Dịch từ bài gốc của Karen E. Bender trên Lithub
---
Tôi đã thốt ra câu hỏi mà hầu hết các nhà văn, không lúc này thì lúc khác, đều từng hỏi. Tôi diễu bước tới văn phòng thi sĩ Thom Gunn, người giảng dạy một workshop về thi ca mà tôi đang theo học ở ĐH UC Berkeley. Tôi đã nộp một ít bài thơ để ông duyệt nhận vào workshop, nay muốn hỏi xem mình có được nhận chăng. Tôi băng qua cái không khí ấm áp, đầy sao của Wheeler Hall để bước vào văn phòng của ông, nơi tôi run lẩy bẩy trước một mảnh giấy dán lên cửa và nhìn thấy tên mình trong danh sách trên cửa văn phòng.
Tôi đã được vớt.
Niềm khoan khoái ấy ngay lập tức song hành cùng một cảm giác sợ hãi âm ỉ thường trực.
Tôi đi học. Tôi muốn học viết thơ. Tôi muốn trở thành một nhà văn. Tôi ngồi lặng yên ở đó, cùng các sinh viên khác, lắng nghe, và giả vờ tôi hiểu điều gì đang xảy ra. Cái gật đầu ý nhị là một phần của màn phô phang này, và đôi khi lẩm bẩm một câu rì rầm đầy vẻ cẩn thận, hừm. Khi ra sức giải mã mọi thứ những người bạn cùng lớp đang phát biểu, tôi lạc sâu vào những chi tiết về họ: một cô gái trẻ có tóc vuốt nhọn rời khỏi căn phòng, chiếc áo khoác đen dài phấp phới đằng sau đầy quyến rũ và từ tốn đến nỗi nó nom như thể tồn tại ở một chiều không gian khác, đôi giày màu đỏ chói của một nam sinh khác trong lớp. Tôi để ý tấm bảng viết phấn và luồng sáng nhạt xuyên qua màn cửa sổ, về gã trai nào trong lớp tôi muốn được hẹn hò. Chỉ việc hiện diện trong cái lớp học đó không thôi, chỉ riêng sự xuất hiện của tôi ở đó, cũng khiến tâm trí tôi thầm rú lên vì sung sướng.
Một ngày kia, tôi tham gia một hội thảo dành cho sinh viên trong giờ làm việc của Giáo sư Gunn, và hỏi ý kiến của ông về các bài thơ tôi viết. “Vui lắm,” ông nói. “Nhưng chẳng hề có một tị cảm xúc nào bên trong.”
Ồ, tôi đáp, tụt mood. Nhưng lạ thay, bởi tôi biết chắc tôi dạt dào cảm xúc. Chúng đâu? Cái vận động huyền nhiệm nào đã dịch chuyển cảm xúc của tôi ra khỏi đầu, khỏi tim để rồi đề lên trang giấy?
Rồi tôi phải hỏi câu ấy.
Tôi có hay chăng tố chất trở thành một nhà văn? Tôi có sở hữu cái quyền năng bí nhiệm, vô song trong diễn đạt hay không? Liệu ông ta, một nhà văn lừng danh, có thể trả lời cho tôi tỏ? 
Tôi ngồi thẳng lên, nhìn ông bằng một nét mặt cương quyết, dữ dằn. Tôi muốn có câu trả lời rõ ràng. Ngay bây giờ.
Ông nom vừa mệt vừa ngạc nhiên, như thể học viên cứ hỏi mãi câu này. Tôi cảm giác như nhờ ông bảo xem mình có còn sống nữa hay không. Ông nói, “Trò có vô số tài năng, nhưng còn cần phải rèn luyện.”
Đó là một câu chỉn chu, và xét thêm chất lượng thi ca của chúng, thực ra còn hào phóng nữa. Mắt ông vô cảm, như một biện pháp tự vệ ngăn cản bất kỳ xâm lược nào nữa từ phía tôi vào chủ đề này, và tôi nói lời cảm ơn rồi quay xuống sảnh, trở lại cuộc sống của mình. 
ảnh của Aaron Burden trên Unplash
*
Giờ đây tôi ngồi tại văn phòng như ông và hàng năm, một sinh viên sẽ tới hỏi tôi: “Em có khiếu không? Em có thể nào trở thành nhà văn không?” Lúc nào nghe thấy câu này tôi cũng thấy một thúng buồn rười rượi trút lên đầu mình. Bởi tôi hiểu họ, các sinh viên, thực ra đang hỏi: em có nên dành trọn đời theo đuổi nghiệp viết hay không? Hay chọn một thứ khác cho rồi?
Đáp án dành cho câu hỏi này chính là: nên viết vì ta muốn viết, câu trả lời chẳng một ai muốn nghe thấy.
Bởi, bọn họ sẽ hỏi tới, liệu em có thể viết hay hay không?
Đương nhiên, không ai có thể trả lời, bởi chẳng ai có thể trả lời được xem một nhà văn sẽ tìm được gì nơi chính họ, hay loại tác phẩm nào họ sẽ hoàn thành, hay thế gian sau đó sẽ đáp lại nó ra sao. Nhưng tôi muốn chia sẻ một điều mà tôi cứ mãi nghĩ ngợi. Tâm trí một kẻ mài bút vận hành như thế nào? Đâu là những đặc điểm tính cách quan yếu để trở thành một nhà văn?
Sau hàng chục năm vật lộn đưa con chữ ra trang giấy và giúp các bạn sinh viên thực hiện quá trình tương tự, tôi có một vài ý nghĩ xoay quanh những gì chúng ta cần có ở bản thân để có thể trở thành một nhà văn. Và các ý nghĩ này chẳng hề được khoa học, thống kê nào làm cơ sở, chẳng gì cả.
Nhưng chúng chính là các đặc điểm mà tôi tin bạn sẽ cần hòng trở thành một người viết, và tôi muốn chia sẻ với các bạn.
*
Trước hết: đó là tình yêu dành cho ngôn ngữ. Rốt lại, ta thao tác với chữ nghĩa cơ mà. Với nhà văn, tồn tại cái cảm giác ta không chỉ muốn đọc lấy một câu hay một mô tả hay một chuyện kể - ta muốn ngốn ngấu chúng. Ta muốn giao hoan với chúng. Ta muốn, hơn hết, trao cho chúng sự sống - tức là mỗi tác phẩm chính là sự đáp trả cho một tác phẩm khác - một cuộc tạo sinh. Ta bị rung động sâu sắc, về mặt thể lý, mỗi khi đọc một câu viết, một nhân vật, một câu chuyện của một tác giả mà ta ngưỡng mộ. Ta ám ảnh bởi cách thức, phương thức.
Đó là lý do bạn chọn hình thái biểu cảm này, thay vì vẽ tranh hay điêu khắc, hay múa hay nhạc. Bạn yêu chúng, những con chữ, và bạn muốn dùng thời gian để sắp xếp chúng lại với nhau.
Thứ nhạy cảm ngôn ngữ này chính là cái mà họ gọi là “năng khiếu”. Nó được mô tả kiểu như một dạng sở hữu: “Cô ấy có khiếu.” Tôi lúc nào cũng nghi ngờ cái chữ “khiếu” trong viết văn. Đồng ý là có, buộc phải có một nhạy cảm dành cho ngôn ngữ và một ham thích với con chữ và hình ảnh và câu chuyện. Virginia Woolf, khi mô tả về Shakespeare, viết thế này trong tiểu luận Độc giả bình dân của bà: “Shakespeare, bậc thiên tài chế chữ, như thể ý nghĩ lao vào một đại dương chữ và giương trở ra, đẫm ướt.”
Là thế. Chúng ta tất cả đều nên lao đầu vào cái biển chữ kia. Đúng thế.
Thế nhưng, “khiếu”, theo cảm giác của tôi, là một khái niệm quy giản, và theo cách nào đó còn có tính chất phá hoại. Em có khiếu không? Học viên hỏi tôi. Các em thực ra đang hỏi: Em có hay không cái thứ diệu kỳ, long lanh bên trong, quý báu vô ngần, một cái gì đó quý báu mà em có thể tin cậy?
Trước hết, đúng thế, ta cần sự nhạy cảm dành cho ngôn ngữ. Và các đặc điểm tâm lý mà tôi tin là cần thiết để trở thành một cây viết chính là: khuynh hướng nhạy cảm tuyệt đối, cởi mở trước trí tưởng tượng, một sự cứng đầu nhất định, và một dạng huyễn tưởng không sai dù chỉ một li.
*
Đặc điểm đầu tiên mà tôi hoài hủy nghĩ suốt chính là khuynh hướng nhạy cảm tuyệt đối, mà gần đây tôi đọc rất nhiều. Một khái niệm mới: HSP, Người siêu nhạy cảm. Theo TS Elaine Aron, nhà tâm lý nghiên cứu những HSP và viết nhiều đầu sách về họ, chừng 15-20% chúng ta thuộc nhóm này. TS Aron cho rằng một người có thể xác định là HSP hay không chỉ bằng cách trả lời câu hỏi trắc nghiệm của bà. Tôi thử, ở trang hsperson.com. Sau đây là một vài câu miêu tả trong đó:
Tôi dường như để ý thấy những vi tế vi lượng ở môi trường xung quanh.
Tâm trạng của người khác ảnh hưởng tới tôi.
Tôi có đời sống nội tâm trù phú và phức tạp.
Tôi không thoải mái trước tiếng ồn.
Tôi phát cáu khi phải thực hiện nhiều thứ trong một quãng thời gian ngắn.
Tôi dễ bị lay động bởi nghệ thuật và âm nhạc.
Tôi cương quyết tránh xem các show truyền hình và phim ảnh bạo lực.
Khi mọi người xung quanh thấy thiếu thoải mái, tôi thường biết cần làm thế nào để họ thoải mái hơn (chẳng hạn chỉnh đèn hay thay đổi ghế ngồi).
Bài trắc nghiệm HSP, thú thật, là một trong những trắc nghiệm trớt quớt nhất trên đời. Tôi chẳng thể nào công nhận độ xác thực của bài trắc nghiệm, nhưng vẫn có thể hiểu vì sao trải nghiệm của chính mình được thể hiện rõ ràng trong nó. Tôi khóc trước các quảng cáo xe. Tôi khóc khi người khác khóc. Ở mỗi bộ phim đi xem, tôi thường rưng rưng trước bất kỳ cảnh lâm li nào hiện ra trên màn ảnh. Cảm xúc của tôi, hơn tất cả những thứ khác, đôi khi có thể trở nên quá tải, dập dồn. Tôi lạc vào những giấc mộng ban ngày, nhưng lại vô cùng thuyết phục và sờ sờ hiện hữu. Tôi nhạy cảm trước âm thanh.
Tôi lắng nghe các học viên môn viết tâm tình, và một số đặc điểm phơi bày khá nhất quán (và những đặc điểm khác rơi vào phân loại HSP) ở chỗ các em quả thật có đời sống nội tâm phong phú, hết sức nhạy cảm trước thế giới quanh mình.
Trong tiểu luận kinh điển The Crack Up, F. Scott Fitzgerald đánh vật tìm ra bằng được không gian tâm trí để ông vào trú ngụ như một nhà văn và tuyên bố rằng, sau khi đã trải qua một cú suy sụp tinh thần, một “crack up”, như sau:
Một đêm vật vã nhọc nhoài tôi thu dọn rồi rời đi cách xa hàng ngàn dặm để nghĩ cho thông suốt. Tôi lấy một phòng rẻ mạt ở một thị trấn nhỏ bé tồi tàn nơi tôi chẳng quen biết ai và ngốn hết chỗ tiền mang theo vào thịt hộp, bánh quy, và táo. Nhưng chớ để tôi lên tiếng rằng thay đổi từ một thế giới khá ư chật chội sang một sự thanh tẩy tương đối nào đó là  diệu kỳ - tôi chỉ muốn có một sự yên tĩnh tuyệt đối để nghĩ xem vì sao lại hình thành nên một thái độ buồn bã với sự buồn bã, một thái độ sầu bi với sầu bi, và thái độ bi kịch trước bi kịch - vì sao tôi đã đồng dạng đồng hình với những chủ thể bên trong nỗi sợ và lòng thương cảm của mình.
Đọc thấy đoạn này, tôi tự hỏi có phải đây là diễn giải cảm giác của nhà văn khi bị vồ vập tới tấp, của cái nhu cầu muốn nhất thời tách khỏi thế giới, để cảm thấy trọn vẹn căn phòng trống trải cùng chiếc máy đánh chữ.
Nhưng đối với viết, cái kiểu nhạy cảm cao độ cả về giác quan lẫn cảm xúc là rất quan trọng. Nó chính là cái hòa nhà văn vào vẻ lộng lẫy của nắng trưa thay vì buổi hoàng hôn, hay trước tiếng còi xe giữa cơn mưa và cảm giác của một nỗi sầu riêng tây. Cái cảm giác nhận thức rõ nét sự nhớp dính lộng lẫy của thế gian, về thứ hoang dại bên trong tâm hồn, tức nhà văn đầy các lỗ hổng - trước trải nghiệm, trước nguyên tố, trước cảm xúc. Đó là điều khiến lũ bọn họ muốn ôm nắm lấy thế giới và vật nó ra trang viết.
*
Yếu tính quan trọng kế tiếp của nhà văn là cởi mở trước trí tưởng tượng. Đặc điểm này có thể áp dụng với các cây bút hồi ký lẫn hư cấu, hay các thi sĩ, bởi hành động sắp xếp cuộc sống thật vào trang giấy cũng chính là một hành động thuộc về trí tưởng tượng, của chuyển hoán. Với nhà văn hư cấu, cần phải có niềm tin vào tầm quan trọng của trí tưởng tượng - hay niềm tin vào dối trá. Tưởng tượng là kết nối vào bản thân như một đứa trẻ trước khi ta bị nhồi logic vào đầu. Bởi khi sáng tạo ra câu chuyện, ta tạo ra một thứ sống động tựa như cuộc sống.
Đôi lúc các nhà văn tập sự sẽ cười phá lên khi tôi bảo các bạn ấy nói dối. Có phải một phần của nỗi sợ chính là chớ tin tưởng hay không? Viết hư cấu, tin vào lời nói dối trên trang viết, nghĩa là ta cũng muốn nói dối để người khác coi trọng mình. Là một nhà văn hư cấu, ta sống những thế giới song song - thế giới của sự thật thông thường bên ngoài, khi tỉnh giấc, nơi chúng ta cố sức thành thật và chân thật như một phần giao kết với kẻ khác.
Nhưng, trên trang giấy, tưởng tượng (và nói láo) vui tợn. Đó là cách để phô diễn trong tâm trí, cố hiểu những con người không phải chúng ta, để bước ra khỏi cái gói kiện lạ lùng mang tên chúng ta. Milan Kundera từng viết:
Nhân vật trong tiểu thuyết của tôi là những triển vọng bất thành của chính tôi. Đó là lý do vì sao tôi mến yêu tất cả và cũng e sợ trước tất cả bọn họ. Mỗi người bọn họ đều băng vượt một ranh giới mà bản thân tôi đã quây lấy.
*
Đặc điểm quan trọng kế tiếp của nhà văn là sự cứng đầu không hề biết khoan nhượng trước một điều gì đó. Tôi nghe thấy những học viên tuyên bố với giọng rất trầm trọng, “Em phải trở thành nhà văn! Phải như thế.” Có thể nghe hơi chút kịch tính, nhưng vẫn hết sức thiết yếu. Có chút gì đó bên trong thái độ phòng vệ tựa như đang điên tiết trong giọng nói của các bạn khiến tôi phải suy nghĩ - đúng vậy. Em sẽ làm được. Đó chính là một tiếng gào tuyệt vọng trước bất cứ kẻ nào kêu gọi các bạn chọn cho mình một lối khác. Sự cứng đầu của một nhà văn đưa họ tới trang giấy vào ban mai, những quãng rỗi trong giờ làm việc, khuya khoắt đêm về, khi kẻ khác đang ăn tối, xem TV, sự cứng đầu sẽ mang bạn vào sự viết, bất kể khó khăn, kể cả khi bạn nhòm chăm chăm vào trang viết không thể nặn ra được gì. Sự lỳ lợm của hành động. Orhan Panuk chia sẻ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học của mình như sau: “Bí quyết của nhà văn nào phải cảm hứng - bởi chẳng bao giờ biết cảm hứng đến từ đâu - mà ở sự cứng đầu, tính kiên nhẫn của họ. Có một cách diễn đạt bằng tiếng Thổ duyên dáng như sau - đào giếng bằng kim - dường như đã được nghĩ ra để miêu tả các nhà văn.”
Nhưng nhà văn đòi hỏi phải có đúng một kiểu cứng đầu nhất định, một sự ngoan cố cho phép họ biết lắng nghe. Khi một nhà văn trao cho độc giả một tác phẩm dang dở - một lớp học, một người bạn, một người đại diện hay một biên tập - nhà văn sẽ nhận phản hồi. Vị độc giả này có thể ngưỡng mộ trầm trồ một đoạn trong truyện và ghét đoạn khác, hay nghĩ rằng viết hay hay dở. Ở đây, nhà văn cần mở (và đóng) một cách chọn lọc.
Trong trực cảm, bạn thấy phản hồi nào đúng với mình? Điều gì khẳng định hoài nghi của bạn dành cho một bài viết? Tất cả phản hồi đó đến từ chỉ một người, với gu thẩm mỹ, và đôi khi là động cơ, cụ thể riêng biệt của họ. Đôi khi độc giả hoàn toàn hiểu sai một tác phẩm, khi ấy sự cứng đầu (“Tôi chẳng hề định như vậy!”) cũng cần thiết. Nhưng lúc khác, một độc giả có thể giúp ta nhìn thấy cái ta viết ra ở một góc nhìn khác. Đó là khi ta cứng đầu đến mức “úm” tác phẩm của mình, và chẳng hay ho chút nào.
Do vậy: cứng đầu khi sáng tác, cứng đầu có chọn lọc khi lắng nghe và chấp nhận phê bình. Cẩn thận lắng nghe là cốt lõi - hấp thu, tư duy trở lại.
*
Một yếu tính khác dành cho nhà văn là khả năng đánh lừa bản thân.
Mới đây tôi vừa bảo học viên học viết văn rằng các em nên học cách đánh lừa  chính mình. Học viên nhìn tôi trân trối, dễ hiểu vì sao như vậy.
Để viết, tôi khuyến nghị một kiểu lừa phỉnh hết sức cụ thể. Một lừa phỉnh là sai trái khi ta, chẳng hạn, từ chối nhìn nhận rằng một ai đó không thật sự ưa thích mình, rằng ta chẳng mắc nợ tứ giăng, rằng ta nghe thấy giọng hư ảo. Nhưng trong sáng tác, khi ngồi xuống trước một trang giấy trắng và bảo rằng, “Mình sẽ viết một tiểu thuyết,” hay một câu chuyện, hay bất cứ thứ gì không có một kết quả hay một tấm bản đồ rõ rệt, sự phỉnh lừa (hay, có lẽ sự dồn nén sâu xa hơn nỗi khó khăn vô lượng của hành động này) có thể có tác dụng.
Tự lừa dối, thành thật mà nói, có thể rất thực dụng. Khi rời cao học, người ta hỏi tôi, “Dự định của cô là gì?” và tôi trả lời họ, “Tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết.” Tôi có vài kế hoạch mơ hồ để kiếm tiền - làm bán thời gian, dạy kèm, kiểu vậy - nhưng điều tôi thật sự làm, tôi tự nhủ, chính là viết tiểu thuyết. Thật sự, điều đó đúng - tôi bỏ ra nhiều giờ liền mỗi ngày để gõ máy đánh chữ. Nhưng liệu, thật sự, nó có thành hình một quyển tiểu thuyết hay không? Đây là lúc ảo tưởng của tôi xuất hiện.
Viết tiểu thuyết là một trong những cam kết thực hiện nhừ nhọc nhất về tâm lý. Tự cổ chí kim. Ta bắt đầu từ thinh không. Từ đó ta tạo ra một hỗn mang, nếu tiếp tục, và rồi ta cắt gọn mớ hỗn mang ấy, sắp xếp, và rồi vứt đi, rồi lại chỉnh sửa, và thế là, có lẽ, một ngày kia, ra một quyển sách. Ta không thể xem nhẹ cái canh cánh hàng ngày mà thứ trống không đó mang tới, và cái thứ năng lượng vô hình nó ngốn vào để tạo ra một cái gì đó từ thinh không. Ta chẳng có một ai trao cho lộ trình di chuyển trừ chính ta. Chỉ có mình ta, duy nhất.
Vậy làm thế nào kẻ viết sống trong sự mơ hồ tậm tịt này? Chìa khóa là đây: phỉnh lừa cộng siêng năng. Lừa phỉnh đi riêng lẻ cứ vẫn là lừa phỉnh. Nhưng ngồi xuống và bắt tay vào viết thường xuyên nhất có thể, thật sự làm một cái gì đó ngày qua ngày - thế là ta trở thành nhà văn.
Cớ gì ta quá bận lòng với việc phí lỡ thời gian? Một phần ở chỗ nền văn hóa của chúng ta khiếp sợ trước chuyện thừa thãi, phí hoài. Chỗ đáng sợ chính là nào có gì chắc chắn, chẳng thể biết ta có thể hoàn thành quyển tiểu thuyết hay không, ai đó có chịu xuất bản cuốn sách hay chẳng một ai, độc giả có thích hay không thích, hay tệ hơn nữa là thờ ơ với nó.
Một gánh nặng tâm lý đối với một nhà văn là khoản đối phó trước câu hỏi - ta tồn tại cách nào? Làm sao ta biết có thể xong xuôi một tác phẩm hay không và liệu khi ấy nó có tìm được chỗ đứng giữa thế gian hay không? Khi viết hồi đại học, khi cố gắng tỏ ra nghiêm túc, mỗi ngày, mỗi dòng viết tôi đều cảm thấy gánh nặng này. Mỗi lần ngồi xuống viết, tôi cảm tưởng như đang chiến đấu để có cuộc đời của một nhà văn.
Còn chước nào hay ho hơn để ngồi trước trang viết hay sao?
Tôi là nhà văn, một ngày kia tôi tự nhủ. Ngạc nhiên thay, chẳng ai phản đối tôi. Đó là một cú chuyển từ Mình đang cố để làm gì? Hay Cái đống giẻ rách này không thể ngửi nổi. Có lẽ, tôi nghĩ, tôi có thể thật sự tưởng tượng bất cứ thứ gì liên quan nỗ lực này. Điều này khiến tôi quả thật cảm thấy đôi phần tốt hơn. Tôi sẽ thành một nhà văn và viết tiểu thuyết. Tôi sẽ viết một quyển sách hay.
Và rồi tôi quay lại công việc thường ngày, viết từng câu, cắt gọt, viết lại. Cách này hay cách khác, sự ảo tưởng rằng tôi có thể, theo cách nào đó, trở thành một nhà văn, một kẻ có điều gì đó thiết tha để tỏ cùng thế gian, khiến việc viết này trở nên dễ dàng hơn ít nhiều. Và đây chính là chìa khóa cho một ảo tưởng thành công - chỉ hữu ích khi nó giúp ta hoàn thành tác phẩm.
Vậy kia là một số yếu tính mà cá nhân tôi cảm thấy bạn cần có để trở thành một nhà văn. Phải, tình yêu và nhạy cảm dành cho ngôn ngữ, khao khát cũng như khả năng thao tác với câu chuyện và câu viết và từ ngữ. Một kiểu siêu nhạy cảm trước trải nghiệm, trước cảm nhận. Sự cởi mở muốn nhìn thấy và sáng tạo ra thế giới. Một sự cứng đầu miên mải giữ chân ta luôn tiến về phía trước. Và khả năng tạo ra một ảo tưởng nhất định, gắn liền với tác phẩm không sao tách rời ra được.
Cùng nhau, các yếu tính trên trao cho nhà văn món quà quý giá nhất - một cơ may. Mỗi lần ta ngồi xuống viết là một cơ may viết đúng, cơ may tìm ra một nét đẹp mới mà ta chưa từng hay rằng nó tồn tại, để khai quật một chân lý ta chẳng hề biết là có thật. Để thành một nhà văn là tìm cho ra cái locus kiểm soát bên trong ta. Điều quan trọng chính là trải nghiệm nằm giữa chính ta, kẻ viết, những ý nghĩ cư ngụ bên trong ta, và ngôn từ, viết ra, ngày qua ngày, trên trang giấy.
k.