Bài viết hôm nay không nói xấu về nước Pháp nữa, nói nữa nó lại càng xấu hơn thì sao :)). Chủ đề hôm nay sẽ về ngoại ngữ và mục đích của việc học ngoại ngữ, vậy thôi ha.
Điều đầu tiên mình học tiếng Trung để làm gì? Không biết có bạn nào từng xem Fahoka xedich chưa, nếu chưa thì bạn nên xem ngay và luôn. Cũng không biết lý do gì, mình tự nhiên click vào một video của anh ý và tèn ten, mục tiêu của đời mình lại có một bước đi mới. Với một tâm thế muốn về châu Á làm việc sau khi học xong Master, mình mông lung vì không biết sẽ về đâu. Với ngành xử lý dữ liệu nghiên cứu lâm sàng, VN chắc chắn không phải là nơi để về rồi vì những tập đoàn dược  dù có đặt rất nhiều site thử nghiệm ở VN nhưng khâu xử lý data thì luôn centralize, thường chỉ đặt ở những nước có nền y tế phát triển như châu Âu, Mỹ. Với tiêu chí là một nước nói tiếng Anh, ban đầu mục tiêu của mình là Singapore, vì dù sao một nước y tế phát triển như Singapore cũng có le lói vài cơ hội, cơ mà vì chỉ là le lói mà dân số Sing lại quá ít (nên thử nghiệm lâm sàng ở Sing cũng ít) do đó thật sự nhu cầu của ngành này ở đây cũng không có nhiều. Lại ngồi gõ Linh tinh (LinkedIn), Philipine, Malaysia cũng không hề có công việc này. Lúc này mình chưa hề nghĩ đến Trung Quốc, vì đơn giản không biết tiếng Trung thì làm gì có cơ hội. À thì là mà, cơ hội là do chính mình tạo ra cơ mà. Trước đây suy nghĩ của mình về Trung Quốc cũng như bao người dân VN khác : Hàng TQ thì đểu, dân du lịch TQ thì vô duyên. Chắc nhờ mấy clip trên mạng với thông tin báo chí VN toàn cộp mác TQ như vậy nên thành ra mình không có ấn tượng gì mấy. Nhưng từ khi xem video du lịch Trung Quốc của anh Fahoka, mình đúng kiểu như được rửa não. Cộng thêm lý do nữa đó là ngành của mình ở Trung Quốc đang rất cần. Khi mình đi học, những giảng viên thường là những người làm vị trí lead data management ở Sanofi, Servier,Cognizant toàn tên tuổi lớn và khi họ giới thiệu về các vị trí của bộ phận này, ngoài Pháp ra thì chỉ có 2 cái tên: Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ rất mạnh về mảng IT, cái này không cần bàn nữa rồi nhưng tại sao lại là Trung Quốc? À, vâng, với dân số 1,4 tỉ dân, gấp đôi dân số châu Âu thì nếu không bán cho thị trường Trung Quốc thì chắc mấy công ty dược ngoẻo ngay lập tức. Và đương nhiên để thuốc được lưu hành ở TQ thì thử nghiệm lâm sàng ở TQ là điều gần như bắt buộc, nhất là các loại vaccine. Thường các TNLS đều đặt nhiều site ở nhiều quốc gia để đa dạng hóa chủng bệnh nhân và để kiểm tra đáp ứng trên người châu Á, TQ luôn là một lựa chọn quá dễ dàng, dân số đông và chi phí rẻ. Và mình lại search trên Linhtinh, đúng chỉ gần gõ tên cv "Clinical data manager" , vị trí "China", đúng như dự đoán, nhiều và rất nhiều,  không chỉ Bắc Kinh, Thượng Hải mà còn Vũ Hán, Thành Đô, Quảng Châu. Everywhere. Partout.Và với mình, chỉ cần ở nơi đó mỗi năm mình được về nhà ăn Tết và được làm công việc mình muốn thì đó chính là nơi mình sẽ an tọa. Không có lựa chọn nào chuẩn hơn 2 từ : Trung Quốc. Mục tiêu đã được set up, công cuộc tìm hiểu về TQ và học tiếng Trung của mình bắt đầu từ đây. Đấy, lại đúng cái lúc mũi tên xoay về TQ thì TQ và Vũ Hán lại hot xình xịch vì đại dịch. Cơ mà kệ, học dịch tễ rồi thì cũng biết sơ sơ dịch bệnh cũng chỉ là trong một thời điểm và một vùng địa lý mà thôi còn cần câu cơm thì lại là chuyện cả đời. Trong công cuộc tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, giá cả, thủ tục hành chính, giao thông, ngân hàng, nói chung là mọi thứ thì lựa chọn của mình lại càng được củng cố thêm. Merci anh Fahoka nhiều. Không chần chừ gì nữa, học tiếng Trung thôi, zou ba!
Mình mới bắt tay vào học tiếng Trung từ đầu năm mới, 01/01, đến hôm này 22/02. Gần 2 tháng và mình đang luyện HSK4 còn mức cao nhất là HSK6. Tầm này vẫn chỉ ở mức giao tiếp thôi chưa đủ yêu cầu để có thể xin việc được. Nhưng 2 tháng từ không biết gì đên HSK4 cũng không quá tồi. Và mình nhận ra, học tiếng Trung không hề khó chút nào. Mình đã học tiếng Pháp 9 năm từ hồi nhỏ đến bây giờ ở Pháp gần 2 năm. Thế nhưng thật sự tiếng Pháp với mình : đọc, nghe, viết chắc bằng một học sinh cấp 3 còn nói thì như một đứa tiểu học. Hôm nay, ngồi xuống đây, viết ra một chút kết luận nho nhỏ trong quá trình học ngoại ngữ. Hệ quy chiếu mình dùng ở đây chính là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ. Khả năng dùng một ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ chính là thước đo hoàn hảo nhất. Và những khó dễ trong việc học ngoại ngữ cũng đến từ mức độ tương đồng giữa ngoại ngữ đó với tiếng mẹ đẻ. Sự tương đồng càng cao, việc học ngoại ngữ càng dễ.
- Về từ vựng: theo mình tìm hiểu thì 70% từ trong tiếng Việt có nguồn gốc Hán Việt. Đó chính là một lợi thế cực lớn cho người Việt khi học tiếng Trung. Mình lấy ví dụ sơ sơ cho các bạn dễ hiểu theo kiểu tiếng Việt/tiếng Trung (sorry mình ko biết gõ dấu pinyin): quần áo= yi fu, cảm động = candong, phong phú=fengfu, dự báo=yubao, nghiên cứu= yanjiu, tiên sinh=xiansheng, sinh hoạt=sheng hoa, thông tư= tongzhi, năm mới=xinnian (tân niên)... Điểm giống nữa là cách cấu tạo từ, từ tiếng Trung cũng cấu tạo như tiếng Việt, từ ghép được tạo bởi các từ đơn và nghĩa cũng do nghĩa của từ đơn mà ra. Lấy vd: từ "sinh" (sheng) trong các danh từ dùng để nói về người, ghép với từ "học"  (xue) sẽ thành học sinh (xuesheng), ghép với "nghiên cứu" sẽ thành nghiên cứu sinh (yanjiusheng). Không khó đâu nha. Cứ chăm chỉ là được.
- Về cách viết: Chữ Trung là chữ tượng hình nên mới đầu học sẽ thấy hơi rắc rối nhưng càng học mình thấy nó cũng chỉ là sự lặp lại, giống kiểu bạn viết chữ O 100 lần thì lần thứ 101 cô giáo nói bạn viết chữ O thì bạn sẽ tự động vẽ lên vở hình tròn thôi mà. Cứ chăm chỉ viết và đọc thì mặt chữ sẽ dần trở nên quen thuộc. Hơn nữa vì là chữ tượng hình nên điểm cộng là nó sẽ có số lượng nhất định. Ở mức độ HSK 4 là 1200 từ còn HSK 5 là 2500 từ. Và như mình nói ở trên khi học được cách viết từ đơn thì bạn cũng sẽ dễ dàng viết được từ ghép. Những người dạy tiếng Trung hay nói tiếng Trung là ngôn ngữ logic, mình cũng thấy vậy. 
- Về ngữ pháp: Đây là điểm mình thấy hứng thú nhất. Ai học tiếng Anh đều biết trong tiếng Anh, động từ phải chia theo thì và theo ngôi. Hiện tại, quá khứ, tương lai, hiện tại tiếp diễn, tương lai gần, tương lai xa, quá khứ gần, quá khứ xa (gọi vậy cho dễ nha, đừng trách mình). Đếm sơ sơ 7 thì chưa phải tất cả. Đùng một cái, một ngày kia bạn học tiếng Pháp. Hihi, cũng sương sương 20 thì chứ mấy, rồi thì thêm 6 ngôi chứ mấy, rồi thêm giống đực giống cái số nhiều số ít chứ mấy, à mà còn chưa kể thể conditionnel, subjonctif. Còn bổ ngữ trực tiếp, bổ ngữ gián tiếp, bổ ngữ nơi chốn, chọn xong rồi  thì đừng quên sắp xếp cho đúng thứ tự nha. Đấy, cảm giác của mình mỗi khi viết mail bằng tiếng Pháp thế đấy. AHIHI. Vì tiếng Anh và tiếng Pháp đều có nguồn gốc tiếng Latin nên động từ luôn phải chia.  Ở điểm này, mình cảm thấy biết ơn trời phật đã cho mình sinh ra ở Việt Nam, được học tiếng Việt. Một ngôn ngữ vừa dùng bảng chữ cái alphabet, nhưng động từ thì không chia, để nói về các thì, mệnh lệnh, lời khuyên chỉ cần thêm "hãy, nên, đã, đang, sẽ, sắp, vừa, không, đừng". Thật sự các bạn ạ. Hãy tự hào về tiếng Việt đi. Nhờ bảng chữ cái tiếng Việt, bạn có thể dễ dàng tiếp cận những ngôn ngữ dùng hệ thống alphabet. Và hay nữa là bạn không phải CHIA ĐỘNG TỪ. Trong một câu, bạn chỉ cần sắp xếp đúng Chủ-Vị-Bổ ngữ là bạn có thể viết một câu hoàn chỉnh nói được hết ý mình rồi. Còn tiếng Trung cũng thế đấy, bạn cũng không cần chia động từ, hihi, bạn không cần phải vẽ thêm nét vào một chữ tượng hình để làm sao cho nó diễn ra ở quá khứ, nếu vậy thì loạn thật :))). Phù!! May quá. Tiếng Trung thì có cấu trúc hơi khác chút C-B-V. Một điều khác nữa nó giống tiếng Anh ở chỗ tính từ đặt trước danh từ trong một cụm danh từ. Vd như anh đẹp trai là "soái ca" chẳng hạn, không phải là "ca soái". Tựu chung lại, có tiếng Việt trong tay thì học tiếng Trung như kiểu tìm về gốc nghĩa của tiếng Việt thôi. Vui vui là!
-Về phát âm: chắc hẳn ai học tiếng Anh cũng hơi nản khoản âm đuôi và trọng âm. Mình phát âm tiếng Anh cũng dở tệ lắm,tiếng Pháp cũng vậy. Có những âm muốn gào khan cổ họng cũng phát âm không thể chuẩn nổi mấy phụ âm rung. Bạn nào học tiếng Pháp sẽ hiểu. Nhưng khi học tiếng Trung thấy tự tin hơn hẳn. Tiếng Trung có 4 thanh điệu, tiếng Việt có 6 thanh, một số giống và một số khác nhưng không quá khó để học, mình chỉ cần học những cái khác thôi là đủ. Một số phụ âm như ch/j, zh/q sẽ hơi khó phân biệt ở chỗ bật hơi hay không. Sau khi học phát âm rồi nhìn pinyin (bính âm) bạn sẽ đọc thoải mái. Vì chữ Trung là chữ tượng hình nên hệ thống phiên âm pinyin được  phát minh chuyển tự Latin cho tiếng Trung giúp cho những người nước ngoài học tiếng Trung phát âm một cách dễ dàng hơn. Đến lúc này mình mới thấy tiếng Việt còn thần kì hơn nữa. Khi học một từ mới trong tiếng Trung, bạn phải học mặt chữ để viết, học nghĩa của từ để hiểu và học pinyin để phát âm. Còn trong tiếng Việt, chỉ cần nhìn mặt chữ, học được cách phát âm, ghép vần là bạn có thể đọc được chữ đó rồi, không cần phải thông qua một hệ thống phiên âm nào cả. Tiếng Anh, tiếng Pháp đôi lúc bạn vẫn cần phải tra phát âm trong từ điển vì viết vậy nhưng không đọc là vậy. vd như "en" trong tiếng Việt đọc là en, trong tiếng Anh lúc đọc là en (send) lúc đọc là in (been), lúc đọc là ưn (women). Cái này mình hiểu được khi xem kênh Cờ Rít ở châu Á. Thú vị phải không nào?
Kết thôi, hết hơi rồi. Học ngoại ngữ đối với mình như một niềm vui vậy. Tìm điểm giống và khai thác nó, cái gì khác mình học từ từ sau. Nói xấu Pháp quá lại quên mất một thứ, trong tiếng Việt cũng có nhiều từ có nguồn gốc tiếng Pháp mà khi học tiếng Pháp sẽ thấy giống đến ngỡ ngàng (súp lơ=chou fleur, sa lát= salade, xu chiêng= soustien :), xà phòng=savon, bia= bière). Từ gốc Pháp Việt hầu hết là từ vựng về khoa học, y tế, thực phẩm, những gì mà người Pháp mang đến VN trong thời kì đô hộ. Ngôn ngữ là phản ánh của lịch sử mà. Vừa học thêm một ngoại ngữ, hiểu thêm về văn hóa, biết thêm về lịch sử, đi du lịch có thể tự tin hơn. Còn mình, là vì một công việc, vì một cuộc sống không chỉ của mình. Hẹn gặp các bạn vào bài viết sau. Jiayou :)