Mười năm du học trôi qua nhanh thật. Mới lúc nào còn là cậu bé lò mò ra ngoài Hà Nội học tiếng, giờ thì tôi đã ngấp nghé 30 tuổi, năm ngoái còn lấy xong bằng tiến sĩ ở Pháp. Người ở nhà nghe tới tấm bằng này, thì đa phần thích thú lắm. Có người quen ở nhà bảo tôi giỏi thật, có bằng tiến sĩ tận cơ mà.
Ừ thì tôi cũng vui vì tấm bằng đó, vui vì bản thân đã vượt qua quãng thời gian vất vả nhưng học được rất nhiều điều, mà lớn nhất là khám phá và hiểu rõ bản thân mình. Nhưng rồi từ lúc hiểu bản thân mình hơn tôi lại có đôi chút tiếc nuối vì cuộc sống ngày trước, một cuộc sống nhạt nhẽo không chút dư vị. Tôi thật đã phí phạm thời gian du học của mình.
Ảnh: internet
Ảnh: internet

Tôi không quan tâm đến sự nghiệp

Đợt đó tôi được học bổng du học toàn phần của một công ty trong nước. Đoàn đi năm đó có tận 9 người. Trước lúc đi, bọn tôi có kí văn bản ghi nhớ, trong đó nêu rõ sau quãng thời gian du học (thường là 5 năm), bọn tôi sẽ phải làm cho họ trong vòng 12 năm, nếu không sẽ phải đền bù số tiền du học họ đã chu cấp. Bản thân tôi khi ấy thích thú với bản ghi nhớ đó. Họ là công ty lớn, học xong về làm gần nhà, thích quá chứ gì nữa. Cậu sinh viên non nớt khi ấy đã nghĩ vậy. Bởi đã an tâm (?) về tương lai, tôi thong dong học tập mà không tích cực tìm hiểu về nghề nghiệp mà bản thân thực sự mong muốn. Ở Pháp tôi học ở một trường đào tạo kĩ sư hóa học. Hồi đó ai có hỏi tôi rằng có thích học ngành này không, câu trả lời luôn là « em cũng không thích lắm, nhưng bản thân có khả năng thì cứ học thôi ». Tôi cứ để cuộc sống nhàn nhạt trôi qua như thế. Học chăm chỉ, đạt điểm kiểm tra cao, rồi quên tất cả kiến thức. Tôi có mê nó đâu mà nhớ làm gì ?!
Nhìn lại thì thấy bản thân dại dột thật. Nếu cho tôi thời gian quay lại, tôi sẽ dồn tâm huyết đào sâu vào CFD (computational fluid dynamic) (tạm dịch : mô phỏng động học chất lỏng bằng máy tính). Trong quá trình học tiến sĩ, tôi mới nhận ra ứng dụng vô tận của CFD vào ngành năng lượng, ngành hàng không, v.v. Hồi đi học, tôi cũng thích phân ngành này nhưng không nghiêm túc với nó. Ở Pháp, ngành này rất phát triển và nhu cầu kĩ sư luôn cao. Ở đây có Airbus, có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới với các tên tuổi như Peugeot, Citroen, và các công ty công nghiệp lớn nhỏ khác, tôi có một môi trường vô cùng thuận lợi để phát triển sự nghiệp kĩ sư CFD. Tôi đã phí thời gian như vậy.

Tôi sống thụ động, không có nhiều trải nghiệm

Hoạt động ngoại khóa của tôi là con số không tròn trĩnh. Tôi nghe kể về những mâu thuẫn trong các hội nhóm. Tôi không thích những chuyện như vậy và tự tách bản thân mình ra. Tôi không tham gia bất kì hội nhóm sinh viên nào kể cả hội dành cho sinh viên việt nam hay hội của sinh viên bản địa. Tôi chỉ đi học, nói chuyện với vài ba người bạn, rồi về nhà. Trong tuần thì chú tâm cho vài bài kiểm tra, cuối tuần thì xách giày đi đá bóng.
Thời điểm này nhìn lại thì thấy những hoạt động ngoại khóa cực kì cần thiết cho sinh viên. Bởi ở đó, ta có thể học được cách làm việc tập thể, học cách giao tiếp, học cách lãnh đạo, học cách tận hưởng thành công sau một dự án nhỏ, học cách vượt qua những mâu thuẫn, học cách vượt qua áp lực, rèn luyện EQ… Một tỉ trải nghiệm mà một sinh viên chỉ chăm chăm bài vở không cách nào có được.

Tôi không tự trang bị kiến thức về tài chính

Thời sinh viên, nhờ vào học bổng, nên tôi không quan tâm đến tình hình tài chính của bản thân. Tôi có bao nhiêu, tôi sẽ tiêu bấy nhiêu, chỉ để dành chút ít để mua vé máy bay để hè về thăm nhà. Tôi chịu ảnh hưởng lớn từ giáo dục gia đình về tài chính. Từ nhỏ tôi đã được dạy nhà mình còn khó, không được đua đòi. Bởi vậy, tôi chả bao giờ so đo với mấy món đồ của mấy đứa bạn cùng lứa. Tôi chả bao giờ có suy nghĩ, lớn lên mình sẽ kiếm thật nhiều tiền. Điều đó có nghĩa lí gì cơ chứ, có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu thôi !
Tuy nhiên càng trưởng thành, trách nhiệm càng lớn, trong đó có cả trách nhiệm tài chính cho gia đình. Hiện giờ, tôi muốn có nhiều tiền. Tôi chả phải ham hố sự giàu sang, nhưng tôi biết tiền bạc quan trọng trong cuộc sống này: nó cho tôi nhiều lựa chọn. Nhiều tiền, tôi sẽ giúp mẹ mình bớt nỗi lo. Nhiều tiền, tôi sẽ giúp chị tôi đi du lịch châu âu. Nhiều tiền tôi sẽ giúp nhiều trẻ em nghèo có một điều kiện học tập tốt hơn. Muốn có nhiều tiền, tôi phải đầu tư. Đầu tư càng sớm, và thường xuyên, tôi sẽ có khả năng kiếm nhiều tiền hơn.
Tiếc thay thời đó, tôi không biết gì về đầu tư, tôi không biết giá trị của lãi kép. Thật phí phạm vô cùng! Giả sử lúc đó mỗi năm tôi để dành 20% tiền học bổng để đầu tư, thì bây giờ tôi đã có một khoản tiền không nhỏ, giúp tôi rút ngắn quá trình đạt đến tự do tài chính cá nhân.

Tôi không học được cách tận hưởng cuộc sống

 Lằn ranh giữa lịch sự và đạo đức giả là khá mong manh. Đối với tôi, người Pháp cực kì đạo đức giả. Họ chỉ suốt ngày tỏ ra lịch thiệp. Họ tỏ ra là người không phân biệt chủng tộc, nhưng thực chất lại có tính « thượng đẳng ». Người Pháp còn hay phàn nàn, họ chẳng bao giờ hài lòng về bất cứ thứ gì. Trời nóng hơn một tí, họ cũng than phiền, trời lạnh hơn một chút, họ bảo họ muốn nghỉ ở nhà. Người Pháp chả bao giờ thấy đủ. Thật không may là tôi cực kì dị ứng với những lời phàn nàn. Tôi đã ghét người Pháp thật sự.
Bởi không thích người Pháp nên tôi đã bỏ qua những điểm hay ho trên mảnh đất này. Họ có một gu thẩm mỹ cực cao, thể hiện ngay trong cuộc sống đời thường. Người pháp bày trí cửa hàng, các gian chợ, các tiệm bánh cực kì tỉ mỉ và lung linh, chẳng khác gì những tác phẩm nghệ thuật. Thiên nhiên ưu đãi cho họ một hệ thống cảnh quan địa lý đa dạng, có biển, có núi, có hồ, có đồi trượt tuyết v.v. Và người Pháp rất có tài năng để biến tài nguyên thiên nhiên của mình thành những địa điểm du lịch vô cùng đẹp đẽ. Người Pháp còn có tài nấu nướng. Họ làm bánh rất ngon, làm pho mát rất cừ và những miếng thịt vịt áp chảo ngon lành.
Tôi đã bỏ qua tất cả những điều thú bị đó, tôi thật gàn dở!

Kết

Nếu được, tôi mong mình đã học cách yêu mảnh đất mà bản thân đang đi du học. Chỉ có như vậy tôi mới có một khoản thời gian trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Vài dòng tâm sự nhân ngày tuyết đầu mùa!