"Thiên thần và ác quỷ"- một bức tranh toàn cảnh về sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo (cảnh báo có spoil)
“Khoa học và tôn giáo không tồn tại bất đồng....
“Khoa học và tôn giáo không tồn tại bất đồng.
Khoa học đơn giản chưa đủ tầm để lý giải”
Từ xa xưa, tôn giáo và khoa học đã luôn là hai khái niệm mâu thuẫn và đấu tranh lẫn nhau, tựa như lửa và nước, tựa như thiên thần và ác quỷ. Giáo hội từ thời cổ xưa đã luôn có những hành động dứt khoát, thậm chí là tàn nhẫn nhằm loại đi những tiến bộ của khoa học đi ngược lại với những điều được viết trong kinh thánh, ví như vụ hỏa thiêu Giodarno Bruno hay vụ kiện lịch sử của Galileo. Mâu thuẫn này, một lần nữa, đã được khắc họa trong tiểu thuyết “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown, sống động nhưng cũng thật thương tâm.
Vượt trên cả một cuốn tiểu thuyết trinh thám thông thường, “Thiên thần và ác quỷ” mang lại cho người đọc một góc nhìn sâu sắc, đa chiều hơn về tôn giáo, về khoa học và về con người. Bằng lối kể chuyện hấp dẫn và độc đáo, cùng với vốn kiến thức sâu rộng và liên ngành về biểu tượng học, lịch sử,... Dan Brown đã phác họa nên một bức tranh trinh thám rực rỡ và lôi cuốn đến mê hồn, mà có lẽ một khi cầm trang sách của ông lên thì đọc giả sẽ không thể nào rời mắt được.
Cốt truyện với nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn nhưng cũng không kém phần sâu sắc, khiến người đọc phải suy ngẫm
Nhân vật chính trong “Thiên thần và ác quỷ” là Robert Langdon, một giáo sư biểu tượng học của Harvard, một người đàn ông trung niên điển trai, cô độc. Được biết đến qua tác phẩm về biểu tượng học của mình, ông được mời đến CERN – Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu để giải mã bí ẩn về biểu tượng đóng dấu sắt nung trên thi thể của nhà vật lý học Leonardo Vetra. Dấu sắt nung đó chính là biểu tượng của Illuminati- một hội kín tưởng chừng đã ngừng hoạt động từ lâu, nay dường như đã trỗi dậy với những âm mưu và kế hoạch mới.
Phản vật chất, công trình nghiên cứu của nhà vật lý học quá cố cùng cô con gái Vittoria Vetra, đã bị đánh cắp. Đây được xem như là kế hoạch trả thù nhằm hoàn thành một lời thề của hội Illumuinati: phá hủy tòa thánh Vatican. Bốn vị Hồng Y, những ứng cử viên cho vị trí giáo hoàng mới, bất ngờ bị bắt cóc ngay trước thềm Mật nghị. Robert Langdon cùng nữ khoa học gia Vittoria Vetra và giáo chủ thị thần phải chạy đua với thời gian nhằm giải cứu 4 vị Hồng Y và ngăn chặn phản vật chất phát nổ.
Để tìm được 4 vị Hồng Y, Robert phải tìm ra vị trí của 4 điện thờ khoa học. Đây là 4 điện thờ nằm trên con đường khai sáng mà Hội illuminati tạo ra nhằm thử thách những nhà khoa học muốn gia nhập họ. 4 điện thờ này cũng là nơi mà tên sát nhân đe dọa sẽ giết 4 vị Hồng Y và đóng 4 dấu sắt nung đất, không khí, lửa và nước, 4 nguyên tố cơ bản của khoa học, nhằm phục thù giáo hội.
Vượt qua bao khó khăn thử thách, Robert cuối cùng cũng tìm đến được sào huyệt của hội illuminati và giải cứu Vittoria khỏi tay tên sát thủ. Cùng nhau, họ đã cảnh báo và ngăn chặn vụ ám sát giáo chủ thị thần Carlo Ventresca của Max Kohler – giám đốc của CERN và là người bị nghi ngờ là giáo chủ của hội Illuminati. Theo chân giáo chủ thị thần, họ tìm được vị trí của phản vật chất. Giáo chủ thị thần Carlo và Robert Langdon đã quyết định hy sinh cùng với phản vật chất để bảo vệ cho tòa thánh Vatican. Sau đó, giáo chủ thị thần trở về và chắp tay cầu nguyện, hòa cùng với tiếng hò reo của hơn 1 vạn người dân. Đây đích thị là kì tích của chúa, cho đến khi sự thật vén màn. Thì ra tất cả chỉ là âm mưu của Carlo Ventresca nhằm cho người dân thấy sự uy nghiêm của thần thánh vượt xa khoa học và khôi phục lại danh tiếng của giáo hội, ngay từ đầu đã không có sự trỗi dậy của hội Illuminati. Tưởng như kế hoạch của hắn ta đã thành công mỹ mãn thì Robert Langdon đã quay lại cùng với cuộn video bằng chứng do Kohler trong lúc đối thoại với Carlo quay được. Bí mật dần được vén màn, theo đó là sự hối hận đến tột cùng của Carlo Ventresca khi biết được cố giáo hoàng, người mà hắn ta đã ám sát lại chính là cha đẻ của hắn. Trước sự chứng kiến của muôn dân, Carlo đã tự thiêu, để trở về với chúa và trả giá cho tội lỗi hắn gây ra. Đoạn kết của tác phẩm là cảnh buổi tối thân mật giữa Vittoria và Robert, một tình yêu đẹp được đơm hoa trên vũng lầy của máu, nước mắt và sự nuối tiếc.
Tôn giáo và Khoa học có nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau?
Trong tiểu thuyết này, Dan Brown dường như nhấn mạnh tầm quan trọng của cả tôn giáo lẫn khoa học. Rõ ràng, xã hội loài người không thể thiếu một trong hai. Tôn giáo cho chúng ta niềm tin, động lực để hướng thiện, là chỗ dựa vững chắc của nhân loại về mặt tinh thần, trong khi khoa học là nhân tố chính để tạo ra những bước đột phá và đưa nền văn minh nhân loại tiến lên một nấc thang mới. Mặt khác, nếu chỉ tin vào sự thần kì của chúa mà bỏ qua những tiến bộ của khoa học thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có thể sẽ phải đánh đổi bằng mạng người. Ví như trong tiểu thuyết, vì tin vào sự thần kì của chúa nên bố mẹ của Max Kohler đã không cho phép bác sĩ chữa bệnh cho ông, dẫn đến kết cục ông bị bại liệt nửa thân dưới. Chính vì vậy, khoa học và tôn giáo nên được cân bằng, xã hội loài người nên mở cửa chào đón những tiến bộ mới của khoa học nhưng cũng không nên vì đó mà bỏ quên, xem thường những giá trị tinh thần của tôn giáo.
Sự đối xứng và tính hai mặt của vấn đề.
Bất kì điều gì cũng có mặt đối lập tồn tại thống nhất và đồng thời với nó như âm và dương, thiện và ác, thậm chí vật chất cũng có phản vật chất. Sự mâu thuẫn và tính đối xứng được thể hiện lặp đi lặp lại, từ mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học, tính đối xứng trong biểu tượng mà hội Illuminati tôn thờ cho đến tựa đề “Thiên thần và ác quỷ” cũng mang nét nghĩa đối lập. Có lẽ, tác giả “Mật mã Davinci” muốn gửi đến đọc giả thông điệp rằng bất kỳ thực thể, bất kỳ điều gì trên trái đất cũng có mặt trái của nó, điều quan trọng là chúng ta nên biết cân nhắc để biết đúng, biết sai, biết hòa hợp chứ không nên tập trung vào một mặt nào cả.
Sự tiến bộ của khoa học đi kèm sự nguy hiểm nhất định.
60 triệu người chết vì chiến tranh thế giới thứ hai, hàng trăm nghìn người chết trong các thảm họa hạt nhân. Ta không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao mà khoa học mang lại nhưng bên cạnh đó ta cũng phải hết sức thận trọng với những hiểm họa khôn lường mà nó tạo ra. Trong “Thiên thần và ác quỷ”, phản vật chất nổi bật lên như một nguồn năng lượng tiềm tàng, có hiệu quả gấp trăm lần năng lượng hạt nhân, nhưng cũng có sát thương gấp trăm lần năng lượng hạt nhân. Một câu hỏi được đặt ra là: Liệu thứ vật chất kém ổn định như phản vật chất sẽ cứu vớt thế giới này hay sẽ tạo ra thảm họa kinh hoàng nhất mà con người chưa từng biết đến?
Chúa có tồn tại hay không?
Tôi không phải là chuyên gia về tôn giáo, phần viết này hoàn toàn dựa trên góc nhìn cá nhân nên nếu có xúc phạm đến các tín đồ cơ đốc giáo thì xin mọi người lượng thứ. Trong tác phẩm, nhà khoa học Leonardo Vetra cùng với con gái Vittoria Vetra đã mô phỏng lại vụ nổ big bang nhằm làm sáng tỏ khoảnh khắc hình thành của vũ trụ và chứng minh sự tồn tại của chúa. Rõ ràng vật chất không thể cứ thế được sinh ra mà phải có một nguồn năng lượng, một khởi điểm. “Khoa học thực sự khám phá ra chúa trời đang đứng chờ sau từng cánh cửa” (Giáo Hoàng Plus II)
Theo cá nhân tôi, chúa thực sự có tồn tại, và ngài tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Đánh giá sự tồn tại của chúa bằng logic có lẽ là một điều bất khả bởi có khả năng, logic cũng là điều được tạo ra bởi chúa. Ngay từ đầu, sự xuất hiện của loài người, của vũ trụ, của Trái Đất đã là một chuỗi sự kiện hợp lí đến một cách hoàn hảo, ngay cả cấu tạo của loài người của chúng ta cũng hài hòa một cách tuyệt đối, như được tạo tác bởi bàn tay vượt xa khả năng con người.
Kết
“Thiên thần và ác quỷ” là một bức tranh lôi cuốn, hài hòa với nhiều mảng màu nổi bật khác nhau mà bất kì bạn đọc nào quan tâm về vấn đề tôn giáo, chúa trời và tâm linh nên đọc thử một lần trong đời. Tiểu thuyết có một số nhận định mang tính xúc phạm nên có lẽ sẽ không phù hợp với những ai có quan điểm bảo thủ. Một cuốn sách để lại nhiều suy ngẫm.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất