Thư gửi bà: Lần đầu nói về chuyện nghỉ học đại học
30.05.2019 Vậy đã là gần giữa năm 2019 rồi đây, chẳng mấy chốc lại sang năm mới… Thời gian trôi nhanh quá, cháu thấy mình chẳng còn...
30.05.2019
Vậy đã là gần giữa năm 2019 rồi đây, chẳng mấy chốc lại sang năm mới…
Thời gian trôi nhanh quá, cháu thấy mình chẳng còn nhiều cơ hội để bày tỏ những tình cảm và suy nghĩ của mình dành cho người thân, bạn bè nữa. Đã bao nhiêu lần, lúc rời khỏi nhà đến chỗ làm, cháu tự nhủ phải viết cho bà ngoại đầu tiên mà rồi công việc, tụ tập bạn bè cháu quên mất… Nhưng lần này cháu nhất định phải viết, không thể quên được nữa, vì cháu thấy giờ là lúc thích hợp, mọi người ai cũng có những biến động trong lòng mà khó để chia sẻ với người khác.
Chắc bà cũng đã thấy, thời gian qua cháu cũng có nhiều suy nghĩ và vật lộn với con đường của mình. Bề ngoài cháu có phần dửng dưng nhưng bên trong là rất nhiều nỗ lực suy nghĩ, định hướng con đường mình đi. Và điều này không dễ dàng như thời của bà nữa rồi! Cảm thấy nhiều thách thức và bối rối là những gì cháu cũng như rất nhiều bạn trẻ khác đang phải trải qua. Dù có ngồi trên ghế nhà trường hay không, thế giới ngoài kia hỗn độn và phức tạp, bản thân mỗi người cũng thế nên việc liên tục vấp ngã và thấy khó khăn là không thể tránh khỏi. Nếu hồi xưa, một người sống và kết nối với cộng đồng của họ ở phường, xã, thành phố, ở môi trường nhỏ, thì giờ mỗi một đứa trẻ sinh ra trên đời được kết nối với cả thế giới. Tất cả những người trẻ tham vọng và khát khao đều thấy được điều đó vì thế mà luống cuống không biết mình nên đứng ở đâu cho phải. Nếu mà từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên hiểu rõ mình sẽ ở Việt Nam, làm cái này, cái kia và kết quả cụ thể có sau từng chặng đường thì đúng là siêu nhân trong việc tính toán và siêu nhân trong định hướng bản thân, và sẽ chẳng có khó khăn và bối rối nào nữa. Phần lớn mọi người gặp trở ngại trong việc hiểu bản thân và thế giới mình sống, nhưng cũng chính vì thế mà cuộc đời trở nên phong phú và giàu có lạ thường vì họ liên tục phải đấu tranh để hiểu, không phải cái gì xa xôi, mà chính là sự hiện diện của mình đây trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Cháu chọn con đường ít người đi thì lẽ dĩ nhiên là ít người có thể cùng hiểu, cùng sẻ chia đến tận cùng những băn khoăn, hoang mang mà cháu gặp phải. Tuy nhiên, cháu nghĩ mình đã rất may mắn rồi vì nhà mình đều hiểu ít nhiều những gì cháu chia sẻ vì ở đâu đó, mình là gia đình, mình có tư tưởng cởi mở văn minh, và không mấy ai trong nhà mình đi theo con đường học thuật (đại học, cao học,…) nhưng phẩm cách giàu có, có trí tuệ, có tài chính(đương nhiên không phải tất cả). Vậy nên cháu cảm ơn, cháu biết ơn vì mình đã được phép chọn điều mình muốn làm và được hỗ trợ từ gia đình. Có nhiều bạn khi quyết định nghỉ đại học, gia đình làm đủ mọi cách để làm bạn ấy căng thẳng: từ mặt, đay nghiến,… Rất may là cháu không phải trải qua giai đoạn khó khăn như thế mà luôn được nhắc nhở điều mà chính cháu cũng tự nhắc nhở mình hàng ngày đó là : Cuộc sống của mày, mày tự quyết!
Tuy thế, cháu hiểu mọi người trong nhà lo lắng và muốn mọi thứ rõ ràng, cụ thể. Thường những mơ hồ đem đến, hay chính xác hơn là hiển lộ ra toàn những rủi ro và nguy hiểm nhưng sự chắc chắn ẩn giấu cũng từng đấy những rủi ro và nguy hiểm nhưng được bọc kỹ ở đâu đó nên mọi người không còn phải thấy nó mà cứ tiến lên. Thế nào cũng có cái hay cái dở của nó. Với cháu hài hòa nhất phải là mơ hồ trong tâm tưởng nhưng chắc chắn trong bước đi. Khó lắm bà ơi! Nhưng hành trình đầy thú vị nếu như cháu thực sự coi đấy cũng là sự học ở đời.
Mọi người khuyên nhủ cháu nhiều điều, dù bề ngoài cháu có phần bảo thủ nhưng tai cháu biết lắng nghe, và đầu óc cháu mở mang và luôn tiếp nhận, phân tích. Đương nhiên cháu thấy những lợi ích của việc làm theo những gì mọi người vẫn hay khuyên nhủ: hoàn thành nốt việc học ở Ngoại Thương, sau đó cháu sẽ có cái bằng, sau đó con đường cháu đi thênh thang và dễ dàng vì cháu sẽ có việc làm ổn định, mọi người nể nang,… Tất cả những lời khuyên ấy đều đúng vì đó là những bài học xương máu đúc kết từ trải nghiệm thực tế của mọi người đã đi trước cháu cả chục năm mà những bài học thực tế từ cuộc sống không bao giờ sai được. Và nếu thực sự cháu làm theo, cháu gần như nhìn thấy một cuộc sống chóng sớm ổn định, ít va vấp. Nhưng cuộc sống này có ý nghĩa gì không nếu như lúc nào tâm tưởng cũng tìm kiếm điều gì dễ dàng nhất, có ý nghĩa gì nếu chóng sớm sinh ra để rồi lại chóng sớm tìm một cái cũi, nhốt mình vào trong sự dễ chịu, an nhàn và chết ngay tại trong cái cũi đó, hầu như chẳng biết gì hơn ngoài những sung sướng mình có. Thế cũng được nếu người ta cả đời chỉ biết một nơi như thế. Nhưng cháu trót nhìn thấy nhiều hơn, cháu trót tiếp nhận một tư tưởng không giống một ai, và cảm giác về sứ mệnh bản thân quá mạnh mẽ đến nỗi cháu thấy cái nơi bình an đó chẳng quan trọng gì hơn một cái giường ngủ cháu cần khi mệt mỏi. Cái sứ mệnh đó là gì? Chẳng có gì to tát như mọi người tưởng, chỉ đơn thuần là phát tán những hạt mầm của tự do yêu và sống. Đến lúc sắp chết, cháu sẽ thấy đầy tình yêu và thanh thản. Cuộc đời ngắn ngủi, nhỏ bé, có cần gì một sứ mệnh to tát hơn là làm “giàu có” theo bất kì nghĩa nào cái cuộc đời đó?
Cháu không thể quay lại Ngoại Thương nữa! Cháu mong gia đình hiểu quyết định này của cháu. Vì đôi chân cháu đi nhiều nơi, con mắt cháu no nê bởi nhiều chuyện sướng vui buồn khổ, cháu đã đến những nơi tráng lệ như Paris, leo lên nóc nhà thờ cao nhất Cologne ở Đức, choáng ngợp bởi tòa thánh Vatican, rồi cháu cũng đã tới những nơi khác toàn sa mạc cát bụi, như trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Uganda, nơi người dân sống trong nghèo túng và vô vọng bởi mọi thứ từng có giá trị với họ từ vật chất đến cả những người thân yêu nhất đều đã ra đi vì nội chiến ở Nam Sudan…. Cháu được sống sung sướng như người giàu có nhất (khi không còn cảm thấy thiếu thốn điều gì) nhưng cháu cũng từng trải qua những lúc khổ sở hơn khi cảm thấy mình thiếu trầm trọng quá nhiều thứ. Vậy để nói, cháu đã không còn có thể che giấu bản thân mình trong sự thiếu hiểu biết, ngu muội và nông cạn, cái vỏ của chính mình như hồi cháu mới vào đại học nữa, giờ cháu đã trở nên mạnh mẽ hơn và trường Ngoại Thương không còn là cái kén phù hợp nữa.
Cháu nghĩ mình đã cố gắng khiêm tốn nhưng cũng có phần hơi kiêu ngạo khi chia sẻ những điều này. Cháu biết cuộc đời còn dài, và cháu vẫn còn ngây ngô, vụng về. Nhà cửa không biết lo, cơm chẳng biết nấu sao cho ra nấu, áo quần rách chả biết may vá thế nào. Nhưng cháu sẽ học hết vì giờ cháu là kẻ học. Và Le nin vẫn nói đấy thôi: Học học nữa học mãi, hay bà vẫn nói đấy: 70 vẫn học 71 vì thế khi nào cháu vẫn còn trên đời thì khi đó sự học vẫn tiếp diễn.
Cá nhân cháu không thích Ngoại Thương, nhưng là do cháu không hợp với môi trường này, lỗi thuộc về những vì sao (ý là lỗi chẳng thuộc về trường hay cháu, và thực ra cũng chẳng có lỗi gì ở đây cả, đó là duyên số và sự ngẫu nhiên ở đời). Nhưng kể cả ngẫu nhiên đến thế cũng phải mất thời gian người ta mới hiểu được. Như cháu, cháu học hết 1 năm trên trường, nghỉ 1 năm, quay lại học nửa năm rồi mới rút ra được kết luận: Mình đã ngồi sai chỗ rồi. Cháu biết bà hay kêu “Phí quá, phí quá” nhưng bà ơi, cuộc đời người ta phí phạm nhiều thứ lắm, nhưng “phí” để học có là phí phạm hay là chi phí đây? Với cháu, đó là chi phí cháu bỏ ra để định hướng nghề nghiệp (thời cháu đi học, đâu ai làm công tác hướng nghiệp cho cháu đâu?)
Trong tương lai, cháu biết sớm muộn gì cháu cũng sẽ quay lại con đường học tập có hệ thống vì làm gì có ai ham đọc, ham viết lại không ham được đến trường để có một người thầy đúng nghĩa chỉ bào và định hướng? Cháu cũng đang lên kế hoạch rồi…
Bà biết không, cháu vẫn hay có một cuốn sổ, cứ hàng tháng hoặc bất cứ lúc nào cháu cần cháu lại ngồi phân tích lại hoàn cảnh và con đường mình đi. Chỉ vài ngày trước thôi cháu đã vỡ ra được 2 thứ cần nhất cho sự phát triển của cháu bây giờ và đó là: Một môi trường mới và một nhiệm vụ mới.
Tại sao lại là môi trường mới? Nhiều khi bà hiểu lầm cho là cháu không thích ở với bà, cháu kỳ quặc khó hiểu, hay "ở bẩn" nên không hợp với bà "ở sạch", vân vân… Nhưng ý của cháu về môi trường mới không chỉ loanh quanh mấy chuyện nhỏ nhặt thế. Dù đến giờ vẫn khó để nói rõ ràng hơn ý của cháu về môi trường mới nhưng có một điều chắc chắn đó là Hà Nội đã không còn là thành phố cháu muốn tiếp tục ở lại nữa. Cháu chưa biết cháu sẽ đi đâu, về đâu nhưng thành phố này cháu sống 21 năm rồi. Cháu đã học, đã làm việc ở đây, và nó không còn đem lại cho cháu nguồn cảm hứng, động lực nữa. Hay như việc cháu sống trong gia đình mình, cháu thấy mình còn dựa dẫm và ỷ lại vào bà và mẹ quá nhiều! Cháu cần tự lập hơn.
Nhiều người nói (cháu nghĩ bác Huyền sẽ nói) con người sống phải mạnh mẽ và không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ở đâu cũng có thể sống được như hoa sen mọc trong bùn lầy vẫn thơm. Điều đó đúng, nhưng người ta không nhắc, hoa sen chẳng quan tâm bùn đó dưới nhận định của những người khác là hôi thối, nó chỉ biết bùn là nơi phù hợp để nó phát triển. Con người cũng thế, cần môi trường và hoàn cảnh phù hợp với từng giai đoạn tuổi đời để bộc lộ hết cái phẩm chất và khả năng mình có. Con người sống không tách rời, thậm chí phụ thuộc vào môi trường rất nhiều (môi trường theo bất kỳ nghĩa nào nó có), cháu tin là vậy.
Nhưng thế là chưa đủ, cháu cần 1 nhiệm vụ mới và nghiêm túc. Từ bé tới giờ, như hầu hết mọi bạn bè cùng trang lứa, cháu được rèn giũa trên trường hay ở nhà cho những nhiệm vụ cụ thể: có thể là kỳ thi, có thể là việc nhà,… Vì thế cháu không ngại khi thừa nhận mình là một sản phẩm của xã hội mình sống và đến giờ vẫn vậy. Bởi thế nên cháu đã quen sống với những nhiệm vụ cụ thể như là phải hoàn thành cái này hay cái kia. Trước khi có thể thành sản phẩm của chính mình cháu phải làm rõ được điều này. Nhiệm vụ mới trong tương lai sẽ là sự chuyển đổi của một con người được tôi rèn để luôn hoàn thành nhiệm vụ trước mắt từ xã hội với nhiệm vụ mà chính bản thân người đó cần hoàn thành cho đời mình.
Cuối cùng, để có thể dõng dạc đến thế về cuộc sống, cháu biết, cháu hiểu và cháu, bằng một cảm nhận không thể nói ra thành lời, biết ơn bà, biết ơn mẹ, bác Huyền và tất cả những người thân, bạn bè đã ở đây trong đời cháu, và hỗ trợ cháu, tin tưởng cháu. Dù có được sống bao đời nữa, cháu vẫn thấy mình mang ơn gia đình, bạn bè. Thời điểm này, cháu đặc biệt mang ơn bà, vì thế bà là người đầu tiên cháu viết thư. Bình thường vì văn hóa hay tương tự cháu không dễ dàng thổ lộ được nhiều thứ với bà, hy vọng bức thư này làm khuây khỏa những nỗi lo và nỗi thất vọng có thể bà đang có ở cháu. Dù sao đi nữa, có ngàn bức thư như thế này nữa, cháu cũng chẳng giãi bày hết được cháu biết ơn như thế nào những gì bà đã mang lại. Cuộc đời cháu cũng là sự tiếp nối của lòng hy sinh, nhẫn nại ở bà.
Bà là người đặc biệt,
Cháu bà,
Minh Anh
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất