"Tết lớn" khác gì với "Tết bé"?
Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, Tết có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Ngày ấy chúng ta được thỏa thích nhận được bao lì...
Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, Tết có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Ngày ấy chúng ta được thỏa thích nhận được bao lì xì, những món ăn ngon, lời khen từ tất cả mọi người hay đang ngủ được bố mẹ đánh thức chở đi xem pháo hoa đón giao thừa. Ngày Tết vui như thế, thú vị như thế nhưng tôi lại đặt một tiêu đề là “Tết lớn". Tết có giống như con người không? Có trưởng thành không? Thật ra, hai từ “Tết lớn“ mang một ý nghĩa sâu sắc và hàm chứa những suy nghĩ sâu xa trong đấy.
“Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc một năm mới nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc", ngày Tết trong tâm trí của những đứa trẻ chỉ có như thế, chúng vô lo vô nghĩ. Thế nhưng, đối với những người trưởng thành, nhất là đối với lứa tuổi sinh viên - một lứa tuổi luôn chứa đựng những suy nghĩ băn khoăn về cuộc đời sau này, về tương lai nghề nghiệp.
Ai rồi cũng áp lực, cũng suy nghĩ về nhiều thứ, không thể vô lo vô nghĩ như những đứa trẻ được. Tết lớn ở đây chính là sự thay đổi về suy nghĩ, cảm nhận về ngày Tết của những người hiểu ra được những khó khăn, áp lực ngoài xã hội. Càng lớn, ta càng nhận ra để chuẩn bị một ngày Tết sung túc, đầy đủ thì bố mẹ ta phải tất bật chuẩn bị rất nhiều dù ngày Tết chỉ diễn ra trong ba ngày. Nhất là trong thời buổi hiện nay, dịch COVID - 19 vẫn đe dọa toàn thế giới, kinh tế khó khăn, công việc, cạnh tranh khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng chuẩn bị ngày Tết sung túc, đầy đủ. Tết lớn là khi ta nhận ra có vô số câu hỏi mà không biết trả lời ra sao từ những người họ hàng, nào là "lương tháng bao nhiêu?", "khi nào kết hôn?", "khi nào lập gia đình?",… Vô số câu hỏi về chuyện đời tư khiến ta mất đi sự vui vẻ ngày Tết. Tết lớn là khi ta trăn trở về chuyện tiền tiêu Tết, áp lực tiền bạc khiến ta cảm thấy Tết đến như một sự việc ta không hề mong muốn một chút nào. Tết lớn nói ra thật là khó chịu, ngột ngạt, chẳng mong muốn chút nào nhưng ai rồi cũng phải cảm nhận, trải qua. Ai rồi cũng phải trưởng thành, cũng phải trăn trở, lo lắng.
Nhưng nhìn lại Tết lớn thật ra cũng không phải chỉ có những điều không mong muốn mà nó còn hàm chứa nhiều điều ý nghĩa khác. Đó là khi ta hiểu được những khó khăn, vất vả mà bố mẹ phải trải qua mỗi dịp Tết mà bấy lâu nay ta không hề hay biết. Để chuẩn bị đủ những món ăn truyền thống ngày Tết, mẹ ta phải vất vả như thế nào? Để trang hoàng nhà cửa bằng những chùm đèn lấp lánh tượng trưng cho những hy vọng, những may mắn vào năm sau, bố ta phải vất vả như thế nào? Đó là khi ta hiểu ra thế nào là "Tết văn minh", "Tết văn minh" cần những câu hỏi đừng xoáy sâu vào đời sống riêng tư của người khác, hãy nên dừng lại ở những câu hỏi có thể chấp nhận được từ phía người nghe. Ngày Tết của người trưởng thành là như thế, không còn suy nghĩ trẻ thơ, không còn tận hưởng một cách vui vẻ. "Áp lực", "lo lắng" là hai thứ luôn hiện hữu ở người trưởng thành.
Ngày Tết dù có áp lực, dù có lo lắng nhưng ta hãy luôn tận hưởng ngày Tết một cách trọn vẹn. Ngày Tết là hy vọng cho một năm luôn suôn sẻ, hạnh phúc, may mắn bên cạnh những người thân yêu. Ngày Tết là để vui chơi, chứ không phải để lo lắng, buồn sầu.
Người thực hiện: Huỳnh Quang Đăng Khoa
--------------------------------------------------
𝗬𝗢𝗨𝗧𝗛 𝗙𝗢𝗥 𝗖𝗛𝗔𝗡𝗖𝗘 - 𝗬𝗙𝗖
Facebook: https://www.facebook.com/youthforchance/
Email: [email protected]
#YFC #YouthForChance #AlessonlearnedAlessonshared
--------------------------------------------------
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất