Trong một chiều mưa chợt đến chợt đi ở Hà Nội, đến với những giọt mưa trắng xóa rơi xuống từ những đám mây xám xịt hiu hắt, tạo nên màn sương mù hư ảo trên mặt hồ Tây, rồi lại đi để lại khoảng nắng dịu dàng trải lên cảnh vật.
Tôi kết thúc cả ngày đi chơi với bạn thân ở Đại học của mình ở một quán cà phê đối diện Hồ Tây sau khoảng 1 năm không gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi gặp online không nhiều, chỉ là thỉnh thoảng mở google meet nói chuyện trên trời dưới bể, offline lại càng không nhưng hầu như hai đứa chẳng có khoảng lặng ngại ngùng khi gặp nhau. Chỉ là thỉnh thoảng im lặng cùng nhìn ra ngoài khi chưa kịp nghĩ ra chuyện gì để nói. Tôi cũng chẳng nhớ câu chuyện đi tới đâu khi tôi đột nhiên chống cằm nói:
- Tớ nghĩ là tớ thích được khen thông minh hơn là khen xinh.
Thật ra thì tôi biết mình không phải là người xinh đẹp xuất sắc, chỉ ưa nhìn thôi, mặc dù từ hồi nhỏ đến giờ thỉnh thoảng vẫn được khen, và điều đó đối với tôi hiện tại cũng không phải là điều tôi đặt nặng trong cuộc sống. Khi đặt lên bàn cân xem tôi cảm thấy hưng phấn và vui vẻ nhất khi nhận được lời khen nào hơn, tôi không cần nghĩ mà chắc chắn sẽ chọn được khen thông minh. Từ “thông minh” là một từ khiến tôi tự ti và ám ảnh từ khi tôi bước vào lớp 1 đến tận bây giờ, với rất nhiều câu chuyện đằng sau đó.
Tôi luôn là một đứa trẻ làm tốt đến rất tốt ở các môn mỹ thuật, tiếng việt, tập làm văn hay luyện từ và câu khi còn học tiểu học. Tôi còn thậm chí không hiểu vì sao mình phải chép chính tả từ sách ra vở ghi, bởi hồi đó tôi cũng đứa đã rất chăm chỉ luyện chữ và không bao giờ sai chính tả, nhưng vì được yêu cầu nên tôi vẫn làm đầy đủ. Sau này, khi học tiếng Hàn, tôi mới hiểu công việc đó giúp cho người học hạn chế được tối đa việc viết sai chính tả tiếng Việt khi được tăng cường tiếp xúc với các ngữ liệu thực tế. Tuy vậy, chẳng có ai khen tôi giỏi tiếng Việt cả.
Còn đối với môn Toán, tôi vẫn làm tốt từ mức cơ bản đến tương đối khó, còn nâng cao hẳn thì tôi thường không thể nghĩ ra mà cần có sự hướng dẫn để ghi nhớ và lặp lại các thao tác tư duy giải bài toán đó. Tôi vẫn nhớ cảm giác tủi thân của mình khi nhìn bạn làm được bài toán băng ô nâng cao còn mình thì chịu thua khi tôi học lớp 1. Mẹ tôi biết điều đó và thường dặn dò tôi: “Mình không thông minh thì mình phải chăm chỉ. Cần cù bù thông minh con ạ.” Có thể nói rằng “Cần cù bù thông minh” là câu nói ăn vào máu tôi cho đến bây giờ. Tôi hiểu đây là câu nói với mục đích tốt, là để khích lệ tôi chăm chỉ học tập hơn, nhưng lại vô tình gán cho tôi cái nhãn rằng: “Con không thông minh”. Chỉ vì tôi không xuất sắc vượt bậc trong môn Toán.
Lên lớp 5, tôi tham gia thi học sinh giỏi cấp trường. Điểm môn toán của tôi vẫn thấp hơn một số bạn cùng lớp, nhưng điểm môn văn lại cao nhất, tôi nhớ không nhầm là 18/20 điểm. Điểm tổng cộng cả hai môn tôi vẫn đứng đầu, đủ để đạt giải nhì, hơn những bạn điểm toán cao hơn tôi. Vì vậy, có một người bạn, lúc đó tôi và bạn đó vẫn còn chơi thân với nhau, lại bĩu môi chê thẳng mặt tôi: “Chẳng qua vì điểm văn của Bích cao hơn nên tổng điểm mới cao hơn thôi”. Chỉ vì không phải điểm toán, mà là điểm văn cao hơn mà tôi thắng người ta lại không phục. Tôi vẫn tự hào vì điểm văn của mình rất cao, nhưng rồi lại tự ti vì tiếp tục nghĩ: “Mình không thông minh nên mình không bằng được người ta”. Sau này ngẫm lại, có những người tôi từng gọi là “bạn” nhưng không xứng với chữ đó, là vì tôi quá sợ chơi một mình nên phải nhẫn nhịn mà vơ đại một người thậm chí còn không tôn trọng mình để kết thân. Đó là một bài học lớn đối với tôi từ thuở lên 10.
Tôi tiếp tục giữ tư duy rằng mình chẳng thông minh tý nào cả đến lúc học cấp hai, cấp ba. Gặp bài toán khó tôi không biết làm thì nghĩ, nghĩ chẳng ra thì xem lời giải để biết cách làm, xem chẳng hiểu nữa thì hỏi thầy xem làm như thế nào, rồi thuộc lối tư duy đó để tiếp tục áp dụng. Khi học cấp hai, tôi giỏi toán đại hơn toán hình, và tôi luôn cố gắng để tiếp tục làm tốt toán đại và lấp những lỗ hổng về tưởng tượng và tư duy khi làm toán hình. “Thay đổi về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất”. Tôi học toán ngày càng nhiều, dù đôi khi vẫn phải học thuộc cách tư duy, nhưng tôi tự hào vì mình đã nghĩ thông suốt được một số bài khó trước các bạn trong lớp. Lớp 7, tôi thi Toán được giải Nhì cấp huyện. Có thể với các bạn siêu giỏi từng đạt giải quốc gia, nó chẳng là gì cả. Nhưng với tôi, đây chính là bằng chứng củng cố niềm tin của tôi vào khả năng của bản thân mình. Tuy vậy, tôi vẫn ghen tỵ lẫn phục bạn đạt giải Nhất huyện khi nghe được tên bạn trên loa phát thanh của xã. Và rồi run rủi thế nào, chúng tôi lại học cùng lớp cấp ba, thành bạn thân và thỉnh thoảng tôi được chính bạn đạt giải nhất đó vừa chở trên đường vừa hát cho nghe. Khi ấy, tôi vẫn tự ti.
Ở nơi tôi học, có hình thức học gọi là “học cụm”, tức là các bạn học sinh cấp hai học lực giỏi từ các trường xã sẽ tham gia học tập trung tại một trường để nâng cao kiến thức các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa. Tôi đăng ký lớp học Toán và Anh. Với môn Toán, chúng tôi được 3 thầy giáo dạy, và tôi thì ấn tượng nhất với cách dạy của thầy T. Tôi cảm thấy mình khá kén giáo viên dạy toán, nếu cảm thấy thầy giảng bài tôi hiểu trơn tru từ đầu tới cuối dù bài khó đến đâu, tôi biết đây chính là thầy dạy mình hợp nhất. Lần đó khi thầy giảng về phân tích đa thức nâng cao, tôi rất hiểu và rất thích phần này, đến mức thầy vừa viết xong đề thì tôi cũng nhanh chóng làm xong xuôi. Đột nhiên sau khi thầy mắng một bạn nào đó vì mất trật tự, thầy đi quanh lớp xem mọi người làm đến đâu rồi, thầy nhìn vào vở của tôi và vỗ vai khen: “Đấy, nhanh thế mà bạn này còn làm xong rồi.” Cái cảm giác được một người thầy mình quý khen trước một tập thể với nhiều người giỏi, đó là niềm hạnh phúc và hãnh diện lớn nhất của một đứa học sinh như tôi lúc đó. Vui đến mức cho đến khi viết những dòng này tôi vẫn cảm thấy vui, vì cảm thấy rằng: “Ồ, hóa ra mình cũng thông minh và được thầy khen.” Một thời gian sau, khi tôi nhận lớp học đội tuyển ôn thi tiếng Anh cấp thành phố lần đầu tiên, thầy dạy lớp đội tuyển Toán ở ngay sát bên cạnh. Khi nhìn thấy tôi, có vẻ thầy vẫn nhớ mặt tôi và nhìn lạ lẫm khi tôi bước vào lớp Anh. Có lẽ là tôi cũng khá tự hào đấy, nhưng thực tế năm đó tôi cũng thi toán mà điểm thấp lè tè, chỉ đạt giải khuyến khích.
“Ít ra thì mình cũng có tý thông minh.”
Chỉ một tý thôi.
Tôi học thêm môn văn của cô H hết những năm học cấp hai. Cô là người khiến tôi ấn tượng sâu sắc đến bây giờ khi tôi phải thừa nhận rằng tôi chưa gặp ai dịu dàng, mềm mỏng và dạy văn đúng như tôi mong muốn giống cô. Học văn là để hiểu, để cảm nhận văn thơ và con người chỉ không chỉ đơn thuần là thuộc đoạn thơ, đoạn văn để phân tích rồi bình giảng. Cô cũng là người cho tôi được phép phóng bút tự do rất nhiều khi học đến những bài tập làm văn tự do với đề bài không theo chủ đề nào cả. Tôi thường được cô gọi đọc bài, và được khen ngợi viết văn có cảm xúc, hay trả lời đúng. Tất cả đều là những sự khích lệ vô giá của thầy cô trong quãng thời gian đi học của tôi. Tôi biết ơn vì điều đó.
“Ồ, thế là mình cũng được khen ngợi ở môn Văn. Thông minh thêm chút nào chưa, mình cũng chẳng rõ.”
Học cấp ba, tôi sợ đến phát điên vì toán hình. Tôi học không tồi, nhưng tôi thừa nhận tôi không thể hiểu sâu bản chất vấn đề cốt lõi của toán hình để đạt điểm cao trong những bài kiểm tra giữa kỳ hoặc cuối kỳ toàn trường. Đỉnh điểm là có lần tôi chỉ được 6 điểm, nhìn thấy bài tôi sốc đến mức lấy sách vở che mặt ngồi khóc giữa lớp khi đến tiết trả bài. Mẹ tôi chẳng thèm hỏi tôi tại sao kết quả lại như vậy, rồi cách giải quyết như thế nào với việc này. Mẹ tôi nổi đóa với tôi, rồi khóa cửa phòng nói chuyện với bố tôi về bài kiểm tra, về việc họp phụ huynh. Tôi ngồi học ở phòng khác nhưng nói to đến mức tôi vẫn nghe rõ mồn một:
- Cái loại nó đi họp phụ huynh làm cái đéo gì!
Chỉ vì một bài, rồi hai bài, rồi ba bài toán hình điểm 6, 7 rồi 7,5, tôi tự nhiên thành một loại người gì đó khó coi. Tôi dần ghét và sợ môn toán, và coi nó chỉ như một công cụ để tôi tốt nghiệp, thi đại học, mất đi hoàn toàn niềm hứng thú học tập vốn có từ trước.
“Hóa ra mình dốt toán hình thế, chả thông minh tý nào cả”
Sự tự tin bé nhỏ rằng mình thông minh tôi cóp nhặt dè dặt từng tý một từ người này người kia vụn vỡ nhanh chóng, tôi lại trở về làm một đứa “cần cù bù thông minh”.
Tôi đi qua tuổi cắp sách đến trường phổ thông, học đại học, rồi nổi loạn điên cuồng khi mọi thứ chẳng hề đi theo quỹ đạo tôi mong muốn. Có những khoảng lặng tôi nhìn về tất cả mọi thứ mình đã làm từ trước đến giờ, để đặt câu hỏi: “Mình rốt cuộc đã làm những thứ đó để làm gì?”
Khi còn là một đứa trẻ, ngoài việc để thỏa mãn tính hiếu thắng, cạnh tranh, hay để làm cho bản thân cảm thấy “thông minh” hơn, tôi chăm chỉ để nhận được lời khen từ thầy cô giáo tôi yêu quý. Vì tôi quá “khát” lời khen, sự động viên khích lệ đúng cách từ gia đình. Vì thật ra chẳng ai khen tôi cả, họ coi đó là điều đương nhiên tôi phải làm. Người khen tôi nhiều nhất – ông tôi thì đã mất khả năng nói chuyện và đi lại sau một lần tai biến. Mẹ tôi biết tôi là một đứa hiểu thắng và lòng tự trọng cao, vì thế đã liên tục nói những lời khiến tôi tự ti để “kích hoạt” nguồn năng lượng của tôi. Tôi hiểu mẹ tôi muốn tôi tốt hơn, nó đã hiệu quả nhưng cách giáo dục đó hoàn toàn sai lầm khi tôi luôn phải chống chọi với nỗi tự ti cứ xâm lấn bản thân mình hằng ngày, dẫn đến việc khi tự ti đó xâm chiếm hoàn toàn cơ thể thì tôi tê liệt, mất kiểm soát và rơi vào trầm cảm và nổi loạn (Thật may vì tôi đã vượt qua được, và tôi vẫn ở đây viết những dòng này). Mẹ tôi thường bảo tôi rằng “Biết được có làm được không?” thay vì “Con nhất định sẽ làm được”. Điều này khiến tôi luôn lo lắng và nghi ngờ ngược lại chính bản thân mình rất nhiều lần, và tôi luôn phải át nỗi sợ của mình bằng câu nói “Con làm được và không làm thì làm sao biết mình không làm được!”
Có một thời gian tôi đi thực tập, chịu trách nhiệm dịch các bài viết về giáo dục giới tính và tâm lý từ tiếng Anh sang tiếng Việt để đăng tải lên website. Trong đó tôi nhớ nhất những bài viết về tâm lý của lứa tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì lứa tuổi thay đổi mạnh nhất về ngoại hình lẫn tâm lý, khi luôn tự ti về ngoại hình, hoài nghi về năng lực và loay hoay không biết mình đã làm đúng hay chưa khi có quá nhiều khuôn mẫu ngoài kia. Vì vậy, những lời động viên và hướng dẫn của cha mẹ là rất cần thiết để con trẻ có thể tự tin và phát triển toàn diện.Tôi có buồn vì mình không thể nhận được điều đó ở lứa tuổi dậy thì, nhưng sau khi tham gia một buổi học về quản trị cảm xúc, tôi đã hiểu tường tận gốc rễ và thôi cảm giác buồn bã hay oán trách bản thân và người khác. Mỗi con người là một cái cây khác biệt, với gốc rễ là hệ giá trị, trải nghiệm và niềm tin khác nhau sẽ dẫn đến những thái độ, suy nghĩ, cảm xúc và hành động khác nhau. Vì vậy, việc yêu cầu người khác phải hoàn toàn thấu hiểu, cảm thông, và đồng tình trong mọi vấn đề với mình quả thực vô cùng khó khăn. Tôi phải thôi buồn, thôi tiếc vì chính bản thân.
Tôi cũng thường quan sát và nhận thấy rằng những bạn sống trong gia đình thường xuyên được bố mẹ khen ngợi có tinh thần lạc quan và tự tin hơn tôi rất nhiều. Tôi luôn là người suy nghĩ về mặt tiêu cực trước mọi mặt, luôn nghi ngờ bản thân không đủ tốt để làm cái này các khác, để rồi chần chừ và lỡ mất rất nhiều cơ hội. Nhưng tôi cũng đã được tiếp thêm rất nhiều năng lượng tích cực từ những người tinh thần lạc quan yêu đời hơn tôi.
Tôi bảo mình muốn thi lại, bạn tôi cũng chẳng hỏi lý do tại sao mà dúi cho tôi thanh Kit Kat với vỏ được thiết kế đặc biệt cho các thí sinh sắp thi với điểm 10 đỏ chói. Nhưng tôi lại chẳng thi và quay trở lại học tiếp.
Tôi ngơ ngác mãi chẳng hiểu bài, bạn tôi vẫn cố giảng cho đến khi tôi hiểu và hỏi ngược lại rồi khen tôi là đúng là giỏi từ xưa mà.
Tôi nhắn bạn tôi bảo mày có nghĩ tao làm được không, chỉ để thấy câu mày nhất định làm được từ bạn tôi.
Bạn tôi khuyến khích tôi rằng cậu phải viết review sách trên Goodreads đi, kiểu gì cũng lên top review cho xem.
Chị trưởng điều phối dự án khen ngợi tôi tư duy tốt vì tôi đưa ra ý kiến của mình về nội dung của buổi summit.
Và còn rất nhiều lời khen khác nữa.
Cái bình “thông minh” cũ của tôi đã vỡ, nhưng tôi hoàn toàn đã làm lại một cái mới để cóp nhặt từ đầu. Cái bình cũ chứa đầy những quan niệm cũ, rằng phải học giỏi toán mới là thông minh, thì nay có thể thay bằng chiếc bình mới đầy những quan điểm mới mẻ, đa dạng và đa chiều về hai chữ “thông minh” trong tâm thức của tôi bây giờ. Nhặt nhạnh từ những người bạn, từ thầy cô giáo, từ bạn học, và từ chính bản thân mình. Tôi nhận được những lời khen kiểu mới. Tôi có thể tự mình làm đầy cái bình đó bằng những bằng chứng phong phú khẳng định rằng tôi thông minh ở nhiều khía cạnh khác nhau thay vì chỉ là môn toán hay những con số.
“Cuối cùng mình cũng thông minh hơn nhiều lắm rồi đấy.”
R.Blues, 04/05/2022