ND: Bài dịch dài hơi này đi sâu vào phân tích các khía cạnh của việc thể hiện Giê-su Ki-tô trên màn ảnh, qua hai bộ phim được đánh giá cao: The Last Temptation of Christ (1988) và The Passion of the Christ (2004) từ hai đạo diễn lừng danh của Hollywood. 
Không khó để tìm ra một bộ phim hay kể về tích truyện Kinh Thánh. Nhưng điều đặc biệt ở hai tác phẩm trên là con đường gai góc mà các tác giả đã chọn, không tuân theo quan niệm thông thường của khán giả về một câu chuyện Giê-su mà nhiều thế hệ Ki-tô hữu mường tượng. The Last Temptation of Christ khi ra rạp vào năm 1988 đã gây nên làn sóng phẫn nộ từ khán giả và cũng băn khoăn không kém từ giới phê bình, nhưng qua thời gian giá trị nhân văn của bộ phim dần được khẳng định. The Passion of the Christ, ngược lại, diễn tả quá "chân thực" cuộc Khổ nạn của Giê-su dẫn đến nhiều cảnh máu me (gore) mà nhiều người cho là ghê sợ và không cần thiết.
Willem Dafoe (The Last Temptation of Christ)
---
Jason Bellamy: Tôi chưa bao giờ theo dõi sê-ri phim tài liệu "Project Greenlight" về nghề làm phim không chuyên; một dự án có lẽ chỉ được biết đến do hai tài tử điện ảnh tham gia sản xuất (Matt Damon và Ben Affleck), và do đã không thể tìm ra tài năng nào thật sự đột phá. Nhưng tôi không thể quên một tập phim mà tôi đã tình cờ xem được. Phim đó nằm ở mùa thứ ba - mùa cuối, ở thời điểm "Project Greenlight" mở rộng cuộc thi không chỉ cho biên kịch nghiệp dư mà cho cả đạo diễn trẻ. Tôi rất thích thú ở phương pháp họ sử dụng để đánh giá hàng loạt những đạo diễn được đề cử:  Tất cả người dự thi được giao cho kịch bản y hệt nhau, trong đó không có gì ngoài lời thoại. Không có phác họa bối cảnh. Không phác họa nhân vật, hay hành động. Chỉ có lời được nói ra. Trên khung xương đó người đạo diễn sẽ bổ khuyết và quay một bộ phim. Sau nhiều năm tôi không còn nhớ lời thoại họ đưa ra, nhưng tôi vẫn nhớ cách diễn giải thật sự đa dạng, với người lấy chủ đề nhóm du côn và người lấy bối cảnh văn phòng bác sỹ. Cùng chất liệu gốc. Cùng những lời nói ấy. Nhưng trở thành những bộ phim khác nhau.
Chính vì vậy trong chuyên mục Đối thoại của tháng này chúng ta sẽ thảo luận về hai bộ phim: Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô (The Last Temptation of Christ), đạo diễn bởi Martin Scorsese và Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (The Passion of the Christ), đạo diễn bởi Mel Gibson. Đây là một bộ đôi phim khác biệt rõ thấy và không thể nhầm lẫn, bất chấp khá nhiều điểm chung mà một trong số đó là chủ đề chính của phim. Không giống các đạo diễn tham dự Project Greenlight, Scorsese và Gibson không thực hiện từ các kịch bản y hệt nhau, và theo cách nào đó các kịch bản thậm chí không có cùng chất liệu gốc. Mở đầu phim "Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô" là khuyến cáo (disclaimer) rằng bộ phim không tuân theo Sách Thánh mà dựa vào cuốn sách cùng tên của tác giả Nikos Kazantazis, in năm 1951.
Tuy vậy khi một người xem những bộ phim kể trên, hay bất kỳ tác phẩm nào có Đức Giê-su Ki-tô là hình tượng trung tâm, anh ta có xu hướng không thể tránh khỏi việc theo dõi sự trung thành của tác phẩm với Sách Thánh. Bất kỳ sự thêm thắt hay bỏ bớt trong cốt truyện, bất kỳ sự thay đổi nào đáng kể so với Tân ước thể hiện trên màn ảnh đều được bôi đậm, in nghiêng - phải chăng người ta buộc phải làm thế. Hay phải chăng khi ta cố đưa các sách của Matthew, Mark, Luke và John lên màn ảnh mới thấy Kinh Thánh thật thiếu cụ thể ra sao. Đối với cuộc đời Giê-su, Kinh Thánh giống như một kịch bản của Project Greenlight: lời thoại trên giấy trắng. Không có phác họa bối cảnh, nhân vật, hành động. Chỉ có lời được nói ra.
Vì sự thiếu cụ thể này người ta có thể đinh ninh việc thể hiện Kinh Thánh trên phim sẽ đa dạng như các phim ngắn của Project Greenlight. Nhưng sự thật là ngược lại. Truyền thống ảnh tượng (iconography) của Ki-tô giáo đã ăn sâu vào nền văn hóa này đến mức rất khó để tự giải phóng khỏi đám đông; và càng khó khăn khi thiếu sự ủng hộ từ phía khán giả và giới phê bình, những người có xu hướng như kẻ chăn dắt, hay phát hiện những chú “cừu lạc” và đẩy chúng về lại khuôn khổ. Vì thế khi chúng tôi thảo luận hai bộ phim này, rất hợp lý và cần thiết phải có những phân tích về thần học, trong đó có vài lưu ý đến cả Kinh Thánh. Nhưng tôi cũng hy vọng chúng ta có thể nhìn xa hơn những yếu tố ấy để cảm nhận bộ phim một cách trực tiếp. Khi Roger Ebert nhận xét lần nữa về “Cám dỗ cuối cùng” cho tuyển tập Great Movies của ông, ông đã viết, “Có lẽ Martin Scorsese đã phải phát điên khi thấy giới phê bình thoải mái tranh luận vấn đề tính người và tính thần linh của Jesus, mà hầu như không nhắc đến khía cạnh đạo diễn, biên kịch, các diễn viên, hình ảnh hay nhạc phim gai góc và sầu thảm của Peter Gabriel.” Tôi tin rằng ông ấy có lý. Nhưng tôi sẽ bắt đầu cuộc đối thoại với câu hỏi sau: Ed, về cơ bản, có khả thi hay không việc thưởng thức một bộ phim về Đức Giê-su Ki-tô mà không coi nó trước hết như một tuyên bố mang tính tôn giáo?
Ed Howard: Nói thế này khá hiển nhiên, khi anh đặt Giê-su làm trung tâm của một bộ phim, hay một tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là anh đang ra một tuyên bố mang tính tôn giáo dù có chủ ý hay không - và tất nhiên, cũng khó để nghĩ một người nào làm phim về Giê-su mà không chủ ý bày tỏ gì về tôn giáo. Và cũng khó cho khán giả khi xem phim mà không mang theo lập trường của riêng họ về Ki-tô giáo. Có lẽ mọi thứ phải thế. Dù sao thì, những bộ phim ấy phải có lý do khi đặt Giê-su làm hình tượng trung tâm; ông ấy không phải một nhân vật bình thường, mà là khởi nguồn cho hàng loạt các nhánh tôn giáo khắp thế giới.
Vậy nên, cho dù tôi vẫn đồng ý với Ebert rằng nếu chỉ chĩa mũi vào cách Scorsese giải quyết nhân vật Giê-su sẽ có nguy cơ nhìn nhận không đúng về giá trị điện ảnh của bộ phim; thì cũng với biểu hiện ấy, nếu bỏ qua quan điểm của bộ phim về tôn giáo và tâm linh cũng có nghĩa là đang lạc đề. Vấn đề không phải là nhìn xa hơn khía cạnh thần học để trải nghiệm tác phẩm trực tiếp. Khía cạnh thần học trong “Cám dỗ cuối cùng” chính là, một tác phẩm không ngừng gắn bó với các vấn đề tâm linh, như sự đối lập giữa thế giới hữu hình và vô hình, như cách mà thông điệp tâm linh có thể bị người nghe bóp méo và lầm lẫn. “Cám dỗ cuối cùng” của Scorcese là một công cuộc nghiên cứu liên tục về ý nghĩa cuộc đời và cái chết của Giê-su, cũng như ý nghĩa thông điệp của Ngài. Bộ phim là một chuyến suy tư vào ý nghĩa của việc tuân theo ý chí của Thượng Đế. Nó nói về ranh giới mong manh giữa niềm tin tôn giáo và điều mà người ta hay gọi là điên loạn. Tôi cho rằng, “Cám dỗ cuối cùng”, là gì đi chăng nữa, chắc chắn vẫn phải là “trước hết, một tuyên bố mang tính tôn giáo.”

Tôi định bảo rằng nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho bộ phim của Gibson, nhưng rồi tôi tin rằng chỉ có một tác phẩm ở đây thực sự mang giá trị về mặt tâm linh hay tôn giáo.
Willem Dafoe (The Last Temptation of Christ)
JB: Anh nói khá thú vị. Mới đây khi xem “Cám dỗ cuối cùng” và “Khổ nạn” hai đêm liên tiếp, tôi đã chỉ ra những gì đáng ca ngợi và cả mặt nào còn lăn tăn ở mỗi bộ phim (không có nghĩa là các yếu tố ấy chia đều nhau), nhưng cuối cùng tôi cảm thấy phim của Scorcese là phức tạp và thách thức người xem hơn. Đây là một tác phẩm không chỉ về “ý nghĩa cuộc đời và cái chết của Giê-su, cũng như ý nghĩa thông điệp của Ngài,” nhưng còn là cuộc chiến với con người ấy, với Thượng Đế và những thông điệp giữa con người/Thượng Đế ấy. Đây là một tác phẩm về tôn giáo rất mực nhân văn và rất cá nhân. Ebert đã nói khá trúng trong tuyển tập Great Movies rằng “cái điều làm cho Cám dỗ cuối cùng của Đức Ki-tô thành tác phẩm vĩ đại của Scorcese không phải là nó nói đúng về Giê-su mà nó nói đúng về con người Scorcese.” Tôi hoàn toàn đồng ý. Người ta có thể thấy Scorsese chiến đấu với vấn đề, đặt cả những suy tư và tâm huyết vào mỗi khoảnh khắc của phim, bất kể mâu thuẫn ra sao, và hi vọng rằng khi lên màn ảnh tất cả sẽ tiến tới một chân lý hay sự thấu hiểu sâu sắc nào đó. Thật không thể phù hợp hơn, một người nhiệt tình tôn kính nền điện ảnh như Scorcese sử dụng điện ảnh không chỉ để bày tỏ cảm xúc của mình với Ki-tô giáo nhưng còn để khám phá cảm xúc ấy. Và như thế, “Cám dỗ cuối cùng” như kể về hai cuộc hành trình - của Đức Giê-su Ki-tô và của Martin Scorcese.
Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy khó mà phủ nhận giá trị của tác phẩm “Khổ nạn.” Nó có phức tạp bằng không? Không. Nó có kích động không? Không. Nó có mâu thuẫn không? Trời ơi, càng không. Nhưng nó có mang tính cá nhân không? Tôi nghĩ là có. Và nó có “gắn bó với các vấn đề tâm linh” không? Sao, tất nhiên rồi. Khác biệt chủ yếu ở chỗ này: Trong khi cảm xúc chủ đạo của phim Scorcese là sự hoài nghi, thì chủ đề chính của phim Gibson là sự chắc chắn. 
