Tính thực tế trong phim
Một trong những bộ phim yêu thích của mình là “ The Girl with the Dragon Tattoo (2011) ” , tạm dịch là “ Cô Gái với Hình Xăm...
Một trong những bộ phim yêu thích của mình là “The Girl with the Dragon Tattoo (2011)”, tạm dịch là “Cô Gái với Hình Xăm Rồng”. Phim do David Fincher đạo diễn và được chuyển thể từ tiểu thuyết “Män som hatar kvinnor”, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Những Người Đàn Ông Ghét Phụ Nữ” của nhà văn Thụy Điển Stieg Larsson. Trước đó, bộ phim này cũng đã có một phiên bản Thụy Điển.
Bộ phim này được đánh giá cao bởi nhiều người và đạt một số thành công nhất định, nhưng khi so sánh với bản phim Thụy Điển, vẫn có nhiều người không đánh giá cao nó. Một trong những lý do được đưa ra là phiên bản Thụy Điển cảm giác thực tế hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên tính thực tế được nhắc đến.
Một bộ phim khác mà mình cũng khá thích và đánh giá cao là “The Town (2010)” của đạo diễn Ben Affleck. Bộ phim này cũng có một số thành công nhất định, nhưng nó lại bị Quentin Tarantino, đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim như “Kill Bill Vol 1và 2, Pulp Fiction” đánh giá là thiếu thực tế.
Vậy tính thực tế ở đây là gì và nó có quan trọng không?
Tính thực tế trong phim là sự mô phỏng hoặc phản ánh chân thực cuộc sống, giúp khán giả cảm thấy các sự kiện và nhân vật trong phim có thể tồn tại trong thế giới thực. Tính thực tế làm cho phim trở nên thuyết phục và đáng tin cậy đối với khán giả.
Nói dễ hiểu, tính thực tế là khi logic và quy luật trong phim phù hợp với logic và quy luật ở thế giới thực.
Ví dụ như những phim dựa theo sự kiện có thật như “Oppenheimer (2023)” của Christopher Nolan. Phim kể về cuộc đời của J. Robert Oppenheimer, người đứng đầu Dự án Manhattan và được coi là "cha đẻ của bom nguyên tử".
Tính thực tế có quan trọng không? Câu trả lời là tùy.Tùy thuộc vào nội dung của phim.
Ví dụ, “Air (2023)” của Ben Affleck dựa trên câu chuyện có thật về quá trình Nike ký hợp đồng với Michael Jordan để ra mắt dòng sản phẩm mới là giày Air Jordan. Các sự kiện trong phim lẫn các nhân vật đều có thật ngoài đời.
Đối với bộ phim này, tính thực tế là bắt buộc vì nó dựa trên sự kiện có thật.
Ví dụ khác là “The Town”, cũng do Ben Affleck đạo diễn. Bộ phim không dựa trên sự kiện có thật và các nhân vật đều là giả tưởng.
Tuy nhiên, nó vẫn cần tính thực tế vì bối cảnh phim, các quy luật và logic đã được xác định rõ là giống với thế giới thực. Nếu bộ phim có bất kỳ tình tiết nào không thực tế, nó sẽ trở nên vô lý và ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể của phim.
Quentin Tarantino đánh giá “The Town (2010)” là một bộ phim tội phạm hấp dẫn, nhưng Quentin cũng chỉ trích rằng hầu hết các nhân vật đều quá đẹp, làm giảm đi sự chân thực của bộ phim. Các nhân vật trong phim, như những tên cướp, xã hội đen, nhân viên ngân hàng, nhân viên FBI và gái l*ng ch*i (do Blake Lively thủ vai), đều quá xinh đẹp, khiến bộ phim trở nên vô lý thiếu thuyết phục.
Đối với những bộ phim như trên, tính thực tế là điều cần thiết và quan trọng. Nhưng đối với một số trường hợp khác thì nó không quá cần thiết.
Ví dụ như “Once Upon a Time in Hollywood(2019)” của Quentin Tarantino, mặc dù dựa trên các sự kiện có thật và các nhân vật trong phim đều có thật, nhưng nó lại rất khác xa thực tế.
Hai nhân vật chính của phim, Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) và Cliff Booth (Brad Pitt), đều là những nhân vật hư cấu, được Tarantino dùng để đại diện cho các khía cạnh khác nhau của ngành công nghiệp điện ảnh những năm 60.
Một số nhân vật khác như Lý Tiểu Long cũng được đánh giá là khác xa so với phiên bản ngoài đời thực và bị nhiều người chỉ trích.
Cuối cùng là cái kết của phim, khi thay đổi kết cục lịch sử của vụ th*m s*t Manson, tạo ra một kịch bản "giả định" nơi các nạn nhân sống sót và những kẻ tấn công bị ti*u di*t một cách ngoạn mục.
Bộ phim này không cần tính thực tế bởi vì ngay từ đầu nó đã xác định là một bộ phim viễn tưởng. Tarantino chỉ dùng các nhân vật và sự kiện có thật để kể một câu chuyện do ông tưởng tượng ra.
Bản thân cái tên “Once Upon a Time in Hollywood” (tạm dịch là Ngày Xửa Ngày Xưa ở Hollywood) cũng ám chỉ đây chỉ là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Ví dụ khác là phim “Bruce Lee: A Dragon Story (1993)”, một phim nói về cuộc đời của Lý Tiểu Long, nhưng không hoàn toàn chính xác về mặt lịch sử. Phim được sản xuất nhằm mục đích giải trí và tưởng nhớ Lý Tiểu Long hơn là cung cấp thông tin chính xác về cuộc đời của ông.
Trong phim, Lý Tiểu Long là con một, sống với cha và bị đeo bám bởi một bóng ma, ác quỷ. Những chi tiết này hoàn toàn không có thật. Diễn viên đóng chính là Jason Scott Lee cũng không giống Lý Tiểu Long.
Bộ phim này không cần tính thực tế vì nó là một câu chuyện thần thoại hóa về nhân vật Lý Tiểu Long với mục đích giải trí.
Cuối cùng, tính thực tế có quan trọng hay không cũng tùy thuộc vào quan điểm và cảm nhận của người xem.
Như mình đã nói, mình thích phim “Cô Gái với Hình Xăm Rồng” phiên bản Mỹ do David Fincher làm ra. Mình thích nó hơn bản gốc dù nó được đánh giá không cao bằng.
Phiên bản Thụy Điển (2009) sử dụng phong cách quay phim thực tế với ánh sáng tự nhiên và ít hiệu ứng kỹ xảo, giúp duy trì sự chân thực của câu chuyện.
Phiên bản Mỹ (2011) sử dụng nhiều hiệu ứng kỹ xảo và có phong cách sản xuất, hình ảnh tối tăm thường thấy trong phim của David Fincher, nhưng sự thay đổi này có thể làm giảm tính thực tế của phim.
Lý do mình thích bản Mỹ hơn bản gốc chính bởi yếu tố thực tế trong phim. Đối với mình, bản gốc giống như một câu chuyện có thật được thuật lại dưới góc nhìn của hai nhân vật chính. Còn ở bản Mỹ, mình có cảm giác như đang du hành vào một thế giới khác, một thế giới đen tối, bạo lực và đáng sợ.
Mình cũng thích phong cách làm phim của bản Mỹ hơn, đối với nhiều người, nó có thể bị đánh giá là cường điệu hóa và hoa mỹ không cần thiết, nhưng đối với mình, đó lại là điểm cuốn hút chính.
Tính thực tế trong phim là một yếu tố quan trọng, nhưng mức độ quan trọng và cần thiết của nó thay đổi tùy thuộc vào nội dung, mục đích và cảm nhận cá nhân.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất