"Cái gì quá cũng không tốt" - Đó là chân lý không thể sai. Trong võ thuật, việc dư thừa về thể lực thường đồng nghĩa với việc thiếu hụt những yếu tố khác.
Tập luyện chuyên sâu: Vấn đề dư thừa thể lực trong võ thuật đối ...


Vấn đề sức bền ở trong thi đấu đối kháng có thể dễ dàng phân ra 2 loại cơ bản nhất là cardio (sức bền của tim mạch) và sức bền của cơ bắp (độ bền bỉ lâu mỏi của cơ). Trong đó vấn đề cardio được coi là vấn đề sống còn bởi chỉ cần tim mệt là cả cơ thể cũng sẽ “mệt” theo trong khi mỏi tay trái còn tay phải, mỏi chân trái còn chân phải. 
Đi sâu tiếp về vấn đề cardio - sức bền của tim mạch. Theo như cơ thể học, tim là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể chứ không phải não bộ. Não bộ là thứ giúp cơ thể có ý thức và có thể vận động, còn tim là thứ giữ cho cơ thể “sống”. Nói cách khác, não có thể chết nhưng cơ thể vẫn sống còn tim mà chết thì cả cơ thể sẽ chết theo. Như vậy, có thể tạm thời đánh giá nông cạn rằng cardio chính là cốt lõi của sức bền trong thi đấu.

Đọc thêm:

Câu chuyện của người chạy marathon và người chạy nước rút

2 trạng thái thể chất của người chạy marathon và người chạy nước có thể được xem là 2 trạng thái trái ngược nhau hoàn toàn: Một người thì ăn thua ở sự bền bỉ và một người lại ăn thua ở sức mạnh và tốc độ. Chẳng cần phải quá tinh mắt, ai cũng có thể nhận thấy rằng vđv nước rút sở hữu một cơ thể đồ sộ, rắn chắc và nở nang hơn hẳn so với vđv chạy marathon. 
Sự khác biệt thể hình giữa nhà vô địch marathon Kipchoge và nhà vô địch 100m Usain Bolt.
Sự khác biệt đến từ tính chất vận động. Cơ thể của người chạy nước rút đòi hỏi phải đốt được nhiều năng lượng nhất có thể để đạt được tốc độ tối đa trong thời gian ngắn, ngược lại cơ thể của vđv marathon yêu cầu phải tiêu hao ít năng lượng nhất có thể để bộ máy sinh học của vận động viên có thể âm ỉ kéo dài suốt quãng đường 42km kia. Có thể tóm tắt lại rằng người chạy marathon là một vđv có cardio bền bỉ nhất còn vđv 100m là người mạnh mẽ nhất.
Đi sâu hơn một chút, ta nhận ra rằng cơ thể của người chạy marathon phải tìm được cách thích nghi với quãng đường dài 42km bằng cách giữ cơ thể ở trọng lượng nhẹ nhất có thể, cơ bắp cũng teo nhỏ lại để đốt ít năng lượng nhất. Trong khi đó, người vđv nước rút cần một khối cơ bắp to khỏe nhất để tiêu thụ nhiều năng lượng nhất có thể.
VĐV nước rút  Lê Tú Chinh với những cơ bắp to, khỏe để tạo ra sức mạnh lớn nhất trong mỗi bước chạy.
Từ ví dụ này, quay trở lại với võ thuật đối kháng, sức mạnh trong thi đấu nằm ở cơ bắp. Cơ to, khỏe thì sẽ tạo ra nhiều sức mạnh hơn trong khi cơ nhỏ, nhẹ giúp cơ thể linh hoạt, thanh thoát và bền bỉ hơn. Từ đó cũng có thể hiểu nôm na rằng, tập sức mạnh là làm cho to cơ và tập cardio làm teo cơ, teo mỡ lại. Ít nhất thì có thể hiểu nôm na là như thế.

Đọc thêm:

Vấn đề sức bền trong tập luyện võ thuật tại Việt Nam

Để cơ thể đạt được sự bền bỉ tối đa, nó phải ở trạng thái nhẹ nhàng nhất (tiêu mỡ thừa) để bộ máy sinh học không phung phí năng lượng ngoài ra, bất kể các bài tập, chế độ tập nào làm tăng cơ, tăng sức mạnh hoặc tăng sức nặng cho cơ thể đều sẽ trở thành những bài tập làm giảm thể lực.
Với cơ thể nhỏ, nhẹ, các võ sĩ hạng cân nhỏ luôn linh hoạt và bền bỉ hơn các võ sĩ hạng nặng.
Tôi từng tư vấn cho một HLV võ thuật (tạm gọi HLV A) để hợp tác với một HLV S&C (strenght & conditioning - tạm gọi HLV B) khá giỏi và tôi từng tin rằng anh HLV S&C kia có thể hỗ trợ tạo ra nhiều võ sĩ có thể chất tốt hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn chưa đầy 1 tháng hợp tác, anh HLV A đến than phiền với tôi rằng các bài tập S&C của HLV B khiến cho các võ sĩ của đội anh A bị mất đi sức bền bỉ trong tập luyện. 
Đầu tiên, có 2 cái sai cần phải được nêu ra ở đây. Điều thứ nhất, bình thường, các học viên của anh A chỉ được tập các bài tập thể chất có tính chất cóp nhặt từ anh A, qua đó thể chất họ không được khai thác tối đa và cũng từ đó năng suất tập luyện và hiệu quả tập luyện của những buổi tập S&C của anh A cũng không đưa các võ sĩ đạt ngưỡng mong muốn. Sự xuất hiện của một chuyên gia thể chất như HLV B đã giúp cho võ sĩ đạt hiệu suất tập luyện cao nhất, do đó họ cũng mệt mỏi nhất. Điều này gây ảnh hưởng đến phong độ tập luyện trong các buổi tập chuyên môn của anh A. Tuy nhiên, A đã quá nông cạn mà không nhận ra điều này.
Nếu tập sai bạn sẽ kiệt sức mà không đạt được điều gì, nếu tập đúng, bạn sẽ rệu rã nhưng phát triển. Đây là 2 vấn đề cần được phân biệt rạch ròi.
Điều sai thứ 2, HLV A phạm lỗi sai cơ bản, luôn cố gắng cân bằng các buổi tập thể lực và sức mạnh ở mức tối đa hòng giữ võ sĩ phát triển thật đều. Dù vậy, quan điểm này cũng đem đến một vấn đề khác: Các võ sĩ khi tập tăng sức mạnh trong một buổi thì cùng buổi tập đó, họ lại tập thêm cardio để loại bỏ sự phát triển cơ bắp họ vừa đạt được trong vài phút trước đó (kill the gain). Suy cho cùng, võ sĩ anh A bị giậm chân tại chỗ vì tự xây rồi tự phá.
Cũng có những trường hợp ngược lại, tiêu biểu là Canelo trong thời gian trước đây do quá tập trung vào sức mạnh, cardio của anh từng bị đánh giá là trò hề của Boxing thế giới. Điển hình là nếu như không thể áp đảo điểm số đối thủ trong nửa trận đầu tiên, Canelo sẽ rơi vào bế tắc. Hiện tại vấn đề này đã được cải thiện rõ rệt từ khi Canelo trở thành một ngôi sao và chú tâm hơn đến thể lực chuyên môn.
Cái gì quá cũng không tốt, Canelo cũng từng là dạng võ sĩ bị khuyết thể lực bền bỉ so với đồng nghiệp.
Quan điểm đúng đắn nhất khi phối hợp với các HLV S&C chính là: Làm sao để võ sĩ đạt ngưỡng phong độ cao nhất vào ngày đấu. Còn lại, bất kỳ vấn đề xây đắp thể lực nào hãy để cho HLV S&C giải quyết. 

Vấn đề dư thừa thể lực trong thực tế huấn luyện võ sĩ tại Việt Nam

Quay trở lại với lỗi sai mang tính ‘đại chúng’ của anh HLV A ở ví dụ kể trên. Anh HLV A vì luôn giữ thể lực là một phần trong mọi ngày tập luyện trên giáo án của anh, do đó, võ sĩ của anh chắc chắn sẽ bền bỉ hơn trong tập luyện, phần vì họ đã quen với bài tập, phần vì cơ thể họ vẫn cứ mãi ở một trạng thái nhẹ nhàng để vận động. Tuy nhiên, võ sĩ của anh A sẽ không bao giờ đạt được ngưỡng thể lực cao nhất cũng như sức mạnh tốt nhất vì vấn đề tự xây tự phá của họ.
Những võ sĩ này dư thừa thể lực trong các bài tập thường ngày khiến họ không dễ đi đến mức vượt ngưỡng trong tập luyện và từ đó thể lực của họ cũng bị giậm chân tại chỗ. 

Đọc thêm:

Võ sĩ Việt thường bị rơi vào tình trạng dư thừa thể lực trong tập luyện dẫn đến sự thiếu hụt sức mạnh trong thi đấu.
Các giải đấu trong nước rất hiếm hoi chứng kiến những pha KO và chúng thường chỉ đến trong bất ngờ hoặc chênh lệch trình độ.

Chuyện dễ đến, dễ đi của thể lực

Nếu tinh ý, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng, nếu chỉ cần nghỉ tập 1 tuần, thể lực của bạn đã có thể bị tụt về con số 0, nhưng cũng chỉ cần khoảng 2 tuần tập luyện nghiêm túc, bạn đã có thể quay trở lại với guồng tập thông thường. 
Đối nghịch với thể lực là sức mạnh, nếu thể lực là một thứ dễ đến và dễ đi thì sức mạnh lại là thứ khó đến và ở lại lâu kinh khủng, bằng chứng là các võ sĩ chuyên nghiệp kể cả khi giải nghệ đã lâu, họ vẫn có thể tung ra những cú đấm nặng ký khi biểu diễn cho người hâm mộ xem. Không hiếm những tin tức về các cựu võ sĩ 50-60 tuổi đủ sức đấm gục những tên trộm đột nhập. Hay như trường hợp điển hình của George Foreman, Floyd Mayweather, Manny Pacquiao… Những con người này dường như không có sự thay đổi quá nhiều về sức mạnh kể cả khi đã bước qua tuổi 40. 
Lời kết
Do đó, có thể đúc kết rằng, tập luyện sức mạnh là vấn đề nên được ưu tiên hàng đầu trong tập luyện. Còn về thể lực, đây cũng là một yếu tố sống còn của thi đấu đối kháng, nhưng câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra khi đang suy nghĩ tìm cách đắp chế độ tập cardio vào giáo án huấn luyện chính là: Đến khi nào thì cần đẩy mạnh tối đa về thể lực cho võ sĩ, và võ sĩ cần đạt được sức mạnh tiêu chuẩn là bao nhiêu để bắt đầu tính lượng hao hụt sức mạnh khi họ hoàn tất khoảng thời gian cardio.
Nếu như vđv marathon là người dư thừa về cardio, vđv 100m là dư thừa về sức mạnh, thì ở bộ môn đậm chiến thuật như võ thuật, mọi yêu cầu thể chất đều phải được cân đo đong đếm cẩn thận.