Tiếng Anh và câu chuyện ngôn ngữ toàn cầu (phần 1)
Phải chăng "Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu"? Thế nào là ngôn ngữ toàn cầu? Điều gì giúp ngôn ngữ trở nên “toàn cầu”?
Dịch từ Chương 1: Why a global language? trong sách English As A Global Language của tác giả David Crystal, xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Cambrigde năm 1997.
“Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu”
[...] Những phát biểu thế này có vẻ quá hiển nhiên đến mức hầu như chẳng làm ai nghĩ ngợi thêm. Đương nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, ai cũng sẽ nói như thế. Trên TV, ta nghe thấy chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới nói tiếng Anh. Đi du lịch đến bất kỳ đâu, ta đều thấy các biển hiệu và quảng cáo tiếng Anh. Bất cứ khi nào vào một khách sạn hoặc nhà hàng ở nước ngoài, người ta đều biết tiếng Anh, và ở đó luôn có thực đơn bằng tiếng Anh. Thật vậy, nếu phải thắc mắc thì đó chỉ là tại sao những dòng chữ này vẫn còn mới mẻ để đưa lên mặt báo.
Nhưng tiếng Anh luôn mang tính thời sự. Ngôn ngữ này vẫn cứ làm nên thời sự hàng ngày ở nhiều quốc gia. Và dòng chữ “Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu” không hàm chứa sự thật hiển nhiên. Vậy chính xác thì ý nghĩa của phát biểu này là gì? Chắc chắn nó không đúng, như ta sẽ thấy dưới đây. Vậy phải chăng câu nói này ngụ ý rằng các quốc gia trên thế giới đều công nhận tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức? Cũng không đúng nốt. Vậy thì khi nói một ngôn ngữ nào đó là ngôn ngữ toàn cầu, ý nghĩa của nó là gì? Tại sao tiếng Anh lại thường được dẫn ra? Ý tưởng đó nảy sinh từ hoàn cảnh nào? Và liệu cách nghĩ này có thể thay đổi không? Hoặc nếu một ngôn ngữ nào đó từng trở thành ngôn ngữ toàn cầu, ngôn ngữ đó có giữ mãi vai trò của mình hay không?
Đó là những câu hỏi hấp dẫn để khám phá bất kể tiếng mẹ đẻ của bạn có phải là tiếng Anh hay không. Nếu tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, có lẽ cách tiếng Anh lan rộng ra khắp thế giới sẽ cho bạn những cảm xúc lẫn lộn. Có thể bạn sẽ thấy tự hào khi ngôn ngữ của mình thực sự thành công; nhưng cũng có thể cảm giác tự hào ấy sẽ pha chút quan ngại khi bạn nhận ra những người ở các quốc gia khác biết đâu không muốn sử dụng ngôn ngữ của bạn theo cách giống như bạn, và họ đang thay đổi ngôn ngữ của bạn sao cho vừa vặn với chính họ. Chúng ta đều khá nhạy cảm với cách người khác sử dụng (hay thường gọi là lạm dụng) ngôn ngữ “của mình”. Cảm nhận sâu sắc về quyền sở hữu bắt đầu đặt ra câu hỏi. Thực tế, nếu có một hệ quả đoán trước được về việc một ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ toàn cầu, thì đó sẽ là không ai còn sở hữu ngôn ngữ đó nữa. Hay nói đúng hơn, bất kỳ ai học ngôn ngữ đó cũng đều sở hữu nó – hoặc chính xác hơn là “cùng dự phần trong đó” – và có quyền sử dụng nó theo cách mà họ muốn. Chỉ riêng thực tế này cũng sẽ khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, thậm chí đâu đó có chút khó chịu. “Hãy nhìn người Mỹ đã làm gì với tiếng Anh” không phải là một lời bình quá lạ lẫm trong những cột báo ở Anh. Mặt khác tại Mỹ cũng có thể nghe các nhận xét tương tự khi người ta bắt gặp đâu đó những biến tấu đi quá xa của tiếng Anh xuất hiện trên khắp thế giới.
Và nếu tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của bạn, bạn vẫn có thể có những cảm xúc lẫn lộn. Có thể động lực học tiếng Anh mạnh mẽ của bạn đến từ việc bạn biết rằng ngôn ngữ này sẽ mang bạn đến được với nhiều người hơn so với các ngôn ngữ khác; nhưng ngay khi biết rằng bạn phải cần rất nhiều nỗ lực để chinh phục được nó, bạn có thể sẽ bực tức khi phải nhọc công. Lúc mới bắt đầu học, bạn cảm thấy tự hào về thành tích của mình và hạnh phúc với khả năng giao tiếp tùy thích. Thế nhưng về vấn đề này thì những người tiếng Anh bản xứ sẽ có ưu thế hơn hẳn bạn. Và nếu bạn sống ở một đất nước mà ngôn ngữ của bạn đang bị đe dọa bởi sự thành công của tiếng Anh, biết đâu bạn sẽ ghen tỵ, bực bội hoặc tức giận. Có thể bạn sẽ phản ứng gay gắt trước những nhận định dân túy ngây thơ mà chứa trong đó là sự hời hợt và đôi khi kèm theo ngạo nghễ.
Những cảm xúc này là tự nhiên và sẽ phát sinh với bất kỳ ngôn ngữ nào có thể trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Chúng gợi lên nỗi sợ hãi cả thực tế lẫn tưởng tượng, và những nỗi sợ ấy dẫn đến xung đột. Tuần hành ngôn ngữ, tuyệt thực ngôn ngữ, bạo loạn ngôn ngữ và bức tử ngôn ngữ đã là hiện thực ở nhiều quốc gia. Mỗi ngày ta có thể bắt gặp hàng triệu những khác biệt chính trị trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, luật lệ và quyền liên quan đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ luôn có tính thời sự, và khi càng tiếng gần đến vị thế ngôn ngữ toàn cầu, điều đó càng đáng đưa tin. Vậy thì làm thế nào mà một ngôn ngữ có thể đạt được trạng thái toàn cầu?

Nguồn: Flickr
Thế nào là ngôn ngữ toàn cầu?
Ngôn ngữ thực sự đạt trạng thái toàn cầu khi nó đảm nhận một vai trò đặc biệt mà các quốc gia đều công nhận. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực tế thì không phải vậy, bởi khái niệm “vai trò đặc biệt” chứa đựng nhiều khía cạnh. Vai trò như thế này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia có số lượng lớn người nói ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ – trong trường hợp tiếng Anh, đó sẽ là Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Australia, New Zealand, Nam Phi, các quốc gia vùng Caribbean và một số vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên chưa từng có ngôn ngữ nào làm tiếng mẹ đẻ cho đa số dân cư tại quá vài quốc gia (ở góc độ này, tiếng Tây Ban Nha dẫn đầu với khoảng hai mươi quốc gia, chủ yếu ở Mỹ Latin), vì thế nếu chỉ được nói như tiếng mẹ đẻ thì ngôn ngữ sẽ không thể đạt đến trạng thái toàn cầu. Để có tính toàn cầu, ngôn ngữ cần phải được sử dụng ở các quốc gia tại khắp nơi trên thế giới. Các quốc gia này phải dành cho ngôn ngữ ấy một vị trí đặc biệt trong cộng đồng của mình, dù cho ngôn ngữ ấy có rất ít (hoặc không có) người sử dụng như tiếng mẹ đẻ.
