Chân dung một hikikomori sống ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. 
Fuminori Akoa, 29 tuổi, một hikikomori đã tự nhốt bản thân mình trong phòng trong suốt một năm trời. Theo anh ấy, anh là một vĩ nhân có thể làm được những điều phi thường, nhưng không hẳn vì vậy mà anh đã luôn cố gắng hết sức mình. Akoa thường xuyên thay đổi sở thích cũng như mục tiêu của mình, và dần dần trở nên lạc lối, mất đi mục tiêu.

Hikikomori trong tiếng Nhật có nghĩa là: hướng vào bên trong, trở nên cô lập. 

Bộ y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản đã định nghĩa một hikikomori là một người không tham gia vào các hoạt động xã hội (đặc biệt là trong trường học và công việc) và cũng chẳng có chút ý niệm nào để làm vậy. Một hikikomori cũng không hề có một mối quan hệ thân thiết, hay thậm chí là mối quan hệ với gia đình. Những triệu chứng trốn tránh xã hội này sẽ kéo dài ít nhất là 6 tháng, và bản thân chúng - những triệu chứng - không phải là triệu chứng của một dạng bệnh lý.



Riki Cook, 30, đã "là" hikikomori được 3 năm. Riki Cook một người Mỹ sống ở Nhật. Gia đình anh chủ yếu sống ở Hawaii còn anh thì sống một mình tại Nhật Bản. Những bức ảnh trên là ảnh chụp phòng khách gia đình trong căn hộ của Riki Cook tại Chiba, Nhật Bản vào năm 2016

Có thể có đến hơn 1 triệu hikikomori tại Nhật Bản, khoảng 1% số dân toàn nước Nhật. Mặc dù mức độ của hiện tượng thay đổi tùy theo từng cá nhân, một số người vẫn bị cô lập trong nhiều năm - những trường hợp cực đoan nhất - và đôi khi thậm chí là cả thập kỷ.

Những trường hợp hikikomori được báo cáo phổ biến nhất là từ những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và tầng lớp giàu có, những gia đình mà con cái của họ, thường là những người con cả, từ chối việc phải rời khỏi nhà. Điều này thường xảy ra sau khi họ phải trải qua một hay nhiều sang chấn từ xã hội hay thất bại trong học tập. Tuy nhiên, hikikomori thường trốn tránh mọi người và ba mẹ của họ đa phần đều miễn cưỡng khi đề cập đến vấn đề này.


Chujo, 24, đã trở thành hikikomori được 2 năm. Anh mơ ước được trở thành một ca sĩ nhưng gia đình thì lại muốn anh làm kinh doanh 


Sau khoảng thời gian 2 năm làm việc trong một công ty, trải qua quá nhiều căng thẳng, Chujo quyết định tự khóa bản thân mình trong phòng.
Theo một bài báo ở Nippon.com:

Tháng 12 năm 2016, văn phòng nội các công bố các kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11 năm 2015, ước tính có khoảng 540,000 hikikomori trên toàn quốc. Trong những con người ở ẩn này, có khoảng 35% đã tự cô lập bản thân mình trong 7 năm hoặc hơn. Con số này đã giảm 150,000 người so với ước tính của cuộc khảo sát tương tự thực hiện vào năm 2010, nhưng ta phải chú ý rằng những con số này không bao gồm những đứa trẻ đã bỏ học từ lâu (dưới 15 tuổi) và những người trên 40 tuổi. Điều này có nghĩa rằng hikikomori trong nhóm tuổi từ 35-39 tuổi vào năm 2010 - những người chiếm đến 23,7% tổng số người trong cuộc khảo sát năm đó - giờ đã không còn chiếm đa số vào năm 2015. Hơn nữa, rất nhiều người ở ẩn không giao thiệp cũng như liên lạc với những cơ sở y tế hay tổ chức hỗ trợ, họ chính là những "dữ liệu" vô hình trong những cuộc khảo sát.

Một vài chính quyền địa phương đã tự thực hiện những cuộc khảo sát trong thẩm quyển của họ. Điển hình như, vào tháng 5 năm nay quận Saga đã công bố kết quả của cuộc khảo sát xác nhận 644 trường hợp, trong đó trên 70% có độ tuổi 40 hoặc hơn và 36% đã sống cô lập trong khoảng 10 năm hoặc hơn. Những phát hiện này cho thấy nếu những người không thuộc diện điều tra của Văn phòng Nội các được bao gồm thì tổng số hikikomori sẽ đạt ngưỡng 1 triệu người.



   


 Sumito Yokoyama, 43, đã là một hikikomori được 3 năm. Anh tốt   nghiệp đại học vào năm 1996, nhưng   không tìm ra công việc phù hợp với mình

Sumito Yokoyama ở phòng riêng tại Chiba, Japan, in 2016. Khi tôi chụp những tấm hình này, anh ấy nói sức khỏe anh không được tốt cho lắm —không hề mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào nhưng anh luôn cảm thấy không được khỏe và muốn được ở nhà. Sumito Yokoyama mất vào tháng 9 năm 2017 tại căn hộ riêng. Không ai nhận ra anh đã chết cho đến tận 2 tháng sau, khi gia đình phát hiện ra xác của anh tại căn hộ.
Những chuyên gia sức khỏe tại Nhật hiện nay đang chật vật để ngăn chặn số mệnh bi thảm tương tự - dường như - đã được định sẵn cho thế hệ tiếp theo. Vấn đề này không chỉ làm chia cắt những gia đình mà nó còn đe dọa và là gánh nặng trực tiếp cho nền kinh tế quốc gia.
Khi bố mẹ của họ trở nên già nua và mất đi, hikikomori dễ dàng rơi vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn. Sau khi đánh mất nguồn hỗ trợ tài chính, rất nhiều người trong số họ rơi vào tình trạng khánh kiệt. Với những trường hợp khác, khi các bậc cha mẹ để lại một khối lượng tài sản đáng kể, với mong ước rằng đứa con của họ sẽ đủ khả năng sống trong tình trạng cô lập bằng cách chi tiêu tiết kiệm và sử dụng khoản tiền thừa kế.


Kazuo Okada, 48, một hikikomori tự nhốt bản thân mình trong phòng suốt 7 năm trời. Trước đây anh là một nhân viên bán hàng, hiện tại thì anh chỉ ở trong phòng đọc sách và chơi nhạc jazz
Kazuo Okada có khả năng học hỏi rất tốt và có một trí nhớ siêu đẳng. Khi trò chuyện anh luôn đem toàn bộ dữ liệu biết được vào câu chuyện. Kể cả khi nấu ăn, anh còn phải cân đúng lượng đồ mà anh muốn. Ở video bên trên anh đã cân đúng 250 gam gạo BẰNG TAY cho mỗi bữa.
Đối mặt với vấn đề nghiêm trọng này, thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập kế hoạch huy động những người mắc hội chứng hikikomori và kéo họ trở về với công việc nhằm cứu vãn lực lượng lao động đang ngày càng già cỗi. Abe cũng mong muốn tăng tỉ lệ gia tăng dân số, một trở ngại lớn mà nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang phải đối mặt


Ikuo Nakamura, 34, một hikikomori 7 năm. Anh có một số bất đồng quan điểm với giáo viên và bạn học ở trường đại học và rồi anh nhận ra cuộc đời này thật bất công. Anh nói rằng anh bây giờ đã hoàn toàn mất niềm tin vào con người.

 “It felt safe here”


“It felt safe here” là bước đầu trong một dự án dài hạn của tôi. Khi tôi ở Nhật, tôi đã liên lạc với New Start, một tổ chức phi lợi nhận, dưới danh nghĩa một nhiếp ảnh gia. Sau đó tôi đề nghị làm tình nguyện viên cho họ trong 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016. New Start có một trung tâm cộng đồng sinh sống, một nhà hàng và quán cà phê, nơi mà các hikikomori có thể giao thiệp với cộng đồng qua những trải nghiệm làm việc và hoạt động xã hội. Trong suốt 2 tháng đó, tôi đến đó 3 lần một tuần và tham gia bữa trưa cùng họ. Tôi đã cố thử tìm hiểu về câu chuyện phía mỗi người và trở thành một người bạn với họ. Tôi cũng tham gia những bữa tiệc thường niên vào mỗi tối thứ 7, với đồ ăn được chuẩn bị bởi nhân viên của trung tâm. Những người dân địa phương được mời đến mỗi tuần để gặp mặt một số hikikomori, với mục tiêu nhằm phá bỏ những rào cản kì thị với hội chứng này. Để được ở trong New Start, các bậc phụ huynh phải trả trong khoảng 2000-3000 đô một tháng, tùy vào tình trạng của con cái họ.


The New Start NPO được đặt tại Chiba-shi, Chiba, Japan.




Một số hoạt động tại New Start NPO. Tổ chức đã đem lại cơ hội để các hikikomori trở lại hòa nhập với cuộc sống.
Sau 2 tháng ở New Start, tôi tìm thấy một chương trình đặc biệt: "Chị gái cho thuê" (Rental Sister), và tôi đã thử liên lạc với người của chương trình này. Trong những cách giải quyết sáng tạo cho vấn nạn này, một số tổ chức và bán nhà ở như New Start thuê những cô gái trẻ tuổi để đến nhà của các hikikomori và cố gắng khơi dậy một cuộc trò chuyện từ phía bên kia cánh cửa phòng ngủ. Mục tiêu cuối cùng của những "người chị cho thuê" này là trấn an, làm bạn với họ và sau đó dỗ dành các hikikomori ra khỏi phòng ngủ của họ và đến những nơi mà họ có thể nhận được sự giúp đỡ. Chương trình mà tôi liên lạc có hai "chị gái thuê" và "anh trai thuê", nhưng chỉ có Ayako Oguri có thể nói  được tiếng Anh, vì vậy tôi đã chọn để đi cùng cô. Sau khi Oguri đồng ý, tôi đã đi cùng cô ấy đến nơi ở của tất cả các khách hàng và cố gắng gặp mặt những hikikomori đã khóa mình trong phòng của họ.

Tôi (ở giữa) với Kenji Tanaka (bên trái), một "người anh cho thuê", và Ayako Oguri (bên phải), một "người chị cho thuê".
Nó là cả một quá trình lâu dài. Phần lớn các hikikomori không hề muốn gặp tôi chút nào vào lần gặp đầu tiên, nhưng tôi vẫn kiên trì đi cùng "người chị thuê", đứng trước những khung cửa, xin chào vọng vào nhà từ trước thềm cửa. Những cuộc gặp giữa hikikomori và "chị gái thuê" thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau 2 hoặc 3 lần, hikikomori cuối cùng cũng sẽ chấp nhận tôi và cho phép tôi vào nhà đợi ở phòng khách. Sau 3 đến 5 lần tới, họ sẽ cho phép tôi vào phòng, tham dự cuộc đối thoại và chụp một vài bức ảnh.





Ayako Oguri viết cho Masahiro Koyama, 40, người đã ở trong phòng suốt 10 năm nay. Đây là lần thứ 3 Ayako đến đây, tuy nhiên cô ấy vẫn bị từ chối cho phép vào phòng. Cô phải viết những bức thư và để lại trước cửa phòng ngủ của Koyama.
Ước vọng của tôi là có thể ghi lại cả một quá trình lâu dài từ một hikikomori tự nhốt bản thân mình trong phòng cho đến khi, với sự giúp đỡ của những người "chị gái thuê", bước ra khỏi cánh cửa đó. Tôi vẫn chưa có cơ hội để được biết rằng liệu khoảnh khắc đó sẽ thật kịch tính hay tĩnh lặng đến dường nào. Rất có thể họ chỉ nhẹ nhàng mở cánh cửa, bước ra, hít một hơi thật dài, thưởng thức một làn không khí trong lành và cảm thấy đôi chút choáng ngợp bởi ánh nắng tươi sáng. Hẳn khoảnh khắc ấy phải đẹp đẽ lắm.




Ayako Oguri nói chuyện với những hikikomori trong phòng riêng của họ. Thông thường, phải mất đến 2 năm để họ có thể "kéo" một hikikomori ra khỏi phòng.
Tuy nhiên, với việc tôi chỉ ở Nhật Bản trong vòng 6 tháng trong vai trò một nghệ sĩ cư trú tại Japan Foundation Asia Center, tôi chỉ có thể thực hiện bước tiến đầu tiên - đánh giá tính cách của các hikikomori, hiểu họ thêm một chút, và chụp một bức chân dung của họ ở một căn phòng riêng biệt
Đây mới chỉ là khởi đầu của một câu chuyện dài mà tôi vẫn chưa có đủ thời gian để kể.

Nguồn : It felt safe here