Giữa đại dịch Covid-19, tôi ngồi yên ở nhà để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Khi mà ngoài đường kia, sự hỗn loạn lên đến cùng cực và biến thành một nốt trầm tĩnh lặng đến gai người, giống như khi ta sợ hãi một điều gì quá độ, ta không thốt lên lời và tưởng có thể chết giấc đi được!!! Và đường phố Hà Nội đang chết giấc như thế…
Khoan nói về ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính ở cả khía cạnh vĩ mô và vi mô, hôm nay tôi chỉ muốn tâm sự về khía cạnh tinh thần của con người giữa đại dịch.
Chưa bao giờ mà Thế giới trở nên phân mảnh về tín ngưỡng như hiện nay, như trăm hoa đua nở, khắp mọi nơi, con người cầu cạnh và van xin những vị thần linh nơi tôn giáo của mình để cứu giúp họ thoát khỏi cái đại dịch Vũ Hán đáng sợ này. Thế nhưng, chính những lần tập trung cầu cúng của họ lại trở thành những ổ bệnh siêu lây nhiễm mới (nCoVi-19 like and follow all Gods). Và nỗi sợ cái chết vượt xa mọi nỗi sợ tâm linh khác, con người lại bỏ mặc đoàn thế và trở lại cái tổ cô đơn của mình, họ lại thay đổi lòng tin của mình: Chúa muốn tôi ở nhà để tránh dịch.
Góc hình đầy ám ảnh khi Đức Thánh Cha Francis ban phép cho quảng trường St.Peter không-một-bóng-người.
Con người điều chỉnh theo tín ngưỡng hay tín ngưỡng phải điều chỉnh theo con người đây? Tôi nghiêng về vế thứ hai.
Và tôi tin rằng, sau đại dịch này, hệ thống lòng tin của con người sẽ lại bị xáo trộn và chuyển hoá một lần nữa, một sự chuyển hoá vô cùng lớn lao, có lẽ phải ngang ngửa khi ta từ niềm tin tôn giáo sang niềm tin khoa học.
Con người sau đại dịch sẽ co mình lại sau những bức tường của nơi mình cư trú, sự giao tiếp với bên ngoài có thể sẽ tiếp tục gián đoạn hàng tháng trời. Khi mà truyền thông còn đưa đủ loại thông tin để doạ dẫm như vậy, dù bạn không sợ, bố mẹ, anh chị em và vợ con bạn sẽ sợ thay bạn, và chúng ta dù thế nào cũng không thể bỏ gia đình mình được.
Trong khi tiếp tục ẩn mình khỏi xã hội, dần dần ta nhận ra rằng tất cả mọi nhu cầu của ta đều có thể được đảm bảo dù ta cố thủ trong nhà. Ăn uống có Shipper, Now; giải trí có Netflix, Youtube; Mua sắm có Shoppe, Tiki; Làm việc tại nhà có Zoom, Skype; kể cả các buổi cầu nguyện tập trung cũng có thể thay thế bằng những ứng dụng LiveStream đang thịnh hành… Và rồi chúng ta sẽ lại sử dụng kỹ năng mà giống loài Homo Sapien rất quen thuộc, Thích nghi.
Chúng ta cũng sẽ đi tìm những tôn giáo mới, với những giáo lý thích hợp với hoàn cảnh co cụm của nhân loại ở thập kỷ tới. Và những vị Chúa mới sẽ xuất hiện để thu hút tín đồ trên một nền tảng quen thuộc, Internet. Tiến bộ của khoa học lại quay trở lại giúp đỡ truyền bá niềm tin tôn giáo, tôi nghĩ đây không phải sự trớ trêu. Khoa học và Tôn giáo luôn song hành, như Âm và Dương, như Trời và Đất, luôn tương hỗ lẫn nhau.
Ta đừng nhìn sự chuyển dịch nào theo hướng tiêu cực, mà hãy nhìn vào cả những mặt tốt của nó. Ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho sự học tập nâng cao kiến thức, cho việc nghiền ngẫm để thấu hiểu bản thân hơn, đó là nền tảng của sự minh ngộ, giúp con người tiến hoá lên một tầng thứ tâm linh cao hơn. Sự cô đơn cũng sẽ thúc đẩy cả nghệ thuật và sáng tạo khoa học của nhân loại, giống như thời kỳ Phục Hưng diễn ra ngay sau đại dịch Cái chết đen ở thế kỷ 17.
Nên hãy yên tâm bạn ạ, càng nhanh xuống đáy, càng gần hồi sinh!