Chưa bao giờ, dù chỉ một lần, tôi có ý định rời bỏ Hà Nội. Không hẳn là nợ nần gì hay có một tình yêu lớn nào đó với cái chốn mà mình sinh sống, mà là quá ngần ngại không muốn rũ bỏ những thói quen, những căn nhà mà tôi đã đi qua. Kỉ niệm làm tôi trở nên lười biếng, chẳng bao giờ muốn thử làm điều gì mới mẻ nào. Nhờ đó, tôi khám phá ra mình là loại người có thể mặc cùng một thứ quần áo, ăn cùng những món ăn trong suốt hàng trăm năm mà chẳng hề cảm thấy buồn chán. Nhất là khi mà tôi còn có thể tạo ra cho mình những giấc mơ, ở trong cõi riêng tư, bằng trí tưởng tượng của mình.
Có một thời gian, khi anh làm cộng tác viên dịch thuật cho một đơn vị báo chí quốc tế, công việc có thể làm ở nhà mà vẫn đạt hiệu quả công việc, thậm chí là tốt hơn. Bởi vậy, tôi và anh gần như lúc nào cũng được ở bên nhau. Vào những buổi sáng Chủ nhật, anh thường chở tôi đi vòng vòng trên chiếc xe cup cũ kỹ của mẹ anh, hoặc hôm nào sang hơn thì là chiếc Suzuki 7 chỗ lúc nào cũng đầy đồ chơi trẻ con của anh trai, đi mua một món đồ gì đó, hay ngồi cà phê nhấm nháp cho hết ngày. Và trong những chuyến dã ngoại nho nhỏ như vậy, hai chúng tôi lại bàn về ý nghĩa của cuộc đời, và việc tôi sẽ làm gì với cuộc đời của tôi.
Những phố chính của Hà Nội thường rất vắng vẻ vào buổi sáng, và khi chúng tôi chạy qua những lối đi trước đây tôi chưa từng nhìn thấy, chúng tôi nghe “nhạc nhẹ Tây phương” (The Beatles, Leonard Cohen, Chet Baker, và đại loại như vậy) và anh nói với tôi, điều đẹp nhất mà một con người có thể làm là sống theo ý mình – tiền bạc không được là mục đích, nhưng nếu hạnh phúc tùy thuộc vào nó, thì nó cũng có thể là phương tiện để đi đến mục đích – hay là, anh sẽ kể cho tôi nghe về hồi anh học cấp 2, anh lén lấy những băng cassette cũ của bố mẹ để chèn vào những bài hát mà anh thích. Và khi tiếng nhạc nổi lên, hòa nhịp với phố xá, anh sẽ gia giảm câu chuyện của mình bằng vài từ tục tĩu nho nhỏ, hay hài hước kể rằng đã từng học cùng lớp với mấy người giờ đang nổi tiếng ầm ĩ trên mạng, về việc những ngôi nhà cũ kỹ khu anh sống đã được xây cất ra làm sao, về thất bại của anh trong những vụ kinh doanh đầu tiên – và tôi biết tôi sẽ không thể nào quên những câu chuyện anh đã kể cho tôi nghe trong những lần dã ngoại như vậy.
Thỉnh thoảng, anh ngừng kể để chiêm ngưỡng phong cảnh bên ngoài, hay hất hàm nháy mắt chỉ tôi bóng dáng của một phụ nữ đẹp trên hè đường, và trong khi lắng nghe anh truyền cho những lời khuyên bảo, những sự khôn ngoan dịu dàng và dễ hiểu, tôi đưa mắt nhìn quang cảnh của một buổi sáng mùa đông màu xám đang loáng thoáng hiện ra trên những khung chắn gió của chiếc xe. Khi ngang qua khu phố cổ, tôi chăm chú nhìn những lối xóm ở phía sau, nơi vẫn còn một số căn nhà bằng gỗ cố gắng trụ lại trong những con phố chật hẹp, những đám trẻ con tiến về sân chơi sau những buổi học dài dằng dặc, hay đám khói bốc lên từ ống khói của chiếc xe thương binh kéo theo sau một đống sắt thép, tôi lắng nghe anh nói về việc con người tuân theo những linh tính và đam mê của riêng mình là quan trọng đến thế nào; và nói cho cùng đời người thật ngắn ngủi; và thật tốt nếu con người hiểu ra mình muốn làm điều gì trong đời mình – và, thực ra, một người trải qua cuộc đời của mình để viết, vẽ có thể thưởng thức một cuộc đời sâu xa hơn, giàu có hơn – và trong khi tôi nuốt lấy những lời nói đó, chúng như hòa nhập vào những cảnh sắc mà tôi đang ngắm nhìn.
Thời gian cứ thế trôi, âm nhạc cứ thế tiếp tục, những phong cảnh đường phố cứ thế thay đổi cùng với xe chạy, rồi tới một lúc, tôi nghe anh nói, “Mình rẽ vào đây nhé?” và những con đường hiện đại cũng như nhập vào thành con phố nhỏ hẹp phía trước mặt tôi, và tôi cảm nhận ra một điều, dù cho chúng ta không thể nào trả lời được những câu hỏi cơ bản của cuộc đời, điều đó không có nghĩa là chúng ta đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi như vậy. Và rằng thứ hạnh phúc thực sự ở trên cõi đời này, ý nghĩa thực sự của cuộc đời, chúng nằm ở đâu dó, ở những nơi chốn mà chúng ta chẳng bao giờ kiếm ra được. Và có lẽ chẳng hề mong muốn tìm cho ra, nhưng – dù cho chúng ta loay hoay mày mò tìm cho ra những câu trả lời, hay giản dị chỉ là lạc thú, xúc động sâu xa – thì sự theo đuổi, tìm kiếm đó quan trọng nhiều hơn là đích đến có lẽ chẳng bao giờ đạt được. Sự tra hỏi, tìm kiếm đó cũng quan trọng như là những quang cảnh mà chúng ta nhìn thấy qua khung cửa kính chiếc xe hơi, căn nhà, con phố…
Cùng với thời gian, cuộc đời – cũng như âm nhạc, nghệ thuật, và những câu chuyện kể – cứ thế lên lên xuống xuống. Và sau cùng chấm dứt, nhưng cho dù như vậy, về mãi sau này, chúng vẫn như còn sống cùng với chúng ta, trong những quang cảnh của thành phố đang trải dài trước mắt chúng ta, như những kỷ niệm của một giấc mơ.