Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Sữa quan trọng như thế nào nhỉ? Thứ thức uống ấy, ta đem dùng cùng với ngũ cốc (mà phổ biến nhất là "cornflakes", dịch nôm na là "bỏng ngô"), hoặc pha thêm vào tách trà đen nóng hổi, hay thưởng thức riêng cũng đều thơm ngon. Chúng ta còn "ăn" sữa nữa, ý là khi sữa đã được chuyển hoá thành các chế phẩm như bơ, kem, bánh, hay sô-cô-la. Thực tế, từ thập niên 70s, một người Anh trung bình tiêu thụ 3/4 Panh (hơn 400ml) sữa mỗi ngày. Đối với họ, sữa là một trong những loại thực phẩm giá rẻ nhất và cũng bổ dưỡng nhất. Vậy thì, vào khoảng thời gian đó khi mà "chuỗi cung ứng" còn là một thuật ngữ mơ hồ và tủ lạnh thì quá đắt đỏ, sữa được trao tới tay người tiêu dùng như thế nào?
[Một ngày của Người Giao Sữa]
Photo Credit: The Dairy Alliance
Photo Credit: The Dairy Alliance
Lịch sử của giao-sữa-tận-nhà trải ngược về đầu thế kỷ 18. Lúc ấy ma lực của cuộc cách mạng công nghiệp thôi thúc người ta chuyển về sống nơi thành thị, xa rời trang trại và gia súc. Nhà sát nhà. Người sát người. Bận rộn và chật hẹp hơn. Họ bắt đầu mua sữa từ những nông trại địa phương và nhận chúng mỗi ngày ngay bậc thềm nhà nhờ những Người Giao Sữa.
Xuân hay Hạ, Chủ Nhật hay ngày Lễ, Người Giao Sữa bắt đầu một ngày làm việc từ lúc các hộ dân còn đang im lìm trong giấc ngủ. Nghe có vẻ không đáng để hào hứng cho lắm, nhưng thường thì đến trưa là họ đã hoàn thành ca làm rồi. Và nếu được hỏi, thì có lẽ Người Giao Sữa sẽ thú nhận rằng khoảng thời gian trước khi cả thế giới bừng tỉnh là khoảng thời gian yêu thích trong ngày của anh ta. Yên ắng, vắng vẻ. Mặt trời dần nhô lên trong bài ca réo rắt của tụi chim sớm. Ánh sao, nhạt dần. Những chai sữa thuỷ tinh va vào nhau lách cách. Cảnh sát, đi tuần. Đâu đó là anh taxi thả vội một vị khách về nhà sau bữa tiệc xuyên đêm. Tất cả những điều nho nhỏ vốn dĩ dễ bị bỏ qua đều lọt vào tầm mắt của Người Giao Sữa lúc tờ mờ sáng cho tới chạng vạng.
Nhưng sự yên tĩnh đó chỉ kéo dài cho đến khi Người Giao Sữa tới kho hàng/điểm tập kết, nơi mà anh ta đội lên đầu chiếc mũ ong thợ và bước vào trong tổ ong náo nhiệt, được lấp đầy bởi ánh sáng đèn pha loá mắt và tiếng vang loảng xoảng của những thùng sữa được vận chuyển lên xe tải.
Từng Người Giao Sữa được phân cho một chiếc xe đưa sữa riêng (milk float). Chúng chạy bằng điện và được sạc thường xuyên từ cáp chính. Mỗi kho hàng (thường sở hữu nhà máy sản xuất sữa chua và đóng chai riêng) có một chiếc chái/lán lớn nơi hàng chục chiếc xe giao sữa như thế nằm đậu, đủ đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn người mỗi ngày. Công việc vận chuyển sữa được chia thành các tua/vòng (rounds). Mỗi Người Giao Sữa sẽ đảm nhận một tua/vòng trong ngày, thường là 10 con phố hoặc 2 dãy toà nhà căn hộ.
Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Người Giao Sữa khởi động ngày làm việc bằng cách kiểm kê lại các trang bị cần thiết: (1) danh sách đặt hàng (order book); (2) giỏ chai cầm tay (handcrate) để anh ta có thể thực hiện 3-4 đơn hàng 1 lần; (3) đèn pin (torch); (4) ví đựng tiền bằng da chống nước; (5) áo mưa; (6) (không bắt buộc) một ít snack ngọt để phòng hờ anh ta đói bụng giữa ca làm.
Tiếp đó, anh ta sẽ chất lên chiếc xe tải nhỏ của mình khoảng 1000 Panh sữa, mỗi Panh là một chai thuỷ tinh, chia để đựng trong khoảng 20 chiếc thùng thưa (gọi là "crate", một dụng cụ chứa mà ta hay nói trại đi thành "két", trong "két bia" chẳng hạn), nâng tổng khối lượng phải chở đằng sau cabin lên tới 1 tấn. Không chỉ có sữa, Người Giao Sữa sẽ vận chuyển cả các nhu yếu phẩm liên quan như bơ, kem, phô mai, đôi khi còn là gà, khoai tây, hoa quả đóng hộp, trứng, thịt xông khói, đường, bánh quy - đủ nuôi một hộ gia đình cơ bản. Thực tế, đối với nhiều cư dân lớn tuổi, Người Giao Sữa không chỉ là "người đi chợ" chính, mà còn là người bạn tán gẫu buổi sớm, kiêm người giúp họ gửi đi những bức thư.
Những chai sữa được phân thành 2 loại cơ bản dựa trên màu sắc của nắp chai: (1) phổ biến hơn, và rẻ hơn, là sữa nắp bạc; (2) béo ngậy hơn là sữa "Channel Islands" nắp vàng, được vắt từ 2 giống bò đặc biệt: Guernsey và Jersey. Cả hai loại sữa đều được tiệt trùng theo phương pháp Pasteur.
Thủ tục cuối cùng dành cho Người Giao Sữa trước khi lái chiếc xe điện rời khỏi kho hàng là được kiểm tra bởi một nhân viên quản lý, người sẽ rà soát lại xem Người Giao Sữa đã lấy đủ số sữa cần thiết chưa, cũng như truyền đạt lại với anh ta những tin nhắn mới nhất từ khách hàng được gửi đến từ chiều hôm trước. Ví như ai đó gọi điện thoại để đặt thêm 1 hộp kem sữa béo thì người Giao Sữa sẽ phải ghi chép lại trong danh sách đặt hàng (order book) của mình.
Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Photo Credit: Magpie Annual, 1975
Đồng hồ điểm 6 giờ 30 phút. Tiếng ồn ào xe cộ bắt đầu nhen nhóm và nhanh chóng lớn dần đều. Người Giao Sữa lúc này đã ở sau tay lái và khởi động tua giao hàng của mình với những đơn hàng ưu tiên hơn (cả về số lượng và thời gian), chẳng hạn như các tiệm bánh, tiệm cà phê, khách sạn hay trường học. Với mỗi địa điểm anh ta sẽ được chào đón bởi một người trực ca đêm, thường là với một tách trà nóng và dăm ba câu chuyện phiếm. Chung quy thì cuộc đời Người Giao Sữa in dấu bởi mối quan hệ xã giao với đủ tầng lớp bạn bè, có những người bạn mời anh ta nếm thử mẻ bánh đầu tiên trong ngày, có những người lại cho phép anh ta tuỳ ý sử dụng nhà bếp để nấu bữa sáng, đổi lại là một Panh sữa tươi ngon. Đôi khi người bạn đó lại là một anh cảnh sát, tất nhiên không phải để "tặng" cho anh chàng đưa sữa tội nghiệp tíc-kê vi phạm quy định về tốc độ (bởi lẽ những chiếc xe chở sữa chỉ di chuyển ở vận tốc 15 dặm 1 giờ mà thôi), mà là để mua 1 hộp sữa chua vị dâu cho bữa sáng, hay chát chít qua loa về vụ án đêm vừa qua chẳng hạn. Làm bạn với anh cảnh sát này còn giúp cho Người Giao Sữa có thêm sự hỗ trợ khi sữa của khách hàng bị "thó" ngay trước cửa nhà họ...
(còn tiếp)