Đàn ông vào bếp nên nấu món gì? | Phần 1: Tôm
Hôm nay mình nấu tôm nên tiện tay viết tản mạn về món này cho mọi người. Mình lớn lên tại biển nên có một ít kiến thức về hải sản....
Hôm nay mình nấu tôm nên tiện tay viết tản mạn về món này cho mọi người. Mình lớn lên tại biển nên có một ít kiến thức về hải sản. Vài điều các bạn cần biết ngay khi nghĩ về nguyên liệu Tôm đó chính là:
1, Đắt
2, Tanh

Người Việt Nam có câu “Đắt như Tôm tươi”. Tôm từng là một trong những nguyên liệu đắt bậc nhất. Vì thịt tôm bổ dưỡng và ngon lành. Nuôi dưỡng tôm và khai thác chúng cũng là một quá trình khá lằng nhằng hơn các loài khác. Ta có thể ăn thịt nó mãi mà chẳng chán như thịt lợn. Chính vì đắt như vậy nên sử dụng Tôm phải cẩn thận, phải biết cách xử lí nếu không sẽ phí tiền. Có nhiều bạn khi thấy tôm mà đặc biệt là hải sản thì liền nghĩ đến việc ‘luộc’, ‘hấp’. Dĩ nhiên đây là một cách khả dĩ nếu bạn không biết cách chế biến gì khác hoặc đơn giản bạn… giàu. Bài viết này sẽ mặc định bỏ qua kiểu luộc hay hấp đó, hướng đến việc nấu ăn hằng ngày hơn là ‘ăn chơi’.
Vấn đề Tôm tanh thì quá rõ ràng bởi vì nó là hải sản. Hải sản thì phải tanh.
Để khắc phục sự tanh đó của hải sản thì chúng ta có 3 cách: 1 là dùng vị chua, 2 là dùng vị cay, 3 là kết hợp cả 2 vị này lại.
Với Tôm thì mình đễ xuất dùng vị cay để khắc chế cái tanh này. Vị cay trong ẩm thực Việt đến từ nhiều nguồn: ớt tươi, ớt bột, tỏi, gừng, riềng, hạt tiêu, sa tế, quế, cà cuống … Từ các vị cay đó kết hợp với tôm sẽ ra được các món khác nhau. ( Như Nhật bản có thể chấm tôm sống với wasabi ấy)
Ở trong bài viết này sẽ bình về 2 món chính đó là: tôm kho (rim) gừng và tôm chiên (xào) bơ tỏi.
1, Tôm kho gừng
Tôm kho gừng giống cách kho thịt thôi. Chỉ bổ sung thêm một nguyên liệu đặc biệt đó là gừng. Đặc tính của gừng là cay, khử được vị tanh của tôm. Gừng có nhiêu công dụng tuyệt vời khác, với những món ăn khác mà mình sẽ đề cập trong các bài viết sau này.

Đọc thêm:
Các bước chi tiết có rất nhiều ở trên mạng. Có rất nhiều nguồn khác nhau để tham khảo. Để không lăp lại thì bài viết này sẽ không viết các bước ra. Mình sẽ bổ sung một số chi tiết sau:
Tôm sử dụng cho món này nên là tôm to, sú, càng xanh, he, thẻ,… loại nào cũng được. Trước khi nấu thì bạn bóc nõn. Chỉ lấy phần thịt tôm, tách riêng phần chân tôm, vỏ đầu, đuôi, vỏ mình ra. Bạn có thể kho cả đầu tôm hoặc không. Phần thừa vừa tách ra đó bạn có thể tận dụng để giã vụn, lọc lấy nước nấu món canh khác vì nó rất nhiều protein, chất đạm. Những thứ đó để nấu một số món canh như canh bầu, bí, mùng tơi khá hợp đó.
Tôm sau khi bóc nõn thì phải ướp gừng và mắm, bột canh, mì chính, đường, dầu hào, hạt tiêu bắc ngay để giảm mùi tanh. Mắm muối thì ít thôi, đừng nhiều quá vì ta sẽ tra thêm trong lúc nấu, nhiều quá thì sẽ mặn và có thể sẽ phải đổ cả nồi đi. Ướp càng lâu thì càng tốt. Nhưng nếu thời gian có hạn thì bạn chỉ cần ướp từ 5 đến 15 phút là ổn rồi.
Gừng không nên cạo vỏ, chỉ cần rửa sạch, đập giập (vì vỏ gừng có nhiều tác dụng tốt). Cắt một nhánh gừng ra, đặt miếng gừng trên thớt, bạn cầm cán dao – một con dao cỡ trung hoặc to đập thật mạnh vào thớt để cho gừng nát ra. Sau đó băm vụn chỗ gừng vừa đập dập ra. Bạn băm càng nhuyễn bao nhiêu thì bạn càng cần sử dụng ít gừng bấy nhiêu mà vẫn có thể đạt được hiệu quả mong muốn của gừng trong món ăn này.
*Không được cho cà chua vào, cà chua vốn dĩ không hợp với tôm.*
Bạn có thể cho thêm ớt vào tùy độ ăn cay của bạn. Cay của ớt cũng có thể làm giảm vị tanh của tôm. Ớt có thể cho vào khi ướp với tôm hoặc cho vào sau khi đã cho tôm vào nấu. Không quan trọng bước nào lắm.

Có thể sử dụng thêm hành, tỏi. Nếu sử dụng chúng thì một củ hành khô là đủ. Tỏi thì 3 tép tỏi lý sơn là ổn. Nhiều quá thì sẽ át vị tôm, ít quá thì lại không rõ vị hành tỏi.
Sau khi bật bếp lên đợi bếp nóng thì cho dầu ăn vào một ít, xin đừng cho nhiều dầu ăn quá, đủ để phủ kín màng nhỏ trên bếp là được. Dầu ăn ở đây có công dụng để đảo chín hành và tỏi thôi. Khi dầu sôi thì cho hành tỏi vào phi cho thơm lên. Đừng phi kỹ quá thì hành và tỏi sẽ bị cháy. Nếu bạn không giỏi trong việc làm bếp thì nên để lửa vừa đủ, đừng quá to sẽ không kiểm soát được sẽ cháy khét nẹt lên.
Sau khi đã cảm thấy độ thơm của hành và tỏi thì bạn hẵng cho tôm ướp sẵn vào. Nhớ đổ hết cả những thứ ướp cùng với tôm nhé. Hãy tận dụng, tráng một ít nước vào bát ướp tôm đó để đổ luôn vào nồi tôm. Nồi dùng để nấu tôm nên là nồi nhỏ. Vì dùng nồi nhỏ thì tôm ngâm trong nhiều nước hơn so với nồi to nếu dùng cũng 1 lượng nước, gia vị cũng sẽ ngấm đều hơn. Bạn cho nước vào đến ngang tôm, tăng nhiệt độ cho nước sôi rồi giảm nhiệt xuống. Ngồi đợi khi nào tôm gần cạn nước thì cho thêm nước, rồi lại chờ nó cạn nước.
Một lưu ý nho nhỏ là khi kho bất kể món gì thì khi nước trong nồi cạn độ mặn sẽ lớn hơn khi nước nhiều. Vì vậy bạn nên nếm khi nước trong nồi gần cạn để không bị cú lừa vị giác. Đừng để nồi tôm đổ đi vì quá mặn nhé. Nếu quá nhạt thì sẽ cứu rỗi được chứ quá mặn thì không thể đâu.
Khi nào cảm thấy tôm đã chín thì bạn bắc nồi ra. Thường là Khoảng 15 phút. Có thể cắt một ít hành lá để rắc lên trang trí cũng được. Không thì thôi, không cần thiết lắm.

Yêu cầu của món này: Ăn được, Không tanh, Chín đều, Không cháy, Không mặn quá, Không cay quá, Không nhiều dầu mỡ quá. Đơn giản thế thôi. Nhớ canh bếp cẩn thận nếu không sẽ thành tôm bóng đêm đó.
Đọc thêm:
2, Tôm chiên bơ tỏi
Món này là món vừa tây vừa ta. Bơ là gia vị của phương tây. Tỏi là gia vị phương đông.

Tôm được sử dụng ở đây là tôm khô, tôm nhỏ hoặc tôm hùm.
Bài viết này không hướng đến tôm hùm, dĩ nhiên rồi.
Tôm chiên bơ tỏi làm rất dễ, trên mạng cũng có nhiều hướng dẫn rồi. Đây là những bổ sung của mình:
Tôm nhỏ thì không cần bóc vỏ. Mà bóc vỏ sẵn rồi thì càng tốt. Tôm khô cũng vậy.
Tỏi thì nên bóc hẳn một củ (6-7 tép tỏi lý sơn) để khử được vị tanh của tôm và để làm nổi bật vị chính của món này.
Bơ thì nên cho vừa đủ, cá nhân mình thì nghĩ một thìa là đủ. Nếu chưa đủ ngọt bạn có thể cho thêm đường.
Tỏi đã bóc nên đập dập bằng dao lớn, hoặc ép bằng tay. Băm nhỏ, càng nhỏ càng tốt.

Tôm có thể ướp hoặc không. Như mình thì tôm khô thì mình không ướp hẳn rồi, còn tôm nhỏ tươi thì mình để ráo nước
Bạn nên chia tỏi làm 2 đợt: 1 đợt cho vào đảo trong chảo khi mới cho dầu vô. Sau khi tỏi đợt 1 thơm thì bạn hãy cho tôm và bơ vô để đảo cho chín đề. Đảo liên tay nhé. Khi tôm chín được một nửa thì hãy cho đợt tỏi thứ 2 vào. Làm như vậy thì tỏi sẽ không bị cháy hết.
Tra thêm mắm muối, đường, mì chính, hạt tiêu để đạt được vị giác phù hợp nhé. Tra thì phải nếm, cẩn thận không quá mặn hoặc quá nhạt, quá ngọt cũng không tốt. Không được để tôm sống ăn sẽ đau bụng. Không nếm khi tôm chưa chín vì cũng gây đâu bụng. Không được để cháy.
Món này không được cho nước vào như món bên trên. Bạn nên để lửa vừa phải và đảo liền tay.

Yêu cầu của món này: Ăn được, Không tanh, Chín đều, Không cháy tôm, Không cháy tỏi, Không mặn quá, Không nhạt quá, Không ngọt quá, Không nhiều dầu mỡ quá, Không bị khô quá. Thế thôi.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Có gì upvote, follow ủng hộ cho mình có động lực hoàn thiện Series nhé.
An Phạm
28.05.2020
28.05.2020

Nấu ăn Ẩm thực
/nau-an-am-thuc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

compromises
Bài của bạn rất chi tiết, tận tâm. Học nấu ăn mình chỉ mong gặp được những bài như của bạn 😊
Nhưng mà mình vẫn có vài chỗ bổ sung, vì mình quan niệm nấu ăn cũng như khoa học vậy, hiểu bản chất thì muốn nấu gì, biến tấu như thế nào cũng được.
- Chỗ bạn nói nồi to nồi nhỏ chắc nhầm. Tại vì nồi to hơn thì thường có diện tích bay hơi rộng hơn, nên nhanh khô hơn mới đúng. Trừ khi nồi nhỏ nhà bạn nông hơn nồi to nhiều 😂
- Về phần khử mùi thì theo mình có 3 cách chính.
Cách thứ nhất là dùng mùi át mùi, ví dụ như dùng tiêu, bột nghệ, hành, tỏi,.... Cách này mình không chuộng lắm vì kém hiệu quả nhất và mùi dùng để át mùi tanh phải hợp với món ăn nữa.
Cách thứ 2 là dùng phản ứng hoá học: mùi tanh đến từ các gốc amin, amoniac hoặc tương tự, nên ta có thể dùng đồ chua (có tính axit) để trung hòa những thành phần gây mùi đó. Cũng có thể nấu ở nhiệt độ cao làm biến đổi các chất đó làm chúng bớt tanh như: nướng, chiên. Cách thứ 2 này chắc chắn hiệu quả hơn. Riêng mình rất thích những cách khử mùi 1 công đôi việc như: dùng dứa, cà chua, vì nó vừa có mùi thơm, vừa hơi chua, khử mùi rất tốt; hoặc phi hành tỏi rồi xào đồ ăn, cách này vừa dùng nhiệt độ vừa dùng mùi thơm hành tỏi để át mùi tanh.
Cách thứ 3 là dùng muối rửa hết chất nhờn đi, (thường thì mình combo thêm nước chanh 😙).
- Món thứ 2 bạn chỉ nói là không được để lửa to. Mình muốn nói thêm là nếu quá 130° bơ sẽ bị phân hủy, sinh ra khói có hại nên mới để lửa vừa. Còn về phần không cho nước thì vì là món xào, không nên ướt quá, thêm nữa là trong bơ cũng có sẵn nước rồi.
Tiếp tục ra những bài chất lượng như này tiếp nhé 😊 Chúc bạn được nhiều tương tác.
- Báo cáo

An Phạm

Mấy kiến thức khoa học trên thì mình không chắc lắm nên không dám võ đoán. Tuy nhiên đúng là mình có cảm giác được mấy cái đấy khi nấu ăn. Các bài sau về nấu cá, chả cá sẽ dùng nhiều dứa, riềng, gừng, cà chua và rán nhé. Cảm ơn bạn đã đón đọc. Cmt cũng rất có tâm nữa.
- Báo cáo

An Phạm

Vụ nồi to nhỏ thì còn phải xem xét, nhưng kinh nghiệm của mình vẫn là nồi nhỏ kho tôm nhanh hơn, vì cũng một lượng nước thì tôm sẽ được nhúng trong nhiều thể tích nước sôi hơn, chín đều hơn, ngấm đều gia vị hơn.
- Báo cáo

compromises
Cái đó mình công nhận, mình cũng hay kho nồi nhỏ thôi. Chỉ là việc khô nước nhanh hay chậm thì chắc bạn nhầm 😂
- Báo cáo

An Phạm

Ok cái đó mình sai. Mình đã sửa lại rồi nhé.
- Báo cáo

An Phạm

Với vị chua khử tanh thì ở Tôm và Mực có món rim Me cũng khá ngon nữa mà trong bài viết mình không có đề cập. :3 phần này là bonus cho bạn nào chịu khó đọc cmt nhé
- Báo cáo

Myhangu
Hi bạnnnn.
Mình đọc bài của An thấy chất lượng ghê thích lắm. Nhưng trong lòng có xíu lợn cợn, kiểu mong chờ kiểu bình luận như thế này thì đọc được còm của bạn và thấy vui điên đảo.
Bạn ơi mình hỏi xíu. Bạn có thể share những nguồn đọc/ tác giả cung cấp nguồn kiến thức tương tự không? Mình chỉ mới biết đến chị Pha Lê và trang Soi. Và mình thích chị ấy lắmmm.
Với nữa là để biết/ hiểu những điều như bạn nói thì có phải giỏi Hoá học hay những thứ "có não" nhiều như vậy không? Nếu câu trả lời là có thì mình... chẳng biết nói sao. :(
Cảm ơn bạn vì bình luận trên nhéee.
- Báo cáo

compromises
Hi bạn,
Cảm ơn bạn đã quan tâm nha 😂 Mình rất vui khi có người cũng quan tâm những thứ giống mình.
Để trả lời cho bạn về Hóa thì... chẳng cần tẹo nào nhé. Ví dụ ở trên chính là kiến thức "Hóa" nhất trong kinh nghiệm nấu ăn của mình😂 và bạn vẫn hiểu mà đúng không?
Thật ra muốn nấu mọi thứ, biến tấu đủ kiểu theo ý mình thì chỉ cần có chút kiến thức thường thức và sự am hiểu đối với nguyên liệu là đủ rồi. Ví dụ nhé:
+ Thường thức: Vì sao nên cho dầu ăn vào khi luộc mỳ? - ai cũng biết là dầu trơn, tránh mọi thứ dính vào nhau, nên dầu ăn giúp mỳ không dính vào nhau và dính xuống đáy nồi.
+ Quan sát: Khi chiên tại sao đợi dầu nóng mới cho vào chiên? - Nếu bạn quan sát sẽ thấy chiên trong dầu nóng đồ ăn sẽ sủi bọt rất nhiều. Chính việc đó ngăn không cho dầu thấm vào đồ ăn.
+ Am hiểu về nguyên liệu: Mình biết rằng giấm khử mùi tanh, chẳng cần biết cơ chế cụ thể, nhưng vậy cũng đủ để mình áp dụng vào nấu canh chua. Giấm cũng diệt khuẩn và giữ màu của rau củ, mình chẳng cần biết nó diệt khuẩn và giữ màu bằng cách nào, mình vẫn có thể dùng giấm để muối, bảo quản rau củ để giữ độ tươi....
Theo mình điều quan trọng là bạn cố gắng hiểu và không làm theo công thức một cách máy móc là đủ rồi, chẳng cần am hiểu Lý Hóa gì đâu :D
Còn về sách thì mình chỉ đọc 1 cuốn thôi, đó là "Giáo trình thực hành chế biến món ăn", bạn tra gg là ra. Sách rất hữu ích, nhưng bạn nên tập trung vào những phần bạn quan tâm và hợp với style nấu ăn của mình thôi.
Mình chủ yếu học nấu ăn qua youtube, đây là một số kênh mình hay coi:
1, Bếp độc thân: Đúng như tên, lúc ở một mình mình hay nấu theo chú này. Chú thường giải thích mọi thứ rất chi tiết, video nào cũng chất lượng.
2,3, Natha food và Vành Khuyên Lê: hai chị này thì thiên về nấu cho nhiều người, kênh của chị Vành Khuyên thiên về bữa ăn gia đình, còn của chị Natha thì mình thường xem khi nấu với đám bạn. Hai kênh này cũng giải thích tường tận mọi thứ, không máy móc.
4,5, "Món ăn ngon mỗi ngày" và "Món ăn ngon": Mình coi 2 kênh này khi không có thời gian, 2 kênh đều ra video thường xuyên, ngắn gọn, giọng 2 anh chị dễ thương nưa 😂. Mình rất thích những món nước sốt và nướng của kênh MANMN, khi nấu theo thấy vị rất giống ngoài quán. Còn MAN thì đơn giản, dễ nấu mà đa dạng.
Hi vọng nhiêu đây đủ để trả lời hết thắc mắc của bạn :3
Chúc bạn thành công!
- Báo cáo

Myhangu
Yeahhhhhh mình cảm ơn bạn nhiềuuuuu nhiềuuuuuu.
- Báo cáo

Andy Trần
Trời đất, tìm được những con người đồng điệu thực sự, mình cũng đang phát triển bản thân học nấu ăn bằng cách hiểu bản chất (các phản ứng hóa lý ), giải thích các mẹo của các cô các mẹ các bà trên cơ sở khoa học. Nấu ăn theo cách này thực sự rất thú vị, đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo. Bình luận của bạn thật sự chất lượng, rất mong chờ bạn chia sẻ bằng bài viết lớn ^.^ Mình thì thích nhất phản ứng Maillard, theo mình đó cũng là phản ứng quan trọng và phổ biến nhất. Kênh yt thì mình cũng fl giống luôn, có điều ngoài ra thích nhất là kênh SỨC KHỎE TÂM SINH
- Báo cáo

compromises
Mình cũng vui ghê luôn 😂
Lần đầu tiên mình nghe phản ứng maillard đấy. Bây giờ mới hiểu vì sao thịt kho lại thơm với ngon vậy, xưa giờ mình cứ nghĩ đơn giản đó là vị của caramel thôi😂
Mình cũng hóng được thấy bài của bạn, mình nghĩ sẽ học được rất nhiều từ bạn đấy :)))
Mình không định viết bây giờ đâu, tại thấy kiến thức của mình còn nửa vời lắm. Khi nào thấy đủ tự tin mình sẽ viết, mình sẽ ra một bài siêu chất lượng luôn hehe
- Báo cáo

Luke Đặng

Keep up the good work :))
- Báo cáo

An Phạm

Được một cây bút gạo cội về ẩm thực của Spiderum cmt thật là vinh hạnh cho em quá ạ. Vâng em cảm ơn ạ 😙
- Báo cáo

rainny_boy
Tôm nhúng mắm nhĩ với làm tái chanh cũng ngon lắm :))) mà chống chỉ định với người bụng dạ yếu.
- Báo cáo

An Phạm

Nấu Tôm chứ không nên nấu Mì Tôm nhá anh em @@
- Báo cáo

glassbook
tui thì thấy luộc hoặc chiên một cái trứng rồi dổ vô mình ăn cho lẹ (just kidding) cảm ơn bạn
- Báo cáo
Dukeimn
em thích thịt, đậu, trứng mong anh làm cả về mấy món này nữa ><
- Báo cáo

An Phạm

Dĩ nhiên là phải có rồi 😆
- Báo cáo

glassbook
tui cũng thích mấy món đó
- Báo cáo