Lời mở đầu:

Đây là một series mà tôi viết về những gì tôi đã được học. Tôi sẽ thừa nhận trước rằng tôi chẳng phải là chuyên gia trong bất kì lĩnh vực nào trong series này, tôi chỉ là một người có trình độ và kĩ năng ở mức trung bình hoặc thậm chí là thấp hơn thế. Tất cả sẽ chỉ như là một cuốn nhật ký ghi chép lại những gì tôi đã học được, nếu các bạn đọc được bài viết này tôi mong các bạn sẽ có thể rút được kinh nghiệm từ những sai lầm của tôi, tìm được sự đồng cảm trong những câu chuyện tôi kể và hơn hết là mong mọi người đừng ném đá những câu văn non nớt của tôi.

4, Chọn vị trí cho bản thân.

Sau khoảng độ hơn 1 tháng chơi bóng chuyền và quyết định gắn bó với nó trong một khoảng thời gian dài, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc mình sẽ chơi môn thể thao này ở đâu sau khi dịch covid kết thúc ? Bởi sau khi hết dịch, cậu sinh viên năm hai này sẽ phải xách balo lên Hà Nội học tiếp. Sau một hồi tìm kiếm trên mạng tôi quyết định sẽ xin vào câu lạc bộ bóng chuyền của trường. Lúc đó đang là kì nghỉ hè, nhưng câu lạc bộ chỉ tuyển quân vào 2 đợt là đầu năm và giữa năm thôi, mà cũng đang dịch, có tuyển quân ngay bấy giờ thì tôi cũng chả đăng ký được. Thế nên bản thân đã tự tìm hiểu và đi hỏi bất cứ ai có thể về hình thức, cũng như các bài kiểm tra đầu vào của đội bóng để có được sự chuẩn bị tốt nhất. Trong lúc tìm hiểu thì có một vấn đề khác nảy sinh là bản thân chưa tìm được vị trí sở trường của mình.
Trong khoảng thời gian chơi bóng chuyền tôi gần như chỉ đứng đằng sau phòng thủ, nên tôi nghĩ mình sẽ chơi vị trí Libero (người chuyên phòng thủ ở tuyến sau), nhưng vị trí này trong thi đấu chính thức sẽ không được phát bóng ( kĩ năng sở trường của tôi) và tôi lại thích cảm giác ghi điểm bằng một cú đập uy lực, bởi nó rất thỏa mãn, hơn nữa, tôi thuận tay trái, mọi người xung quanh đều bảo đây là một lợi thế khi chơi bóng chuyền khi những cú đập từ tay trái khá là khó đỡ ( đây là tôi được nghe kể chứ bản thân cũng không tin lắm ), vậy nên tôi quyết định chọn vị trí đối chuyền ( Tay đập cánh phải).

5. Luyện tập cho vị trí sở trường.

Ngay ngày hôm sau tôi bắt đầu luyện tập cho vị trí đối chuyền, và cũng khá may mắn khi được các bác ưu tiên nhường cho vị trí này ( cũng là vì chả ai đập bóng được vị trí cánh phải cả :>). Trước khi chơi, mọi người cũng giúp tôi khởi động đập bóng, tự bản thân cũng cảm nhận được sức bật lúc bấy giờ khá thấp ( tầm với là 2m62 và lưới đã cao 2m40) một phần là vì tôi khá nặng và cũng là do chơi trên sân đất nên sức bật thường sẽ thấp hơn khi chơi trên sàn thi đấu thông thường, cổ tay thì chưa được dẻo, đập bóng cũng khá nhẹ, nhưng đối với thể trạng của bản thân lúc bấy giờ thì đưa bóng được sang sân đối thủ đã là một thành công tương đối rồi. Khá bất ngờ là ngày hôm đó tôi ghi điểm được khá nhiều, thế là bắt đầu cơn ảo tưởng rằng mình có năng khiếu và sinh ra là dành cho bóng chuyền, nhưng bây giờ nghĩ lại thì là do tay đập mới nên mọi người chưa quen cách đập bóng nên khó bắt cũng là điều đương nhiên thôi.
Sân bóng của khu phố được xây trên đất của trạm bơm, nói dễ hiểu thì là mượn đất trống của họ để dựng sân bóng chuyền, rồi Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, dịch bệnh trong thời gian này ngày một căng thẳng. Hà Nội thì đang có chỉ thị dãn cách xã hội, nơi tôi sống thì cũng gần thủ đô nên cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của chỉ thị này. Cán bộ của trạm bơm thông báo rằng đội bóng sẽ phải ngừng hoạt động một thời gian cho đến khi tình hình dịch bệnh đỡ hơn ( ít người thì vẫn chơi được).
Lúc đấy tôi có cảm giác như là cuộc sống đang trêu đùa tôi vậy. Khi vừa mới luyện tập ở vị trí mới trong vòng 2 ngày và đang khá là tiến bộ thì tôi lại phải ngừng lại, biết rằng đây là điều không ai muốn, dịch bệnh thì an toàn là trên hết, nên cũng không trách được ai hết. Nhưng trong cái rủi thì lại có cái may. Sân bóng không cho tụ tập đông người, nên ít người vẫn sẽ được chơi, tôi đã thuyết phục bố tôi (cũng là một thành viên của đội bóng) giúp tôi luyện tập.
Tôi và bố tôi vẫn ra sân bóng đều 1 tiếng một ngày để luyện tập. Mới đầu tập thì hai người cũng cãi nhau khá nhiều khi bố tôi chê tôi vào bóng chậm và bật thấp, nhưng bản thân thì luôn cho rằng là do bố chuyền bóng xấu ( thực ra đến bây giờ vẫn thế), nhưng cãi nhau thế, xong rồi cũng thôi, cả hai đều cố gắng để chỉnh cho phù hợp với đối phương nhất. Những ngày đầu tiên luyện tập tôi vào bóng sai rất nhiều, chủ yếu là do căn bóng không chuẩn và tư thế vẫn chưa được đẹp, và đáng lo ngại hơn là tôi mất sức khá là nhanh, chỉ sau hơn chục lần bật nhảy tôi đã bắt đầu thở dốc và tay đập giảm đi độ chính xác rất nhiều. Lúc này tôi lại nhớ về thời còn là học sinh, hối hận rằng lẽ ra mình nên tập thể thao nhiều hơn thay vì cứ đâm đầu vào trò chơi điện tử, chiều cao sẽ không bị chững như bây giờ ( tôi không hề cao lên trông suốt 3 năm cấp 3, và bây giờ vẫn vậy), cơ thể tôi đáng lẽ cũng có thể nhanh nhẹn hơn nếu chăm chỉ luyện tập bóng rổ. Thế nên tôi nghĩ bây giờ sẽ phải tập nhiều hơn để bù đắp cho khoảng thời gian đấy. Khi chỗ tôi có chỉ thị giãn cách xã hội, công việc của nhà tôi cũng bắt đầu ít đi, nên bố tôi cũng khá là rảnh, cũng may là nhà cũng khá giả nên ít việc làm hơn trong một khoảng ngắn hạn cũng không làm tình hình lúc bấy giờ căng thẳng lắm, nên chúng tôi có nhiều thời gian để luyện tập hơn. Tôi luyện tập thêm từ 6 giờ sáng cho đến 7 giờ, mới đầu cũng hơi mệt, nhưng mệt nhiều thì cũng sẽ quên thôi. Chiều thì vẫn vậy. Sau tầm 1 tháng liên tục như vậy, sức khỏe của tôi được cải thiện, sức bật và cân nặng cũng vậy, cho đến khi đội bóng hoạt động trở lại, tôi giảm từ 90kg còn 76kg. Bất cứ ai trên sân cũng cảm thấy bất ngờ về sự thay đổi của tôi, có thể coi là một tháng luyện tập khá là thành công... về mặt rèn luyện sức khỏe, chứ tay đập của tôi vẫn khá tệ, nhưng tôi biết với một người đã gần như không chơi thể thao trong vòng hơn 1 năm (tôi rất lười chơi thể thao khi còn là sinh viên năm nhất) thì tôi sẽ cần nhiều thời gian để trở nên khá hơn.
Có lẽ tôi sẽ dừng câu chuyện này ở đây, vì về sau cũng không có chuyện gì để kể cả, tôi sẽ viết những câu chuyện khác, và quay lại câu chuyện này khi có nhiều trải nghiệm hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Have a nice day.