Hãy thử hình dung cảnh tượng vào nửa đêm, một người đánh xe qua một dải ruy băng phếch bạc bởi ánh trăng vắt đằng xa, băng qua mộ dải rừng (cụ thể là khu rừng Piney phía đông tiểu bang Texas có diện tích to bằng nước Bỉ), nơi những ngọn đồi khi nhấp khi nhô. Người ấy bắt gặp một thị trấn nhỏ, và từ radio phát bản Stranger Blues (Bản blues cho Kẻ xa lạ) của Elmore James, câu hát đầu tiên “I’m a stranger here/I just drove in your town”. Giữa sự ngẫu nhiên hoàn hảo ấy, của nơi chốn, của thời gian và âm nhạc, John Ravenscroft, hay John Peel, đã tìm thấy mục đích của cuộc đời mình: giúp thính giả nghe chương trình ông thực hiện tìm thấy một khoảnh khắc ngẫu nhiên tương tự. Mong muốn giản dị ấy đến từ một nhân vật lừng lẫy nhất nhì trong giới phát thanh lẫn văn hóa đại chúng thế kỷ 20, một con người có lòng say mê vô bờ bến dành cho âm nhạc và những âm thanh thường được cho là quái lạ.
 
----
 
Gã hải tặc cô độc, gã yêu nhạc lạc loài
Về lại nước Anh sau 7 năm phiêu bạt ở Mỹ, gã trai Liverpool yêu nhạc John Ravenscroft hoàn toàn trắng tay, không nghề không ngỗng. Được nhắc đến với cái tên Needle Time, kênh BBC già cỗi khi ấy buộc phải dành sóng cho lứa thính giả từ thập niên 40 và 50, đồng thời phải cố gắng duy trì thời lượng nhạc sống theo yêu cầu từ Công đoàn nhạc công, không đoái hoài những Beatles, Rolling Stones, hay The Doors, Jefferson Airplane bên kia Đại Tây Dương. Nói ngắn gọn, John lọt thỏm giữa một xã hội của những tương phản, giữa già và trẻ, giữa truyền thống và hiện đại, hay chính những ngày đầu của thị trường tiêu thụ âm nhạc đầu tiên và đích thực dành cho lớp trẻ - và làm nên bức tranh âm nhạc đại chúng to lớn của ngày hôm. Chuyện xảy ra đã rõ, John chọn “phe” trẻ, và xây dựng tên tuổi của mình tại quê hương như một “hải tặc” trên sóng biển và… sóng radio lậu 6 tháng dài trên chiếc thuyền mục nát Radio London.
Chính trong hoàn cảnh một không hai như vậy, cái tên John Peel (để giấu tung tích “hải tặc”) đã ra đời, cùng một bộ quy chuẩn DJ hoàn toàn trái ngược, nhưng hiệu quả không ngờ. Sự trống trải cô độc giữa biển, cộng với thời gian phát sóng sau nửa đêm (đến 2 giờ sáng) dường như thêm vào một phong cách dẫn chương trình đầy tính tự sự, gần gũi và tương tác với thính giả, trái hẳn với những DJ to mồm suồng sã và hời hợt bấy giờ. Trong Hương Uyển (Perfumed Garden), tên ông đặt theo một quyển tiểu thuyết khiêu dâm đang tai tiếng, là một DJ biết lắng nghe và khuyến khích ý kiến của khán giả, đọc thơ, bình luận về chính trị, và hơn cả, phát những ca khúc hoàn toàn xa lạ với công chúng như Captain Beefheart, Fairport Convention thay vì những bản hit nhàm chán. Ngày 14 tháng 8, 1967, Hương Uyển buộc phải chấm dứt vì vi phạm, vừa lúc BBC lập ra đài Radio 1, và vận may đã mỉm cười với ông, và với những đôi tai biết thưởng thức nhạc.
John Peel trong phòng thu. Nguồn: johnpeelarchive.com
Với hậu thuẫn của một tay thâm niên tại BBC, Bernie Andrews, chương trình đầu tay tại Radio 1, Top Gear, đã bẻ lái khỏi định hướng “hit và hot” nhàm chán, mà phát nhạc lẫn mời những nghệ sĩ mà John cảm thấy “đáng nghe”, có thể kể như Pink Floyd, David Bowie. Chẳng bao lâu, John đã tiếp nhận hoàn toàn chương trình và có toàn quyền sinh sát, đồng nghĩa với sự tự do tuyệt đối khi chọn phát những nghệ sĩ lạ, và càng lúc càng lạ hơn, cho thính giả. Sang tháng 1, 1968, John được mời thực hiện tiếp chương trình Lái đêm (Night Ride), thứ 4 hàng tuần từ 12 đến 1 giờ sáng, theo công thức của Hương Uyển. Nắm cơ hội rất nhanh, John đã dõng dạc tuyên bố: “đây là số đầu của loạt các chương trình các bạn có thể nghe tất cả mọi thứ trên đời”, chẳng hạn tiếng tim đập của đứa trẻ chưa chào đời con của John Lennon và Yoko Ono. Nhờ Lái đêm, cộng đồng âm nhạc và nghệ thuật underground nước Anh vào thời điểm sáng tạo dâng trào nhất liên tiếp được xuất hiện, thay đổi không nhỏ diện mạo văn hóa đầy biến động lúc bấy giờ, kể cả sau khi chương trình buộc phải chấm dứt sau 18 tháng.
“Tôi thấy mình hơi giống một kẻ sống trong một túp lều giữa một căn hộ cao cấp đang xây xung quanh – miễn là được làm điều tôi yêu thích, tôi thấy hoàn toàn hạnh phúc.” Mãi đến chương trình Home Truths gần 30 năm sau khi khởi sự tại BBC Radio 1, John vẫn là một kẻ độc hành, ít giao tiếp với đồng nghiệp, trong khi với một lượng khiêm tốn thính giả trung thành qua nhiều thế hệ và những nghệ sĩ underground (theo đúng nghĩa của từ này), ông còn hơn cả một vị anh hùng. Chua chát hay may mắn, ông kể, suốt 30 năm, “hoàn toàn không có một can thiệp nào từ ban quản lý đối với các chương trình tôi thực hiện, ngoại trừ một bình luận thi thoảng xảy ra, chẳng hạn “John, cậu vẫn còn bật cái thứ rác rưởi dở tệ dở hại đó chứ?”
Kẻ mộng mơ xây dựng bình minh
Nếu có kẻ nào dành cả cuộc đời chỉ để nghe nhạc, đó chắc chắn là John Peel. Ông kể, “tôi nghe băng demo của các ban nhạc gần như chỉ trong 2 giờ lái xe về nhà. Những demo không thích, tôi vứt xuống sàn xe và đến cuối tuần chúng chất thành đống. Những demo tôi thích được vứt ra ghế sau, và được thu hoạch cũng vào cuối tuần” Có người còn đoán rằng ông sẽ chết khi tông vào đuôi xe tải khi gắng đọc cho ra tên một ban nhạc, nhưng không, John qua đời vì một cơn đau tim đột ngột trong chuyến du lịch đến Peru. Cả cuộc đời mình, trái với sự điềm đạm, thậm chí rụt rè thường thấy, những điều John đã thực hiện từ bé đến lớn chứa đầy mong muốn thách thức và vượt qua những thứ rào cản, giá trị và lề thói dựng quanh mình, và một sự nhạy cảm vô cùng.

John Peel chụp tại nhà riêng. Nguồn: johnpeelarchive.com
Từ bé, cậu bé John cho thấy 2 thứ: yêu thích những âm thanh khác lạ, và muốn vượt ra mọi bức tường lập sẵn, hữu lẫn vô hình. Xuất thân từ gia đình trung lưu khá giả ở thành phố cảng Liverpool, quê hương tứ quái Beatles, John yêu thích môn bóng đá khi đó (và cả hiện nay) vẫn dành cho giới bình dân hạ lưu, lảng tránh môn rugby chán phèo để dành thời gian cho các đĩa hát “ồn ào” nơi góc học tập, cũng như những bài tiểu luận dài thườn thượt. Lớn lên, ông sang Mỹ hòng tìm một chân trời mới để tung cánh, và cũng tại đây John, như bao chàng trai cô gái sinh vào thập niên 40, đã bị Heartbreak Hotel của Elvis Presley mê hoặc hoàn toàn, một cảm giác ông mô tả “vô cùng đáng sợ, như có một thứ gì đó đã được gieo vào thế gian và vĩnh viễn không quay trở lại chốn ban đầu.” Chẳng bao lâu, cơn sốt Rock ‘n Roll, Beatles đã bám rễ nước Mỹ, và sau không ít lang bạc, John đã đặt chân đến San Bernardino, California, cách “thiên đường” âm nhạc (và LSD) Los Angeles 60 dặm. Chàng trai John, khỏi phải nói, đã uống ừng ực không khí “Mùa hè tình yêu” vào lòng, món hành trang đáng giá nhất trước khi tự trục xuất về Anh quốc.
Phòng làm việc của John Peel. Nguồn: johnpeelarchive.com
10 năm sau, 1976, John cho phát ca khúc Judy is a PunkBlitzkrieg Bop của Ramones, và trào lưu punk từ đó ra đời với Sex Pistols, The Clash, Buzzcocks, Siouxsie & The Banshees xâm chiến sóng phát thanh, thay thế những bản progressive rock. Năm 1980, đến lượt những bản reggae đầu tiên trên sóng BBC song song với thứ punk đầy nanh nọc, thách thức như muốn khuấy động bối cảnh âm nhạc tẻ nhạc. 2 năm sau đến lượt hip-hop, và 5 năm sau là Napalm Death với grindcore (ngắn, hung hãn và hụt hẫng). 2 năm kế tiếp, 1989, là Nirvana huyền thoại và Kurt Cobain, cùng những tên tuổi lừng lẫy khác như Stone Roses, Pixies, James Morrissey (ca sĩ The Smiths), hay New Order, những cái tên khi ấy hãy còn lặp ngụp trong underground. Hơn 40 năm trên sóng cũng là chặng đường nối tiếp của từng trào lưu, phong cách và những cái tên, gần như tất cả đều có bóng dáng của John theo cách này hay khác. Dù như vậy, không tự mãn hay kiêu hãnh, John cho rằng mình chỉ làm đúng việc được trả công, đó là “bật đĩa của họ [các nhóm nhạc] lên sóng radio.” Ông cảm thấy hạnh phúc khi một ai đó có cơ hội được chứng kiến một nghệ sĩ nào đó mà mình yêu thích và giới thiệu trên sóng phát thanh, và đổ cho một thực tế ít người chịu nhìn thấy, vì sao các đĩa hát (và nghệ sĩ) này lại không được mọi người đón nhận.
Mọi biến cố làm cuộc sống riêng tư của ông, vào thời điểm xáo trộn và có thể cho là bi đát nhất, đều “ổn thỏa trở lại khi tôi bước vào [phòng thu] và bắt đầu phát âm sai tên bài hát.” – là khi người vợ Sheila bị xuất huyết não, mẹ ruột qua đời, con cái bắt đầu ra riêng trong một năm đầy biến cố. John chỉ muốn nghe bản nhạc yêu thích nhất Teenage Dreams của The Undertones bật tại đám tang, và cứ hàng đêm được nghe Mankind của nhóm reggae Misty in Roots. Để khép lại về John Peel, có thể trích dẫn một câu nổi tiếng của Oscar Wilde : “Kẻ mộng mơ chỉ tìm thấy lối nhờ bởi ánh trăng, và hình phạt cho hắn chính là nhìn thấy bình minh trước phần còn lại của thế gian”. Không chỉ nhìn, John đã tạo dựng trong bình minh ấy cả một nền văn hóa, đa dạng và đặc sắc.