Điều này được thực hiện qua hai con đường chủ yếu. Thứ nhất, ngôn ngữ được chọn làm ngôn ngữ chính thức, được sử dụng như một phương tiện giao tiếp tại những phạm vi nhất định như chính phủ, tòa án, báo chí và hệ thống giáo dục. Những ai muốn bước vào các lĩnh vực này nhất thiết phải thành thạo ngôn ngữ chính thức từ lúc càng trẻ tuổi càng tốt. Đây thường được gọi là ngôn ngữ thứ hai, vì chúng giống như một ngôn ngữ bổ trợ bên cạnh tiếng mẹ đẻ – ngôn ngữ thứ nhất. Vai trò ngôn ngữ chính thức ngày nay thể hiện rõ nhất ở tiếng Anh với vị trí đặc biệt giành được tại hơn bảy mươi quốc gia như Ghana, Nigeria, Ấn Độ, Singapore, Vanuatu... Vị thế của tiếng Anh vượt trên hẳn thành tích của bất kỳ ngôn ngữ nào khác trong quá khứ – dù tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và tiếng Ả Rập cũng từng có thể nói là đạt đến tầm ngôn ngữ chính thức. Những quyết định mang tính chính trị đối với tiếng Anh vẫn chưa dừng lại, chẳng hạn như vào năm 1996 có thêm Rwanda chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.
Thứ hai, ngôn ngữ được ưu tiên giảng dạy ở một quốc gia dù đó chưa phải là ngôn ngữ chính thức. Ngôn ngữ đó sẽ là môn học tại trường học cho hầu hết học sinh, và là ngoại ngữ thân thuộc nhất đối với người lớn dẫu họ chưa từng học (vì bất cứ lý do nào) hoặc học dở tệ thời phổ thông. Ví dụ, tiếng Nga đã nhiều năm giữ đặc quyền ở các quốc gia Liên Xô cũ; tiếng Hoa phổ thông tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á; tiếng Anh hiện là ngoại ngữ được giảng dạy rộng rãi nhất – ở hơn 100 quốc gia như Trung Quốc, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ai Cập, Brazil… – và ở hầu hết các quốc gia này, tiếng Anh vượt lên làm ngoại ngữ chính tại trường học, đôi khi còn thế chỗ cả những ngoại ngữ khác. Chẳng hạn, năm 1996 tiếng Anh đã thay thế tiếng Pháp trong môn ngoại ngữ tại các trường học ở Algeria (thuộc địa cũ của Pháp).
Đối lập với các quan sát trên, rất cần phải chú ý rằng có nhiều con đường để đưa một ngôn ngữ trở thành chính thức. Ngôn ngữ chính thức có thể là độc tôn nhưng cũng có thể nằm trong số nhiều ngôn ngữ chính thức khác tại một quốc gia. Ngôn ngữ cũng có thể “bán chính thức” – chỉ sử dụng ở những vùng cụ thể – hoặc thứ yếu sau các ngôn ngữ khác dù vẫn đóng một số vai trò chính thức nhất định. Nhiều quốc gia chính thức công nhận vị trí của ngôn ngữ trong thể chế (vd: Ấn Độ), cũng có quốc gia không đề cập gì nhiều (vd: Vương quốc Anh). Ở một số nước, câu hỏi có nên hợp pháp hóa vị trí đặc biệt của ngôn ngữ hay không lại là một chủ đề tranh luận xôn xao, đặc biệt là tại Mỹ.
Tương tự, lý do để lựa chọn ưa chuộng một ngoại ngữ nào đó cũng vô cùng phong phú: truyền thống lịch sử, động cơ chính trị, nguyện vọng giao lưu về thương mại, văn hóa, công nghệ. Và ngay cả khi được chọn, sự “có mặt” của ngôn ngữ ấy cũng có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào quy mô hỗ trợ tài chính của chính phủ hoặc cơ quan viện trợ nước ngoài cho chính sách giảng dạy ngoại ngữ. Tại một môi trường được hỗ trợ đầy đủ, các nguồn lực sẽ dành trọn cho việc giúp mọi người tiếp cận và học ngoại ngữ thông qua truyền thông, thư viện, trường học và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Sẽ có sự gia tăng về lượng và chất ở lực lượng giáo viên giảng dạy ngoại ngữ. Sách vở, băng đĩa, máy tính, hệ thống viễn thông và tất cả các phương tiện giảng dạy đa dạng sẽ ngày càng dễ tiếp cận. Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, việc thiếu vắng các hỗ trợ từ chính phủ hoặc viện trợ nước ngoài đã cản trở các mục tiêu dạy ngôn ngữ.
Cách phân biệt vị trí ngôn ngữ như “đầu tiên”, “thứ hai” và “ngoại ngữ” khá dễ hiểu, nhưng chúng ta cần thận trọng để tránh hiểu sơ sài các khái niệm này. Cụ thể, rất cần tránh cách hiểu rằng sự phân biệt giữa “ngôn ngữ thứ hai” và “ngoại ngữ” nằm ở khác biệt về năng lực hoặc mức độ thuần thục ngôn ngữ. Mặc dù ta hay cho rằng ở các quốc gia chính thức công nhận tiếng Anh, người dân sẽ giỏi tiếng Anh hơn so với các nước không công nhận do có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Chẳng hạn như tại các nước tiểu vùng Scandinavi hoặc Hà Lan, có rất nhiều người thông thạo tiếng Anh ở mức độ cao. Đồng thời, cũng cần nhận thức sự chênh lệch rõ nét ở những trường hợp tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên, đặc biệt tại một thế giới mà trẻ nhỏ sinh ra trong gia đình có cha mẹ dùng ngôn ngữ trung gian – mà đối với họ là ngoại ngữ – để nói chuyện với nhau. Ví dụ, một vài năm trước tại Emirates, tôi gặp một cặp vợ chồng gồm một chuyên gia dầu khí người Đức và một người Malaysia. Họ làm quen nhau thông qua ngôn ngữ thông dụng của mình là tiếng Anh và sau đó quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chủ yếu trong nhà để nuôi dạy con cái. Vì thế trong trường hợp này, đứa trẻ học tiếng Anh vừa như ngoại ngữ, vừa như tiếng mẹ đẻ. Ngày nay có rất nhiều những trường hợp thế này trên khắp thế giới, và điều này dấy lên câu hỏi về đóng góp của những đứa trẻ ấy vào ngôn ngữ nếu một mai chúng trở thành những nhân vật quan trọng, bởi vì cảm thụ của chúng đối với tiếng Anh ắt hẳn sẽ khác so với những người bản ngữ truyền thống.
Câu chuyện kể trên chấm thêm vài nét phức tạp cho tình hình tiếng Anh trên thế giới hiện nay, nhưng chúng không ảnh hưởng đáng kể đến những nội dung cốt lõi. Vì có đến ba hướng phát triển: ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, hiển nhiên cuối cùng thì ngôn ngữ toàn cầu sẽ được nhiều người sử dụng hơn bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tiếng Anh đã chạm đến giai đoạn này. Các thống kê ở chương 2 [chương 2: “Tại sao lại là tiếng Anh? Bối cảnh lịch sử - ND] sẽ cho thấy khoảng một phần tư dân số thế giới đã thành thạo hoặc khá tiếng Anh, và con số này đang tăng lên nhanh chóng: khoảng 1,5 tỷ người vào đầu những năm 2000. Ngay cả trường hợp tiếng Hoa có đến tám ngôn ngữ nói khác nhau trong một hệ thống chữ viết, con số này cũng mới “chỉ” đạt đến khoảng 1,1 tỷ người.
Điều gì giúp ngôn ngữ trở nên “toàn cầu”?
Lý do khiến một ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ toàn cầu liên quan rất ít đến số lượng người nói nó, mà liên quan nhiều đến việc người nói nó là ai. Tiếng Latin trở thành ngôn ngữ quốc tế trong suốt Đế chế La Mã, nguyên do không phải vì người La Mã đông đảo hơn dân tộc bị họ chinh phục, mà họ chỉ đơn giản là quyền lực hơn. Và sau đó, khi sức mạnh quân đội La Mã suy yếu, tiếng Latin vẫn tồn tại trong một thiên niên kỷ với vai trò ngôn ngữ quốc tế trên lĩnh vực giáo dục nhờ vào một loại quyền lực khác – giáo quyền của Công giáo Roman.
Ngoài ra cũng có mối liên hệ mật thiết giữa sự thống trị của ngôn ngữ với sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, và mối liên hệ này sẽ càng thấy rõ hơn khi ta bàn về lịch sử của tiếng Anh. Nếu không có sức mạnh quyền lực làm nền tảng vững chắc (dưới bất kỳ hình thức nào), không một ngôn ngữ nào có thể trở thành phương tiện giao tiếp quốc tế. Ngôn ngữ không hề tồn tại độc lập, không hề sống trong một hình thức không gian huyền bí nào đó tách khỏi người nói. Ngôn ngữ chỉ tồn tại trong bộ não, khuôn miệng, đôi tai, đôi bàn tay hay cặp mắt của những người dùng chúng. Trên trường quốc tế, khi những người này thành công, ngôn ngữ của họ thành công, khi họ thất bại, ngôn ngữ của họ cũng sẽ thất bại.
Luận điểm này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng cần phải nhắc đến ngay từ đầu, bởi vì theo năm tháng dần có thêm những niềm tin phổ biến nhưng sai lầm về lý do một ngôn ngữ đạt được vị trí ngôn ngữ quốc tế. Khá phổ biến khi nghe ai đó tuyên bố rằng một ngôn ngữ nào đó là tuyệt phẩm bởi nó chứa đựng giá trị thẩm mỹ nhận thức, tính rõ ràng trong biểu đạt, sức mạnh văn chương hay vị thế tôn giáo. Tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin, tiếng Ả Rập và tiếng Pháp là một trong số đó, đã nhiều lần được tán dương bằng những ngôn từ như thế, và tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Ví dụ, thường có ý kiến cho rằng cấu trúc tiếng Anh ắt hẳn phải sẵn có thứ gì đó đẹp đẽ hoặc logic thì ngày nay mới có thể được sử dụng rộng rãi đến vậy. Một số người cho rằng: “Tiếng Anh ít ngữ pháp hơn các thứ tiếng khác” hoặc “Từ vựng tiếng Anh không có nhiều hậu tố, không phải phân biệt giống đực, giống cái, giống trung nên dễ học hơn.” Năm 1848, một nhà phê bình của tờ tạp chí định kỳ The Athenaeum ở Anh đã viết: “Dễ dàng về cấu trúc ngữ pháp, ít ỏi về biến tố, hầu như không phân biệt về giống ngoại trừ khía cạnh tự nhiên, đơn giản, rõ ràng về vĩ tố và trợ động từ, không hề kém tính oai nghiêm, mạnh mẽ, phong phú trong biểu hiện, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta dường như vốn sắp đặt để làm ngôn ngữ của thế giới.”

Nguồn: Dreamstime
Những lập luận như thế này đều là ngộ nhận. Tiếng Latin từng là ngôn ngữ quốc tế chính dù chứa nhiều hậu tố và có phân biệt giống. Tiếng Pháp cũng thế, dù danh từ trong tiếng Pháp có cả giống đực và giống cái. Tương tự, tiếng Hy Lạp, tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga cũng có những ảnh hưởng to lớn (tại nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau). Dễ học chẳng liên quan gì cả. Trẻ em ở tất cả các nền văn hóa đều học nói trong khoảng thời gian tương đương bất kể ngôn ngữ của chúng có ngữ pháp khác nhau thế nào. Và nhận định rằng tiếng Anh “không có ngữ pháp” – một tuyên bố lố lăng đối với bất kỳ ai từng học tiếng Anh như ngoại ngữ – có thể bị bác bỏ ngay khi lướt mắt vào bất kỳ tài liệu ngữ pháp đồ sộ nào ở thế kỷ hai mươi. Ví dụ, cuốn Comprehensive grammar of the English language có đến 1.800 trang và khoảng 3.500 điểm cần giải thích ngữ pháp.
Tuy nhiên điều này không phủ nhận việc một ngôn ngữ nào đó có thể có những tính chất khiến chúng hấp dẫn đối với người học trên thế giới. Ví dụ, người học thỉnh thoảng nói về sự “quen thuộc” của từ vựng tiếng Anh, bắt nguồn việc tiếng Anh bao thế kỷ qua đã vay mượn hàng nghìn từ mới từ các ngôn ngữ mà nó tiếp xúc. Sự “chào đón” đối với từ vựng nước ngoài đã đặt tiếng Anh đối lập với một số ngôn ngữ cố tình gạt bỏ chúng (nổi bật là tiếng Pháp), mang đến cho tiếng Anh đặc tính toàn cầu vốn thường được xem như lợi thế để trở thành ngôn ngữ quốc tế. Đứng trên góc độ từ vựng, trên thực tế tiếng Anh giống với họ ngôn ngữ Roman hơn là họ German rất nhiều. Và cũng có những bàn luận về các góc độ cấu trúc khác, như ngữ pháp tiếng Anh không có quy chuẩn phân biệt thứ bậc xã hội, điều này có thể tạo cảm giác tiếng Anh “dân chủ” hơn so với các ngôn ngữ thể hiện hệ thống quan hệ thứ bậc (ví dụ như tiếng Java [hoặc tiếng Việt – ND]). Nhưng những điểm hấp dẫn nêu trên không đáng kể, và cần đo đếm trước những đặc điểm ngôn ngữ học mà có lẽ thế giới không mong muốn mấy – nổi bật ở tiếng Anh chính là tính bất quy tắc trong hệ thống chính tả.
Một ngôn ngữ không trở thành ngôn ngữ toàn cầu bởi các đặc tính cấu trúc bên trong, bởi quy mô từ vựng, bởi từng là phương tiện cho một nền văn học vĩ đại trong quá khứ hay bởi từng gắn liền với một nền văn hóa, tôn giáo lớn. Tất nhiên các yếu tố này có thể là động lực cho ai đó học một ngôn ngữ, nhưng không riêng yếu tố nào, hay tập hợp yếu tố nào có thể đảm bảo ngôn ngữ sẽ lan truyền khắp thế giới. Thật vật, những yếu tố như thế thậm chí còn không thể đảm bảo cho ngôn ngữ đó “sống” – thấy rõ ở trường hợp “tử ngữ” Latin ngày nay chỉ còn được một số học giả và tu sĩ học như một thứ tiếng cổ. Tương tự, tính chất bất tiện trong cấu trúc (như chính tả rắc rối) cũng không ngăn được một ngôn ngữ đạt đến vị trạng toàn cầu.
Theo truyền thống, một ngôn ngữ sẽ trở nên quốc tế bởi một lý do chính: sức mạnh của dân tộc nói ngôn ngữ đó – đặc biệt là sức mạnh chính trị và quân sự. Cách giải thích này này không thay đổi trong suốt lịch sử. Tại sao tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ giao tiếp giữa các nước Trung Đông hơn 2.000 năm trước? Không phải do trí tuệ của Plato và Aristotle, mà câu trả lời nằm ở thanh gươm và ngọn giáo trong tay đội quân Alexander Đại Đế. Tại sao khắp Châu Âu đều biết tiếng Latin? Hãy hỏi binh đoàn của Đế chế La Mã. Tại sao tiếng Ả Rập được nói rộng khắp từ phía bắc Châu Phi cho đến tận Trung Đông? Hãy lần theo bước chân truyền bá của Hồi giáo, kèm theo cả sức mạnh của đội quân người Moor từ thế kỷ thứ tám. Tại sao tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Pháp tìm được đường xâm nhập vào châu Mỹ, châu Phi và vùng Viễn Đông? Hãy nghiên cứu những chính sách thuộc địa của các vị quân vương thời Phục Hưng, cùng cách binh lính và hải quân thực hiện chúng một cách tàn bạo trên khắp thế giới. Lịch sử ngôn ngữ toàn cầu có thể lần giở qua các cuộc viễn chinh thành công của những binh lính hay thủy thủ nói ngôn ngữ đó. Và tiếng Anh, như chúng ta sẽ thấy ở chương 2, cũng không ngoại lệ.
