The Isle - Tiểu đảo, tác phẩm thứ năm của cố đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-Duk, có lẽ không phải là tác phẩm tiêu biểu nhất hay nổi tiếng nhất nhưng lại là bộ phim chân thực nhất về tình yêu của vị quái kiệt điện ảnh này. Nó nói về tình yêu một cách kiệt cùng, bạo lực và đẹp đẽ vô ngần.
Nguồn: instantview.lotus.vn
Nguồn: instantview.lotus.vn

Tình yêu - Tiểu đảo

Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh những ngôi nhà nhỏ nhiều màu sắc nằm gọn ghẽ và xinh xắn trên mặt hồ phẳng lặng. Đó như những ngôi tiểu đảo biệt lập để những vị khách bốn phương tha hồ hành sự: người câu cá uống cà phê, ai đó hẹn hò với người tình, kẻ giết người tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng những tiểu đảo nhỏ nhoi xinh xắn quánh đặt tinh trùng, vảy cá và máu người ấy đã dung dưỡng một tình yêu thật đẹp - một tình yêu mà vẻ đẹp của nó tỉ lệ thuận với đớn đau và tội ác. 
Những ngôi tiểu đảo đó lại không phải bến đỗ cuối cùng của họ. Những ngôi tiểu đảo sắc màu chỉ là những cái tổ tạm thời cho tình yêu của họ. Bụi cỏ giữa lòng hồ, nơi cách xa những hòn tiểu đảo, mới là bến đỗ thực sự. Nó chỉ xuất hiện hai lần trong phim, nhưng mỗi lần xuất hiện là mỗi lần đổi khác. Đó là nơi mà cô và anh từng có khoảng thời gian tuyệt vời cùng nhau, chỉ có hai người, không có xáo động, không có khoảng cách. Lần khác, bụi cỏ xuất hiện ở cuối phim: nam chính trồi lên ở giữa mặt nước mênh mông, hồ như không hiểu, rẽ đường tìm sâu vào trong bụi cỏ. Bụi cỏ nhỏ nhoi dần và trở thành “bụi cỏ” trên thân thể cô gái. Một ẩn dụ rất khó hiểu. Một mặt rất gợi cảm, mặt khác rất dung tục. Người nam tìm đường vào chỗ sâu kín nhất của người nữ, nơi mà trước kia là chỗ kín đáo, chỗ của riêng họ. Hóa ra, chốn bình yên của những người yêu nhau ở ngay trên thân thể người nữ: nơi mà con người được sinh ra. Quả là một tuyên ngôn về nữ quyền, rất nhân văn và xúc động. Thân thể người nữ là một kiệt tác, nó không chỉ đẹp và bí hiểm, trên hết, nó đem đến sự bình an vĩnh cửu. 
Nguồn: pinterest.fr
Nguồn: pinterest.fr

Bộ phim nói về tình yêu bằng những đối ứng với nó. 

Tình yêu - Đớn đau

Cần câu - lưỡi câu - móc câu như sợi dây gắn kết giữa những hai nhân vật chính. Đây là một hình ảnh rất hay, nó cụ thể hóa mối liên kết giữa hai người yêu nhau (người ta thường nói giữa hai người yêu nhau như có sợi dây vô hình). Nhưng cần câu - dây cước - lưỡi câu gắn kết bằng cách thức rất đặc biệt: tạo cho hai người yêu nhau tự đau đớn tột cùng về thể xác. Người nam móc lưỡi câu vào họng để trốn tránh sự truy đuổi của cảnh sát; Người nữ móc câu vào cửa mình để níu giữ người mình yêu. 
Đớn đau đầu tiên đến với người nam - người đã sát hại vợ và người tình của ả. Những hình ảnh lõa lồ của vợ và người tình của ả hiện lên khiến người đàn ông bật khóc, anh ta chỉ chực chờ găm viên đạn vào sọ mà quyên sinh. Khi sắp bị cảnh sát truy đuổi tới, anh ta lại móc câu vào họng. Máu ộc ra không ngừng, thân thể giãy giụa hệt như con cá bị câu vừa ném lên bờ. 
Đớn đau thứ hai đến từ người nữ - chủ nhân của những hòn tiểu đảo này. Chị ta, khi trông thấy người mình yêu chèo thuyền rời xa hòn tiểu đảo, đã móc những lưỡi câu sắc nhọn vào cửa mình. Đến khi người chị ta yêu mến quay trở lại mà cứu chị ta lên bờ, chiếc váy trắng nhuộm màu máu tươi và thân thể chị cũng giãy giụa hệt như người nam khi được chị ta cứu sống. 
Nguồn: danviet.vn
Nguồn: danviet.vn
Những người đang yêu thật giống như con cá bị róc hết thịt da, chỉ trơ lại bộ xương nhưng vẫn hô hấp và dập dờn bơi lợn trong làn nước. Đớn đau không kể xiết, nhưng sự sống thì vẫn còn nguyên, thậm chí mãnh liệt hơn lúc ban đầu. Con cá bị róc hết xương xuất hiện hai lần trong phim. Lần thứ nhất là bị róc thịt làm món sashimi cho lão đại gia và cô bồ nhí. Hóa ra, những người yêu nhau thật mỏng manh: họ là những con cá xinh đẹp và khỏe mạnh nhưng bị róc lớp thịt ngon lành để làm mồi cho những người giàu có và dục vọng nhưng thiếu tình yêu. Tình yêu của những người không có tình yêu là tình dục, là khoái cảm xác thịt, nó chẳng khác gì hơn khoái cảm khi ăn một món ăn ngon. Lần thứ hai, con cá thoát chết trong gang tấc khi chàng trai tính trút giận bằng cách băm những nhát dao vào cơ thể trơ những xương và máu của nó. Nói cách khác, dù đớn đau khôn cùng, chàng trai đã cho tình yêu này một cơ hội, chàng trai không băm nhát dao xuống vì anh không muốn băm vào chính người mình yêu cũng như không băm vào chính bản thân mình. Dù con cá ấy không chắc đã sống nổi, dù tình yêu của họ không chắc sẽ kết trái, anh vẫn xót xa cho một thứ tình yêu vốn dĩ rất đẹp. Hai người dường như bị cuộc đời làm cho tan nát đến chỉ còn thoi thóp nơi con tim, họ vẫn chấp nhận sống tiếp và nguyện để mỗi nhịp đập còn lại là mỗi nhịp đập của tình yêu vĩnh cửu. 

Tình yêu - Tội ác

Tình yêu trong Tiểu đảo mạnh đến mức nào? Thưa, nó mạnh nhất thế giới vì tình yêu tự nó đã là một thế giới riêng. Thế giới ấy biệt lập với thế giới thực, nó vượt qua mọi rào cản về tầng lớp, địa vị xã hội, vượt qua cả không gian và thời gian. Để đổi lấy tình yêu đấy, ta phải trả giá bằng cả mạng sống.
Để bảo vệ cho tình yêu của mình, người nữ đã phải làm đủ mọi chuyện trên đời, từ việc từ bỏ việc mưu sinh, tự hành hạ mình cho đến giết tất cả những ai động hờ đến tình yêu của cô ấy. Thứ tình yêu ấy cực đoan, ngột ngạt và độc ác. Tình yêu khiến cô ấy trở nên điên loạn. Tình yêu ấy bóp nghẹt cả người nam, khiến anh ta ghê sợ và có ý định rời bỏ cô mà đi. Nhưng chẳng phải cũng chính vì tình yêu mà anh ta đã nổ súng giết chết vợ và người tình của ả đó sao? Tình yêu đơn giản là một tội ác. Vì để giữ người mình yêu, không có cách gì hơn là trừ khử ngọn nguồn của mọi thứ có thể phá vỡ sự toàn vẹn của tình yêu ấy. 

Tình yêu - Hành động

Nữ chính trong phim hoàn toàn bị câm. Cô không thốt lên một lời nào ngoại trừ tiếng hét và tiếng nấc. Cô chứng minh tình yêu bằng hành động. Nam chính cũng rất kiệm lời, anh thỉnh thoảng nói vài câu nhát gừng; lần dài nhất là một lần anh quát vào mặt cô gái. 
Những hành động thay thế cho lời nói. Sau những sự đớn đau khôn cùng, hai người họ thay nhau chăm sóc nhau. Chị gỡ những móc câu ra khỏi họng anh, anh gỡ những móc câu khỏi cửa mình của chị. Mỗi người quạt cho nhau cho những vết thương mau lành. Khi bình minh lên, anh ngồi chải tóc cho chị, gài lên đó một đóa hoa. Khi ngôi tiểu đảo bạc màu đi vì sương gió, họ cùng nhau sơn lên đó màu vàng tươi sáng, hai cây cọ quện vào nhau quyến luyến không rời. Anh và chị ngồi tựa vào nhau bên mặt hồ, mặc cho thời gian trôi, mặc cho những vị khách vãng lai có gọi khản cổ. Anh - em - một tiểu đảo: Tất cả làm nên một thế giới riêng, một hành tinh độc lập, một vũ trụ tình yêu.

Tình yêu - Giam giữ

Người nữ giam giữ người nam như một món quà từ cuộc sống khốn khổ ban tặng. Người nam đến như một tia sáng cho cuộc đời tối tăm. Nhưng ánh sáng ấy chỉ kịp sưởi ấm cô trong chốc lát, ánh sáng ấy, éo le làm sao, kéo đến bao nhiêu mưa gió bão bùng cho cuộc đời vốn đã khổ đau của cô.
Cô gái không cho anh bất cứ cơ hội nào để được ở một mình. Với cô, anh như một con cá bị câu; lưỡi câu đã móc thật chắc, càng giẫy giụa càng ấn sâu vào da thịt. Bất cứ khi nào anh gặp nguy hiểm, cô đều có mặt để giải thoát. Và đương nhiên, bất cứ khi nào anh ở bên người con gái khác, cô cũng đều trực chờ như muốn xé xác người kia. 
Người nam quả thực như chim trong lồng, cá trong chậu, hoàn toàn bị động trong mối quan hệ này. Đến hình ảnh chú chim trong lồng mà người nam mang theo đến tiểu đảo cũng biểu tượng cho hình ảnh đó. Trong lúc nóng giận, cô gái nhẫn tâm quăng chiếc lồng xuống nước, chú chim quyên sinh mà chưa kịp sổ lồng tìm lấy bầu trời tự do. Chàng trai cũng ở tình trạng hệt như vậy, đắm đuối trong chiếc lồng tình yêu mà cô gái đặt anh vào, mãi mãi chới với vì ngộp thở. 
Nguồn: themoviedb.org
Nguồn: themoviedb.org
Khi chàng trai có ý định rời bỏ tiểu đảo mà đi, cô gái nhốt luôn anh ta lại vũ trụ của hai người. Khi anh ta cố gắng thoát khỏi vũ trụ ấy, cô gái lại giải thoát anh ta bằng việc câu anh ta như câu một con cá. Cứu một người khỏi hiểm nguy của việc bị chết đuối rồi nhốt người đó vào một nơi khiến cho người đó bị ngộp thở - đó là cách thức của tình yêu. 

Tình yêu - Tình dục

Tình dục xuất hiện dày đặc, xâm chiếm cả khung hình. Nhưng kì lạ thay, không một lần làm tình nào có liên kết với tình yêu thật sự. 
Đó là khi, những tên khách phàm phu tục tử tìm thú vui khác ngoài việc câu cá, đè ngửa cô gái để giải tỏa bản tính thú vật trong chúng trong khi quần ngoài còn chưa kéo xuống hẳn, nửa người dưới lòi ra khỏi cửa, chốc làm tình chốc lại đứng dậy giật cần câu. Bản chất của hành vi tình dục ấy chỉ là một trò chơi, một giao dịch phi nhân tính mà cô gái nhận lại không gì hơn sự nhục nhã, ê chề. Lần khác, tình dục xảy ra giữa những đại gia và cô bồ trẻ. Tình dục kiểu vậy không gì hơn là sự thỏa mãn bản năng tính dục thông thường. Những lần làm tình ấy gắn với những buổi hẹn hò, tuy thời gian ở bên nhau giữa họ có thể kéo dài hơn vài cuộc ăn chơi của đám khách câu, song nó hoàn toàn thô bỉ và thực dụng. Tình dục giữa họ không minh chứng cho tình yêu, vì chính nó cũng không thể tránh cho cô bồ cái bạt tai khi đồng hồ của tên đại gia vô tình rơi xuống nước. 
Khi khác, tình dục xảy ra trong những cuộc gọi gái làng chơi. Điều này hẳn cũng rõ ràng là một giao dịch phi đạo đức, nhưng ít ra nó còn có gì đó nhẹ nhàng hơn. Những cô gái ấy chấp nhận sự thật về công việc của mình, nhưng đó rất xa thứ được gọi là tình yêu thật sự. Mặc dù một người trong đám những cô gái làng chơi đó, có thể nảy sinh tình cảm với nam chính thực sự đi nữa, cuộc làm tình của họ diễn ra có vẻ rất hòa hợp, cô gái thực sự không cần tiền từ chàng trai, tuy nhiên chàng trai khi ấy hoàn toàn xem đó là một cuộc giao dịch đơn thuần, giữa tâm hồn hai người hoàn toàn không có sự thống nhất.
Quái lạ thay, khi trời đổ cơn mưa, cô gái tự chèo thuyền đến bên ngôi tiểu đảo của chàng trai chỉ để uống rượu, chàng trai tìm đến cô thì cô lại từ chối. Chẳng phải cô sẵn sàng làm tình với khách đến câu đơn giản và tự nhiên như cách cô bán chút cà phê, chút mồi câu cá sao? Đối với chàng trai, người cô yêu, tại sao cô lại cự tuyệt? Thiết nghĩ, con tim của cô gái câm tưởng như đã chai lì ấy vẫn ấp ủ một thứ tình yêu thật trong sáng, thứ tình yêu thuần khiết đến độ không cần đến tình dục. Nhưng nói như vậy lại cực đoan, vì tình dục có phải là căn bệnh đâu, nó cũng đâu phải thứ gì đó ghê tởm? Có lẽ, trong quan niệm của cô gái đáng thương đó, những gì gắn đến tình dục đều ghê tởm, vì cô chỉ có thể trải nghiệm được nó cùng với sự nhục nhã khi thỏa mãn đám đàn ông bỉ ổi. Với anh, người đàn ông mà cô yêu, cô không cho phép có sự vấy bẩn. Hơn nữa, cô gái là người chủ động trong mối quan hệ, ngay cả trong chuyện tình dục. Hôm trời mưa, chính chàng trai tìm đến cô và cưỡng bức cô, điều này đả kích rất lớn đến lòng tự trọng của một cô gái xưa nay chỉ biết có chủ động. Chỉ khi anh lâm vào cảnh đau đớn tột cùng về thể xác: những lưỡi câu móc họng vừa được nhổ ra, cô gái chủ động ngồi lên người anh như một cách làm dịu đi vết thương. Lần làm tình ấy hẳn đã an ủi thân xác chàng trai phần nào. Cô gái hoàn toàn chủ động, tuy nhiên, đó cũng chẳng phải tình yêu, vì bí bách lắm cô gái mới phải làm thế. Lần làm tình chẳng khác nào một cứu cánh, một liều thuốc giảm đau đơn thuần. Lần khác, khi đúng nghĩa câu chàng trai trở lại ngôi tiểu đảo khi chàng trai chấp chới giữa dòng nước, chàng trai không kiềm chế mà phản kháng rất quyết liệt. Những cú đánh kèm theo sự xâm chiếm về thể xác. Đánh đập rồi làm tình, tất cả kết lại bằng một tràng nghẹn ngào đau đến xé lòng. Đây là lần thứ hai anh chủ động làm tình với cô, nhưng lần này cũng chẳng phải tình yêu, đó là một sự trừng phạt, cho cô và cũng là cho chính anh. 

Tình yêu - Trả giá

Tình yêu trong Tiểu đảo thật ngặt nghèo, đớn đau nhưng cũng đáng giá vô cùng. Tình yêu là thứ con người ta phải giành giật, trả giá, hi sinh mà có được. Tình yêu ấy nhọc nhằn và trác tuyệt, không tưởng và tuyệt đối, nó vượt lên trên cuộc sống này. Để có được tình yêu ấy, có lẽ mỗi người phải bán linh hồn cho quỷ dữ, con tim phải dằn vặt đớn đau và thân xác thì nhuốm máu mình lẫn máu người. 
Nói như thế này thì có vẻ hơi thô, nhưng người nam vì giết hai người mới phải đến nỗi trốn chạy, nhờ có trốn chạy mới tìm đến người nữ. Người nữ để bảo vệ tình yêu của họ cũng phải giết chết hai người. Anh tự làm đau anh, cô cũng tự làm đau cô. Một tình yêu rất sòng phẳng, rất công bằng. Nhưng tình yêu ấy, trả giá bằng mạng người, bằng nhân tính. Một tình yêu vượt qua mọi luân lí đạo đức, mọi pháp luật nghiêm minh cho nên phải rời đến một không gian khác, một tiểu đảo của riêng họ. 

Vĩ thanh

Tất cả những gì tuyệt vời nhất đều phải trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất. Ý trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của tác giả Colleen McCullough nói lên rất đúng tinh thần của bộ phim. Tình yêu trong phim được gầy dựng bằng tất cả những gì xấu xa nhất, thô bỉ nhất, tàn nhẫn nhất, vô nhân tính nhất, đó là: sự đớn đau, sự giam giữ, tội ác, sự trả giá,...Có người nghĩ rằng đây là thứ tình yêu đáng bị nguyền rủa, một thứ tình yêu bệnh hoạn hơn tất thảy những gì bệnh hoạn, sai trái hơn tất cả những gì sai trái, thậm chí nó còn không phải là tình yêu, nó gần hơn với những gì gọi là ham muốn chiếm hữu, độc địa và quái dị, nó hủy hoại mọi giá trị đạo đức và pháp luật, nó tồi tệ không gì tả nổi. Tiểu đảo có thể là một thước phim đáng bị nguyền rủa, nó cổ xúy cho thứ tình yêu không phải tình yêu. Tôi hoàn toàn không có lí gì để phản bác lại ý kiến đó. Nhưng thưa, tôi lại nhận ra một điều gì khác trong bộ phim tranh cãi này: Có lẽ tác giả muốn truyền đạt rằng, thứ tình yêu chân chính không tồn tại trong thế giới thực, nó quá không tưởng để có thật, nó chỉ xảy ra trong một chiều không gian khác, một vũ trụ mà những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó lòng nghĩ ra được. Nghĩ về nó khiến tôi cho rằng, phải chăng ta đã quá dễ dãi khi nghĩ về tình yêu. 
Mikodmi.
Đọc thêm: