Điều gì quan trọng nhất khi chúng ta đánh giá một tác phẩm nghệ thuật? Đó là sự vĩ đại, sự to lớn, sức mạnh nội tại mà tác phẩm bao trùm; hay cái nội hàm, sự ảnh hưởng, tính chi phối của nó đến thời đại; hay thậm chí là sự vĩ đại của người nghệ sỹ đã tác động lên chính tác phẩm của họ? Đó là câu hỏi mà đạo diễn Todd Field lấy làm chủ đề cho tác phẩm mới nhất của mình, rằng điều gì quan trọng nhất trong nghệ thuật? Là người nghệ sỹ hay chính tác phẩm của họ đem tới công chúng? Và ngược lại, là chính thái độ của công chúng đối với nghệ thuật và nghệ sỹ.
Tár (2022) theo chân Lydia Tár, một nhạc trưởng tài năng bậc nhất trong những nghệ sỹ nhạc cổ điển đương đại. Là nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmoni danh tiếng nhất thế giới, Lydia Tár được coi là thiên tài hàng đầu của giới âm nhạc và là một trong số ít những người giành được cả bốn giải thưởng lớn trong EGOT (bao gồm giải Emmy, Grammy, Oscar và Tony). Cô là một huyền thoại sống, một người tài ba lỗi lạc mà bất kỳ ai cũng ngưỡng mộ. Song hành với thành công trong sự nghiệp là một cuộc sống viên mãn với người bạn đời Sharon – một nhạc công chơi violin trong giàn nhạc Berlin Philharmoni – và cô con gái nuôi Petra. Dẫu vậy, Lydia hiểu rằng mình có thể sẽ mãi bị lãng quên trong dòng chảy của lịch sử, rằng sẽ có những người còn tài năng hơn cô và danh tiếng của cô sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Chính vì vậy, Lydia đã đặt hết tâm huyết của mình vào dàn nhạc, khi muốn mình là người đầu tiên chỉ huy Berlin Philharmoni chơi hết cả chín bản giao hưởng của Mahler. Và để thực hiện mộng tưởng đó, Lydia đã không ngần ngại sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào để nâng tầm vị thế của mình.
Sự mù quáng trong đỉnh cao danh vọng đã khiến Lydia mất đi lý trí và cho rằng mình là người đặc biệt nhất. Cô ép buộc tất cả mọi người, thao túng họ, coi họ như một thứ công cụ nhằm phục vụ cho cái tôi của bản thân. Lydia lừa dối người bạn đời Sharon, trói buộc người trợ lý Francesca với lời hứa hão huyền trong sự nghiệp âm nhạc, sử dụng chính tài năng của bản thân để thao túng nhà đầu tư Eliot Kaplan. Thậm chí, cô sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng cá nhân để đưa cô gái trẻ Olga Metkina vào chơi trong dàn nhạc. Lydia sử dụng mọi kiến thức của mình để chứng tỏ mình uyên thâm hơn người, sẵn sàng nhục mạ họ như cách nhục mạ cậu học sinh trong lớp học. Tất cả những điều đó đã khiến cô trở thành một kẻ đáng ghét trong mắt mọi người, nhưng vì sự vĩ đại và sức ảnh hưởng của Lydia quá lớn nên họ chỉ nhắm mắt làm ngơ, cùng cô diễn một vở kịch tệ hại. Để rồi khi một sinh viên cũ của cô tên Krista Taylor tự sát, sự thật của cô mới dần bị bóc tách. Đó cũng là lúc chúng ta chứng kiến những người từng tâng bốc và phục tùng Lydia quay lưng với cô, và từ đây cô đánh mất cả gia đình và sự nghiệp. Chỉ đến khi Lydia xem lại băng ghi hình cũ của thầy giáo mình là nhạc trưởng Andris Davis – người cũng bị lịch sử quên lãng – nói về âm nhạc, cô mới nhận ra sức mạnh thực sự của nó, rằng âm nhạc có sức mạnh hơn cả triệu từ ngữ và cô đã yêu nó nhiều đến như thế nào.
Tár (2022) không phải câu chuyện đi tìm lại ánh hào quang của bản thân Lydia, đó là một tác phẩm về cách mà danh vọng có thể khiến người ta vấp ngã. Trong ánh hào quang chói lọi khi đã đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, những nghệ sỹ sẽ phải đối mặt với những cám dỗ. Tình yêu nghệ thuật giờ đây đã không còn thuần túy và tinh khiết mà nhuốm màu vụ lợi. Sự tẩy chay của cộng đồng là điều sẽ xảy ra với những nghệ sỹ suy đồi về mặt đạo đức, nhưng thứ nghệ thuật của họ là không thể phủ nhận. Sẽ thật sai lầm khi đánh đồng việc yêu ghét một tác phẩm nghệ thuật bởi đời sống cá nhân hay đạo đức của người nghệ sỹ làm ra chúng. Bởi nghệ thuật là thứ đã vượt xa khỏi bản thể gốc của chính người nghệ sỹ. Sự thoát ly đó là điều cần thiết khi bản thân nghệ thuật cũng có “đời sống” riêng của chính nó. Nó tồn tại dưới sự đánh giá, đón nhận, yêu thích của khán giả và người nghệ sỹ đơn giản chỉ là người đem nó tới với công chúng. Đó là cách mà Lydia đã nói về âm nhạc với những sinh viên của mình trong tiết học đầu phim.
Không bi lụy hay mủi lòng, không đồng cảm hay cố gắng giải thích bất cứ điều gì, Tár (2022) trở nên trần trụi và gai góc, tỉnh táo và không giảo hoạt. Bộ phim khiến khán giả phải suy ngẫm về Lydia, một người không hoàn hảo. Về những hành động và hậu quả của cô; về việc cô có đáng để người đời ngưỡng mộ hay xứng đáng với việc bị tẩy chay; hay việc khán giả có nên đánh giá tác phẩm nghệ thuật thông qua mặt đạo đức của người nghệ sỹ làm ra nó hay không. Trong một khoảnh khắc, chúng ta yêu mến Lydia khi cô đã trả lời cho chúng ta điều đó, nhưng đồng thời sự mâu thuẫn đó cũng khiến chúng ta trở nên ghét bỏ cô. Sự mâu thuẫn ấy khiến Tár (2022) của đạo diễn Todd Field trở nên thú vị và đầy sinh động.
Đã mười sáu năm trôi qua kể từ khi chúng ta được theo dõi “Little Children” của đạo diễn 58 tuổi, Todd Field. Vai diễn nhạc trưởng Lydia Tár như được đo ni đóng giày cho nữ diễn viên Cate Blanchett. Để thực hiện vai diễn, cô không chỉ học tiếng Đức, học piano, học cách chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng thực thụ mà còn tham gia sáng tác với nhà soạn nhạc Hildur Guonadottir trong quá trình thu âm nhạc nền cho bộ phim. Và rồi, album “Tár” đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard (hạng mục nhạc thính phòng cổ điển) như để đền đáp những nổ lực của Cate Blanchett cùng những nhà soạn nhạc.
Cuối cùng, thực sự chúng ta không yêu thích hay quan tâm tới Lydia Tár bởi cô là một nghệ sỹ vĩ đại. Điều làm chúng ta quan tâm và yêu thích Tár (2022) là vì Lydia Tár là nghệ thuật – một nghệ thuật không hề bị nhơ nhuốc bởi hư danh và ảo mộng về hào quang sự nghiệp.