Tính bất bình đẳng về quyền lực dường như là một thực tế tất yếu trong tự nhiên. Dựa vào quan sát mối quan hệ giữa các loài vật, chúng ta đã sáng tạo ra từ "Luật rừng" để miêu tả tình trạng mạnh được yếu thua. Kể cả xét những loài vật cụ thể, ta cũng thường thấy sự cạnh tranh hơn thua để sinh tồn; và thậm chí, trong những loài sống thành bầy (từ động vật có vú như sói, vượn, cho đến côn trùng như ong, kiến), vẫn luôn có con đầu đàn với quyền quyết định cao nhất. Tuy có ít nhiều trường hợp các loài cộng sinh với nhau, nhưng nhìn chung lại, tính cạnh tranh và tính bất bình đẳng chiếm ưu thế trong môi trường tự nhiên.
Trước khi các đặc tính dân chủ được sáng tạo và ứng dụng tại Châu Âu, câu chuyện về quyền lực của con người trên khắp thế giới cũng theo một mô hình trên dưới tương tự như trong tự nhiên. Các bộ lạc tiền sử tuy thường được mô tả là tổ chức theo chủ nghĩa quân bình, nhưng quyền quyết định cao nhất vẫn do một người có kinh nghiệm nhất hoặc khỏe mạnh nhất trong quần thể nắm giữ. Sau đó, với sự ra đời của tôn giáo, quyền lực lại chảy về phía giới tu sĩ (cũng với một người đứng đầu). Rồi tiếp tục, với sự phát triển của nông nghiệp và theo sau là quyền tư hữu, quyền lực tối cao nằm trong tay một vị vua - kẻ thống trị đất đai. Dù là trong tình huống nào, công thức một-người-nắm-quyền-quyết-định-cuối-cùng-cao-nhất vẫn không thay đổi.
Cho tới ngày nay, tính độc tài vẫn tồn tại, không thay đổi trong tự nhiên và đôi khi còn gia tăng trong các xã hội của con người, không khỏi làm nhiều người chúng ta tin vào sự tất yếu của nó và bỏ qua những chọn lựa mang tính dân chủ hơn. Quan niệm bất bình đẳng dai dẳng này không chỉ ảnh hưởng đến đại số những con người thông thường, mà còn cả những bộ óc thiên tài trong suốt lịch sử loài người.
Nhà triết học và lý luận chính trị Aristotle sống cách đây 23 thế kỷ, trong tác phẩm "Chính trị luận" của mình, tuy một mặt đề cao các giá trị bình đẳng - thể hiện qua những nhà nước mà ông cho là tốt đẹp khi phân bổ quyền lực vào tầng lớp trung lưu; song một mặt khác lại dùng mối quan hệ cha mẹ-con cái để bao biện cho mối quan hệ chủ nô-nô lệ vốn thịnh hành ở Hy Lạp lúc bấy giờ (ở đây có kẽ hở trong lập luận của ông, vì nếu nói mối quan hệ cha mẹ-con cái là nguồn gốc hợp lý của việc sử dụng nô lệ, thì nó cũng sẽ hợp lý trong việc tổ chức một xã hội độc tài).
Nước Mỹ khai quốc vào thế kỷ XVIII với bản tuyên ngôn khẳng định quyền bình đẳng của mọi người, nhưng vẫn tiếp tục duy trì hệ thống nô lệ người da đen. Nước Đức vào giữa thế kỷ XX, một quốc gia sinh ra không biết bao nhiêu nhà trí thức và khoa học lớn cho thế giới, nhưng lại dễ dàng ngả theo chủ nghĩa độc tài toàn trị của Hitler. Với hằng sa những câu chuyện tương tự đã xảy ra, làm dấy lên những câu hỏi nền tảng - rốt cuộc là con người có thực sự tự do và bình đẳng như được viết trong tuyên ngôn nhân quyền của thế giới hay không? Hay con người vẫn chỉ là một loài động vật độc ác và ích kỷ như những miêu tả của Thomas Hobbes?
Có vẻ cả hai cách miêu tả con người trên đều đã sai. Những người tự do đã quá lạc quan, trong khi những người bảo thủ lại quá bi quan. Đúng là con người ích kỷ - những đặc tính đó được nằm trong gen và được chứng minh rộng rãi - nhưng ta không được nhầm lẫn giữa bản năng và bản chất. Thật dễ để quy chụp rằng bản chất của con người là thế này hay thế kia vì chúng ta chỉ phải chọn một mặt để nhìn theo. Con người thật bao gồm cả hai, thú tính và nhân tính; và do đó, từ ngữ hợp lý nhất để miêu tả bản chất của con người phải là "có tiềm năng".
"Tiềm năng" là một từ ngữ thật đẹp, nó không cho chúng ta ảo tưởng về sự chính xác, mà cho chúng ta nhìn thấy sự thật một cách lạc quan. Thật vậy, con người có tiềm năng to lớn để vươn xa khỏi những bản năng hèn mọn của mình. Một con vật thì sinh ra và chết đi theo đúng như lập trình của sinh học; nhưng một con người thì không - ta không thể dám chắc một đứa trẻ sinh ra mai sau sẽ đạt được thành tựu gì vì có vô hạn khả năng xảy ra. Nó sẽ thành nhà văn hay nhà khoa học? thành tội đồ hay thánh nhân? thành Hitler hay Jesus? hay trở thành chính nó?
Hẳn nhiên là nếu con người chỉ có bản năng như bao loài vật khác, chúng ta sẽ luôn kết thúc với nền chính trị độc tài. Song, nhân loại còn có tiềm năng, dù đôi khi thành hiện thực, đôi khi không; và nền dân chủ đầu tiên trên thế giới được ra đời ở Hy Lạp chính là sự biểu hiện ra ở quy mô xã hội của tiềm năng to lớn đó. Thời khắc dân chủ sinh ra có ý nghĩa thật trọng đại, cứ như thể loài người tự hào mà tuyên bố mình đã vượt lên trước tự nhiên vậy!