Đâu là hiểm họa từ ngôn ngữ toàn cầu?

Ngôn ngữ toàn cầu mang lại nhiều ích lợi đáng kể; nhưng một số nhà bình luận đã chỉ ra những nguy cơ có thể xảy ra. Có thể ngôn ngữ toàn cầu sẽ nuôi dưỡng một tầng lớp tài hoa chỉ biết một thứ tiếng, tự mãn và coi thường hơn đối với các ngôn ngữ khác. Có thể những người thành thạo ngôn ngữ – đặc biệt nếu đó là tiếng mẹ đẻ – sẽ có thể suy nghĩ và làm việc bằng ngôn ngữ này nhanh hơn, có thể vận dụng ngôn ngữ làm lợi thế cho mình nhưng đồng thời để lại thiệt thòi cho những ai không có ngôn ngữ, từ đó dựng thành chiêu bài ngôn ngữ cho hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Có thể ngôn ngữ toàn cầu sẽ khiến mọi người lười học các ngôn ngữ khác, hoặc khiến họ ít có cơ hội học hơn. Có thể ngôn ngữ toàn cầu sẽ đẩy nhanh sự biến mất của các ngôn ngữ thiểu số, hoặc – điều đáng sợ nhất – khiến tất cả các ngôn ngữ khác trở nên dư thừa. Đôi khi có những tranh luận như “Mọi người chỉ cần một ngôn ngữ để nói chuyện với nhau. Một khi ngôn ngữ toàn cầu xuất hiện, các ngôn ngữ khác sẽ đơn giản biến mất”. Tất cả những điều này liên kết lại tạo nên một diện mạo khó tin của chủ nghĩa đắc thắng về ngôn ngữ – hiểm họa mà ở đó có người tán dương chiến thắng của một ngôn ngữ trong khi các ngôn ngữ khác phải trả giá.
Điều quan trọng là cần đối diện với những lo ngại này và nhận thức được thực tế phổ biến của chúng. Không thiếu những người có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ tin vào thuyết tiến hóa về ngôn ngữ (“để cái phù hợp nhất sống sót, và nếu cái phù hợp nhất đó là tiếng Anh, thì đó chính là tiếng Anh”) hoặc xem trạng thái toàn cầu hiện tại của ngôn ngữ này là một “sự cố đáng mừng”. Nhiều người nghĩ học ngoại ngữ chỉ toàn là lãng phí thời gian. Và càng nhiều người không thấy có gì sai trước quan điểm cho rằng viễn cảnh thế giới chỉ có một ngôn ngữ là điều vô cùng tốt đẹp. Với một số người, đó sẽ là một thế giới thống nhất và hòa bình với mọi hiểu lầm đều được xóa bỏ – ước mong thường thấy đằng sau các phong trào ủng hộ ngôn ngữ phổ quát nhân tạo (chẳng hạn như Esperanto). Và với nhiều người khác, một thế giới như vậy là sự quay về với tính “hồn nhiên” đáng ao ước mà loài người hẳn đã có vào những ngày trước sự kiện Tháp Babel.
Quyền lực ngôn ngữ
Liệu những người mà ngôn ngữ toàn cầu là tiếng mẹ đẻ là có tự động đứng ở vị trí quyền lực hơn so với những ai phải học như ngôn ngữ chính thức hoặc ngoại ngữ? Nguy cơ này chắc chắn có thật. Chẳng hạn, có thể các nhà khoa học nói tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh sẽ mất nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm các báo cáo bằng tiếng Anh so với các đồng nghiệp nói tiếng Anh, và do đó sẽ có ít thời gian hơn để tiến hành công việc sáng tạo của riêng mình. Có thể những người viết công trình nghiên cứu bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh sẽ bị cộng đồng quốc tế phớt lờ. Có thể các nhà quản lý cấp cao không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ hoặc những người làm việc cho các công ty nước ngoài nói tiếng Anh ở những nơi như châu Âu hay châu Phi sẽ thấy mình bất lợi hơn so với các đồng nghiệp nói tiếng mẹ đẻ, đặc biệt trong các buổi hội họp có dùng tiếng lóng. Đã có các bằng chứng truyền miệng chứng minh những điều trên hoàn toàn diễn ra trong thực tế.
Tuy nhiên, nếu quan tâm đúng mức đến vấn đề học ngôn ngữ, những bất lợi sẽ giảm đi đáng kể. Nếu dạy ngoại ngữ sớm đúng lúc ngay từ khi trẻ bắt đầu đến trường, và nếu duy trì liên tục cũng như đầu tư đầy đủ, thì năng lực ngôn ngữ đến lúc chín muồi sẽ là một thứ song ngữ thực sự và mạnh mẽ hệt như những người bản ngữ tiếp xúc với ngôn ngữ này từ khi mới chào đời. Đây là những cái “nếu” khổng lồ gắn với những vấn đề tài chính tốn kém, và do đó không có gì ngạc nhiên khi hiện chỉ một số ít người phi bản ngữ (với ngôn ngữ bất kỳ) có thể đạt được điều này. Nhưng trên thực tế, chuyện này là khả thi (nhiều lần được chứng minh bởi những người nói tiếng Anh từ các quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan), cho thấy rằng đối với kịch bản bất lợi này, không gì là không thể xảy ra.
Tại điểm này, ta nên xét đến nhận định cho rằng trẻ em bẩm sinh đã sẵn sàng trở thành người song ngữ. Khoảng 2/3 trẻ em trên trái đất lớn lên trong môi trường song ngữ và phát triển năng lực trong môi trường đó. Chúng có thể hợp nhất với một ngôn ngữ khác một cách tự nhiên nếu thường xuyên tiếp xúc, một điều mà người lớn hẳn phải ghen tị. Năng lực này dường như sẽ mất đi khi trẻ đến tuổi thiếu niên và đã có nhiều tranh luận học thuật xoay quanh câu hỏi tại sao lại như vậy (câu hỏi về “các giai đoạn then chốt”). Tuy nhiên, mọi người rộng rãi đồng tình rằng nếu chúng ta muốn thực hiện công việc học ngoại ngữ một cách nghiêm túc, một trong những nguyên tắc then chốt chính là học “càng sớm càng tốt”. Và khi công việc thực hiện nghiêm túc như vậy, trở lại với vấn đề tiếp thu ngôn ngữ toàn cầu, điều này sẽ khiến cho lập luận về chủ nghĩa tinh hoa tan biến.
Tự mãn về ngôn ngữ
Đối với người lớn, liệu ngôn ngữ toàn cầu có làm mất đi động lực học các ngôn ngữ khác? Vấn đề này cũng vô cùng hiện thực. Ta có thể quan sát thấy những dấu hiệu rõ ràng của tính tự mãn về ngôn ngữ ở những du khách thuần Anh hoặc thuần Mỹ. Những người này du lịch khắp thế giới với mặc định rằng mọi người đều nói tiếng Anh, và nếu người dân địa phương không nói tiếng Anh, thì đâu đó lỗi nằm ở các cư dân bản địa ấy. Hình ảnh một du khách người Anh liên tục gọi món với phục vụ bằng một giọng quát “nghe cho rõ từng chữ” đã quá gần với hiện thực để chúng ta thấy không còn dễ chịu. Dường như giờ đây động lực thực sự và phổ biến để học các ngôn ngữ khác đã bị thiếu vắng, một phần do thiếu cơ hội và tiền bạc, nhưng ngoài ra còn do thiếu vắng hứng thú đối với ngôn ngữ, và điều này có thể bị thúc đẩy bởi sự hiện diện ngày một tăng của tiếng Anh với vai trò ngôn ngữ toàn cầu.
Rất cần phải chú ý rằng ở đây chúng ta đang giải quyết những câu hỏi liên quan đến tâm thế hơn là về năng lực – tuy rằng ý sau thường được viện dẫn để giải thích. “Tôi không giỏi học ngôn ngữ” có lẽ là lời biện minh nghe nhiều nhất khi ai đó không nỗ lực để đạt được những kiến thức dù là nền tảng nhất của một ngôn ngữ mới. Thông thường, sự tự phủ nhận này xuất phát từ trải nghiệm học ngoại ngữ không suôn sẻ trên ghế nhà trường: người nói biết đâu đang nhớ đến kết quả kiểm tra kém ở trường – cái có lẽ không phản ánh được gì ngoài cách tiếp cận giảng dạy không thành công hoặc mối quan hệ rạn nứt thường thấy giữa giáo viên và lứa học trò. “Tôi chưa bao giờ có cảm tình với giáo viên tiếng Pháp của mình” là một câu nói điển hình khác. Nhưng điều này không khiến mọi người thôi nhận định chung rằng “người Anh (hoặc người Mỹ, v.v.) học ngôn ngữ không giỏi cho lắm”.
Ngày nay, có những dấu hiệu rõ ràng về sự gia tăng nhận thức ngôn ngữ trong các cộng đồng nói tiếng Anh, về sự cần thiết phải thoát khỏi định kiến đơn ngữ truyền thống. Trong những thời kỳ khó khăn về kinh tế, thành công của thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài có thể phụ thuộc vào các yếu tố tinh tế và sự nhạy cảm đối với ngôn ngữ bản xứ của đối tác nước ngoài tiềm năng. Ít nhất ở cấp độ doanh nghiệp và ngành công nghiệp, nhiều công ty đã bắt đầu có những nỗ lực mới theo hướng này. Nhưng ở cấp độ khách du lịch đơn thuần cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng ngày càng tăng đối với các nền văn hóa khác và sự sẵn sàng tham gia học ngôn ngữ nhiều hơn. Thái độ với ngôn ngữ luôn thay đổi theo thời gian, và ngày càng có nhiều người vỡ ra rằng họ cũng không mấy kém cỏi trong việc học một ngoại ngữ nào đó.
Đặc biệt, các chính trị gia và nhà quản trị có sức ảnh hưởng bắt đầu ra những tuyên bố giúp thúc đẩy bầu quan điểm mới mẻ về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Một ví dụ điển hình là bài diễn văn năm 1996 của Ngài Shridath Ramphal, Cựu Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung. Tiêu đề của ông, “Ngôn ngữ thế giới: cơ hội, thách thức, trách nhiệm”, bản thân nó đã hàm chứa sự điều chỉnh đối với suy nghĩ thượng đẳng, và nội dung diễn văn của ông nhiều lần lập luận chống lại nó:
“Bạn cực kỳ dễ dàng dấn bước trên thế giới về mặt ngôn ngữ khi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của bạn… Chúng ta trở nên lười học các ngôn ngữ khác… Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tiếng Anh có thể là ngôn ngữ thế giới; nhưng đó không phải là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới, và nếu đã là láng giềng toàn cầu tốt, chúng ta cần phải bớt nhúng nhường trước các ngôn ngữ của thế giới – hãy chăm chỉ làm quen và tìm hiểu các ngôn ngữ này.”
