PHẦN MỘT

NGƯỜI HÀNH HƯƠNG 1102 - 1144
2 “Sự phòng thủ của Jerusalem”
HỘI HIỆP SĨ DÒNG ĐỀN được thành lập tại Jerusalem vào năm 1119 và được chính thức công nhận tại một thời điểm nào đó trong khoảng 14 tháng 1 đến 13 tháng 9 năm 1120. Gần như không ai để ý đến. Hội Dòng Đền không xuất hiện theo trào lưu phổ biến, cũng như không phải là sản phẩm của những kế hoạch nhìn xa trông rộng giữa các quốc gia thập tự chinh non trẻ và các nhà chức trách tôn giáo ở Kitô Phương Tây. Không có biên niên sử nào còn sót lại ở thời điểm đó, dù là Kitô giáo hay Hồi giáo, chú ý đến những động thái đầu tiên của hội— thực sự thì phải tới vài thế hệ sau, câu chuyện về nguồn gốc sớm nhất của Hội Dòng Đền mới được viết ra, lúc đó câu chuyện xoay theo hướng họ đã trở thành. Song điều này không quá ngạc nhiên. Giống như các lãnh đạo và cư dân Jerusalem, các sử gia và những người lượm tin về Đất Thánh vào năm 1120 có những việc khác lớn hơn để lo lắng.
Những thập tự quân ở lại để cai trị Đất Thánh là những kẻ ngoại tộc xâm lược, cố gắng thiết lập quyền điều hành của mình đối với nhóm dân hỗn hợp giữa người Hồi giáo Sunni và Shi’a, người Do Thái, Kitô giáo chính thống Hy Lạp và Syria, người Samari và những người định cư nghèo tới từ khắp châu Âu. Đây là một xã hội chắc chắn bị chia rẽ bởi ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và lòng trung thành, cạnh tranh với một môi trường mà đôi khi có vẻ thù địch là chuyện thường khi định cư. Vào năm 1113 và 1114, Syria và Palestine đã bị rung chuyển bởi những trận động đất tàn khốc, những trận động đất này đã san bằng toàn bộ thị trấn và khiến dân chúng chết ngạt bên dưới những công trình bị sập. Gần như mọi mùa xuân đều mang theo dịch chuột và cào cào, chúng tràn ngập khắp các giàn leo và cánh đồng, phá hoại mùa màng và lột sạch vỏ cây. Theo thời gian, những hiện tượng nguyệt thực kỳ lạ làm mặt trăng và bầu trời đỏ rực. Tất cả những điều này đều đánh vào tâm lý mê tín của những người định cư. Cứ như thể vùng đất muốn loại bỏ thập tự quân và thiên đàng để trừng phạt họ vì cuộc chinh phạt họ gây ra.
Nghiêm trọng như bệnh dịch và điềm xấu là vấn đề an toàn và an ninh. Trong hơn hai mươi năm kể từ khi người Frank chinh phục Jerusalem và thành lập bốn quốc gia thập tự chinh, họ buộc phải chiến đấu hết mình để có được một chỗ đứng trên bờ biển. Có một số thành tựu lớn: chiếm được các thành phố Acre, Beirut và Tripoli, một phần nhờ vào các dòng quân chính quy từ Kitô giáo phương Tây (bao gồm cả một cuộc thám hiểm lớn từ Scandinavia do Sigurd, vua của Na Uy chỉ huy, người đã giúp vua Baldwin chiếm được Sidon vào năm 1110). Tuy nhiên những sự mở rộng lãnh địa ấn tượng này không thể thay đổi thực tế của cuộc sống dưới cái nắng thiêu đốt nơi bờ biển Levantine: không thể đoán trước và hung bạo.
Năm 1118, Baldwin I qua đời. Ba tuần sau có một giáo dân Latin nổi tiếng trong vương quốc đi theo ông về với cát bụi: Arnulf, thượng phụ Jerusalem. Kế vị hai người là Bá Tước Edessa, một thập tự quân giàu kinh nghiệm đã trở thành Vua Baldwin II, và Warmund xứ Picquigny, một giáo sĩ có tinh thần xuất thân từ một gia đình nổi tiếng ở miền bắc nước Pháp. Cả hai đều là những nhân vật đáng gờm, nhưng quá trình thay thế này đã thúc đẩy các cuộc xâm lược cùng lúc từ nhà Seljuq ở miền đông Syria và nhà Fatimid ở Ai Cập, mang đến một vòng giao chiến mới. Việc bảo vệ vương quốc rất tốn nhân lực và tinh thần, và các lực lượng người Frank liên tục được tăng cường. Nhà biên niên sử Fulcher xứ Chartres coi đó là “một phép màu tuyệt vời khi chúng tôi sống giữa hàng ngàn hàng vạn [quân thù].”
