Thú vui tiêu sái của cô gái Đà Lạt (p2)...........#20
Ngắm sao không phải chuyện đùa ..... Mà cái thú vị ấy muốn được xuất hiện, đầu tiên tôi phải tự lọ mọ phổ cập...
Ngắm sao không phải chuyện đùa
.....
Mà cái thú vị ấy muốn được xuất hiện, đầu tiên tôi phải tự lọ mọ phổ cập lượng kiến thức vừa đủ dùng trước đã.
Trước tiên, tôi lên mạng cập nhật danh sách những ngôi sao sáng nhất có thể quan sát trên bầu trời. Dẫn đầu chính là sao Sirius, hay cộng đồng châu Á vẫn thường gọi là sao Thiên Lang. Thật ra cái tôi nhận biết được đầu tiên, sau danh sách trên là cụm sao hình nơ với chiếc nút thắt gồm ba ngôi sao nằm ngay ngắn thẳng hàng, vì ngày trước có tìm hiểu về chiêm tinh đôi chút nên tôi ngờ ngợ cái nơ chính là một phần của chòm Orion, liền lên search ngay. Thiệt y như rằng!
Chính xác thì, cái gút thắt ba ngôi sao tôi thấy chính là đai lưng của chòm thợ săn ( orion) hay Lạp hộ, người Việt mình vẫn hay gọi đai lưng này và phần ba ngôi sao mờ mờ phía dưới làm thành chuôi kiếm của anh thợ săn là chòm sao lưỡi cày, tương đối chỉ về hướng nam. Orion cũng là chòm sao thuộc nam bán cầu.
Ở hầu như mọi nơi tại Việt nam đều dễ dàng xác định được vị trí của chòm orion, nhưng chỉ trong phần dạng hình chiếc nơ. Còn ở khoảnh trời trước sân nhà tôi, có thể thấy luôn chiếc đỉnh đầu mờ mờ ( sao Meissa) và chiếc khiên cũng mờ nốt của anh chàng. Thêm một điều nữa, trời đủ trong để tôi thấy các vì sao không chỉ lấp lánh, nó còn có nhiều màu khác nhau. Trong điều kiện quan sát, tôi chia ra bốn nhóm màu : Màu trắng, màu xanh, màu vàng tối và màu cam đỏ ( hoặc đỏ tối và đỏ sáng ).
Cứ sao nào màu trắng, màu xanh thì một là gần trái đất, hai là nền nhiệt cao, có thể là siêu sao, sao khổng lồ. Màu đỏ, cam, vàng thì nền nhiệt mát mẻ hơn ( cháy chậm nên tuổi thọ lâu ), có thể là sao lùn hoặc sao khổng lồ nốt. Độ phát xạ nhiệt cũng như khoảng cách vật lý thì tùy vào độ lấp lánh sáng sủa của ngôi sao đó.
Cứ thế chiếu vào chòm Orion, sẽ thấy trên chiếc nơ nổi bật hai đốm sao đối chéo nhau. Đốm ở cánh nơ trên-vai bên phải chàng thợ săn là sao Beteleguse-sáng thứ 12 trên bầu trời, có màu cam đỏ hơi tối, ngôi sao sáng tiếp theo là sao Rigil- cánh nơ dưới-đầu gối trái của thợ săn- sáng thứ ba trên bầu trời và là một ngôi sao trắng.
Từ chiếc nơ orion, tôi có thể thuận lợi nhìn ngay được vị trí của ngôi sao sáng nhất bầu trời-Sirius- thuộc chòm Đại khuyển ngay gần ấy. Nó màu trắng và lấp lánh dễ thấy vô cùng, đó là Sirius A, Sirius B nằm ngay bên cạnh, là một ngôi sao màu xanh mờ mờ.
Phía sau lưng anh thợ săn luôn có hai chú chó đi theo. Chó bự chứa hotboy Sirius, còn chú chó nhỏ ngay phía trên do cô nàng Procyon cầm chốt- một ngôi sao trắng sáng thứ 8 trên bầu trời. Trong chiêm tinh, Sirius diễn vai thanh niên cuồng nhiệt Lệnh Hồ xung , còn Procyon được biết tới với khả năng gây thương nhớ trong tình yêu...blap blap....
Nhưng thôi đó là chuyện của Chiêm tinh luận, còn từ góc nhìn của một kẻ quán sát nghiệp dư như tôi, các tọa độ trên là chiếc mốc lí tưởng để cho chuyến thám hiểm bầu trời được dịp phiêu dạt ra xa hơn nữa.
Tại đây, tôi xác định được lãnh địa thuộc tam giác mùa đông. Đó là các cạnh nối của ba vì sao Sirius A( Đại khuyển ) - Betelgeus (orion) - và Procyon ( tiểu khuyển ). Từ vị trí quan sát dưới mặt đất, chúng trông một tam giác (có vẻ là) khá đều với hai đốm trắng và một đốm đỏ, sáng lấp lánh. Nhân tiện nói tới độ lấp lánh, tôi thấy sao Sirius đã rất sáng rồi, nhưng best thu hút về độ chấp chíu phải nhắc đến anh bạn Canopus nằm xa xa và nổi bật riêng một mình ên tại phía nam, cùng với Sirius, Procyon tạo một đường cong nhẹ. Canopus còn được gọi là sao Nam tào- sao sáng thứ hai trên bầu trời. Hồi đầu thấy nó (lúc chưa tìm hiểu danh sách sao ) tôi đã mông lung tự hỏi:
Sao gì mà nhấp nháy như quả đèn bar thế này?
Lúc biết danh tính rồi, tôi lại gật gù công nhận vị trí thứ hai trong danh sách của ẻm, gì chứ nếu xét riêng về độ nháy thì em này xứng đáng được trèo lên nóc.
Một điều nữa để biến việc ngắm sao trở nên thú vị, ấy chính là việc tìm chòm sao hoàng đạo của mình, nếu điều kiện tầm nhìn đủ lí tưởng để chòm sào ấy nổi lên trên bầu trời. Khá may mắn là, mặt trời hoàng đạo của tôi-chòm Gemini-lại nằm cạnh, chếch về phía đông bắc của chòm orion. Tuy không thể thấy rõ ràng dáng hình của hai kẻ song sinh bị mây trời che khuất, nhưng tôi vẫn xác định được đầu sắp nhỏ, tức hai vì sao Pollux và Castor. Hồi xưa, Castor được bầu làm anh (alpha) vì nó có vẻ sáng sủa hơn thằng em cùng trứng. Bây giờ, nó vẫn là alpha trong giấy khai sinh, tuy nhiên vị trí bệ vệ show off đã nhường lại cho thằng em Pollux-bê ta-cấp độ một- đứng thứ 16 trong danh sách, còn nó đành hẩm hiu lùi lại vị trí 45-sao cấp độ hai, lép vế hơn hẳn người anh em của mình.
Ngắm hai vì sao này khiến lòng tôi có chút cảm giác xúc động rưng rưng... Xét về góc độ chiêm tinh, đó là ngôi nhà nhỏ chào đón tôi vào ngày tôi ra đời, một phần tính cách và con người tôi cũng mang theo năng lượng đặt biệt từ những tinh cầu xa lắc xa lơ ấy.
Nếu Gemini là ngôi nhà (thuật ngữ-cung thiên bàn-) thì căn phòng ngủ tôi được phát trong ngôi nhà đó (thuật ngữ- decan-) lại thuộc về chòm Ngự Phu nằm chếch hướng tây bắc chòm orion, với thành viên nổi bật là sao Capella- ngôi sao trắng sáng thứ 6 trên bầu trời. Trong nguyên chòm Ngự phu, vì quá xa nên tôi chỉ thấy được mỗi đốm lấp lánh của ngôi sao này.
Đến đây, tôi may mắn có đủ tầm nhìn để có thể quan sát được nguyên cả tọa độ lục giác mùa đông tại bán cầu nam. Sở dĩ phải đề cập thêm đến khía cạnh hên xui vì ít ai có cơ hội nhìn thấy hình lục giác này nếu chen chúc trong view thành phố. Nó là một lục giác rất bự, các cạnh nối từ sáu ngôi sao nhắc từ nãy đến giờ, là Sirius A-Procyon-Pollux-Capella-Aldebaran và Rigel. Sao Aldebaran là ngôi sao có màu cam đỏ, rất dễ tìm nếu dóng từ đai lưng orion sang phía tây, vì nó sáng thứ 13 trên bầu trời và thuộc vào chòmTaurus (Kim ngưu).
Nếu lục giác mùa đông của bán cầu nam khiến bạn có nguy cơ bị gãy cổ do phải ngửa mặt lên trời, bao thấu hết một tầm không gian rộng thì việc chuyển hướng ngâm cứu qua phương bắc sẽ giúp bạn có trải nghiệm về việc tê liệt toàn bộ chức năng cơ thể- hay còn gọi là lạnh quắn quéo, lạnh sun vòi!
Mùa này Đà lạt càng về đêm càng như một cái tủ đá, sẵn sàng ướp kem bất kì các công dân ngáo ngơ nào đặt chân ra khỏi nhà. Oái ăm thay, các chòm sao phương bắc, cụ thể là chòm Bắc Đẩu chỉ trồi lên khi trời dần về khuya, thành ra mới có tình huống 12h khuya đến một, hai giờ sáng, khi cả xóm làng chăn ấm nệm êm chìm vào giấc ngủ, có một thanh niên lặng lẽ đứng ngoài sân, hếch mặt lên nhìn trời, được một chút không chịu được thì tung cửa chạy vào, sau đó hết run rồi lại tung cửa chạy ra, hếch mặt lên ngó tiếp...
Chòm Bắc đẩu là một chòm gồm bảy chiếc sao đấu lại thành hình một cái gáo múc nước bự. Có gáo bự tất phải có gáo nhỏ ( small dipper). Nhưng cái gáo nhỏ nằm thiên hẳn về phía cực bắc, thuộc chòm Gấu bé ( Usar minor), có chứa sao Bắc cực Polaris mà ở tầm nhìn của tôi, có thể là tại cả Việt nam không thể nào thấy được.
Tuy vậy, gáo lớn thì lại xuất hiện, với điều kiện phải chờ đến cực khuya và sun vòi giữa giá rét như tôi. Người ta hay nói
Nam tào. Bắc đẩu
Thì Nam tào chính là quả đèn disco Caponus chấp chíu tại phương nam ( tôi đã miêu tả phía trên)
Đối ngược với lại Bắc đẩu ( đáng ra phải gọi là Bắc cực- tức là chỉ ngôi sao Polaris-chưa thấy bao giờ )
Còn Bắc đẩu real chính là cái gáo lớn gồm bảy ngôi sao ( big dipper) thuộc chòm Gấu Bự ( Ursa major), nó là một chòm sao, nằm trong lãnh địa một chòm sao lớn khác.
Hồi đầu ngu nghê, tôi cứ tưởng mình đã nhìn thấy sao Polaris rồi, vì tôi dóng từ cái cán gáo qua đã bắt gặp một ngôi sao khá sáng, màu cam đỏ. Và từ ngôi sao đó cộng với một số sao mờ mờ khác, tôi cứ đinh ninh đấy là Small dipper ( nghiệp dư nó vậy đấy ạ ). Tuy nhiên sau khi ngâm cứu kĩ lại tôi mới phát hiện ra mình vì vội vàng đã dóng sai, vì Polaris phải dóng từ cái cạnh ngoài của phần thân gáo cơ, còn cái ngôi sao đỏ tôi lầm ấy có vẻ là sao Arturus- sáng thứ 4 trên bầu trời- thuộc chòm bootes ( Mục phu ), cũng là một ngôi sao xứng đáng trong top vị trí về đồ lấp lánh.
Ngoài ra, tôi còn muốn vương xa hơn một tí bằng cách nghiền ngẫm thêm mấy chòm sao như thiên cầm, thiên nga, corona, hercules ect, có rất nhiều vì sao sáng khác tôi chưa biết tên, tôi cũng chưa xác định được vị trí của thập tự phương bắc, thập tự phương nam, tam giác mùa hè ect
Có bao la những khám phá ở ngoài kia, tôi, chẳng biết vì điều gì, nhưng có lẽ sẽ cần mẫn mỗi ngày, từng tí từng tí một để chạm được vào từng dấu hỏi kì vĩ ấy...!
Chắc kể nốt thêm tí chuyện nữa, rằng trong cơn hứng khởi với những trải nghiệm mới mẻ, thanh niên tôi đã quyết định tìm người để chia sẻ cùng. Đối tượng tiềm năng đầu tiên chính là mấy đứa cháu, thanh niên suy tính việc phổ cập cho bọn trẻ con tí kiến thức nền về vũ trụ quan để khi có dịp lên lớp lòe bạn là một sáng kiến không tồi. Vậy nên tiện trong nhà còn sót đứa cháu nào, tôi liền lùa chúng ra ngoài trời, bắt đầu lớp thiên văn cơ bản tràn đầy hào hứng.
Thấy cái sao sáng nhất kia hông?
Dạ thấy
Đó là sao sáng nhất bầu trời đó. Nó là thằng anh, màu trắng, còn thằng em nằm bên cạnh màu xanh mờ mờ kia kìa.
Dạ
Thấy cái nơ kia không?
Dạ thấy
Nó vốn là cái người của thợ săn đó, nhưng mây che mất cái đầu với hai cái tay rồi. Phía sau có hai con chó đi theo đó, thấy không?!
Dạ
...!
Phổ cập thành công cho sắp nhỏ, tôi tạm thời thỏa mãn cho tụi nó lui vào nhà tránh rét. Đến chập khuya, khi chong đèn nghiên tới vĩ tuyến bắc, tôi lại nhã hứng liếc quanh một vòng rồi lôi mẹ tôi ra sân, chuẩn bị bung lụa cả một bầu nhiệt huyết về chiêm tinh văn vũ trụ học. Tuy nhiên, người mẹ già đã một chân qua bến bảy mươi của tôi lại là một phụ nữ vô cùng thực tế, bằng cách nào đó, bà nhận ra độ ngáo dở của đứa con gái và dứt khoát từ chối khóa học, phủi đít bỏ vô nhà trùm chăn cho sung sướng cuộc đời. Thành ra giữa đêm hiu vắng, giữa khoảnh sân gió rít lạnh lùng, giữa không gian thẫm màu mênh mông, chỉ có duy nhất một thanh niên tôi vẫn lặng lẽ đứng đó, trái cổ quăng lên trời, còn hồn thì đã phiêu diêu đến tận nơi nảo nơi nào...
Hết!
............................................................................................................................................
20/2/21
THE... 3h30'
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất