Bạn có tin là một đĩa đậu phụ rán vàng rụm, béo ngậy có thể cứu rỗi hạnh phúc của một gia đình không? Và tình yêu thì có thể làm nên một đĩa đậu rán ngon?
Dĩ nhiên không phải đĩa đậu rán này, mình đã chỉnh màu để nó có màu vàng sậm và làm mờ chỗ nước/dầu ăn lõng bõng bên dưới. 

Cách rán đậu ngon và tiêu chí thành phẩm

Bạn có thể tìm được 3 triệu kết quả trên Google với từ khóa "Cách rán đậu ngon". Về cơ bản thì các bài viết hướng dẫn 1 cách làm giống nhau với các bước như sau:
- Bước 1: Ngâm đậu trong nước muối ấm tỉ lệ 1 muối : 4 nước trong 5 phút để nước muối rút hết lượng nước dư trong đậu, việc này sẽ giúp đậu mau phồng hơn và đỡ bắn hơn.
- Bước 2: Lăn đậu qua bột ngô (bột bắp) để đậu giòn hơn. Không lăn cũng được không sao cả.
- Bước 3 (Trong lúc chờ ngâm đậu với nước muối thì làm luôn cũng được): Đổ dầu vào chảo, vừa vừa thôi, đủ để láng mặt chảo. Đun lửa nhỏ 2 - 3 phút cho nóng dầu.
- Bước 4: Thả đậu vào chảo, chiên và cầu nguyện để không bị bắn vào mặt. Nếu đã ngâm nước muối và để đậu ráo nước thì khả năng bị bắn chỉ còn 10%. Còn không thì 50 - 50. Chú ý rán lửa nhỏ đến khi miếng đậu phồng lên và vàng đều thì gắp ra. 
Tiêu chuẩn đậu phụ rán ngon là: Miếng đậu vuông, vỏ giòn, vàng đều, phồng được thì càng tốt, không bị vỡ nát hay dính chảo, bên trong ngậy và không bị khô. Ngoài ra thì tiêu chí phụ là người rán không bị dầu bắn bỏng mặt hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.
Món đậu phụ tốt nhất nên được phục vụ/ăn khi còn nóng hổi và giòn rụm, hoặc giòn dai đều được, tùy khẩu vị mỗi nhà. Miễn là chưa nguội ngắt để đảm bảo độ ngon và hương vị của món ăn. 
Bên cạnh đó, cho bữa ăn thêm ngon miệng thì tùy khẩu vị của gia đình mà bạn nên chuẩn bị một bát nước chấm ngon. Có thể là mắm tỏi ớt, mắm ớt, mắm tôm hoặc mắm cô-đơn-nhưng-phải-ngon. Ngoài ra, đậu phụ nên ăn kèm với kinh giới để tăng hương vị của món ăn.
Đối với một số người gu ăn uống khác biệt (thích ăn đậu rán non, đậu sống, đậu nguội...) và một số món yêu cầu đậu rán kiểu khác (đậu lướt ván, đậu tẩm mắm hành...) thì mình xin được gác lại một bên.

Đọc thêm:

Tình yêu và đĩa đậu rán liên quan gì đến nhau?

Dĩ nhiên là có liên quan. Để có được một đĩa đậu rán, hay tổng quát hơn là một bữa ăn ngon mỗi ngày cho gia đình, người nấu cần một chút tình yêu. Đó có thể là tình yêu gia đình hoặc tình yêu với việc nấu nướng, thưởng thức món ăn.
Người ta vẫn thường rêu rao rằng: Có tình yêu thì bạn làm mọi thứ (có vẻ là sẽ) tốt hơn, vì tình yêu là thứ động lực rất vãi-linh-hồn. Đúng không nhỉ? Mình thì thấy như thế này: Bạn yêu, tức là bạn say mê, thích thú, và mong muốn có một kết quả tốt, hoặc hoàn hảo. Bạn yêu thích nấu nướng thì dĩ nhiên là món ăn bạn nấu sẽ ngon. Bạn yêu gia đình (+ vụng) thì dĩ nhiên là bạn sẽ tìm cách để nấu ngon. 
Mọi lý lẽ còn lại đều là ngụy biện. Nhưng mà mình chuẩn bị ngụy biện đây. 

Không có tình yêu thì rán đậu có ngon không?

Dĩ nhiên là vẫn ngon. Ngoài tình yêu thì còn một thứ khủng khiếp hơn gọi là "trách nhiệm" để bạn có thể rán được một đĩa đậu ngon. Thậm chí, nếu "tình yêu" cho bạn đĩa đậu ngon khi bếp mát mẻ, thời tiết dễ chịu, thời gian thoải mái... thì "trách nhiệm" còn cho bạn đĩa đậu ngon ngay cả khi chẳng có gì thuận lợi hay khi bạn tâm trạng không tốt. 
Như mọi việc khác trong cuộc sống, trách nhiệm - thứ thuộc về lý tính - giúp bạn có được những sản phẩm/thành tựu chất lượng tốt trong thời gian dài, bất chấp điều kiện. Còn tình yêu thì hên xui, vì nó là cảm tính. 
Nếu bạn có lý lẽ hay quan điểm nào khác, mình rất vui được tiếp nhận.

Đọc thêm:

Bonus: Những bữa cơm buồn tẻ

Trước tiên, mình cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây. Cả 3 đoạn trên mình viết chẳng liên quan gì với nhau cả, đúng không nhỉ? Nhưng mà đây, câu chuyện truyền cảm hứng khiến mình băn khoăn đến vấn đề "tình yêu, trách nhiệm và bữa cơm" đây: 
Có một hôm, mẹ kể với mình rằng: Bố càu nhàu và nặng lời việc mẹ nấu ăn không chỉn chu, món mặn món nhạt, sau một ngày đi làm vất vả về nhìn mâm cơm mà chán ngắt. Lý lẽ của mẹ rằng là: Do bố khó tính, do bố không trải nghiệm không gian chật chội, nóng bức của cái bếp, do bố không biết chấp nhận "ngon thì ăn nhiều không ngon thì ăn ít" nên việc càu nhàu là quá đáng. 
Mình là người ở giữa. Dĩ nhiên là mình phải hỏi lại bố câu chuyện như thế nào. Câu chuyện của bố lại đơn giản chỉ là: Mẹ có thời gian đi chơi, đi buôn chuyện, bố không yêu cầu mẹ kiếm nhiều tiền, bữa cơm bố cần chỉn chu đủ 4 món canh - mặn - xào - rán và mọi thứ nêm nếm vừa vặn. Hôm nào mẹ nấu không đúng mong muốn của bố thì bố góp ý
Vậy là lời góp ý của bố, qua tai mẹ mình thì là sự càu nhàu và nặng lời. Mình hiểu điều này: Phụ nữ luôn bi kịch/tiêu cực hóa nhiều chuyện mà đàn ông cho là không-có-gì. Nhưng điều đáng sợ nhất là gì? Sau khi phụ nữ coi lời góp ý của đàn ông là sự càu nhàu không đáng có, thì họ không cải thiện và khăng khăng cho rằng mình đúng. 
Với câu chuyện trên, sau khi nghe từ hai phía, mình đã góp ý với bố rằng lần sau bố có thể nói nhẹ nhàng hơn được không, vì mẹ thấy như thế là thô lỗ và cục cằn. Và góp ý với mẹ rằng có thể tiếp nhận "feedback" của "khách hàng cùng nhà" một cách tích cực hơn để cải thiện mâm cơm được không vì đúng là dạo này mẹ nấu cơm có chút buồn-tẻ thật.
(Nếu bạn nào chuẩn bị đưa ra ý kiến: Tại sao mày không đi mà nấu cơm ngon đi, để mẹ mày nghỉ ngơi ấy? Thì mình sẵn sàng phản bác: Nhà có mỗi mẹ mình là linh động thời gian nhất để nấu cơm.)
Nhưng cuối cùng thì những bữa-cơm-buồn-tẻ với các món nhạt lách như đĩa đậu phụ lõng bõng nước trên kia vẫn thường xuất hiện ở nhà mình. Thậm chí càng ngày, tần suất càng nhiều. Đôi khi mình cố lừa gạt bản thân bằng cách biện hộ rằng: Mẹ bận, mẹ mệt, bếp nóng bức... Để trốn tránh lý do đơn giản nhất: Mẹ mình không còn chú trọng đến trách nhiệm duy trì bữa ăn ngon và niềm vui sum họp, ăn uống trong bữa cơm gia đình nữa. 
Dù gì thì - "giữ lửa" gia đình không phải trách nhiệm của riêng người phụ nữ hay người đàn ông. Mọi diễn biến tình cảm, trạng thái gắn bó của gia đình đều phải đến từ các phía: vợ - chồng, bố mẹ - con cái, bà - cháu... Nhưng đâu đấy thì mình vẫn thấy trọng trách của người phụ nữ, và căn bếp cũng như những bữa ăn sum họp mỗi ngày quan trọng hơn cả. Vì cảm xúc thì cũng đến từ vật chất, chẳng phải ăn ngon một chút là tâm trạng tốt hơn một chút rồi sao. 
Vậy nên, các bạn ạ, việc ăn uống quan trọng lắm nhé, dù ghét bếp hay yêu bếp, thì hãy tập nấu ăn, vì hạnh phúc gia đình. 
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc hết bài viết của mình. Hôm nay, sau nhiều với những bữa cơm-buồn-tẻ, thì đĩa đậu phụ rán lõng bõng nước làm mình cảm thấy trái tim này có gì đó rạn vỡ :'( 
Dù sao thì vẫn còn có người  nấu cho mà ăn, và có cái mà ăn. Nên mình đành dán trái tim lại và rán lại chỗ đậu, hi. 
Cảm ơn các bạn một lần nữa.