img_0
Thứ bảy tuần rồi, mình ghé một shop mua quần áo. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như mình không ở đó từ 9 giờ đến gần 12 giờ (đêm), chỉ để nói chuyện với chị chủ shop. 
Cũng lâu lắm rồi, mình mới có một cuộc nói chuyện dài với một người lạ như vậy. Ban đầu, mình chỉ định ghé qua một chút rồi về làm nốt công việc. Nhưng rồi, cuộc trò chuyện cứ diễn ra, khiến mình quên cả thời gian.
Lúc đầu, hai chị em chỉ nói về quần áo, về cách phối đồ sao cho đẹp. Nhưng không hiểu sao, câu chuyện lại dẫn đến ước mơ của chị: ước mơ trở thành giáo viên, một điều mà ba mươi mấy tuổi chị vẫn chưa thể thực hiện.
Nghe chị nói mình thấy bất ngờ. Vì xung quanh mình, hiếm ai nói về nghề giáo với sự háo hức đến vậy (bản thân mình cũng vậy). Đa phần mọi người thường phàn nàn về những khó khăn của công việc giáo viên: thu nhập thấp, áp lực cao, môi trường làm việc khắc nghiệt. Vậy mà chị lại nói về nó với ánh mắt sáng và niềm khao khát thực sự. 
Chị kể rằng con đường học tập của mình gặp nhiều trắc trở. Gia đình không có điều kiện, bố mẹ chị lại khá bảo thủ. Ngay từ nhỏ, chị đã mê học, nhưng bố mẹ không muốn cho chị tiếp tục đi học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Có lần, vì cứng đầu đòi đi học, chị bị bố mẹ giận đến cả tháng trời, không ai nói chuyện với chị.
Sau này, bố mẹ ốm, chị chuyển sang sống với ông bà. 18 tuổi, chị quyết tâm thi vào trường Khoa học Tự nhiên nhưng ba lần bị từ chối vì lỗi giấy tờ, hình như liên quan chuyện giấy khai sinh, chị có hai tên khác nhau. Vì vậy dù đậu, chị vẫn không được nhận. Câu chuyện của chị từng lên cả báo, nhờ một nhà báo tốt bụng giúp đỡ và cuối cùng chị được đi học.
Viết về chị, làm mình nhớ đến trường, đây là một góc trường Nhân Văn, mình mới chụp gần đây
Viết về chị, làm mình nhớ đến trường, đây là một góc trường Nhân Văn, mình mới chụp gần đây
Hai năm không được nhận, chị đã đi làm công nhân. Khi chính thức trở thành sinh viên của Viện Công nghệ Sinh học, ra trường chị không làm đúng nghề chị theo học mà quyết định sang Nhật để có tiền trả nợ và để sau này học lên cao. Chị bảo ngày ấy không đi làm đúng ngành học cũng là hối tiếc rất lớn trong đời chị.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Người ta hay nói đi nước ngoài là đổi đời, nhanh có nhiều tiền, nhưng với chị thì không phải vậy. Đủ thứ biến cố xảy ra: đồng yên mất giá, công việc không thuận lợi, bị bắt nạt nơi xứ người, thậm chí mất tiền, mất giầy tờ, mất tài sản. Khi trở về Việt Nam, chị mở cửa hàng kinh doanh để tích lũy cho việc đi học, nhưng liên tiếp thất bại.
Bây giờ, chị làm công việc văn phòng, phụ trách giấy tờ cho một công ty, đồng thời mở lại shop quần áo. Chị nói, shop quần áo là niềm hy vọng để có thu nhập tốt hơn, để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giáo viên. Nhưng đôi lúc, chị cũng không chắc chắn về tương lai.
Em biết không, bây giờ chị không biết bao giờ chị mới làm được điều mình muốn”, chị cười nhẹ. “Vì cuộc sống của chỉ xoay quanh “tiền.
Tạm biệt chị, trên đường về, mình cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện của chị rồi nghĩ đến câu chuyện của mình.
Bởi vì dạo gần đây, mình nhận ra bản thân không thực sự trân trọng cuộc sống hiện tại. Mình thường phàn nàn, cảm thấy không hài lòng với những gì mình đã làm được. 
Có chút hổ thẹn khi thừa nhận rằng không phải lúc nào mình cũng yêu nghề giáo như vẫn hay kể. Làm việc với các em bé đặc biệt mang lại nhiều ý nghĩa, nhưng cũng có những ngày mình cảm thấy chán nản, thấy mệt mỏi và hoài nghi. Mình cũng hay than thở về những khó khăn tất yếu trong công việc, những thứ mà lẽ ra, mình cần hiểu, đây là một phần của công việc. 
Viết lách cũng vậy. Dù luôn nói rằng đây là con đường mình muốn đi, nhưng không ít lần mình than phiền vì những thử thách để trở thành người viết giỏi. 
Rồi đôi khi, mình còn hay âm thầm ghen tị với ai đó vì nghĩ rằng cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Nhưng buồn cười, cái “dễ dàng” đó chỉ là một lát cắt nhỏ mà mình thấy trên mạng xã hội. Chính điều đó khiến mình cứ cảm thấy mình chưa có đủ, cảm thấy thiếu thốn.
Và mình cũng nhận ra lý do khác khiến mình không trân trọng hạnh phúc hiện tại là vì mình mải miết chạy về phía trước mà quên tận hưởng những gì đang có. Bạn biết không? Làm freelancer, được viết lách, được trở thành cô giáo tự do, được sống trong một căn phòng nhỏ gần cây xanh, sống gần thư viện để được đọc sách… tất cả những điều đó từng là ước mơ của mình cách đây 3 - 4  năm.
Mình đến được hành trình này không hề dễ dàng. Nhưng khi đạt được rồi, mình không thực sự trân trọng và tận hưởng, mà lại vội vàng lao vào những mục tiêu tiếp theo: phải trở thành một người viết có tầm ảnh hưởng, phải kiếm nhiều tiền hơn, phải thực hiện những kế hoạch lớn hơn. Những mục tiêu này không sai, chúng chính là động lực giúp mình nỗ lực mỗi ngày. Nhưng rồi cũng chính việc phải nhanh hơn nữa, có nhiều hơn nữa, đã kéo mình rơi vào cái hố của tham vọng không đáy. 
Không biết bạn có nhận ra điều này không, đôi khi chúng ta hay nói “tôi biết ơn điều này, tôi trân trọng điều kia,” nhưng chúng ta không thực sự cảm thấy vậy.
Lý do là vì đâu? Bởi vì chúng ta sống quá nhanh, có quá nhiều mục tiêu, mà hiếm khi dành thời gian để nhìn lại thứ mình đang có và nhận ra bản thân đã đi bao xa so với quá khứ
Giống như khi ta nói rằng mình biết ơn bầu trời trong xanh, nhưng liệu có bao giờ ta thực sự dừng lại một chút, hít thở thật sâu và cảm nhận vẻ đẹp của bầu trời? Chúng ta nói rằng mình trân trọng ly cà phê buổi sáng, nhưng có thực sự nhấp từng ngụm chậm rãi để thưởng thức nó, hay chỉ uống vội vàng để kịp quay lại công việc? Chúng ta hay nói chúng ta muốn có công việc đủ sống, nhưng khi đã có công việc ta lại muốn phải có lương cao, phải có ưu đãi tốt hơn. 
img_1
Chúng ta cũng liên tục phàn nàn về khó khăn của công việc mà quên mất rằng chính công việc cho ta tiền để sống, để trải nghiệm,để mua bộ quần áo đẹp, ăn bữa ăn ngon, có những chuyến đi đến những vùng đất mới.
Tất nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn có thể nói: "Vậy nếu tôi mất người thân, chia tay người yêu, thất bại trong kinh doanh, bị sếp và đồng nghiệp bắt nạt, tôi vẫn phải biết ơn sao?"
Trước đây, nếu ai đó nói với mình rằng hãy biết ơn cả những điều không vui, mình chắc chắn sẽ lắc đầu. Nhưng bây giờ, mình mạnh dạn nói rằng: Đúng vậy, bạn hãy biết ơn. Những điều tốt đẹp mang đến niềm vui, nhưng những chuyện buồn cũng có thể giúp ta học cách trân trọng cuộc sống theo một cách khác.
Mình nhớ lần chị gái gọi điện lúc nửa đêm, khóc vì chú cún nhỏ của chị đã mất. Mình chưa từng chăm sóc bé ngày nào, nhưng cũng bật khóc theo chị. Vì mình cũng có một bé mèo, và mình biết một ngày nào đó, em ấy cũng sẽ rời xa mình. Chính vì vậy, dù bận rộn, mình vẫn luôn dành thời gian để chơi với em ấy mỗi ngày.
Hay như vài năm trước, vì lao đầu vào công việc đến kiệt sức, sức khỏe của mình dần suy sụp. Hầu hết số tiền kiếm được đều dành để mua thuốc. Nhưng cũng chính sự kiện này giúp mình hiểu sức khỏe là điều không gì có thể đánh đổi được. Không có sức khỏe, mọi ước mơ, mọi kế hoạch đều vô nghĩa. 
Bất công nơi làm việc đầu tiên, giúp mình hiểu đối với công việc luôn phải rõ ràng về trách nhiệm lẫn quyền lợi trước khi trở thành nhân viên.
Đổ vỡ trong chuyện tình cảm cũng dạy mình rằng tình yêu không phải điều hiển nhiên. Nó cần được vun đắp và giữ gìn từ cả hai phía. Chúng ta không thể mang áp lực công việc và cuộc sống trút lên người mình yêu, người thân của mình, rồi mong rằng tình cảm luôn tốt đẹp. 
Đôi khi, đánh mất một ai đó, biến cố, thất bại, ta mới nhận ra rằng ta sai lầm nhiều thế nào. Nhưng nếu ta chịu học hỏi, chịu thay đổi, thì ngay cả những mất mát cũng là một món quà - một bài học để ta yêu thương đúng cách và trân trọng cuộc sống mình đang có nhiều hơn nữa.
Trong cuốn sách “Nghĩ thiện”, trong phần viết về lòng biết ơn, tác giả Inamori Kazuo cũng khẳng định: : Biết ơn là một thói quen cần được nuôi dưỡng.
Vì rơi vào hoàn cảnh khổ sở, con người càng dễ bộc lộ sự bất mãn và thái độ bất bình.
 “Nhưng những điều đó rốt cuộc lại quay trở lại với chính bản thân, dồn bản thân vào hoàn cảnh tồi tệ hơn. Vì vậy, tôi cho rằng dù có rơi vào cảnh ngộ thế nào đi nữa, nhất định không được quên lòng biết ơn”.
Biết ơn dù với bất kỳ chuyện nhỏ nhặt thế nào là việc quan trọng cần ưu tiên, điều đó có một sức mạnh to lớn.”
Con người không ai có thể sống một mình. Chúng ta có thể sống và làm việc như hiện nay là nhờ tất cả mọi thứ xung quanh ta, từ môi trường trái đất như không khí, nước, lương thực… cho đến xã hội, gia đình, đồng nghiệp ở sở làm.. Với ý nghĩa đó, có thể nói chúng ta “được làm cho sống” hơn là “sống”. Nếu nghĩ như vậy, lòng biết ơn rằng ta được sống trong thế giới này, rằng ta được sống khỏe mạnh sẽ tự nhiên sinh ra. Chỉ cần lòng biết ơn được sinh ra, tự nhiên ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc”.
Bằng cách nuôi dưỡng tâm hồn có thể cảm nhận như thế, bạn có thể thay đổi cuộc đời trở nên phong phú, tuyệt vời và có ích”.
Suy ngẫm lời tác giả Inamori Kazuo, câu chuyện của chị, mình hiểu mình cần học cách trân trọng cuộc sống mình có. Không chỉ biết ơn những điều tốt đẹp, mà cả những khó khăn trên hành trình này.
Biết ơn, không phải chỉ là một suy nghĩ thoáng qua, mà là một hành động. Nó đến từ việc chậm lại, quan sát, cảm nhận thực sự.
Có thể, việc lắng nghe câu chuyện của ai đó sẽ giúp ta nhận ra bản thân may mắn với những gì ta nghĩ. Có thể, chỉ cần một lần dừng lại để ngắm bầu trời, để hít thở sâu, để trân trọng những gì mình có, cả sự khó khăn trong công việc và cuộc sống mới thấy cuộc sống của ta đáng quý biết nhường nào.
Để thấy rằng ‘Mình đủ và luôn có đủ” trong hiện tại và cả tương lai.
Thỉnh thoảng, mình hay ngồi ngắm các em bé chơi thật lâu để thấy rằng người lớn như chúng mình cũng cần học cách thư giãn, vui vẻ với những khoảnh khắc bình dị và để biết ơn những gì ta đang có, không phải địa vị, danh tiếng, tiền bạc mà bởi vì mình là một con người, được sống, được yêu thương.
Thỉnh thoảng, mình hay ngồi ngắm các em bé chơi thật lâu để thấy rằng người lớn như chúng mình cũng cần học cách thư giãn, vui vẻ với những khoảnh khắc bình dị và để biết ơn những gì ta đang có, không phải địa vị, danh tiếng, tiền bạc mà bởi vì mình là một con người, được sống, được yêu thương.