Nhưng sự thống trị thế giới của ngôn ngữ không phải chỉ là kết quả của sức mạnh quân sự. Có thể cần một quốc gia hùng mạnh về quân sự để xác lập một ngôn ngữ, nhưng phải cần đến một quốc gia hùng mạnh về kinh tế mới có thể duy trì và mở rộng ảnh hưởng của ngôn ngữ đó. Điều này vẫn luôn đúng, nhưng đây từng trở thành vấn đề đặc biệt gây tranh cãi vào thế kỷ thứ mười chín và hai mươi, khi sự phát triển của nền kinh tế mở rộng trên quy mô toàn cầu, được hỗ trợ bởi các công nghệ giao tiếp mới – điện báo, điện thoại, radio – và thúc đẩy sự xuất hiện của các tổ chức đa quốc gia lớn mạnh. Sự tăng trưởng của nền công nghiệp và thương mại đầy cạnh tranh đã mang đến những bùng nổ cho ngành tiếp thị và quảng cáo trên tầm quốc tế. Sức mạnh báo chí đạt đến những cấp độ chưa từng thấy, sớm vượt mặt bởi các phương tiện truyền thông với khả năng băng xuyên biên giới quốc gia bằng dung môi điện từ. Công nghệ – chủ yếu dưới dạng phim ảnh và băng đĩa – châm mồi cho các ngành công nghiệp giải trí khổng lồ mới với sức ảnh hưởng toàn cầu. Động lực để đạt được tiến bộ trong khoa học và công nghệ đã thúc đẩy một môi trường tri thức và nghiên cứu quốc tế, mang lại vị trí cao cho ngành học thuật và giáo dục chuyên sâu.
Bất cứ ngôn ngữ nào nằm tại trung tâm của một cuộc bùng nổ hoạt động quốc tế như thế sẽ bỗng chốc nhận thấy mình mang tầm vóc toàn cầu. Và tiếng Anh, như chúng ta sẽ thấy ở chương 3 và 4 [chương 3: “Tại sao lại là tiếng Anh? Nền tảng văn hóa”; chương 4: “Tại sao lại là tiếng Anh? Di sản văn hóa” – ND] có lẽ là “đúng lúc đúng chỗ”. Vào trước thế kỷ thứ 19, nước Anh trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghiệp và thương mại. Đến hết thế kỷ 19, dân số nước Mỹ (khi đó gần 100 triệu người) đông hơn bất kỳ quốc gia nào ở Tây Âu, đồng thời kinh tế Mỹ đạt năng suất và tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Chủ nghĩa đế quốc chính trị của nước Anh đã đưa tiếng Anh đi khắp thế giới, vì thế tiếng Anh trở thành ngôn ngữ ở nơi “mặt trời không bao giờ lặn”. Suốt thế kỷ thứ 20, sự hiện diện trên khắp thế giới này tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh bởi gần như chỉ một bàn tay quyền lực kinh tế Hoa Kỳ – một siêu cường mới nổi. Kinh tế thay thế chính trị trở thành động lực chèo lái chính. Và ngôn ngữ đằng sau đồng đô la Mỹ chính là tiếng Anh.

Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất