Tâm sự Husky III: Những quyển sách phía sau mỗi bài viết
Chào các bạn đọc, Từ lúc viết bài đến giờ thì có nhiều bạn gửi tin nhắn hỏi về sách mình đọc, giới thiệu sách. Mình thường chỉ trả...
Chào các bạn đọc,
Từ lúc viết bài đến giờ thì có nhiều bạn gửi tin nhắn hỏi về sách mình đọc, giới thiệu sách. Mình thường chỉ trả lời chung chung, bởi vì thực sự lúc đó mình cũng không biết phải giới thiệu sách thế nào. Có hai lý do khiến mình thấy khó như vậy là:
- Sách đó không xuất bản ở Việt Nam.
- Sách đó quá nặng, quá sâu.
Mình từng giới thiệu sách cho nhiều người nhưng hầu hết toàn rơi vào hai trường hợp trên, nên rốt cuộc hầu như giới thiệu sách xong cũng không thay đổi gì mấy. Khi mình nói sách đó nó nặng thì là vì:
- Nguyên tác tiếng Anh rất khó đọc.
- Sách viết rất sâu.
Có những quyển sách như "Tại sao các quốc gia thất bại" hay "Lược sử vạn vật" đều thuộc dạng "khó nhai", mình giới thiệu cho bạn bè mua đọc, họ đọc được 1/3 rồi bỏ giữa chừng, mà cũng không rút ra được bài học gì nhiều, thậm chí vì đọc không hết nên còn hiểu sai vấn đề, mình thấy cũng tội lỗi vì cảm giác như khiến họ lãng phí tiền rồi khiến họ nghĩ lệch nữa.
Nhưng bây giờ nghĩ lại mình vẫn nên chia sẻ, nhưng mình không chỉ chia sẻ sách không, mình sẽ nói về những quyển sách giúp mình có kiến thức để viết các bài viết trên này. Những quyển sách nào đã được xuất bản ở Việt Nam thì mình sẽ ghi tên tiếng Việt.
Cám ơn các bạn đã luôn ủng hộ và hi vọng những quyển sách trong bài viết dưới đây sẽ giúp đỡ các bạn nhiều trong cuộc sống.
Đọc thêm:
EFFECTIVE ALTRUISM LÀ GÌ? LÀM SAO ĐỂ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT TRONG CUỘC ĐỜI?
Nhân đạo hiệu quả (effective altruism) là lĩnh vực nghiên cứu sử dụng các bằng chứng với độ kiểm chứng cao và các lập luận kỹ lưỡng, nhằm tìm ra các phương án cải thiện nhiều nhất có thể cuộc sống của các đối tượng cần hỗ trợ.shop.spiderum.com
Nhân đạo hiệu quả (effective altruism) là lĩnh vực nghiên cứu sử dụng các bằng chứng với độ kiểm chứng cao và các lập luận kỹ lưỡng, nhằm tìm ra các phương án cải thiện nhiều nhất có thể cuộc sống của các đối tượng cần hỗ trợ.shop.spiderum.com
Bài viết 1: Hãy để những con số dẫn đường cho bạn
Mình viết bài này sau khi được truyền cảm hứng từ quyển sách:
Doing Good Better: How effective altruism can help you make a difference
Tác giả quyển sách là William MacAskill, Phó Giáo Sư ở Đại học Oxford và hiện ông đang điều hành tổ chức phi lợi nhuận Giving What We Can và 80,000 Hours với mục đích gây quỹ đóng góp cho cộng đồng.
Nội dung quyển sách xoay quanh vấn đề: làm sao để đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.
Ví dụ như thế này, nếu bạn là một người rất quan tâm đến xã hội thì bạn nên đóng góp vào xã hội, cộng đồng như thế nào? Nên làm ở các tổ chức phi chính phủ như Hội Chữ Thập Đỏ hay ráng kiếm thật nhiều tiền khi đi làm cho các tập đoàn lớn rồi dùng tiền đó đóng góp cho quỹ từ thiện?
Nếu bạn có tiền bạn sẽ ủng hộ quỹ hỗ trợ người tàn tật hay quỹ chăm sóc người già?
Nếu bạn muốn thay đổi kinh tế đất nước thì nên học trường chính trị hay trường kinh tế?
Nếu bạn muốn thành bác sĩ và muốn đóng góp cho nhân loại thì nên tham gia các tổ chức quốc tế và đến khám bệnh ở châu Phi hay là làm ở một bệnh viện ở một nước phát triển như Anh, Mỹ.
Quyển sách này không đưa ra đáp án cụ thể cho từng câu hỏi trên nhưng nó cung cấp cho bạn cách suy nghĩ, phân tích, đánh giá vấn đề, cách nhìn về xã hội để từ đó bạn có thể đưa ra được quyết định hợp lý nhất trong nhiều trường hợp khác nhau.
Lối tư duy mà mình viết vào trong bài là lấy một phần trong quyển sách đó.
Bài viết 2: Thiết kế luật chơi trong xã hội
Bài viết này là lấy cảm hứng từ quyển sách:
Dịch ra tiếng Việt là: Sống theo các thuật toán.
Nội dung bài viết xoay quanh vấn đề: nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các nhà khoa học, kỹ sư thông tin đã có thể áp dụng các thuật toán vào việc xây dựng cấu trúc xã hội cho tương lai. Chỉ trong 5 - 10 năm tới, xã hội con người sẽ sống theo các luật lệ đặt ra dựa trên các thuật toán.
Thuật toán là gì? Đó là một chuỗi các bước cần được thực hiện để giải quyết một vấn đề. Từ những đồ dùng công nghệ quanh bạn, như điên thoại thông minh, laptop, xe hơi, đến Facebook, Google, thậm chí cả quy hoạch đô thị, xây đường, xây cầu, và ngay cả trong lĩnh vực luật pháp đều được thiết kế dựa trên các thuật toán. Ví dụ khi các nhà làm luật muốn biết thực sự điều luật mới có giúp giảm bớt tỉ lệ tội phạm hay không, họ phải dùng thuật toán để xử lý dữ liệu, và sau đó tiếp tục dùng thuật toán để tiên đoán kết quả trong tương lai. Cụ thể hơn, dã sử các nhà làm luật cần biết mức phạt vi phạm lỗi vượt đèn đỏ là bao nhiêu để đủ mang tính răn đe? Liệu 300 ngàn có quá thấp? Liệu 1 triệu có quá cao, khiến người dân bức xúc? Hay khi thiết kế đường cao tốc mới thì khúc đi từ A đến B nên thiết kế 6 làn hay 8 làn? Nếu 6 làn mà xe cộ quá đông thì có thể sẽ dẫn đến kẹt xe, ùn tắc, còn nếu 8 làn thì có thể lãng phí vì xe cộ không lưu thông nhiều đến thế. Đó là những vấn đề mà các lãnh đạo cần phải dựa vào kết quả nghiên cứu bằng những thuật toán cao cấp để đưa ra quyết định.
Tác giả quyển sách là Brian Christian và Tom Griffiths. Brian học về triết học, khoa học máy tính và thơ ở Đại học Brown và Washington, còn Tom là Giáo sư ngành Tâm lý học và Khoa học Nhận Thức ở Đại học UC Berkeley.
3. Nước Mỹ và Chiến Tranh
Bài viết hai phần gây tranh cãi này được mình viết dựa trên kiến thức thu được từ sách:
Tác giả quyển sách là cựu ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger. Quyển sách được viết dựa trên kinh nghiệm làm việc của ông với hơn 20 năm làm cố vấn cho các Tổng thống Mỹ. Mở đầu người đọc sẽ được giới thiệu và hiểu về thế nào là Trật tự thế giới, thời cổ đại đến bây giờ. Sau đó quyển sách sẽ cho người đọc thấy cách nước Mỹ nhìn về thế giới, từ lúc họ lập quốc năm 1783 cho đến cuộc chiến ở Iraq gần đây. Người đọc sẽ hiểu tại sao người Mỹ lại chọn cô lập với thế giới bên ngoài cho đến tận Thế chiến thứ Hai, và tại sao sau đó họ lại đưa quân đến Triều Tiên, Việt Nam, tại sao họ lại cấm vận Iran hay Bắc Hàn.
Đây là quyển sách thuộc mảng Lịch sử quan hệ quốc tế. Có nhiều bạn đọc sẽ không đồng ý và nói rằng sách này không đa chiều hay là góc nhìn chủ quan của Mỹ, hay nặng hơn là tuyên truyền của Mỹ.
Tuy vậy với cá nhân mình, đã được dạy kỹ năng học và phân tích lịch sử 4 năm theo chương trình A Level của Đai học Cambridge thì mình thấy quyển sách này rất bao quát, đưa ra góc nhìn tổng hợp từ nhiều nguồn đa chiều và có lập luận rất thuyết phục, cho dù mình không thể đồng ý hoàn toàn với góc nhìn của Kissinger.
Các bạn có thể hiểu hơn về trật tự thế giới qua hai quyển sách sau:
The Cold War: A New History - John Lewis Gaddis
The Cambridge History of Southeast Asia - Nhiều tác giả, tổng hợp bởi Nicholas Tarling
Báo điện tử Zing đã có bài đăng giới thiệu về quyển Trật tự thế giới:
4. Lịch sử quân sự qua góc nhìn chuỗi cung ứng
Hai bài viết này được mình viết dựa trên kiến thức tổng hợp từ nhiều sách về lịch sử và quân sự khác nhau.
Một chút về bản thân thì những quyển sách đầu tiên mình đọc là sách về lịch sử và quân sự. Hồi lớp 3 mình đã bắt đầu đọc sách giáo khoa lịch sử của cấp 2 và cấp 3, sau đó thì bố mình mua thêm sách lịch sử về Trận Điện Biên Phủ, Chiến tranh Việt Nam và sau đó khi mình đi du học thì mình chọn môn Lịch sử để học.
Đây là một số sách về quân sự mình đọc từ nhỏ đến giờ:
Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm - Erwan Bergot
Lịch sử chiến tranh - Geoffrey Parker
Napoleon Bonaparte - E. Tarle
Napoleon Wars: An International History, 1803 - 1815 - Charles Esdaile
The Seven Years War in Europe, 1756 - 1763 - Franz A.J. Szabo
Napoleon Đại Đế - Andrew Roberts
Trong các quyển trên thì quyển Napoleon Wars và The Seven Years War là hai quyển khó đọc nhất vì cả hai tác giả đều phân tích rất sâu về bản chất hai cuộc chiến trên nhiều mặt trận: ngoại giao, văn hóa, quân sự và phân tích một phạm vi địa lý rộng. Những quyển còn lại chủ yếu là kể chuyện kết hợp phân tích vừa phải nên dễ đọc hơn.
5. Bài viết về nhận thức con người
Mình có viết hai bài về nhận thức của con người về thế giới quan chung quanh là:
Hai bài viết này được mình viết dựa trên các quyển sách sau:
Homo Sapiens: Lược sử thế giới loài người - Yuval Noah Harrari
The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality - Dalai Lama XIV
Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Trịnh Xuân Thuận
Quyển đầu tiên đi từ lịch sử và khảo cổ học, hai quyển sau đi từ vấn đề tôn giáo và quyển thứ ba đi từ góc nhìn khoa học, sẽ giải thích về nhận thức của con người, con người cảm nhận về thế giới chung quanh như thế nào. Mặc dù đi từ ba hướng khác nhau nhưng cả ba quyển sách đều đưa ra chung một kết luận:
Thế giới quan chúng ta thấy chỉ tồn tại trong đầu chúng ta, còn thực sự bên ngoài như thế nào, chúng ta không hề biết rõ.
Quyển sách Homo Sapiens: Lược sử thế giới loài người vừa mới được xuất bản ở Việt Nam bởi Nhà xuất bản sách Alpha Books, các bạn có thể tìm đọc.
6. Bài viết về tư duy
Mình có viết một số bài về tư duy như:
Các bài viết này được mình tổng hợp kiến thức từ nhiều sách về tư duy khác nhau. Tiếp tục về bản thân mình, khi còn đi học phổ thông thì mình phải đọc rất nhiều, đúng nghĩa đen là bị ép đọc, vì không đọc thì không viết luận được. Giáo viên cũng yêu cầu mình đọc nhiều sách về tư duy cũng như chỉ cho mình các lỗi tư duy khi viết luận. Do đó mình may mắn đọc được nhiều sách về tư duy mà mình thấy rất có ích trong cuộc sống.
Thinking Skills: Critical Thinking and Problem Solvings - Cambridge University Press
Tư Duy Nhanh Chậm - Daniel Kahneman
Lẽ phải của phi lý trí - Dan Ariely
Thiên Nga Đen - Nassim Nicholas Taleb
Các quyển sách trên, và đặc biệt là quyển đầu tiên, sẽ giúp bạn suy nghĩ có hệ thống, tức bạn sẽ biết áp dụng các lối suy nghĩ khác nhau cho các tình huống khác nhau. Ba quyển ở dưới sẽ chỉ ra nguyên nhân của các hành động nhìn bề ngoài có vẻ rất kì quặc của con người, ví dụ như tại sao có những lúc được trả lương cao thì năng suất làm việc lại giảm, hay tại sao tuy hay dự đoán sai nhưng con người vẫn rất thích dự đoán, hay tại sao ta thường yêu sai người.
7. Tư duy khoa học
Mình có viết các bài về số liệu thống kê, khoa học như:
Các bài này được mình tổng hợp từ các quyển sách sau:
How not to be wrong - Jordan Ellenberg
Everybody Lies: What the Internet Can Tell Us About Who We Really Are - Seth Stephens-Davidowitz
Hai quyển sách này sẽ chỉ ra những lỗi suy nghĩ phổ biến thường gặp khi những người không chuyên tiếp cận với số liệu. Bạn đã đọc bài viết nói về việc uống sữa bò có hại cho con người, hay là hút thuốc lá có lợi cho sức khỏe, hay là thực phẩm biến đổi gien đang gây ra thảm họa sức khỏe. Tại sao những bài viết như vậy lại bị giới khoa học gán cho mác: thuyết âm mưu? Những người tin vào những bài viết đó và trích dẫn số liệu trong các bài viết đó, họ đã phạm lỗi gì.
Và rộng hơn chúng ta hay thấy lỗi này rất nhiều trong xã hội, ở mức thấp hơn, như hiểu sai về các chỉ số kinh tế, hiểu sai về tỷ lệ thất bại của startup, hay là tỷ lệ nghèo đói.
Các quyển sách này cũng sẽ vạch ra những lối tư duy đúng đắn khi tiếp cận với những con số, để từ đó bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn trong cuộc sống.
8. Chuỗi bài viết về kinh tế học
Mình có viết một chuỗi bài về tìm hiểu kinh tế học:
Chuỗi bài viết này được tổng hợp từ kiến thức kinh tế mình được học ở trường và đọc sách. Trước đây mình định vào Đại học họa Khoa kinh tế học vì mình rất thích mảng này, nhưng vì sau mình suy nghĩ lại và đi theo con đường tin học, còn kinh tế học sẽ chỉ là niềm đam mê bên ngoài. Các sách tiêu biểu về kinh tế học mà mình đọc bao gồm:
Kinh tế Vi Mô & Kinh tế Vĩ Mô - N. Gregory Mankiw
Tại sao các quốc gia thất bại - Daron Acemoğlu, James A. Robinson
A Splendid Exchange: How Trade Shaped the World from Prehistory to Today - Bernstein, William J.
Economics in One Lesson: The Shortest & Surest Way to Understand Basic Economics - Henry Hazlitz
Hai quyển kinh tế vi mô và vĩ mô là sách giáo khoa dành cho sinh viên khoa quản trị kinh doanh và khoa kinh tế học. Hai quyển đó sẽ dạy tất cả các khái niệm cơ bản và thiết yếu nhất trong kinh tế học, từ việc thế nào là thị trường, chi phí cơ hội, thị trường độc quyền, thị trường hoàn hảo, tại sao có một số mặt hàng giá càng cao thì bán càng chạy (như Iphone, túi Hermes).
Quyển "Tại sao các quốc gia thất bại" sẽ cho bạn biết rốt cuộc tại sao một đất nước lại giàu mạnh, còn quốc gia khác thì nghèo đói. Theo bạn một đất nước hùng mạnh là do dân tộc đất nước đó giỏi hay do thể chế nhà nước? Câu trả lời mà hai nhà nghiên cứu Daron và James đưa ra đó là do thể chế nhà nước. Một dân tộc dù có chăm chỉ, thông minh, cần cù đến đâu mà có thể chế nhà nước yếu kém thì vẫn mãi nghèo. Tác giả cũng nhắc đến phát triển bền vững và phát triển không bền vững, tức đất nước phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn, rồi dừng lại và sụp đổ, như Liên Xô.
Quyển thứ ba nói về lịch sử giao thương của nhân loại và tự do thương mại đã giúp thế giới giàu lên như thế nào.
Quyển thứ tư sẽ nói về thị trường tự do và tại sao chính phủ càng cố kiểm soát, điều tiết thị trường thì sẽ càng gây ra nhiều bất công trong xã hội.
Các sách khác
Như vậy mình đã giới thiệu khá nhiều sách thuộc nhiều chủ đề khác nhau, và chẳng quyển nào thuộc thể loại hư cấu cả. Mình cũng có đọc sách hư cấu nhưng mình hầu như không viết bài dựa theo những quyển sách đó. Tuy vậy mình vẫn sẽ liệt kê 10 quyển sách hư cấu mình thấy rất hay ở đây, bởi vì như một bài viết đã đăng trên Spiderum thì chúng ta cần phải đọc cả sách hư cấu lẫn sách phi hư cấu mà :D
The Pillars of the Earth - Ken Follet
A tales of two cities - Charles Dicken
Forrest Gump - Winston Groom
Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân
Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Mark Haddon
Perfume: The Story of a Murderer - Patrick Süskind
The Hobbit - J.R.R Tolkien
Thằng gù Nhà thờ Đức Bà - Victor Hugo
Tôi là Bêto - Nguyễn Nhật Ánh
Câu chuyện về con mèo dạy hải âu bay - Sepúlveda, Luis
Chúc các bạn tìm thấy được sách vừa ý mình!
Husky
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất