năm. Tôi nhớ có lần vô tình xem 1 video của 1 bác người Brazil nói rằng bác có thể tự nhớ mặt chữ mà không cần nỗ lực gì nhiều. Lúc đó tôi rất ngưỡng mộ bác và thầm cầu mong ông bà độ tôi có được khả năng ấy.
Nhưng đời thì không như là mơ, nếu tôi có được tài năng ấy thì đã không ngồi đây gõ những dòng này. Những ngày đầu, tôi tìm đủ mọi cách để nhớ mặt chữ. Lời khuyên thì rất nhiều, từ đông sang tây, có người bảo phải học thuộc tất cả bộ thủ trước, có người thì nói không cần học bộ thủ, học thuộc mặt chữ là được rồi. Tôi vốn là đứa tự học nên ai mách gì tôi cũng thử xem có phù hợp với mình không, chứ không trung thành với ai cả =)). Nói cho cùng thì chỉ có tôi mới hiểu rõ bản thân mình hợp với cái gì nhất, và cách duy nhất để biết đó là phải thử.
Lúc ấy tôi suy nghĩ thế này: Các chữ được cấu tạo từ bộ thủ, nên học bộ thủ trước là hợp lí. Tôi cũng mày mò học theo những mẹo trên mạng, cũng thuộc được cỡ 50-60 bộ gì đó để có thể nhận diện chúng ở trong từ. Sau đó, tôi cũng học cách kết nối ý nghĩa những bộ thủ này với nhau để học những từ đơn giản. Nhưng với những từ khó hơn, thì bắt đầu nảy sinh vấn đề là nếu bám sát nghĩa của bộ thủ, đôi khi những câu chuyện kể ra lại gượng gạo và khó nhớ.
Tôi còn hay nghe mọi người khuyên là khi học 1 ngôn ngữ thì hãy "nghĩ theo cách người bản xứ". Nên tôi quyết tâm phải tìm hiểu xem những bộ thủ này có ý nghĩa gì, họ gửi gắm quan niệm gì qua từng chữ. Dù sao tôi vẫn thích học nghĩa nguyên gốc của nó, do người xưa nghĩ ra hơn là gán ghép theo cách nghĩ của người hiện đại. Vậy nên tôi lục tung các cuốn sách như Tìm về cội nguồn chữ Hán (Lý Lạc Nghị), Tự học chữ Nho (Đào Mộng Nam), xem kênh youtube Tiếng Trung thần truyền...Những trang sách/video này giúp tôi đến gần hơn một chút với mục đích ở trên.
Thế nhưng...những điều này lại không hề giúp tôi ghi nhớ. Mặc dù việc biết những kiến thức thuộc về lịch sử có thể là bài bản và chính xác hơn, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy nó thật sự xa xôi diệu vợi. Và quan trọng hơn là, tôi nhận thấy những câu chuyện mình tự kể để ghi nhớ mặt chữ không đủ hấp dẫn để khắc sâu vào tâm trí. Để có thể truy xuất thông tin ngược/xuôi như là: Nhớ nghĩa rồi nhớ cách viết và đồng thời nhìn mặt chữ nhớ được nghĩa, thì tôi vẫn còn cách xa lắm lắm. Tôi biết mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Số tiền lớn nhất tôi bỏ ra để học tiếng Trung cho đến giờ là 113k, đó là tiền mua vở luyện viết. Nhưng có lẽ tôi chưa bao giờ là người có thể ghi nhớ bằng chép phạt, nên hiển nhiên là tôi cũng không nhớ từ bằng cách này được.
Vậy là một lần nữa, tôi nghĩ mình cần phải tư duy lại cách học của mình, liệu còn cách nào khác giúp tôi thoát khỏi mớ bòng bong này hay không. Có nhất thiết phải hiểu đúng ý nghĩa của bộ thủ mới học được từ, hay chỉ cần học từ là được, còn bộ thủ đó có thể biến hóa theo trí tưởng tượng của mình? Hay là kết hợp cả 2, linh hoạt sử dụng nghĩa chính xác của bộ thủ, đồng thời "chế biến" khi cần? Tôi thiên về phương án cuối cùng hơn.
Vậy nên tôi lại tiếp tục thử. Điểm khác biệt lớn nhất khi tôi làm theo cách này đó là tôi cảm giác mình đang ở trong "Dòng chảy", tôi có thể ngồi hàng giờ đồng hồ học từ mới mà không thấy chán, tôi có cảm giác mọi thứ đã ở trong đầu mình hết rồi, chỉ chờ ấn nút là lôi ra thôi. Trước đây tôi không tin lắm nếu ai đó đề cao tầm quan trọng của trí nhớ, vì với tôi cách tư duy mới là điểm mấu chốt. Nhưng với tiếng Trung, nếu không có trí nhớ tốt thì gần như là...mù chữ. Vậy nên, với tôi lợi ích trước mắt của việc học tiếng Trung không phải là gia tăng cơ hội việc làm hay thu nhập, mà là trí nhớ của tôi được cải thiện đáng kể. Chính những giờ phút vận lộn với nỗi sợ mù chữ mà tôi buộc phải phát triển kĩ năng ghi nhớ mà trước đây mình vẫn coi nhẹ. Và tôi phát hiện ra có thể áp dụng kĩ thuật này không chỉ cho tiếng Trung mà với bất kì thứ gì tôi muốn ghi nhớ.
Túm lại, có 3 điều tôi rút ra được khi làm những điều trên:
- Nếu cái gì khiến mình vật vã, thì đó vẫn chưa phải là cách phù hợp với mình. Cách phù hợp là phải thuyết phục được bản thân tin rằng: "Mày cứ làm như này đi rồi 1 ngày nào đó sẽ có được kết quả như ý" và trong lúc làm, nó phải khiến bạn thật sự thích thú.
- Mỗi người có một cơ chế riêng để ghi nhớ. Có người là viết, có người là tưởng tượng hoặc n cách khác mà có thể bạn chưa bao giờ nghe đến. Việc của bạn là lắng nghe và thử nghiệm, nhưng đừng so sánh hành trình của mình với ai cả, cũng không vì nghe ai đó nói cách của mình tốn thời gian, vô ích mà dừng lại.
- Tận dụng hết tất cả những lợi thế của mình, không bỏ qua bất cứ điều gì, kể cả thứ bạn nghĩ là nhảm nhí nhất.
Hi vọng rằng bài viết này có thể giúp các bạn cảm thấy đồng cảm hơn trên hành trình chinh phục tiếng Trung.
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất