Thấy gì từ việc ra mắt iOS 14 tại sự kiện WWDC20 của Apple vừa qua:
1. Apple và Google tiếp tục học hỏi lẫn nhau và xu hướng này ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn.
2. Apple thực sự cảm thấy sức nóng từ các đối thủ cạnh tranh Android.
3. Apple có còn là Apple không?
iOS 14  ra mắt tại sự kiện WWDC20 của Apple
_______________________
SỐ 1: Đầu tiên là Apple và Google tiếp tục "học hỏi" lẫn nhau. Đây là điều được chứng kiến nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, thường thì các cập nhật iOS mới của Apple nếu có sự "học hỏi" tính năng từ Google thì cũng chỉ 1,2 tính năng trong 1 bản cập nhật lớn tuy nhiên với iOS 14 Apple gọi tên hàng loạt tính năng đã xuất hiện trên Android từ lâu như: Widget, Picture-in-Picture, Thu nhỏ cuộc gọi đến, App Library (ko giống hoàn toàn nhưng cảm hứng từ App Drawer chăng?), Dịch...
Thậm chí với WatchOS cho đồng hồ thông minh thì cuối cùng Apple cũng đã thêm tính năng theo dõi giấc ngủ (chưa hề có từ Series 1 đến Series 5 khi ra mắt) trong khi các đối thủ khác (không chỉ Google mà còn là Samsung, Huawei...) đã có tính năng này từ lâu (Miband 500k còn có).
Phải nhắc lại rằng Apple và Google/Samsung cũng như iOS và Android vẫn luôn học hỏi lẫn nhau để cải thiện bản thân, dù vậy, chưa bao giờ như hiện nay Apple và Google/Samsung hay iOS và Android lại giống nhau đến vậy. Từ Darkmode trên màn Oled; Widget; vấn đề bảo mật, quyền riêng tư; Picture-in-Picture; các tính năng camera...

SỐ 2: Apple thực sự cảm thấy sức nóng từ các đối thủ cạnh tranh Android. Nhìn lại lịch sử phát triển của iPhone cũng như các thiết bị khác của Apple đều có thể thấy sự bảo thủ trong thiết kế. "Bảo thủ" tự thân nó không có ý nghĩa xấu. Thiết kế của Apple được đánh giá là theo đuổi sự hoàn mỹ và đơn giản nên đẹp một cách tinh tế, tối giản vì lẽ đó nó có giá trị qua thời gian dài, hơn là những xu hướng thiết kế nổi lên trong 1,2 năm như màn hình cong của Samsung, thiết kế tràn viền với camera thò thụt... Từ iPhone 5 được xem là hoàn mỹ đến khi thay đổi thiết kế lớn ở iPhone 6 thì sau 4 năm Apple mới thay đổi thiết kế lần tiếp ở iPhone X. Với đồng hồ thông minh Apple cũng giữ nguyên thiết kế từ Series 1 đến 3 mà thực chất Series 4 và 5 chỉ có viền màn hình mỏng hơn, tràn viền hơn chứ tổng quan thiết kế không thay đổi.
Dù vậy, dòng iPhone 11 với rất nhiều camera đặt trong "bếp từ" và iOS 14 thêm nhiều tính năng "học hỏi" của đối thủ Android. Nếu như quan tâm đến mảng sản phẩm máy tính bảng thì các bạn cũng có thể biết dù IPad là ông vua tablet nhưng lại đang phải học hỏi Surface của Microsoft với những nâng cấp để khiến tablet gần hơn với laptop như nâng cấp bàn phím rời với trackpad và hỗ trợ chuột tốt hơn.
Các đối thủ cạnh tranh là Samsung hay đặc biệt là các thế lực từ Trung Quốc rất chịu khó thay đổi và cải tiến liên tục, những xu hướng dù ngắn được tạo ra có thể bị chìm xuồng trong 1,2 năm tuy nhiên ấn tượng với người dùng là tích cực và phù hợp với đối tượng trẻ - tập khách hàng khổng lồ - tại các thị trường lớn trong tương lai như Ấn Độ (thay thế Trung Quốc) hay Đông Nam Á. Chưa kể phân khúc khách hàng này lại yêu thích điện thoại mức giá hợp lý, không phải cái mà Apple mạnh dù đã phải ra mắt dòng sản phẩm giá "xém rẻ". Vì vậy chuyện sống còn trong kinh doanh có lẽ quan trọng hơn nhiều việc giữ nguyên bản sắc (???).

SỐ 3: Apple có còn là Apple hay không? Có lẽ để trả lời câu hỏi này cần hiểu Apple trong câu hỏi trên có ý nghĩa gì. Dưới góc độ của 1 ifan thì Apple ở đây có thể là 1 Apple với những thứ riêng Apple mới có mà nay đã thay đổi. Mình có thể nói rằng mình thích sự đơn giản ở màn hình chính của Apple: không widget rối mắt, toàn bộ icon ở đây và sẵn sàng để chọn bất kỳ lúc nào. Sự đơn giản của iOS là triết lý thiết kế sản phẩm của Apple nhất quán từ trước tới nay và hiện cá nhân mình cảm thấy bị lung lay dữ dội.
Hay tính năng theo dõi giấc ngủ trên Apple Watch thực sự có thể gây tranh cãi. Từ trước đến nay mọi người đều tự hiểu Apple thiết kế Watch với triết lý sử dụng vào ban ngày, việc không sử dụng ban đêm để theo dõi giấc ngủ ngoài lý do thời lượng pin thì còn có thể lấy lý do "quăng quật" khi ngủ hoàn toàn có thể phá hỏng chiếc Watch xinh đẹp (có thể coi là trang sức vì nó đắt kinh khủng) và thêm 1 lý do nữa: Apple có thể đang "nghĩ" cho người dùng rằng đừng phụ thuộc quá vào công nghệ, hãy cởi đồng hồ ra và tận hưởng giấc ngủ 1 cách tự do thoải mái không vướng bận. Vâng, và cuối cùng Apple đã đưa tính năng theo dõi giấc ngủ lên WatchOS 6. Một số người thích tính năng theo dõi giấc ngủ (như mình chẳng hạn) thực sự vui mừng với nó, nhưng đứng dưới góc độ yêu thích triết lý làm sản phẩm của Apple ở trên có lẽ thấy không ổn.

Chốt lại, cạnh tranh giúp thị trường phát triển và người dùng được hưởng lợi. Câu chuyện thị trường smartphone cũng như hiện nay mở rộng ra hệ sinh thái tất cả các thiết bị đeo cũng như dịch vụ đi kèm, để lại nhiều bài học kinh doanh từ ngày Nokia sụp đổ -> sự thống trị của Apple -> Android xuất hiện - cuộc đua song mã hình thành -> các tay chơi bị bỏ lại (Microsoft với Window Phone hay Blackberry với bàn phím cứng, cái chết của HTC, tình trạng hấp hối của LG, Sony...) -> hiện nay là sự trỗi dậy của các thế lực Trung Quốc (và cú ngã ngựa giữa dòng của Huawei).
____
Tiểu Đạo Sĩ