Vào năm 1119, mọi thứ vẫn tồi tệ như những gì từng xảy ra, nhờ vào hai sự kiện đặc biệt nghiêm trọng. Sự kiện thứ nhất diễn ra vào Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 29 tháng Ba, sau phép lạ của Lửa Thánh tại Nhà Thờ Mộ Thánh. Trong nghi lễ hàng năm này, ngọn đèn dầu được giữ bên cạnh tảng đá mộ của Chúa Kitô sẽ tự phát sáng vào đêm trước Lễ Phục Sinh; ngọn lửa thiêng sau đó được dùng để thắp những ngọn nến và ngọn đèn riêng của các tín hữu tới xem. Thật không may vào năm 1119, khi phép lạ xảy ra, bảy trăm người hành hương ngây hồn đã chạy ra khỏi nhà thờ và chạy vào sa mạc theo hướng sông Jordan, định tắm trong dòng nước và cảm tạ Chúa. Con sông cách các bức tường phía đông Jerusalem khoảng hai mươi dặm và những người hành hương không bao giờ đến nơi. Biên niên sử Albert xứ Aachen chép lại rằng khi họ từ trên núi xuống “một nơi vắng vẻ” gần sông, đột nhiên “xuất hiện dân Saracen tới từ Tyre và Ascalon [hai thành phố vẫn nằm trong tay người Hồi giáo], được trang bị vũ khí và rất hung tợn.” Họ lao vào những người hành hương “gần như không có vũ khí” và “mệt mỏi sau một cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày, yếu ớt vì kiêng ăn nhân danh Đức Giêsu.” Đó còn không phải là một cuộc chiến. “Lũ đồ tể độc ác đã truy đuổi họ, vung kiếm lên ba trăm người và bắt bớ sáu mươi người,” Albert viết.
Ngay khi nghe tin, Baldwin II liền nổi cơn thịnh nộ, ông xua quân ra ngoài Jerusalem để trả thù. Nhưng ông đã đến muộn. Những kẻ tấn công đã trở lại căn cứ an toàn, đếm số tù nhân và thích thú với chiến lợi phẩm của cuộc đột kích.
Chỉ hai tháng sau, nhiều tin tức kinh hoàng hơn đến từ phía bắc. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1119, tại Sarmada ở tây bắc Syria, một lực lượng rất lớn những Kitô hữu đang chiếm đóng Antioch phải chiến đấu chống lại đội quân của một lãnh đạo Artuqid được gọi là Il-ghazi, một tên bợm rượu nhưng là một vị tướng nguy hiểm đã chiếm đóng Aleppo gần đó. Theo lời kể của một nhân chứng, trận chiến diễn ra trong một cơn bão bụi dữ dội: “một cơn gió lốc… xoắn mình lên trên giống như một cái chum khổng lồ trên bánh xe của người thợ gốm, bị thiêu rụi bởi những ngọn lửa có lưu huỳnh”.
Hàng trăm Kitô hữu bị tàn sát. Lãnh đạo của họ, Roger xứ Salerno, bị “một hiệp sĩ đâm kiếm xuyên giữa mũi, găm thẳng vào não” và chết ngay lập tức. Xung quanh ông là vùng nông thôn rải rác xác người và những con ngựa đang hấp hối bị cắm đầy tên như nhím. “Kỵ binh bị tiêu diệt, bộ binh bị chặt thành từng mảnh, những người đi theo và người hầu đều bị bắt làm tù binh,” nhà sử học Ả Rập Ibn al-Adim tán đồng viết. Đây chưa phải tất cả. Sau cuộc chiến, hàng trăm tù nhân Kitô hữu bị trói cổ vào nhau và hành bước qua cái nóng chói chang của ban ngày, bị tra tấn khi nhìn thấy một thùng nước mà họ không được phép uống. Một số bị đánh đập. Một số bị lột da. Một số bị ném đá đến chết. Số khác bị chặt đầu. Fulcher xứ Chartres ước tính rằng, tổng cộng, bảy nghìn Kitô hữu đã bị giết, chỉ còn hai mươi người đi theo Il-ghazi. Có thể Fulcher đã phóng đại con số, song thất bại kinh hoàng này sau đó được người Frank gọi là ager sanguinis: Cánh Đồng Máu. Thất bại tại Sarmada là một khoảnh khắc kinh hoàng không chỉ với các Kitô hữu ở Antioch, mà còn với người Frank nói chung. Song, từ đó nảy sinh ra mầm mống của một ý tưởng nằm ở trung tâm của hệ tư tưởng Dòng Đền.
Sau cuộc chiến, cần có thêm các biện pháp tuyệt vọng để chặn thêm mọi tổn thất ở Antioch. Il-ghazi đang chuẩn bị một cuộc tấn công trực diện vào thành phố. Theo nhà văn Walter Chưởng Ấn, một quan chức cấp cao của Antioch, người gần như chắc chắn có mặt và rất có thể bị bắt làm tù binh tại Cánh Đồng Máu, “gần như toàn bộ quân lực của người Frank đã mất.” Vương quốc Jerusalem đã yêu cầu viện trợ vũ trang khẩn cấp, nhưng rõ ràng là sẽ mất một thời gian để thực hiện được việc này.
Bước vào thinh không là một người đàn ông tên Bernard xứ Valence, thượng phụ Latin của Antioch. Bernard là một trong những giáo dân cấp cao nhất trong tất cả các thành bang của thập tự quân. Ông là thượng phụ kể từ năm 1100, khi quân xâm lược phương Tây chinh phục Antioch và đuổi thượng phụ Chính Thống giáo Hy Lạp và cất nhắc người của họ, người tuân theo truyền thống của Giáo Hội La Mã. Trong thời gian đó, ông thường xuyên giúp các đội quân Kitô giáo chuẩn bị tinh thần cho trận chiến: rao giảng cho binh sĩ và nghe lời thú tội của những người đã đổ máu trong cuộc chiến. Giờ đây ông không chỉ cứu rỗi các linh hồn. Ông phải cứu thành phố của mình.
“Tất nhiên, tất cả đều thuộc về giáo sĩ,” Walter Chưởng Ấn viết, và đây không phải là lời nói suông. Khi Il-ghazi tập hợp quân đội của ông ta, từ trong Antioch thượng phụ nắm quyền chỉ huy quân sự tối cao. Ông ra lệnh giới nghiêm hàng đêm và phát lệnh không ai được mang vũ khí trong thành phố ngoại trừ người Frank. Sau đó, ông đảm bảo rằng mọi ngọn tháp dọc theo hệ thống phòng thủ của Antioch đều được “đóng quân ngay lập tức với các tu sĩ và giáo sĩ”, được hỗ trợ bởi các giáo dân Kitô hữu mà họ có thể tìm thấy phù hợp để giúp đỡ họ. Bernard bố trí những lời cầu nguyện liên tục để được nói “cho sự an toàn và bảo vệ của các Kitô hữu,” và trong khi những lời cầu nguyện này diễn ra, ông “liên tục… lần lượt đến thăm, đêm và ngày, cùng các giáo sĩ và hiệp sĩ được vũ trang của ông, theo cách thức của các chiến binh, các cổng, thành lũy và tháp và tường.”
Đây là những hành động của một sĩ quan, chứ không phải là những biện pháp phòng thủ từ một người đàn ông của Giáo Hội. Và họ đã thành công một cách đáng kinh ngạc. Thấy rằng thành phố phòng ngự tốt, Il-ghazi quyết định không tấn công. Chiến tranh tạm lắng cho phép Baldwin II tập hợp quân đội và tiếp quản chiến dịch. Antioch đã được cứu. Theo lời của Walter Chưởng Ấn, “tăng lữ… thực hiện một phần nghĩa vụ quân sự một cách khôn ngoan và mạnh mẽ, cả trong và ngoài, và cùng sức mạnh của Thiên Chúa đã giữ cho thành phố vẹn toàn khỏi kẻ thù”. Đó là một hương vị của những gì sắp diễn ra.
Ý tưởng các giáo dân có thể ra trận không chỉ bằng lời cầu nguyện mà bằng cả vũ khí chết người hầu như không còn mới. Nó cho thấy một sự căng thẳng ở trung tâm của tư tưởng Kitô giáo suốt một nghìn năm, khi chủ nghĩa hòa bình xuất hiện thông qua ví dụ về cuộc đời của Chúa Kitô đã cọ xát với tâm lý thượng võ được lồng trong ngôn ngữ hùng biện của Kitô giáo và Kinh Thánh. Nó cũng diễn ra một cách tự nhiên từ những ý tưởng làm nền tảng cho toàn bộ phong trào thập tự chinh.
Về mặt đó, Kitô giáo là một đức tin bắt nguồn từ hòa bình. Đức Giêsu đã la rầy các tông đồ vì dùng đến bạo lực ngay cả khi bị khiêu khích tột độ—thúc giục họ thu dọn vũ khí khi ngài bị bắt ở Vườn Gethsemane, và nói “ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm.” Nhưng suốt nhiều thập kỷ ngay sau khi ngài qua đời, Thánh Phaolô đã khuyến khích người Êphêsô trang bị cho mình “áo giáp là sự công chính”, “mũ chiến là ơn cứu độ” và “gươm của Thần Khí ban cho, tức là lời Thiên Chúa.” Chiến tranh mà Phaolô chủ trương thuộc về tâm linh hơn vật chất, song các thuật ngữ của hệ tư tưởng Kitô giáo rút trực tiếp từ ngôn ngữ chiến tranh. Ý tưởng về sự tồn tại của Kitô giáo là một hành động của cuộc chiến vũ trụ, tâm linh—một cuộc chiến chống lại ma quỷ—đã định hình thế giới quan của nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo vĩ đại trong thế giới cổ đại, chẳng hạn như Thánh Ambrose và Thánh Augustine thành Hippo. Điều này có lẽ không quá ngạc nhiên, do mức độ thường xuyên trong những thế kỷ đầu tiên khi Kitô giáo xuất hiện, các tín hữu nhận ra rằng họ buộc phải cam chịu hoặc bị bạo lực thể xác, dù là trong hí trường của người La Mã hay phải chịu cái chết vì tử đạo. Thật vậy, tử đạo đã trở thành một điều đáng ngưỡng mộ, và là một phần quan trọng trong ý niệm về tuyên thánh.
Vào lúc diễn ra Thập Tự Chinh thứ Nhất, khái niệm về chiến tranh của Kitô giáo không chỉ mang tính ẩn dụ. Các xã hội Kitô giáo ở châu Âu được kết cấu xung quanh sự tồn tại của một giai cấp chiến binh—hiệp sĩ—và các giáo dân thỉnh thoảng bắt đầu tham gia chiến tranh trực tiếp, không còn bằng lòng với những cuộc đấu tranh tâm linh. Rudolf I, giám mục Würzburg, đã tử trận khi chiến đấu với quân Magyar vào năm 908. Một bản ghi chép bằng tiếng Anh được gọi là Biên Niên Sử Abingdon, được biên soạn ngay trước Thập Tự Chinh thứ Nhất, mô tả cách tu viện trưởng của Abingdon chỉ huy một đoàn hiệp sĩ. Điều này không có nghĩa là tiến hành thánh chiến đã được chấp nhận rộng rãi: vào thế kỷ 9, Giáo Hoàng Nicholas I đã đặc biệt tuyên bố rằng với giáo dân, tự vệ phải có nghĩa là làm theo gương của Chúa Kitô và giơ cả má kia, trong khi công chúa Byzantine và cũng là người chép tiểu sử Anna Comnena thường xuyên bày tỏ một sự chán ghét rõ rệt trong các văn bản của mình với ý tưởng về việc các giáo sĩ Kitô có bất kỳ liên quan nào đến việc hành hung hoặc giết người.
Nhưng trong khi cuộc chiến giữa Syria và Palestine lên cao trào, việc hạn chế các Kitô hữu mang vũ khí dưới mọi hình thức ngày càng thể hiện sự không thực tế. Đầu tiên, một yếu tố quan trọng đằng sau sự tồn tại của phong trào thập tự chinh là sự chấp nhận rộng rãi khái niệm thánh chiến của Kitô giáo, do những người thế tục tiến hành để lấy phần thưởng về mặt tâm linh. Các giáo hoàng kế vị đã biến điều này thành một triết lý thực tế về sự bạo lực của Kitô giáo, được thể hiện trong Thập Tự Chinh thứ Nhất. Những giáo dân đi chiến đấu với người Hồi giáo ở phương Đông được mô tả là đã tham gia “hội hiệp sĩ của Chúa Kitô” (militiae Christi), và đã tham gia “hội hiệp sĩ phúc âm” (evangelicam militiam).
Từ đây có một điểm tương đối nhỏ để lập luận rằng nếu người ta chiến đấu được phong thánh, thì hoàn toàn có khả năng để các thánh nhân tham gia chiến đấu. Thật vậy, trước sự căng thẳng về nguồn lực ở các thành bang thuộc thập tự quân trong những năm 1120, điều cần thiết là phải thừa nhận rằng thỉnh thoảng một giáo sĩ có thể sử dụng vũ khí mà không bị khiển trách—như Thượng Phụ Bernard đã làm ở Antioch. Vài tháng sau, tại một cuộc họp lớn gồm các nhà lãnh đạo giáo quyền và thế tục từ vương quốc Jerusalem, ý tưởng về những tín hữu mang vũ khí đã lần đầu tiên xuất hiện.
Hội Đồng Nablus được triệu tập vào ngày 16 tháng 1 năm 1120, dưới sự bảo trợ của Vua Baldwin II và Warmund, thượng phụ Latin của Jerusalem. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều giáo dân cấp cao nhất ở Đất Thánh, bao gồm tổng giám mục Caesarea, các giám mục Nazareth, Bethlehem và Ramla, và—đáng kể, như sau này nó sẽ xuất hiện—các tu viện trưởng của Nhà Thờ Mộ Thánh và Đền Thờ Thiên Chúa ở Jerusalem. Mục đích của cuộc họp này tại Nablus—một thị trấn nép mình trong một thung lũng nằm giữa hai ngọn núi ở miền trung Palestine, nổi tiếng với những cánh đồng ô liu phì nhiêu—là để đưa ra một bộ luật thành văn, hay “quy tắc”, mà theo đó vương quốc có thể được cai quản một cách thích hợp sao cho đẹp lòng Thiên Chúa.
Hội Đồng Nablus đưa ra 25 sắc lệnh, ban đầu đề cập đến các vấn đề về quyền lực pháp lý giữa các cơ quan thế tục và giáo quyền, và phần lớn tập trung vào tình dục. Các tuyên bố được đưa ra nhằm chống lại các tội bao gồm ngoại tình, trăng hoa, gái gú, ma cô, mại dâm, trộm cắp và quan hệ tình dục với người Hồi giáo, với các hình phạt theo quy định từ thống hối, lưu đày đến thiến và cắt mũi. Trong số này có một câu châm ngôn mang tầm quan trọng cơ bản với nguồn gốc và lịch sử của Hội Dòng Đền. Đó là luật lệ, và dòng đầu tiên chỉ đơn giản là “nếu một giáo sĩ sử dụng vũ khí vì lý do tự vệ, người đó sẽ không phải chịu bất kỳ tội lỗi nào.” Ý kiến thứ hai cho rằng đây được coi là một biện pháp tạm thời, và việc từ bỏ nghĩa vụ thánh với một võ sĩ chỉ được thực hiện dưới sự ép buộc. (Những giáo sĩ vĩnh viễn từ bỏ lễ cạo đầu để trở thành hiệp sĩ hoặc gia nhập xã hội thế tục có thể bị kỷ luật bởi thượng phụ và nhà vua.) Tuy nhiên, trong bối cảnh của những tháng đầu năm 1120, điều này thực sự có ý nghĩa. Những người đã họp ở Nablus không chỉ xây dựng quy tắc luật pháp và đạo đức cho Đất Thánh. Họ đang gieo vào luật pháp một ý tưởng mang tính cách mạng, sẽ phát triển rất lâu trước khi trở thành một khái niệm—và sự thật—rằng các tín hữu có thể đóng vai trò như một cầu nối quan trọng trong việc bảo vệ các quốc gia thập tự chinh.
“Vào đầu vương triều của Baldwin II,” một giáo dân được gọi là Michael người Syria viết vào cuối thế kỷ 12, “một người Pháp đi từ Rome tới Jerusalem để cầu nguyện.” Người Pháp này tên là Hugues de Payens. Ông được sinh ra đâu đó trước năm 1070, có lẽ tại làng Payns, gần trấn Troyes, cách địa phận Campagne của Paris khoảng 90 dặm về phía đông nam. Chúng ta biết thêm rất ít điều khác về thời gian đầu đời của Hugues de Payens, ngoài việc ông ở hạng đủ cao để chứng kiến đặc quyền của quý tộc địa phương ở Pháp. Nếu Michael người Syria viết đúng, thì lúc Hội Đồng Nablus được triệu tập vào tháng 1 năm 1120, Hugues de Payens đã ở Đất Thánh chừng nào Baldwin còn làm vua—tầm 20 tháng. Khoảng thời gian này đủ lâu để ông xem các điểm tham quan, đánh giá mức độ nguy hiểm của khu vực và, hiển nhiên, đẻ quyết định rằng thay vì trốn về nhà theo đường biển đầy hải tặc ở phía đông Địa Trung Hải, ông sẽ thấy một lượng thời gian còn lại đáng kể khi là một phần của cộng đồng những người Frank chiếm đóng Jerusalem. Ông dự định đầu tiên sẽ phục vụ trong đội quân hoàng gia, và rồi giã từ cuộc sống chiến tuyến khó khăn để trở thành một tu sĩ.
Hugues không phải người duy nhất có quyết định này. Có những người khác thuộc tầng lớp hiệp sĩ ở thành phố Jerusalem vào thời điểm đó, và họ bắt đầu tụ tập lại tại nơi du khách và những người mới đến mang mọi nguồn gốc và quốc tịch dễ biết nhất để gặp mặt: Nhà Thờ Mộ Thánh.
Thật vậy, họ đã làm nhiều thứ hơn là tụ tập. Dường như trong vài tháng trước khi Hội Đồng Nablus được triệu tập, có một vài hiệp sĩ lưu đày ở Jerusalem (các nguồn tư liệu sau này cho rằng ban đầu có trong khoảng 9 đến 30 người) đã hình thành một dạng hội bằng hữu không bền chặt lắm, hay huynh đệ, một dạng hội nhóm đã từng xuất hiện ở phương Tây trong thế kỷ trước đó với mục tiêu bảo vệ các nhà thờ và đền thờ khỏi lũ cướp. Họ đã thực hiện thề nguyện tới Gerard, tu viện trưởng Mộ Thánh, người bảo hộ và khoản đãi mà họ đang phụ thuộc để sống. Nói cho đúng họ không phải giáo sĩ, mà là những chiến binh hành hương có thể trạng tốt, biết chiến đấu và có một quyết định quan trọng là sống một cuộc đời bán tu với sự sám hối, nghèo khó, phục tùng và mang nghĩa vụ vượt xa những lời thề bình thường của một thập tự quân.
Đầu tháng 1 năm 1120, có cảm giác rằng những chiến binh tôn giáo này đang lợi dụng. Một nhà văn thời sau miêu tả cuộc sống của Hugues de Payens và các bằng hữu của ông như phung phí trong nỗi buồn thất nghiệp: “ăn, uống, lãng phí… thời gian và chẳng làm gì cả” tại Mộ Thánh. Nếu là thật, đây rõ ràng là một sự bạc đãi nhân tài đáng xấu hổ. Vốn đã tồn tại một tổ chức tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc người hành hương bị bệnh và bị thương tại bệnh xá  được biết đến với cái tên Y Viện Thánh John thành Jerusalem. Tổ chức đó—Hội Cứu Tế—đã được giáo hoàng chính thức công nhận vào năm 1113, và hoạt động từ các cơ sở không quá xa Mộ Thánh. Họ không phải là binh sĩ (mặc dù sau này họ sẽ thành như vậy), và sự góp sức cho sự sống ở Jerusalem đã trải qua nhiều thế hệ và được đánh giá cao. Hẳn rằng một tổ chức hộ tống bổ sung có vũ trang có thể giảm bớt gánh nặng của Hội Cứu Tế và cải thiện thêm điều kiện của hàng nghìn người hành hương ghé qua khu vực.
Trong lúc triệu tập Hội Đồng Nablus, người ta quyết định rằng thay vì gắn chặt với Mộ Thánh, hội hiệp sĩ ngoan đạo này nên được trao quyền tự chủ, bao gồm ý họ nên tự kiếm cơm ăn áo mặc, được tiếp cận với những linh mục có thể chỉ đạo họ cầu nguyện vào thời điểm thích hợp trong ngày và một nơi để sống tại một trong những khu vực nổi bật ở Jerusalem. Triều đình sẽ hỗ trợ các phương tiện duy trì họ, nhưng mục đích chính của họ sẽ là một mối quan hệ bình đẳng với nhà vua, thượng phụ, và mọi du khách Kitô hữu khác ghé thăm Đất Thánh. Họ sẽ chịu trách nhiệm, theo lời của một hiến chương được đưa ra vào năm 1137, với “việc phòng thủ Jerusalem và bảo vệ người hành hương.” Vừa là vệ sĩ, vừa là người nghèo, hội bằng hữu nhỏ bé chỉ dành cho những người có vũ trang và người cầu nguyện: đó là những người đầu tiên trở thành Hiệp Sĩ Dòng Đền.
Những ngôi đền tọa lạc tại phía đông Jerusalem đã hàng nghìn năm. Ngôi đền đầu tiên là một quần thể khổng lồ được dựng bởi Vua Solomon, một vị quân chủ giàu có, thông thái và xuất chúng thời Cựu Ước đã cai trị các dân tộc ở Israel sau cái chết của cha ông, Vua David. Việc xây dựng Đền Solomon được tả lại khá dài trong Sách Các Vua. Nơi này được làm từ “những viên đá quý giá”, được ốp bằng gỗ ôliu, gỗ tuyết tùng cùng vàng được chạm khắc tinh xảo và được đỡ bởi vô số cây cột, giấu trong trung tâm ngôi đền là Đền Thờ Cực Thánh, một căn phòng linh thiêng nơi tên Chúa “ở” và là nơi Hòm Giao Ước—một cái hòm chứa những tấm bia gốc ghi Mười Điều Răn—được giữ.
Vị vua Babylon Nebuchadnezzar II đã phá hủy Đền Solomon vào năm 586 TCN và vào thời điểm đó Hòm Giao Ước đã biến mất. Nhưng vài thập kỷ sau Đền Thờ đã được dựng trở lại. Đền Thờ Thứ Hai được xây dựng bởi những người Do Thái lưu đày trở về Jerusalem vào năm 520 TCN và mở rộng rất nhiều trong nửa thiên niên kỷ sau đó dưới triều đại Herod Đại Đế. Ngôi đền đứng trên một nền đá rộng lớn bao phủ một quả đồi tự nhiên—Núi Đền—và được dùng như một nơi để tế lễ, cầu nguyện, thờ kính, giao thương, chăm sóc y tế và giải trí. Nơi này được hoàn thành trong khoảng năm 10 TCN và là trung tâm cuộc sống của người Do Thái ở Jerusalem vào thời Đức Giêsu thực hiện sứ vụ. Giống như Đền Solomon gốc, Đền Thờ Thứ Hai cũng bị phá hủy bởi cơn thịnh nộ từ một đế chế bên ngoài: bị thiêu rụi vào năm 70 CN khi trấn áp dân Do Thái nổi dậy chống lại hoàng đế La Mã Titus. Sáu mươi lăm năm sau tàn tích của nơi này được dỡ bỏ để dựng những bức tượng tốt và tượng ngoại giáo lên địa điểm này.
Vào thời điểm Hugues de Payens lập hội tại Jerusalem, Núi Đền đã được tân trang lại một lần nữa: không phải là người Do Thái hay Kitô hữu, mà là triều Umayyad—vị giáo chủ quyền lực của phái Sunni hùng mạnh đã đưa quân chinh phạt thành phố vài thập kỷ sau cái chết của Muhammad vào cuối thế kỷ thứ 7 CN. Hai công trình đặc biệt giờ đã thống trị đường chân trời ở Jerusalem. Mái vàng khổng lồ của Vòm Đá sáng rực như quả cầu lửa, có thể nhìn thấy từ hàng dặm quanh đó. (“Ngay khi những tia nắng mặt trời chiếu vào mái vòm và khối trụ tỏa ánh sáng, thì quả thực đây là một điều kỳ diệu,” chép lại bởi một lữ khách và nhà địa lý Hồi giáo vào thế kỷ thứ 10.) Ở bên kia quần thể Núi Đền là một công trình hoành tráng khác: Thánh Đường Hồi Giáo al-Aqsa, lần tân trang gần đây nhất là vào những năm 1030. Đây được coi là thánh đường quan trọng và đẹp nhất bên ngoài Ả Rập, còn tráng lệ hơn Đại Thánh Đường Hồi Giáo Damascus. Khi một lữ khách Ba Tư ghé thăm al-Aqsa vào thời hoàng kim của nơi này, người này mô tả đã nhìn thấy “hai trăm tám mươi cây cột bằng đá cẩm thạch, những mái vòm chống đỡ được làm bằng đá, và cả thân và đầu cột đều được chạm khắc… khắp nơi trong thánh đường lót lớp đá cẩm thạch có màu, với các mối nối bằng chì… Phía trên sừng sững một mái vòm hùng vĩ được trang hoàng bằng công đoạn tráng men.” Quanh những người sùng đạo đã giã từ cõi trần và dành mình cho cuộc sống tôn giáo: biên niên sử Ibn al-Athir viết rằng vào lúc xảy ra Thập Tự Chinh Thứ Nhất thánh đường thường xuyên được lui tới bởi “các thầy tế [imam], hiền triết [ulema], người công chính và người khổ hạnh, những người Hồi giáo đã rời bỏ quê hương và tới sống một cuộc đời thánh thiêng ở nơi trang nghiêm này.”
Dưới quyền cai trị của thập tự quân, cả Vòm Đá và Thánh Đường al-Aqsa đều bị tước bỏ tính Hồi giáo tôn nghiêm của chúng: Vòm Đá trở thành một nhà thờ, trong khi thánh đường dùng làm cung điện cho vua Jerusalem. Các Kitô hữu gọi Vòm Đá là “Đền Thờ Thiên Chúa” và họ đồng nhất al-Aqsa với Đền Solomon, để tưởng nhớ vị trí mang tính lịch sử của nó. Sức hút của địa điểm này với những người trên khắp thế giới mong muốn được tận hưởng một cuộc sống tinh thần đã sống sót sau quá trình chuyển đổi sự cai trị từ người Hồi giáo sang Kitô hữu: bởi đây là nơi Hugues de Payens và hội bằng hữu nho nhỏ gồm những tín đồ được phép thành lập tổ chức của họ vào năm 1120. Theo một nhà văn được biết đến với cái tên Ernoul, đây là tư dinh “lộng lẫy nhất” của nhà vua tại thành phố. Tổng giám mục và nhà biên niên sử thế kỷ 12 William xứ Tyre giải thích rằng “vì... họ sống trong cung điện của nhà vua cạnh Đền Thờ Thiên Chúa, họ được gọi là Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền.”
Bất chấp những nơi ở, khó có thể nói Hội Dòng Đền được sống trong xa hoa. Trong những năm đầu tiên tại Mộ Thánh, họ sống phục thuộc vào tổ chức từ thiện, bao gồm cả Hội Cứu Tế, những người tặng thức ăn thừa cho họ. Sự công nhận và căn cứ chính thức ở Núi Đền của họ không cải thiện nhiều về vật chất cho họ. Theo như cận thần và biên niên sử người Wales Walter Map, Hugues de Payens và bằng hữu của ông sống tại đó “với trang phục giản dị và ăn uống đạm bạc,” trong khi Hugues sử dụng “thuyết phục, cầu nguyện và mọi cách trong khả năng” để lôi kéo “tất cả những người hành hương biết chiến đấu cùng những người dành cả đời để phụng sự Chúa tại nơi đó hoặc ít nhất là hiến dâng một thời gian.” Thuế thu từ một vài ngôi làng gần Jerusalem được bởi Baldwin II và Thượng Phụ Warmund giao cho họ, “nhằm trợ cấp thức ăn và quần áo cho họ,” nhưng phần lớn trong thập kỷ đầu tiên Hội Dòng Đền tồn tại họ đã phải sống túng thiếu, một số lượng nhỏ bằng hữu mặc quần áo cũ chứ không phải những bộ y phục riêng biệt mà họ sẽ dùng sau này.
Ngôi nhà của họ cũng không hoàn hảo. “Rộng lớn và kỳ vĩ” là những cụm từ được dùng bởi nhà biên niên sử Fulcher xứ Chartres để mô tả kết cấu cơ bản của Thánh Đường Hồi Giáo al-Aqsa. Nhưng phần chì trên mái đã bị tháo và bán cho Vua Baldwin I, và sau đó không có nỗ lực sửa chữa nào. “Vì chúng ta túng thiếu nên [nó] không thể duy trì đúng với tình trạng khi chúng ta tìm thấy nó,” Fulcher viết. Trong cuộc chinh phạt Jerusalem của Kitô hữu vào năm 1099, đây từ là nơi xảy ra một trong những cuộc thảm sát phụ nữ và trẻ em Hồi giáo kinh hoàng nhất. Máu chảy trong các đại sảnh nhiều đến nỗi ngập mắt cá chân. Còn giờ, theo lời một người hành hương ghé thăm nơi này không lâu sau khi người của Hugues de Payens cư trú, “nơi ở mới của những hiệp sĩ mới canh giữ Jerusalem.”
Nếu những hiệp sĩ mới này thành công trong việc bảo vệ cộng đồng Kitô hữu, người hành hương và lãnh thổ tại Jerusalem khỏi nhiều kẻ địch đe dọa họ, họ cần phải phát triển: gia tăng quân số, tài nguyên và của cải. Hơn thế nữa, họ cần một danh tính. Để cải thiện cơ vận, người của Hugues de Payens cần phải nhìn xa hơn những thứ bao quanh trước mắt và trở về cõi giới từ đầu đưa họ đến Đất Thánh. Họ phải thỉnh cầu trực tiếp lên giáo hoàng.