Lúc mình an ủi bạn sau n lần thất tình, bạn đã bảo mình vậy. Nghe câu đó xong mình cũng chẳng biết phải nói gì thêm, dẫu thực lòng mình cảm thấy đấy là một trong những câu không bao giờ nên được nói ra trong đời. Bởi có những thứ vốn không nên trở thành quen thuộc.
В поисках вдохновения Рисунок, Девушки, Кот, Запись, Sam Yang, Арт

Ví dụ như suốt một thời gian dài thức khuya khiến mắt mình thâm tới mức mình phải lập ra một page tên là Mỗi ngày soi gương xem mắt thâm nhưng chẳng có ai thèm like mà dạo này mình cũng chẳng buồn đăng gì lên. Bây giờ đã rảnh rang hơn vào buổi tối, nhưng mình vẫn giữ thói quen ngủ rất muộn như lúc trước dù biết điều đó không tốt. Cơ thể và tâm trí mình đã quen với điều đó đến mức nếu cố tình chống lại, mình sẽ bắt đầu khó chịu. Thức khuya mang đến cảm giác mình có thêm thời gian cho bản thân hơn, nó phần nào khiến mình thoải mái và vui vẻ, một kiểu vui “giả tạo”. Có những người cứ mãi bám víu vào một lối sống nào đó là do trong lối sống đó, họ cảm giác được “tự do”, gắn kết và quen thuộc. Sự quen thuộc chẳng khác gì một chỗ dựa vững chắc, họ níu lấy nó như cá bơi thuận dòng, như nước chảy chỗ trũng, chẳng cần nỗ lực gì nhiều, chỉ cần cuốn theo chiều gió, ít tốn sức và đỡ phí công. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải thuận theo tự nhiên. Bởi thói quen xấu hình thành do một tình trạng tạm thời nào đó rồi dần dần được củng cố theo thời gian, biến thành một khuôn mẫu chắc chắn. Rồi thong thả trở thành trói buộc.
Cũng có những sự quen thuộc miễn cưỡng do nguyên nhân khách quan. Bạn mình không hề muốn quen với sự thất tình. Chỉ là sự việc xấu cứ lặp đi lặp lại bởi chúng ta chưa thể tìm ra phương pháp thực sự hữu dụng để đối phó với nó, khiến vũ trụ không ngừng trao chúng cho ta để ta “luyện tập”, không còn cách nào khác, chúng ta đành phải tự hình thành nên một cơ chế tự bảo vệ: ráng tập quen. Khi ta quen rồi, ta tưởng như ta không còn quá buồn vì nó. Khi ta quen rồi, ta ngỡ mình dày dặn kinh nghiệm, được chuẩn bị tinh thần, bình thản đón nhận. Khi ta quen rồi, ta sẽ không mong chờ vào những mối tình sau để rồi lại thất vọng và hụt hẫng. Nhưng sự quen thuộc này giống như vết chai trong lòng bàn tay vậy. Nó bảo vệ bạn nhưng đồng thời, nó lấy đi sự nhạy cảm và cảm nhận chân thực nhất với tình huống hiện tại. Bạn sẽ không đau nhưng bạn cũng chẳng cảm thấy gì.
Hay như một người bạn của mình đã quen với việc bị chính những người thân trong gia đình đối xử tệ hại từ khi còn nhỏ. Để rồi khi lớn lên, cô bạn ấy cực kỳ tự ti vào bản thân, cho rằng mình đáng bị như vậy, rằng hành vi xấu của người xung quanh là “bình thường”. Ai cũng biết việc bình thường hóa sự xấu xa vốn dĩ đã là không đúng, nhưng nếu bạn ở vào hoàn cảnh một người đã bị “huấn luyện” để quen với những chuyện như thế, bạn sẽ hoàn toàn không ý thức được rằng mình là như vậy. Bởi vì quen chỉ là một cơ chế tự bảo vệ chứ không phải giải pháp đối mặt nên các vấn đề vẫn còn tồn tại ở ngay đó. Nó không mất đi khi người ta quen với nó, mà trái lại, nó càng lúc càng trở nên mạnh mẽ. Nó ngấm ngầm hủy hoại một con người mà người đó không hề nhận ra hoặc tới lúc nhận ra thì đã tổn thương quá nhiều mất rồi.
Chắc mọi người đều thừa biết có những tập quán hay lối suy nghĩ từ xa xưa nay đã trở nên có hại. Nó từng phù hợp với thời đại nhưng nó cũng hủy hoại vô số con người. Nhiều tập quán vốn được hình thành như những cơ chế tự bảo vệ, giúp con người bất lực đỡ khổ sở và tổn thương hơn. Nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, nhiều thứ không còn phù hợp nữa. Có những người sẽ ý thức được mà quyết tâm chọn cách bơi ngược dòng, trong khi số còn lại vẫn chọn việc dễ dàng hơn là tiếp tục thuận theo số đông để tránh xung đột hay thương tổn. Nhận định điều gì còn tốt, có thể tiếp tục giữ lại, điều gì đã không còn phù hợp thậm chí gây hại cần phải kiên quyết thay đổi là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Chắc sẽ có ai đó phản bác mình kiểu: Nói thì hay lắm, ngủ sớm dậy sớm đi đã rồi hẵng phán. Các bạn nói không sai nên thôi bai nhé, mình đi ngủ đây.
#Kat
#Art: Sam Yang