Lưu ý
Bài viết từ kinh nghiệm chủ quan của FME Blog về thành lập công ty ở Singapore. Hình ảnh, tài liệu đính kèm chỉ mang tính chất tham khảo. Mong nhận được góp ý, bổ sung từ mọi người. Mọi thông tin xin gửi đến [email protected]. Xin cảm ơn!

Ủa rồi mở công ty Singapore làm chi

Có nhiều lý do để yêu, ghét 1 người. Cũng có nhiều lý do để nghĩ đến việc mở một công ty ở Singapore. (Nhưng nếu lý do chỉ là để mở cho biết thì đừng chơi dại làm vậy nha). Các lý do xác đáng để mở một công ty ở Singpore bao gồm:

1. Mục đích gọi vốn hoặc M&A

Nếu bạn muốn “đánh bắt” nhà đầu tư xa bờ, việc mở một công ty ở Singapore sẽ làm cho việc này dễ dàng hơn vi: (1) thủ tục đơn giản hơn việc công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào công ty VN; (2) Môi trường đầu tư ở Singapore thân thiện và thuận tiện hơn cho nhà đầu tư (3) “Sang mồm” hơn khi nói chuyện với nhà đầu tư

2. Mở rộng kinh doanh ra các nước khác

Có nhiều trường hợp công ty công nghệ muốn phát triển ra khỏi Việt Nam, việc thực hiện việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài từ công ty Việt Nam là rất khó khăn về thủ tục. Thêm nữa, nó không có sang bằng việc có 1 công ty mẹ (Holding Company) ở Singapore để đầu tư ra các nước khác. Vì thế, thông thuờng khi đầu tư các thị trường khác, việc đầu tiên sẽ là mở một công ty ở Singapore làm holding company, sau đó đi đầu tư mở các công ty ở các nước khác. Việc này cũng thuận tiện cho việc luân chuyển dòng tiền giữa các nước bằng các hợp đồng, sắp xếp thương mại.

3. Thật sự kinh doanh tại Singapore

Trường hợp này thi khỏi phải bàn vì muốn kinh doanh ở Singapore thì phải mở công ty ở đó rồi :D

Quy trình và những điều cần quan tâm khi mở công ty ở Singapore

1. Thành lập

Gần như chắc chắn bạn sẽ không tự làm được, trong phần lớn trường hợp bạn sẽ cần 1 đơn vị giúp bạn. Cho nên việc đầu tiên là tìm một công ty cung cấp dịch vụ này. Google từ khóa “Corporate Services to establish a company in Singapore” sẽ cho bạn một vài gợi ý. Còn không thì email cho mình, mình giới thiệu cho một vài bên để tham khảo. Dịch vụ các đơn vị này cung cấp sẽ bao gồm:
- Dịch vụ thành lập doanh nghiệp
- Dịch vụ cung cấp địa chỉ văn phòng ảo
- Dịch vụ cho thuê Giám đốc (Nominee Director). Theo quy định thì công ty Singapore phải có ít nhất là 1 Giám đốc có quốc tịch Singapore. Director này chỉ đóng vai trò để thỏa mãn yêu cầu này. Họ sẽ không tham gia vận hành công ty. Bên cạnh Director “ảo” này, cần phải có một Director thiệt để vận hành, ký tá văn bản mà không phụ thuộc vào Director “ảo”
- Dịch vụ Cổ đông đại diện (Nominee Director). Trong trường hợp không muốn tên tuổi mình được công bố là cổ đông của công ty thì có thể thuê dịch vụ này. Về bản chất họ chỉ đứng tên giúp chứ không thực sự sở hữu công ty. Và có thể ngay lập tức chuyển sở hữu về cho chính chủ khi có nhu cầu.
- Dịch vụ báo cáo, kế toán, thuế

2. Mở tài khoản ngân hàng

Chỗ này là chỗ khá nhiêu khê. Ngân hàng ở nước nào cũng vậy, họ có các yêu cầu và kiểm tra rất kỹ lưỡng để phòng ngừa rủi ro, rửa tiền các thứ. Cho nên chỗ này cần phải cần thận các điểm sau:
- Cấu trúc công ty và người sỡ hữu cao nhất: họ sẽ yêu cầu thông tin và các chứng minh người sở hữu là cá nhân cao nhất (thông thường chỉ áp dụng với cá nhân có sở hữu hơn 25%)
- Xác minh cá nhân sở hữu bao gồm các thông tin về passport, địa chỉ cư trú, % sở hữu.
- Xác minh các directors của công ty, người duyệt lệnh và người lập lệnh
Lưu ý các thông tin xác minh cung cấp cho ngân hàng phải bằng Tiếng Anh, nếu không thì phải dịch thuật công chứng.

3. Góp vốn, vận hành

Sau khi thành lập và mở TK ngân hàng thì có thể vận hành được rồi, tuy nhiên có vài việc có thể cân nhắc
- Đăng ký thanh toán GIRO để thuận tiện thanh toán, giao dịch
- Nếu có tuyển nhân sự ở Singapore thì đăng ký số CSN (tương tự như số bảo hiểm xã hội) và đóng CPF (Central Provident Fund – tương tự đóng bảo hiểm xã hội)
- Nếu công ty có doanh thu hàng năm hơn 1 triệu SGD thì cân nhắc đến việc đăng ký thuế GTGT (GST - Goods and Services Tax) theo phương pháp khấu trừ.

4. Báo cáo hàng năm

Hàng năm cần phải thực hiện các báo cáo cho cơ quan chức năng:
- Họp cổ đông thường niên (AGM) trong vòng 6 tháng kể từ khi hết năm
- Nộp báo cáo tài chính và các thông tin về doanh nghiệp (annual return) trong vòng 7 tháng kể từ khi hết năm
- Khai thuế TNDN: nếu phát sinh thuế phải nộp thì trong vòng 3 tháng kể từ khi hết năm. Nếu không phát sinh thuế phải nộp thì trong vòng 11 tháng kể từ khi hết năm.

Tài liệu tham khảo

Mời bạn tham khảo checklist thành lập trong link bài viết gốc bên dưới. Nếu có góp ý hoặc có câu hỏi cho FME Blog, xin liên hệ [email protected].