Một cậu thanh niên tuổi 18 có những thắc mắc về quan niệm sống của cuộc đời mà mãi cậu không thể trả lời rõ ràng được. Một ngày nọ, cậu vô tình biết có một thiền sư uyên thâm có thể lý giải những thắc mắc của mình, cậu bèn tìm đến ông ấy. Khi đến nơi, thiền sư đang ở trong vườn để chăm sóc vườn cây. Cậu nói ra tâm sự của mình và thiền sư vui vẻ đồng ý giúp. Ông mời cậu vào ngồi trước cái cây của mình.
Chàng trai: Thưa thầy, con muốn hỏi rằng là người tốt hay người xấu thì sướng hơn                     ạ?
Thiền sư: Tất nhiên là người tốt. Tại sao con lại hỏi vậy?
Chàng trai: Con cảm thấy làm người tốt thật mệt mỏi, bận tâm nhiều thứ, trong khi đó làm người xấu chẳng cần quan tâm điều gì mà vẫn sống sung sướng.
Thiền sư: Con hãy nhìn kỹ khu vườn này đi. Người xấu giống như một người sống trên một cái đồi trơ trụi, không cần bận tâm điều gì nhưng lại làm bạn với gió nóng, nắng gắt. Bên ngoài tưởng bình thường, nhàn nhã nhưng bên trong lại cảm thấy mệt mỏi. Người tốt giống như việc một người sống trong một khu vườn đầy hoa trái, quả ngọt và chim chóc. Có lúc mệt mỏi vì phải phòng ngừa sâu bọ và người khác phá hoại hay trộm cắp nhưng đa phần con sẽ sống thoải mái trong đó. Con sẽ cảm nhận được gió mát, uống nguồn nước tươi mát, ăn những quả ngọt và nghe tiếng chim hót. Đây mới là sống, còn kẻ xấu chỉ đang tồn tại thôi. Mà ở trên đời này cớ sao lại chỉ muốn tồn tại đây?
Chàng trai: Thầy có nhầm lẫn gì không ạ? Con thấy rõ ràng những kẻ khốn khiếp đó thì có gì mà mệt mỏi ạ? Chúng là một lũ vô lương tâm, không cần bận tâm bất kể điều gì, sống một cách thoải mái tự do. Trong khi đó người tốt lại phải chịu đựng sự giày vò lương tâm nếu trót làm việc xấu hoặc nếu không làm được điều gì đó để cải thiện những việc xấu thì họ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Thiền sư: Con à, đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa. Những kẻ xấu chúng chìm đắm vào thế giới riêng của mình mà không hay, nơi đó đầy cô quạnh nhưng chính kẻ xấu đó không biết. Chúng trơ trọi giữa những ngọn đồi, dù có gặp nhau thì cũng nghi kỵ hay tính toán. Chúng gặp nhau hay hợp tác với nhau cũng chỉ toàn là do lợi ích mà thôi, sau đó, chúng lại trở về lãnh địa của mình. Con cứ nói xem liệu điều đó có mệt mỏi không. Còn người tốt, chính những cảm xúc đau khổ đó cho chúng ta biết chúng ta là con người, còn có lòng trắc ẩn và yêu thương. Chính điều đó sẽ thôi thúc ta làm điều tốt cho đời.
Chàng trai: Thưa thầy, rõ ràng người tốt phải đi xử lý những hậu quả mà người xấu đã gây nên, trong khi người xấu cứ nhởn nhơ ngoài kia? Con thấy thật bất công và mệt mỏi!
Thiền sư: Nhân quả báo ứng. Trong quá trình con làm việc tốt, con sẽ gặp được những người chung lý tưởng hay suy nghĩ. Lúc đó, con tạo nên những người bạn tuyệt vời, cùng chia cho nhau những quả ngọt trong khu vườn của mình, cùng hát ca và chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Con sẽ mở rộng được khu vườn của mình nhờ kinh nghiệm người khác truyền dạy. Những kẻ xấu sớm muộn gì cũng sẽ bị trừng phạt.
Chàng trai: Vậy khi nào chúng bị trừng phạt ạ? Con cảm thấy chúng còn nhởn nhơ lắm rồi mới đi đời nhà ma!
Thiền sư: Mọi vật đều có nguyên lý của nó, thật ra, con cứ ngỡ là chúng chưa bị trừng phạt nhưng đôi khi họ đã bị trừng phạt, chỉ đơn giản là con chưa thấy thôi. Và đôi khi cái chết chẳng phải sự trừng phạt, sống một cách đau khổ hoặc chỉ tồn tại chính là sự trừng phạt. Như ta đã nói ban đầu, bên ngoài con sẽ thấy những kẻ đó bình thường nhưng bên trong chúng không như vậy.
Chàng trai: Nhưng con thực sự không muốn làm việc tốt nữa, mỗi lúc làm việc tốt mà nhiều người vẫn cứ làm nó tồi tệ đi, con cảm thấy thực sự rất khó chịu và chán nản.
Thiền sư: Không có một việc tốt nào là lãng phí con ạ. Nếu con làm và nhiều người như con cũng làm thì chúng ta có rất nhiều việc tốt, chẳng qua là con không thấy mọi người cũng làm thôi. Nếu con cứu một sinh linh mà có một nghìn người khác cũng cứu một sinh linh thì chẳng phải ta đã có một con số rất hơn hay sao?
Chàng trai: Nhưng con cảm giác những việc tốt của mình và nhiều người khác là vô ích khi môi trường càng ngày càng ô nhiễm, những nơi con qua hoặc con đã từng nhặt rác thì sau này lại càng ô nhiễm hơn, nhìn cảnh đó con cảm thấy rất nản. Thậm chí, nhiều kẻ còn cố tình nhạo báng khi chẳng hiểu nổi những việc con làm.
Thiền sư: Phật Tổ từng rời bỏ địa vị là một hoàng tử để lang bạt khắp nơi tìm chân lý của cuộc đời. Người chịu những cảnh khó khăn, mệt mỏi. Người khai hóa ra Phật giáo và khiến chúng sinh hạnh phúc hơn. Dẫu rằng quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ có nhiều kẻ làm sai lệch đi lời dạy của Người nhưng cũng nhiều người cảm thấy bình yên nhờ lời dạy của Người. Huyền Trang đi đến Tây Trúc thỉnh kinh về Trung Hoa để phổ độ Phật giáo, khiến cho chúng sinh trở nên tốt đẹp hơn. Do đó, lời khuyên của ta là hãy cứ giữ vững cái tâm tốt đẹp và cố gắng rồi mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn, dù không nhiều thì cũng ít, dù không phải hàng vạn hàng nghìn người thì cũng sẽ có vài người, đó chẳng phải là thành công rồi ư?
Chàng trai: Sao người lại dẫn ra những người mà chỉ có một mình họ làm mọi việc thế ạ? Phải chăng ý người là cũng bảo con như thế ư?
Thiền sư: Không không chàng trai. Ý ta là con hãy cứ cố gắng hoàn thiện bản thân mình rồi làm việc theo lý tưởng của con. Sau đó, hãy kết bạn thêm với nhiều người cùng chung lý tưởng để làm việc chung. Đức Phật cũng sau khi ngộ ra chân lý mới tìm lại những người đồ đệ cũ để cùng đi thuyết giảng cho chúng sinh nghe, còn Huyền Trang lại cũng đi cùng một vài người khác chứ không phải một mình đâu con ạ.
Chàng trai nghe xong thì rơi vào trầm tư. Gió thổi, mây bay. Khi hoàng hôn đến, cậu thất thần ngắm hoàng hôn. Khi mặt trời lặn, cậu chào sư thầy và rời đi với lòng đầy cảm xúc.
-------
Đây là một luồng tư tưởng tranh đấu trong đầu tôi thuở trước, dẫu đôi chút buồn cười nhưng nó thực sự khiến tôi cảm thấy đau đầu mà sau này mới tìm ra câu trả lời.