Tôi đang nghe Star Sky (Two Steps From Hell) - bài ca bất hữu luôn được chọn để làm nhạc nền cho những video nhìn lại. Câu từ trong bài hát này chất chứa quá nhiều xúc cảm khó thành lời, nên tôi nghĩ bài viết này sẽ là bài viết đơn giản nhất mà tôi từng viết.
<i>Đây là bức ảnh tháng 5/2020, khi vừa đi qua đợt tự chữa lành lần 1, sau 6 tháng off toàn bộ tài khoản MXH. Gương mặt dị ứng, nhìn rất mệt mỏi, nhưng đó là 1 điểm sáng, một giai đoạn chuyển mình để đợt giãn cách lớn tiếp theo tôi có thể thay đổi hoàn toàn cục diện bên trong mình.</i>
Đây là bức ảnh tháng 5/2020, khi vừa đi qua đợt tự chữa lành lần 1, sau 6 tháng off toàn bộ tài khoản MXH. Gương mặt dị ứng, nhìn rất mệt mỏi, nhưng đó là 1 điểm sáng, một giai đoạn chuyển mình để đợt giãn cách lớn tiếp theo tôi có thể thay đổi hoàn toàn cục diện bên trong mình.
Sáng nay, tôi tỉnh dậy với cảm giác như được hồi sinh sau cơn ngủ vùi hơn 12 tiếng. Mất ngủ dường như đã là một bài ca trở đi trở lại trong tôi rất nhiều năm nay. Nhưng thay vì thấy chán ghét điều đó, tôi lại có chút hưởng thụ từng giây phút quý giá khi mình mệt lả đi rồi chìm vào giấc ngủ. Cái cảm giác thức dậy, thấy bản thân tỉnh táo, mọi thứ đã hoàn thành, nhìn bầu trời thanh sạch và mặt trời chiếu rọi trên cao ấy khiến tôi thấy trân quý những gì đã trải qua, kể cả khi đó chỉ là quá khứ cách đây vài tiếng.
Trước đây, tôi đã từng làm nhiều cách can thiệp vào chuyện này, dùng thuốc ngủ, nằm trên giường từ sớm,...nhưng rõ ràng tôi không thể ngủ nếu trong đầu còn quá nhiều thứ khiến tôi suy nghĩ. Đó là lý do vì sao tôi quyết định làm xong mọi thứ mới ngủ. Suy cho cùng, có một số việc như thói quen làm việc ban đêm, hay những sự việc ta không thể thay đổi được, thay vì cứ cố ngược dòng, thì nghĩ cách làm sao để bình thường hóa chúng, và chấp nhận chúng là một phần trong cuộc sống của mình. Riêng với kiểu mất ngủ này, cũng là a 'good' trong 'goodnight' phải không nhỉ :))))) (Đùa tí thôi ạ, chứ Thy vẫn cố gắng cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình, chỉ là phải từ từ chứ không phải nói là làm liền được).
Hôm qua trong bài thi Ielts Speaking, giám khảo có hỏi tôi đại loại như vầy:
- Giám khảo: Bạn có nghĩ rằng mọi người đang hạnh phúc?
- Tôi trả lời là có. Tôi nói rằng dù chúng ta đang ở trong một tình huống vô cùng đặc biệt, với nhiều nỗi buồn và mất mát, nhưng ngược lại đó là khoảng thời gian để ta tự nhìn nhận lại mọi thứ (relief). Và có thể đó là lần duy nhất để ta thay đổi hiện tại và tương lai mà ta đang sống. (Còn phần sau thì tôi nói xong tôi quên mất rồi ^^).
Sáng nay xem video mới nhất (#51 Endless Days of Summer: Slow Living in the Countryside) của kênh Her 86m2, tác giả có viết một đoạn khá hay thế này:
''Mưa giống như nỗi buồn, một khi nó đến thì ngược dòng vô ích. Mình chấp nhận nó như một phần bản chất của cá nhân. Không ai đi sửa mái nhà lúc trời mưa cả. Cứ để mưa trôi theo dòng chảy của nó. Rồi trời sẽ tạnh và bình yên sẽ trở lại.''
Xem tới đây, tôi bắt đầu nhớ tới tất cả những gì mà chúng ta đã đi qua, từ quá khứ, đến những gì đau thương của hiện tại. Giữa rất nhiều sự rối bời, trách móc, chỉ trích, vẫn luôn có rất nhiều người chọn nỗ lực và cố gắng để tạo ra kết quả. Chúng ta khác máy móc ở chỗ chúng ta sẽ sai lầm, nhưng sau mỗi lần như vậy, ta buộc phải làm khác đi, để cải thiện và để trưởng thành hơn. Đi ngược dòng hay đi xuôi dòng, đó không phải là chuyện con người có thể toàn quyền quyết định nữa. Nhất là đối với đại dịch toàn cầu, khi ngày mai còn chưa tới thì hôm nay ta đã phải cố gắng vượt qua cửa tử.

01

Thứ chúng ta cần lúc này chắc chắn là giải pháp, là rút kinh nghiệm - và đưa ra hành động sửa chữa, là sự lạc quan có hiểu biết, là sự hợp tác, là những tiếng nói mang giá trị, là 3 bữa ăn, thuốc men, kết quả từ hành động, hoặc chỉ đơn giản là những việc làm nhỏ nhất để quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Vì cho dù trận dịch này khủng khiếp đến mức độ nào, nó chắc chắn sẽ phải trở thành quá khứ. Lịch sử của tất cả các trận đại dịch toàn cầu đã cho thấy rằng, khi hội tụ đủ tất cả các yếu tố đạt miễn dịch cộng đồng, virus cũng sẽ dừng bước. Cái quan trọng là chúng ta mất gì, và cuộc sống của chính ta sẽ bước vào một khuôn khổ nào mới.
Nói như vậy không phải là vài ba lí lẽ để bình thường hóa những nỗi đau hay những điều tồi tệ xung quanh, mà là một cách để tự bản thân ta tỉnh thức, tỉnh táo nhìn sự thật, không trách móc bất cứ điều gì, và tự tìm mọi cách cách cứu mình. Phải sống đã, đó mới là nhiệm vụ của những người còn khả năng xoay sở. Hãy nhường phần được phép buông 1 tiếng thở dài cho những người yếu thế hơn, vì rõ ràng là họ chỉ có thể nhờ vào trợ giúp của xã hội. Mỗi một nhành cây ngọn cỏ còn có sức sống, sức chịu đựng quật cường giữ giông bão, thì tôi vẫn nuôi dưỡng lòng tin mạnh mẽ vào ý chí sinh tồn của con người, vào sức mạnh nội tại bên trong họ.

02

Nhưng để đánh thức nguồn sức mạnh này, cần trải nghiệm, cần kinh nghiệm, phương pháp luyện tập tâm trí, sự hiểu biết nhất định về quy luật vận động của một số sự việc,... Nói nôm na là cần hiểu biết, kiến thức, và cảm giác biết đủ và biết ơn mỗi khi thức dậy. Đây là thứ mà tôi đã luyện tập trong 3 tháng bắt đầu thiền 5 phút mỗi buổi sáng.
Đó là lí do vì sao tôi cảm thấy mình may mắn, nhận ra mình không được phép than thở hay tiêu cực, vì rõ ràng tôi còn có mái nhà, còn những bữa cơm, còn hàng xóm, còn chính mình. Đó là quá trình lùi lại, quan sát, thấu hiểu và thực hành tích cực mỗi ngày.
Tôi cố gắng đọc nhiều thông tin tham vấn y tế, nắm thông tin về các ca nhiễm, nhắn tin hỏi thăm mọi người, hoặc ít nhất là thấy mọi người post 1 trạng thái báo bình an cũng đủ khiến tôi thấy an tâm một chút. Trước đây chúng ta bị cuốn vào cuộc sống bận rộn, việc hỏi han và quan tâm nhau dường như cũng làm ta thấy có chút nan giải, nhưng giờ thì ai cũng làm việc đó rất tốt. Đây thật sự là một điểm sáng, và cũng có thể trở thành động lực để ta thấy dễ thở hơn giữa 4 bức tường.

03

Với những gì đã trải qua, dù quá khứ có đau thương, có tồi tệ thế nào, tôi vẫn cố gắng không từ bỏ chính mình. Lúc ba tôi qua đời, tưởng như cú đánh từ số mệnh đó có thể là đòn chí mạng với gia đình tôi, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã sống tốt cùng những nỗi đau. Dù chưa một lần nói ra, nhưng tôi biết, đó là một khiếm khuyết mãi mãi của mình.
Hay việc vật lộn với chứng trầm cảm suốt hơn 8 năm, đi từ những cách làm tiêu cực nhất như dùng công việc để lấp đầy tất cả thời gian trong ngày. Cho đến những cách thức hiệu quả hơn là chấp nhận những tổn thương tâm hồn mình và chữa lành từng chút một, tôi thấy cuộc đời mình càng hàm ơn và đẹp đẽ hơn cả. Dù rất quả quyết với con đường mình chọn, với những gì mình muốn, nhưng không thể phủ nhận rằng, đôi lúc tôi cũng ngồi lại thật lâu trong những tâm tư ấy, run rẩy từng chút một, và cũng từng trải qua cảm giác cô đơn, sợ hãi những gì đã qua. Đó chính xác là những gì tốt đẹp nhất mà tôi học từ đau thương, là tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa, là sau bão thì trời quang mây tạnh. Là khái niệm 'good' in 'goodbye' mà mấy hôm nay tôi cứ dùng đi dùng lại.
Không có mặt ở Sài Gòn trong 3 tháng hơn là một thiếu sót trong ký ức đại dịch lịch sử của tôi. Nhưng tôi biết trái tim mình luôn hướng về nơi này, với tình cảm chân thành của một đứa trẻ được thành phố này dạy bảo, dung dưỡng, và trao cơ hội. Tôi thấy có lỗi khi không thể cùng những người bạn mình tham gia tình nguyện nơi tuyến đầu, cũng không thể có mặt trực tiếp để được góp 1 chút nhỏ nhoi vào công cuộc này. Nỗi lòng của người ở lại đôi khi cũng bứt rứt không kém những người có mặt mà không thể làm gì khác hơn. Giống như ai đó đã nói, họ thà làm người ra đi trên chuyến tàu chứ không muốn làm người tiễn đưa, cảm giác mong ngóng, đợi mong, và khắc khoải này, chắc nhiều người hiểu.
Vì vậy, tôi cố gắng dùng những gì mình có, về nguồn lực, chút kinh phí, và những mối quan hệ, để sự san sẻ có thể đi xa hơn vị trí hiện tại của tôi. Dù những việc làm ấy có thể chẳng đáng kể là bao, nhưng ít nhất đó vẫn là những nỗ lực không ngừng của chính tôi. Là một 'good' trong 'goods' phải không?
Và việc viết những điều tử tế này cũng thế. Nó là cách tôi ghi lại những thay đổi chân thật từ chính con người mình trong gần 2 năm được đi vào bên trong thật nhiều. Và cũng mong những dòng nhật ký này sẽ được những bạn bè xung quanh đọc trong những lúc thấy cuộc đời chông chênh, muốn từ bỏ, hoặc muốn buông xuôi. Tôi chỉ muốn nói rằng, trải nghiệm không tốt ấy không quá tồi tệ như ta đang nghĩ. Quan trọng nhất là phải tìm cách vượt qua nó, rồi bình yên đứng bên kia bờ nhìn lại, mới thấy thì ra nó cũng chỉ nhẹ như mây trôi nước chảy.
''Cho dù thế giới này có rơi vào hố đen của vũ trụ. Thì khúc khải hoàn ca này vẫn sẽ không bao giờ dừng lại.'' - Two Steps From Hell