Vẫn còn phải xem liệu những khẳng định thiện chí này có giữ được ảnh hưởng lâu dài hay không. Trong khi đó, đọc qua một số thống kê so sánh về việc học ngoại ngữ sẽ rất hữu ích. Ví dụ, một Khảo sát Kinh doanh châu Âu của Grant Thornton vào năm 1996 báo cáo rằng 90% doanh nghiệp ở Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Hy Lạp có giám đốc điều hành có thể đàm phán bằng ngôn ngữ khác, trong khi tỉ lệ này chỉ là 38% tại các công ty Anh Quốc. Năm 2002, con số này vẫn cao đối với hầu hết các nước châu Âu trong cuộc khảo sát, nhưng đã giảm xuống còn 29% ở Anh. Trung tâm Thông tin về Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ có trụ sở tại Vương quốc Anh phát hiện ra rằng một phần ba các nhà xuất khẩu của Anh đã bỏ mất cơ hội vì kỹ năng ngoại ngữ kém. Và các công ty chỉ sử dụng duy nhất tiếng Anh ngày càng gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ khi cố gắng mở rộng ra những khu vực được cho là có triển vọng tăng trưởng lớn nhất trên thế giới, chẳng hạn như Đông Á, Nam Mỹ và Đông Âu – những khu vực mà tiếng Anh trước nay hiện diện tương đối thấp. Các vấn đề đang bắt đầu được giải quyết – ví dụ, nhiều trường học ở Úc hiện nay dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ đầu tiên, và cả Mỹ lẫn Anh giờ đây cũng đang chú ý nhiều hơn đến tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ “mẹ đẻ” đang phát triển nhanh hơn tiếng Anh). Nhưng chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài để đến được một thế giới mà các luận điểm kinh tế cũng như những luận điểm khác thuyết phục được hầu hết các quốc gia nói tiếng Anh từ bỏ sự thiển cận của họ trong vấn đề ngôn ngữ.
Ngôn ngữ chết đi
Liệu sự xuất hiện của ngôn ngữ toàn cầu có đẩy nhanh quá trình biến mất của các ngôn ngữ thiểu số và khiến ngôn ngữ chết trên diện rộng? Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải xác lập cơ sở tiếp cận. Quá trình thống trị và biến mất của ngôn ngữ đã được biết đến trong suốt lịch sử ngôn ngữ và tồn tại độc lập với sự xuất hiện của ngôn ngữ toàn cầu. Không ai biết có bao nhiêu ngôn ngữ đã chết đi kể từ khi con người biết nói, nhưng con số hẳn phải lên đến vài nghìn. Trong nhiều trường hợp, cái chết này là do một nhóm dân tộc bị thống trị và đồng hóa để rồi tiếp nhận ngôn ngữ của xã hội thống trị mình. Tình huống này hiện vẫn còn tồn tại mặc dù vấn đề đã được thảo luận ngày một khẩn trương khi tỷ lệ biến mất của ngôn ngữ bản địa đang cao chưa từng thấy, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Brazil, Australia, Indonesia và một số khu vực châu Phi. Ít nhất 50% trong số 6.000 ngôn ngữ sống trên thế giới sẽ chết đi trong thế kỷ tới.
Đây quả thực là một bi kịch về mặt tri thức và xã hội. Khi một ngôn ngữ chết đi, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ. Đặc biệt với những ngôn ngữ chưa từng có chữ viết hoặc chỉ vừa mới có, ngôn ngữ là kho tàng lịch sử của một dân tộc. Đó là danh tính của dân tộc. Chứng ngôn dưới dạng sử ca, truyện dân gian, bài hát, nghi lễ, tục ngữ và nhiều thực hành văn hóa khác cung cấp cho chúng ta cái nhìn độc đáo về thế giới mình đang sống cũng như cho ta một quy chuẩn văn học độc đáo. Đó là di sản của mỗi dân tộc đối với toàn nhân loại. Một khi đã mất đi, những di sản này không thể quay trở lại. Lập luận này tương tự như vấn đề bảo tồn môi trường và các giống loài. Lập tư liệu và bảo tồn ngôn ngữ (nếu được) cũng là một ưu tiên. Điều đáng mừng là vào những năm 1990 đã có một số tổ chức quốc tế được thành lập và tuyên bố mục đích ghi chép lại cho hậu thế nhiều nhất có thể những ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, các ngôn ngữ quốc tế (bất kể là ngôn ngữ nào) cũng chỉ có một mối quan hệ nhân quả hạn chế đối với tình trạng không vui này. Khả năng tồn tại của nhóm ngôn ngữ Sorb ở Đức, mối quan hệ giữa tiếng Galicia ở Tây Ban Nha với lịch sử chính trị, kinh tế địa phương, sự thống trị của tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha tại những khu vực này, tất cả không có mối liên hệ tức thời nào đối với vị thế của tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha trên trường quốc tế. Cũng không dễ thấy tiếng Anh với vai trò ngôn ngữ toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các ngôn ngữ này hay những ngôn ngữ thiểu số khác như thế nào. Hệ quả có lẽ chỉ xuất hiện ở những khu vực mà tiếng Anh đã thống trị và trở thành ngôn ngữ đầu tiên, chẳng hạn như Bắc Mỹ, Úc và các vùng nói tiếng Celtic thuộc Quần đảo Anh. Lịch sử ban đầu của sự tiếp xúc ngôn ngữ ở những khu vực này thực sự là một cuộc chinh phục và đồng hóa, và những ảnh hưởng đối với ngôn ngữ bản địa chính là thảm họa. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của tiếng Anh với vai trò một ngôn ngữ toàn cầu đúng nghĩa đã tạo ra tác dụng ngược lại (nếu có): kích thích phản ứng ủng hộ dành cho ngôn ngữ địa phương một cách mạnh mẽ hơn, trái ngược với tình huống vừa nêu. Thời thế đã thay đổi. Các phong trào đấu tranh cho quyền ngôn ngữ (cùng với quyền dân sự nói chung) đã đóng vai trò quan trọng ở một số quốc gia, chẳng hạn như tiếng Maori ở New Zealand, ngôn ngữ thổ dân ở Úc, ngôn ngữ da đỏ ở Canada và Hoa Kỳ, cũng như một số ngôn ngữ Celtic. Mặc dù thường là muộn màng, nhưng đã có trường hợp tốc độ suy giảm của ngôn ngữ chậm đi, và đôi khi là dừng lại (như trường hợp ngôn ngữ xứ Wales).
Sự tồn tại của những phong trào quyết liệt ủng hộ các nhóm ngôn ngữ thiểu số (thường gắn liền với chủ nghĩa dân tộc) minh họa một sự thật quan trọng về bản chất của ngôn ngữ nói chung. Nhu cầu hiểu rõ lẫn nhau – một phần của lập luận ủng hộ ngôn ngữ toàn cầu – chỉ là một mặt của câu chuyện. Mặt còn lại chính là nhu cầu bản sắc, và mọi người có xu hướng xem nhẹ vai trò của bản sắc khi bày tỏ lo lắng về sự tổn hại hoặc chết đi của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu (hoặc cũng có thể nói là phương tiện chính) cho thấy nơi ta thuộc về và phân biệt nhóm xã hội này với nhóm xã hội khác. Khắp thế giới có nhiều bằng chứng cho thấy ngôn ngữ có xu hướng phân chia hơn là hội tụ. Trong nhiều thập kỷ, nhiều người ở các quốc gia thuộc Nam Tư cũ đã sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Serbo-Croatia. Nhưng kể từ thời kỳ nội chiến đầu những năm 1990, người Serbia gọi ngôn ngữ của mình là tiếng Serbia, người Bosnia gọi ngôn ngữ của mình tiếng Bosnia, và người Croatia thì là tiếng Croatia, trong đó mỗi cộng đồng tập trung vào những đặc điểm ngôn ngữ nhất định tạo phân biệt. Tình huống tương tự cũng tồn tại ở Scandinavia, nơi mà người Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch hầu như có thể hiểu được tiếng nói của nhau, thế nhưng người ta vẫn xem đây là những ngôn ngữ riêng biệt.
Nguồn: dlenm.org
Nguồn: dlenm.org
Lập luận về nhu cầu bản sắc dân tộc hoặc văn hóa thường bị coi là trái ngược với lập luận về nhu cầu thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng điều này là sai lầm. Hoàn toàn có thể phát triển một tình huống hòa hợp cả vấn đề thấu hiểu lẫn duy trì bản sắc. Tình huống này tương tự với song ngữ – nhưng là trường hợp trong đó một ngôn ngữ là ngôn ngữ toàn cầu mang lại khả năng tiếp cận cộng đồng thế giới, và ngôn ngữ còn lại là ngôn ngữ địa phương có nhiều điều kiện giúp tiếp cận một cộng đồng địa phương. Hai chức năng có thể được xem như bổ sung cho nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Và chính vì các chức năng quá khác nhau nên về nguyên tắc, đa ngôn ngữ vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong một thế giới thống nhất dưới một ngôn ngữ chung.
Tất cả những điều trên không hề phủ nhận rằng sự xuất hiện của ngôn ngữ toàn cầu có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của các ngôn ngữ khác – đặc biệt khi chúng cung cấp một nguồn từ mượn mới mẻ. Những tác động như thế này có thể được hoan nghênh (giúp ngôn ngữ “đa dạng”, “giàu đẹp”) hoặc bị phản đối (bằng những ẩn dụ “què quặn”, “xơ chết”). Ví dụ, trong những năm gần đây, một trong những ngôn ngữ đề kháng mạnh nhất là tiếng Pháp đã cố gắng dùng luật pháp để tự vệ trước những gì thường được cho là ảnh hưởng xấu của tiếng Anh: trong ngữ cảnh chính thức, sử dụng từ mượn tiếng Anh trong khi tiếng Pháp có từ ngữ tương đương là điều bất hợp pháp, kể cả khi từ tiếng Anh ấy vẫn thường được dùng rộng rãi (vd: computer thay cho ordinateur). Các nhà bình luận theo chủ nghĩa thuần túy ở nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ lo ngại về việc từ vựng tiếng Anh – đặc biệt là tiếng Anh Mỹ – xâm nhập vào đường phố và các chương trình truyền hình tại đất nước mình. Lập luận của họ bị lấn át bởi cảm xúc. Hiện tượng vừa nêu chỉ ảnh hưởng đến một phần rất nhỏ từ vựng, thế nhưng cũng đủ khơi dậy cơn thịnh nộ cho những nhà dự đoán bi quan. (Người ta thường quên một thực tế là bản thân tiếng Anh trong nhiều thế kỷ cũng đã vay mượn hàng nghìn từ ngữ, cũng như tạo ra hàng nghìn từ vựng mới từ các yếu tố của những ngôn ngữ khác, trong đó có computer, incidentally lấy từ tiếng Latin – mẹ đẻ của tiếng Pháp).
Mối quan hệ giữa sự phổ biến toàn cầu của tiếng Anh và tác động đối với các ngôn ngữ khác thu hút ngày càng nhiều tranh luận trong suốt những năm 1990. Tính tương quan thấy được giữa tỷ lệ sử dụng tiếng Anh và sự biến mất của các ngôn ngữ thiểu số đã khiến một số nhà quan sát lặp lại khẳng định rằng có mối liên hệ nhân quả đơn giản giữa hai hiện tượng, bỏ qua thực tế là nhiều nơi trên thế giới, nơi mà tiếng Anh vẫn chưa hiện diện đáng kể, cũng diễn ra tình trạng mất đa dạng ngôn ngữ tương tự, chẳng hạn như Mỹ Latin, Nga và Trung Quốc. Quá trình toàn cầu hóa trong hiện tại dường như có nguồn gốc sâu xa hơn, vượt trên các tình huống ngôn ngữ riêng lẻ. Quan điểm của chủ nghĩa ngôn ngữ đế vương chỉ có giá trị khi giải thích sự mất cân xứng quyền lực giữa các quốc gia thuộc địa cũ và các nước thuộc “thế giới thứ ba”. Đến nay, những quan điểm này đã lỗi thời và không đủ khả năng giải thích các thực tế liên quan đến ngôn ngữ. Mọi người phớt lờ mạnh mẽ sự thật rằng các quốc gia thuộc “thế giới thứ nhất” với ngôn ngữ mạnh cũng chịu nhiều áp lực không kém khi tiếp nhận tiếng Anh, và các cuộc tấn công gay gắt vào tiếng Anh hầu như đến từ những nước không có di sản thuộc địa. Khi các ngôn ngữ thống trị cảm thấy mình bị thống trị, mối quan hệ quyền lực cần phải bổ sung thêm cái gì đó to tát hơn thay vì chỉ là một khái niệm đơn giản.
Những yếu tố khác, trong đó có nhận thức về sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu, mong muốn có tiếng nói trong các vấn đề thế giới, tính giá trị của chủ nghĩa đa ngôn ngữ khi thu hút thị trường thương mại, tất cả đều ủng hộ nhìn nhận tiếng Anh dưới góc độ chức năng. Tại đó, tiếng Anh được coi là công cụ giá trị giúp mọi người đạt được những mục tiêu cụ thể. Các ngôn ngữ địa phương tiếp tục thực hiện những chức năng quan trọng (chủ yếu là thể hiện bản sắc địa phương), trong khi tiếng Anh được coi là phương tiện chính để hiện diện trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này thừa nhận di sản của chủ nghĩa thực dân – một vấn đề lịch sử, nhưng trọng tâm tiếp cận chuyển sang tính không liên tục giữa các ngôn ngữ, tách rời quyền lực và hướng tới chuyên môn hóa theo chức năng. Mô hình này xem tiếng Anh đóng vai trò trung tâm trong việc trao quyền cho thành phần bị chinh phục và gạt bên lề xã hội, đồng thời xóa tan sự phân chia giữa những người “có” và “không có”. Thế nhưng những tranh luận cho vai trò mới này bị bác bỏ vì thể hiện “chủ nghĩa lý tưởng tự do ngây thơ” và “thái độ thị trường tự do”. Nói đúng hơn, vị trí ngôn ngữ đế vương của tiếng Anh đã không còn mối liên hệ với chủ quyền chính trị mà nó từng nắm giữ. Việc xem tiếng Anh nằm ở vị trí ngôn ngữ đế vương là một quan điểm ngây thơ, bỏ qua những thực tế phức tạp của một thế giới mà trong đó, các quan niệm lịch sử về các mối quan hệ quyền lực phải được nhìn nhận trong một loạt các mối quan hệ trao quyền nổi bật, và tiếng Anh đóng một vai trò mới trong các mối quan hệ này.
Nếu nỗ lực hướng đến mục tiêu nói trên chính là chủ nghĩa lý tưởng, thì tôi sẽ sẵn lòng làm một người theo chủ nghĩa lý tưởng. Tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là thị trường tự do, đổ vào một lượng thời gian, công sức và tiền bạc để khôi phục ngôn ngữ và các vấn đề liên quan trong những năm gần đây. Phải thừa nhận rằng tiến trình đạt được là rất nhỏ so với những tác động tai hại của toàn cầu hóa đối với tính đa dạng toàn cầu. Thế nhưng đổ lỗi toàn bộ cho tiếng Anh và bỏ qua các vấn đề kinh tế cơ bản hơn có liên quan, như hai nhà bình luận mới đây đưa ra, là “tấn công sai mục tiêu, chống phá ngôn ngữ chỉ để thỏa mãn”. Giải pháp nhiều khả năng sẽ đến từ lĩnh vực chính sách kinh tế thay vì chính sách ngôn ngữ. Như Lysandrou và Lysandrou kết luận:
Nếu tiếng Anh có thể tạo điều kiện cho quá trình chiếm hữu và biến mất trên phạm vi chung, thì liệu tiếng Anh có thể quay trở lại tạo điều kiện cho quá trình ngược lại: trao quyền lực và giành lấy quyền lực chung được hay không?