Đây là một số ý tưởng, trong phần comment của bài Đạo Phật và vấn đề Thiện- Ác
Trong đó, có một vài câu hỏi tò mò của mình và câu trả lời của bạn @Danvici, mình thấy có vài điều hay ho nên mình góp lại thành bài cho bản thân dễ tìm và đọc lại.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết của bạn @Danvici để tham khảo và hiểu rõ hơn:

Cốt lõi của triết lý Phật giáo không phải là thấy Thiện Ác là như nhau, mà là không thấy có Thiện cũng không thấy có Ác. Cũng như không thấy có Người và không thấy có Ta chứ không phải là hòa vào làm một, vì hòa vào tức là có rồi, thậm chí cũng không thấy có cái "một" đó luôn, vì thấy có "một" tức có Ta và có cái "một" đó rồi. Cái "không thấy" ở đây không phải là nói khi không thấy thì nghĩa là mọi thứ biến mất, mà là không phân biệt, bạn chủ thớt nói đúng chỗ này. 
Sự "không thấy" này tức là không gìn giữ những khái niệm đó trong tâm thức, chứ không liên quan tới sự tồn tại trong thực tế khách quan.
Còn sự luân hồi sinh tử tức nói đến sự sinh diệt của những khái niệm, mà điển hình là nói tới sự chấp Ngã, sự gìn giữ một cái Ta trong tâm thức. Khi tồn tại cái Ta thì nó cũng sẽ sinh diệt, cho nên mới nói có luân hồi sinh tử. 

Q: Bạn ơi, cho mình thắc mắc với: Thế nào là minh, thế nào là vô minh? Làm sao biết mình vô minh?
Giải thoát nghĩa là gì? Làm sao để biết ai đó đã giải thoát?
Thoát vòng sinh tử nghĩa là gì? Có khác gì so với giải thoát không?
Vô minh, nói dễ hiểu giống như khi bạn đi vào rừng, bạn chợt thấy một con rắn. Bạn sợ hãi và tránh né con rắn đó. Nhưng thực ra con rắn đó chỉ là một cành cây thôi, do bạn không nhìn rõ nên đã lầm lẫn.
    Vô Minh tức là sự nhìn nhận không đúng đắn về thực tại của tâm thức con người. Cụ thể là cơ chế quy ngã, tức việc cho rằng mọi sự mọi vật có một giá trị cố hữu nào đó, trong khi chúng không hề có. Nó giống như nhìn cành cây mà ra con rắn vậy. Còn Minh thì là nhìn nhận đúng đắn mọi thứ thôi.
    Giải thoát và thoát vòng sinh tử là như nhau. Sự giải thoát ở đây tức là việc loại bỏ được sự chấp ngã, tức cái cơ chế quy ngã vừa nói. Bởi khi ta cho rằng có một giá trị cố hữu của cái gì thì nó cũng sẽ tuân theo quy luật sinh diệt, nên mới nói là có sinh tử, tức sự sinh diệt của mọi thứ.
    Còn khi không quy ngã nữa, thì không có cái Ngã hay cái Tôi nào cả, vậy thì không có sự sinh diệt của cái Tôi, nghĩa là không còn sinh tử luân hồi, vì có còn ai đâu mà sinh tử luân hồi. 

Q: Cho mình phiền bạn hỏi câu nữa là thế thì "tu hành" là quá trình loại bỏ sự chấp ngã, nhỉ? Với cả nếu "tu hành" là bỏ sự chấp ngã thì tu ở chùa hay tu ở đời cũng không khác nhau đúng không?
Đúng, về lý thuyết mà nói thì tu hành là quá trình loại bỏ cơ chế chấp ngã, mặc dù trong thực hành thì nó rất khác :)
    Và đúng, tu ở chùa hay ở nhà đều được, nhưng có khác nhau. Khác ở chỗ ở trong chùa thì dễ tu hơn, còn ở nhà thì có nhiều trở ngại hơn nên khó tu hơn. Cơ mà ngược lại, do có nhiều trở ngại nhưng nếu vượt qua được thì gặt hái nhanh hơn.
    Có câu : Tu chùa không bằng tu chợ, tu chợ không bằng tu nhà là vậy :) 


Không - tức tính Không- không phải như nhiều người nghĩ
    Nghiệp, cụ thể hơn trong tâm thức, là một động lực và hành động. Khi chúng ta làm một điều gì đó, nó sẽ tạo ra một động lực. Rồi sau đó, khi có đủ điều kiện, thì động lực này sẽ kích hoạt tâm thức để khởi phát một hành động tiếp theo.
    Vì thế, khi chúng ta làm một điều cho là thiện hay ác, thì cũng đồng nghĩa hình thành những động lực cho các hành vi đó trong tương lai.
    Và cái động lực này cũng chính là cái Quả đầu tiên mà chúng ta nhận được, vì nó là tiềm năng cho những hành động kế tiếp trong tương lai. Còn cái kết quả sau khi những hành vi đó được thực hiện ra sao thì còn tùy vào các điều kiện bên ngoài, và vì thế các kết quả này là khác nhau dù là cùng một hành động.
    Nói dễ hiểu hơn, khi chúng ta tức giận vì một điều gì, thì nó tạo ra một động lực, và trong tương lai ta sẽ dễ bị tức giận bới điều đó hơn, cũng như dễ tăng mức độ hơn, đó chính là cái quả chắc chắn. Còn kết quả khi của hành vi thông qua sự tức giận đó thì tùy thuộc vào hoàn cảnh.
    Cho nên cái động lực của sự tức giận kia chắc chắn đã hình thành trong tâm thức của ta, không chạy đi đâu được. Còn kết quả bên ngoài thì nó không liên quan. Cho nên một người làm điều ác thì chưa chắc nhận những kết quả xấu. Nhưng nếu họ hình thành những tâm niệm ác thì chắc chắn trong tương lai họ dễ dàng tái hiện những tâm niệm ác đó nhiều và mạnh hơn.

Q: Ý của bạn có phải là cứ một suy nghĩ tốt/xấu mà bản thân có sẽ được giữ lại trong tâm thức của ta, rồi theo một điều kiện nhất định có thể xảy ra mà bản thân hành động theo những suy nghĩ đó???
Con người tu hành tức là để ít/không còn tạo nên những mầm trong tâm thức đó, bên cạnh cái chấp đã có nhỉ?
Không phải chỉ là suy nghĩ tốt hay xấu, mà bất cứ hành vi nào của tâm thức khi xuất hiện đều sẽ để lại một dấu vết, hoặc mầm mống, hoặc điều kiện,... - tùy vào cách gọi. Để rồi trong tương lai nếu những mầm mống đó có đủ điều kiện thì nó sẽ có thể tái xuất hiện và xuất hiện mạnh mẽ hơn.
    Điều này có điểm tốt đó là nhờ đó mà chúng ta mới có thể phát triển. Bởi nếu không chúng ta không thể làm được gì khi mà cứ mỗi lần làm đều thấy như lần đầu tiên. Như thế thì ngay cả việc ăn cũng không biết phải ăn ra sao vì lúc nào cũng phải tập cách ăn cả. Cho nên việc ghi lại những kinh nghiệm và nhận thức này là cần thiết cho sự tồn tại.
    Nhưng bất lợi là nó cũng tạo ra hệ quả nếu những hành vi hay nhận thức đó là gây hại, và như thế thì nó sẽ tái thiết lập và càng mạnh mẽ hơn.
    Người tu tập và giác ngộ không phải là ít hay muốn tắt bỏ cơ chế này, vì đó là không thể, bởi như ở trên nói, nó là cơ chế cho sự tồn tại của chúng ta. Nhưng người ta tu tập là để không lệ thuộc vào cơ chế này, và trở nên chủ động với nó.
    Người bình thường thì sẽ bị động và bị cơ chế này sai khiển mà không hay biết. Cho nên họ cứ mặc nhiên tạo ra vô số những hành vi và nhận thức tai hại cho bản thân và người khác. Còn người tu tập thì hiểu rõ cơ chế đó, và không còn lệ thuộc vào nó nữa. Với họ cơ chế này cũng chỉ như một cơ chế sinh hoạt, và họ sử dụng nó một cách hợp lý. 

Q: Tức là người tu hành có khả năng gieo mầm có chọn lọc hơn người bình thường đúng không?
Về cách nhìn thì nói "gieo có chọn lọc" cũng gần đúng, nhưng ở khía cạnh người ngộ đạo thì họ không hẳn là chọn lọc để gieo.
    Chúng ta dùng từ Nghiệp để nói về những mầm giống này hen, và khi nói người bình thường bị động với Nghiệp, tức là họ bị cơ chế này chi phối. Ở đó, có Nghiệp đang chi phối, và có Người bị chi phối.
    Nhưng người ngộ đạo thì khác, bởi họ trực nhận được sự trống rỗng của các hiện tượng, và khi đó mặc dù mọi thứ vẫn đang diễn ra, song trong cái nhìn của người ngộ đạo thì chúng không thực sự hiện hữu. Đó chính là tính Không.
    Cho nên với họ, Nghiệp vốn là hư ảo, và bản thân họ hay người khác, cũng hư ảo. Hư ảo không phải là không có, mà là có nhưng không bền vững. Chính vì vậy, Nghiệp không có tác dụng gì với họ, nên như thế họ không cần phải lựa chọn hay chọn lọc cái gì, bởi chọn lọc cho ai và việc gì phải chọn lọc ?
    Người bình thường thì giống như một bàn tay đang cố hứng lấy những giọt nước mưa đang rơi xuống. Dù cố gắng bao nhiêu thì họ cũng chỉ hứng được một ít, và họ phiền não vì những giọt mưa rơi khỏi tay mình. Nhưng dù thế, họ lại vẫn cố lao ra trời mưa để hứng được nhiều hơn nữa.
    Còn người ngộ đạo thì nhận ra rằng vốn không cần phải hứng nước mưa làm gì cả, cho nên họ buông tay, và đi dưới cơn mưa một cách bình thản.

Q: Trong đạo Phật, ngoài tính không mà bạn giải thích ở trên, đạo Phật còn thường đề cập đến lòng thương người và trí tuệ, thế giúp người thế nào cho đúng tinh thần đạo Phật?
Tính từ bi và trí tuệ trong Phật giáo, hay từ bi và trí tuệ của người ngộ đạo không giống như người bình thường hay nghĩ, hoặc thậm chí không giống như trong nhiều sách vở nói đến.
    Sự từ bi và trí tuệ của người ngộ đạo đến từ trực giác nhiều hơn. Nó không phải là kết quả của sự suy nghĩ hay tính toán. Cho nên khi bạn gặp một hoàn cảnh nào đó và khởi lên suy nghĩ rằng có nên giúp hay không, thì dù kết quả có thế nào đi nữa thì nó không phải là từ trí tuệ của người ngộ đạo.
    Ở vị thế của một người giác ngộ, khi họ gặp một hoàn cảnh nào tương tự như bạn kể, thì khi đó ngay lập tức họ sẽ khởi phát một hành động, và họ ngay sau đó là thực hiện hành động đó, không quan trọng hành động đó có là "thiện" hay "không thiện" trong mắt người khác.
    Tất nhiên, khi đã giác ngộ, thì họ không còn phát khởi những tư tưởng và hành vi vị kỷ nữa, nên những hành vi của họ chỉ đơn giản là vì họ thấy cần thiết và phù hợp ở hoàn cảnh đó.
    Còn ở vị thế một người bình thường, thì cái ta phải biết ở đây không phải là ta nên giúp thế nào, hay giúp là đúng hay sai. Cái quan trọng là khi chúng ta tiếp xúc với hoàn cảnh đó, thì điều gì đã hoặc đang được khởi phát trong tâm ta ?
    Đó là một cảm xúc thương xót khởi phát lên, hay là một sự tính toán về lợi ích, hay là sự nghi ngờ về hoàn cảnh và người khác ? Bởi đó chính là những mầm mống tâm thức của riêng ta. Và rồi sau đó, ta đang nuôi dưỡng những tâm thức nào thông qua việc đó ?
    Như đã nói ở trên, cái kết quả bên ngoài của một hành động thực chất không quá quan trọng, mặc dù đa số ai cũng quan tâm cái quả này. Cái quả thực sự là cái quả mà ta đã gieo trồng trong tâm thức của mình, và ta hoàn toàn sẽ nhận lãnh đầy đủ cái quả này trong tương lai, thậm chí là trong nhiều kiếp sống sau đó.
    Vì thế, người tu tập là người thường xuyên quán sát những sự khởi sinh trong tâm thức và nhận diện chúng. Họ không trưởng dưỡng những tâm thức tai hại, cũng như không chạy theo những tâm thức vui thú hay mang tính thiện (vì trưởng dưỡng cái "thiện" cũng là tham muốn). Họ chỉ nhận biết và thực hiện những nhận thức và hành vi phù hợp và cần thiết cho hoàn cảnh thôi.
    Nhiều người hay nói từ bi là phải thương này kia, nhưng không phải
    Từ là không sân
    Bi là không hại
    Hỷ là không ghen ghét
    Xả là không bám chấp
.

Q: Mình hay nói móc, đá xoáy, hay tức giận/ khó chịu khi mình đang làm gì đó mà ai đó cứ đứng sau lưng chỉ chỏ, bàn luận,....
Vậy làm thế nào để bỏ được những hành động trên?
Mình đọc và nghe thấy được khuyên quán hơi thở, hay nghĩ người kia chỉ đang ... gì đó.
Nhưng mình thấy nó cứ thế nào ý, không hiệu quả lắm vì cứ vào tình huống đó là mình lại hành động xấu tính y như thế. Bạn có thể gợi ý mình cách để bỏ/bớt những hành động trên được không?
Quán hơi thở là một trong những phương pháp khởi đầu trong việc tu tập, nhưng ở đây chúng ta nên hiểu tại sao người ta lại khuyên như thế, và cơ chế của nó là gì ?
    Phương pháp tu tập thực sự chính là tự tri, tự quán sát. Khi chúng ta làm một điều gì đó, đối tượng của chúng ta là ngoại cảnh bên ngoài, và phản ứng của ta cũng dựa vào các đối tượng bên ngoài mà phát khởi, tất nhiên vẫn theo cơ chế của Nghiệp đã tích tụ từ trước.
    Sự phản ứng như thế trở nên bị động và dễ dàng sai lệch, vì chúng ta không tự chủ được các phản ứng, cũng không nhận thức được quá trình phản ứng của bản thân với các đối tượng bên ngoài đó.
    Vậy nên, giải pháp của sự tu tập Phật giáo chính là thay đổi đối tượng, và đối tượng ở đây là chính bản thân sự phản ứng, hoặc là chính cái cơ chế phản ứng của bản thân mình.
    Khi chúng ta tức giận với một điều gì, đối tượng của chúng ta là đối tượng bên ngoài đó, chúng ta bị lệ thuộc vào nó và phản ứng theo nó. Nhưng khi chúng ta quay trở ngược lại quan sát chính sự tức giận đang có, lúc này sẽ có sự khác biệt.
    Thứ nhất, chúng ta sẽ trở nên tách biệt ra khỏi sự tức giận, bởi lúc này sự tức giận đã trở thành đối tượng để ta quan sát. Cho nên ta sẽ có khả năng điềm tĩnh trở lại.
    Thứ hai, chúng ta có cơ hội thấu hiểu cơ chế của việc tức giận, hay thấu hiểu cảm xúc đang vận hành trong ta ra sao.
    Và thứ ba, do không còn bị sự tức giận chi phối, chúng ta cũng sẽ ứng xử phù hợp hơn.
    Tuy nhiên, thực tế là để làm được việc này hoàn toàn không hề dễ dàng. Chúng ta không thể chỉ nghe bảo về việc tự quán sát, và rồi sau đó ngay lập tức làm được liền. Bởi cơ chế kết nối với các cảm xúc hay suy nghĩ, cũng như cơ chế bám chấp vào các đối tượng bên ngoài vốn đã được vận hành trong một thời gian rất dài từ trước đến nay. Nên không thể bị thay đổi trong một sớm một chiều. Đó là lý do bạn thấy việc quan sát hơi thở là không quá hiệu quả, bởi không phải nó không hiệu quả, mà là do nghiệp của việc bám chấp quá mạnh thôi, điều này xảy ra ở mọi trường hợp mới bắt đầu tu tập.
    Nhưng tại sao lại là quan sát hơi thở?  
    Bởi do ban đầu, sự bám chấp vào các cảm xúc và suy nghĩ vẫn rất mạnh, nên sự tách rời khỏi chúng để quan sát gần như là bất khả. Nên trước tiên ta cần phải chia cơ chế ra hai phần, là tách ly trước, rồi sau đó mới quan sát sau.
    Quan sát hơi thở ở đây là việc chúng ta thực tập tách ly khỏi đối tượng mà ta đang bám chấp, để tập trung vào một việc khác. Trong khi đó hơi thở là một đối tượng luôn luôn thường trực hễ khi ta còn sống. Và nó mang tính trung tính cao, không phải là một thứ gì đẹp đẽ hay xấu xí, nó chỉ đơn thuần là hơi thở, vì thế nó là một đối tượng lý tưởng để chúng ta chọn lựa.
    Một vấn đề thứ hai của việc thực tập thường thấy đó là người ta cho rằng chỉ cần quan sát khi ta gặp một việc bất như ý nào đó. Nhưng do khi ta ở trong một tình trạng đang khởi phát một cảm xúc mạnh mẽ, thì việc chuyển đổi đối tượng sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
    Nên lời khuyên ở đây là chúng ta nên thực tập ngay trong những lúc bình thường nhất. Bởi khi đó ta không ở trong tình trạng cảm xúc cao độ. Ta dễ dàng nhớ đến cách thực hành quan sát, cũng như những thời điểm này chiếm đa số thời gian trong ngày của ta, và như thế đó là những thời điểm tốt để tạo dựng nghiệp cho việc quan sát.
    Cho nên, nếu bất cứ khi nào bạn nhớ ra, hãy trở về quan sát hơi thở của mình, đừng đợi đến lúc nổi giận mới quan sát. Và hãy hiểu rằng việc này là làm với mục đích rèn luyện sự tách ly bản thân ra khỏi các đối tượng bên ngoài.
    Khi bạn có thể dễ dàng tách ly được, sau đó sẽ là sự rèn luyện để có thể trụ được lâu hơn. Cũng như là chuyển sang các đối tượng phức tạp hơn như tư thế của cơ thể, các cảm giác, các cảm xúc hay suy nghĩ của bản thân mình.
Khi bạn có thể hoàn toàn tách mình ra khỏi những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, thì dù bạn đang cảm thấy ra sao, suy nghĩ ra sao, thì điều đó cũng không còn là vấn đề lớn nữa, vì bạn đã nằm ngoài chúng rồi.

Q: Cái phần quán hơi thở mình hỏi bạn khi nói về tức giận ý, tức là nói chung dùng để quan sát tâm và kết quả sự tiếp xúc giữa tâm và đối tượng đúng không?
Thế thì bản thân có thể quan sát sự khác nhau về cảm xúc giữa girl xinh với không xinh, từ đó thay đổi để đối xử bình thường với hai đối tượng như nhau, thế thì xinh hay không quan trọng gì nữa nhỉ?
Cái này là hướng suy nghĩ của nhiều người mới hay hỏi mình, nhưng bảo thật, nó không ổn đâu. :)
    Cái chúng ta cần quan tâm là cách mà tâm thức của mình phản ứng với các đối tượng ngoại cảnh. Khi ta tiếp xúc với một sự vật sự việc gì, và tâm sẽ nảy sinh phản ứng (theo nghiệp), thì cái ta cần là quan sát xem sự phản ứng đó đang vận hành ra sao. Chứ ngoại cảnh không phải là cái quan trọng, mà thái độ của tâm mới quan trọng.
    Cho nên, gái xinh hay không xinh không phải là vấn đề, vấn đề là tâm ta phản ứng ra sao giữa hai trường hợp đó. Ta có hiểu cơ chế của nó không ? Ta có biết do đâu mà nảy sinh phản ứng như vậy không? Phản ứng đó vận hành ra sao? Phản ứng đó sinh ra những hệ quả gì ?
    Đây mới là những cái mà ta cần phải đặt vấn đề, còn chuyện các cô gái kia ra sao không quan trọng.
    Nhiều người hay lấy các đối tượng bên ngoài để làm lý do cho sự tu tập của mình. Chẳng hạn rằng họ phải tiếp xúc cái này cái kia để quan sát tâm, nhưng như thế không ổn.
    Cái cần quan sát là bản thân tâm của chúng ta, nó ngay đó, ngay bên trong mình, chứ không phải là những cái bên ngoài. Nên hãy quay vào trong thay vì hướng ra ngoài.