Là một người đi Thánh lễ mỗi ngày Chủ nhật, đã được rửa tội và thậm chí được thêm sức, đã theo học trường phổ thông của Công giáo, nhưng lại không tin vào Thượng Đế và hoài nghi về tôn giáo có tổ chức, tôi thấy bản thân mình trong chủ đề mâu thuẫn, đấu tranh và bất định của “Cám dỗ cuối cùng.” Nhưng dù thế tôi vẫn thấy trong “Khổ nạn” là một lòng tôn thờ vững chãi mà rất dễ bị ta gạt đi, lấy cớ là “không gắn bó [với những chất vấn về tâm linh].” Vậy nên, để nhắc lại câu hỏi ban đầu của tôi, tôi cũng đồng ý với anh rằng bất kể bộ phim nào về Đức Giê-su Ki-tô đều không tránh khỏi việc đặt ra tuyên bố về tôn giáo (dù đôi khi chúng ta vẫn có thể nhìn xa hơn). Tuy nhiên, phim của Scorcese toàn chất vấn trong khi phim của Gibson chỉ toàn câu trả lời.
Jim Caviezel (The Passion of the Christ)
EH: Cũng không thể nghi ngờ gì, “Khổ nạn” là một bộ phim rất cá nhân. Giống như Scorcese, “Khổ nạn” cũng kể về trải nghiệm của người làm phim bên cạnh câu chuyện về Giê-su (do Jim Caviezel thủ vai ở bản của Gibson). Và cũng như Scorcese, mọi khoảnh khắc ở đây đều thấm nhuần cá tính và những suy tư của người đạo diễn, mà chúng ta không phải nói đạo diễn cũng có cảm xúc khá mãnh liệt về chủ đề này. Tôi đồng ý rằng Scorsese chủ yếu chất vấn, nhưng tôi không chắc Gibson chỉ toàn câu trả lời hay không - liệu ông ta có cố làm thế không. Bằng cách nào đó, tôi cảm thấy lòng mộ đạo của Gibson, lập trường không thể lay chuyển của ông, thật ra đang cản bước ông không thể bày tỏ điều gì có giá trị về tôn giáo hay về Giê-su. Có lẽ ban nãy tôi nói sai về việc bộ phim không có giá trị. Đúng hơn là Gibson xem nhẹ quá nhiều thứ. Tất cả niềm tin của ông ta, tất cả những gì muốn nói, đều được xem là đương nhiên mà không phải bỏ công truyền đạt qua văn bản của bộ phim.
Tôi cũng lớn lên là người Công giáo. Tôi đi Thánh lễ vào mỗi ngày Chủ nhật tới khoảng năm 18 tuổi, và có thời gian tôi còn làm trợ giảng lớp giáo lý. Tôi đã đọc kha khá Kinh Thánh, vừa do xuất thân tôn giáo vừa do hứng thú sau này. Nên tôi cũng đã có trải nghiệm với chất liệu này, dù cũng như anh, tôi càng ngày càng rời xa khỏi việc tin những thứ trong đó. Nhưng hãy tưởng tượng một lát, một người xem bộ phim này mà không có xuất thân Ki-tô giáo, không biết gì, hay không biết nhiều lắm, về câu chuyện cuộc đời Giê-su hay thần học Ki-tô. Liệu “Khổ nạn” có thể mang tới câu trả lời gì cho vị khán giả không có nền tôn giáo này? Bộ phim còn nói được gì với một người chưa biết về cái chất của câu chuyện? Hơn nữa, bộ phim nói được gì với người vô tôn giáo? Tôi cho là rất ít. Không hẳn là tác phẩm chỉ đem đến câu trả lời, mà nó xác nhận những gì người ta đã tin và đã biết; đây là tác phẩm dành riêng cho người mộ đạo.
Đây cũng là tác phẩm cần nhờ đến người mộ đạo để lấp vào chỗ trống, vì Gibson để lại khá nhiều khoảng trống. Phim về Giê-su nhưng có rất ít lời hay thông điệp của Ngài, mà chỉ nhắc đến đứt đoạn trong các cảnh hồi tưởng (flashback). Nó đặt ra rất ít văn cảnh về ý nghĩa cái chết và sự sống lại của Giê-su. Tác phẩm giới hạn trình tự thời gian một cách có chủ ý vào lúc Giê-su chịu hình phạt tới lúc lên thập giá; Gibson bận tâm tới những đau đớn thể xác của Giê-su nhưng nói rất ít về khía cạnh tâm linh của sự hy sinh ấy. Vì thế tôi nói rằng tác phẩm không thực sự gắn bó với vấn đề tâm linh tôn giáo. Nó vô nghĩa về nội dung và chủ đề. Thật ra, bộ phim là cơ hội cho một số Ki-tô hữu nhiệt thành để ngẫm về những đau khổ của Đấng đã cứu họ, còn chúng ta thì gãi đầu, không hiểu sao Gibson tập trung quá đáng vào máu me kinh dị mà không giải quyết tại sao Giê-su lại truyền cảm hứng cho nhiều người đến thế.
The Passion of the Christ
JB: Tôi cho rằng anh đã phân tích đạt lý và sâu sắc, nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý. Thứ nhất, nội dung tác phẩm của Gibson là đúng với tiêu đề. “Cuộc Khổ nạn” tức là đoạn kết của cuộc đời Giê-su trên trần thế, không phải lúc sinh ra hay thời gian đi rao giảng. Khi đã hiểu rồi, tôi không nghĩ Gibson để lại khoảng trống, mà ông chỉ giới hạn bộ phim khá hẹp, mà tôi nghĩ là hợp lý. Đoạn hồi tưởng về người đàn bà gian dâm bị ném đá (ở đây cũng như ở phim Scorsese, là nhân vật Mary Magdalene), hay Tiệc Ly, thật ra có chiều sâu cảm xúc hơn yêu cầu mà giới hạn trên đặt ra. Ở đây nhắc đến luận điểm của anh rằng bộ phim “chỉ dành cho người mộ đạo”, vì những đoạn hồi tưởng ấy và cả động lực thúc đẩy câu chuyện sẽ mạnh mẽ nhất khi khán giả có đủ kiến thức nền để tự xếp chúng vào ngữ cảnh. Luận điểm đó không sai. Nhưng tôi nghĩ là hơi quá. Tôi hiểu rằng không phải ai ở Mỹ (đối tượng của phim “Khổ nạn”) cũng được nuôi dạy như người Công giáo như chúng ta, nhưng liệu chuyện kể về Giê-su có mấy câu chuyện khác nổi tiếng hơn, ít nhất trên mặt bằng chung? Nên là, khi ta xem cảnh Giê-su vạch một đường kẻ trong “Khổ nạn”, chúng ta không được nghe Ngài nói rằng ai mà không phạm tội hãy ném hòn đá đầu tiên, nhưng chúng ta có cần nghe không? Đây là một đoạn ám chỉ khá rõ nghĩa, và kể cả những ai không biết ý nghĩa chính xác cũng có thể hiểu điều quan trọng nhất: Giê-su đã bước lên để ngăn một người đàn bà khỏi bị ném đá. Đừng hiểu lầm, đó không phải là ý  nghĩa sâu sắc nhất của “cảnh” ấy khi được chiếu trong “Khổ nạn” hay đặc biệt là khi viết trong Kinh Thánh, nhưng nó đủ sâu sắc đúng như Gibson yêu cầu.
Thêm nữa, “Cám dỗ cuối cùng” vạch ra chi tiết hơn cuộc đời và sức ảnh hưởng của Giê-su, nhưng tôi không chắc có đúng không khi bảo rằng bộ phim thể hiện tốt hơn “tại sao Giê-su lại truyền cảm hứng cho nhiều người đến thế.” Phim của Scorsese thể hiện xuất sắc cuộc đấu tranh của Giê-su với bản tính của mình, với thông điệp và sứ mạng của Ngài, nhưng bộ phim cũng bắt người ta bỏ hoài nghi (suspension of disbelief), hay là tin mù quáng luôn vào quá trình Giê-su phát triển thành người lãnh đạo tôn giáo. Trong phim của Scorcese, khi Giê-su lần đầu tiên rao giảng cho dân chúng, cách nói của Ngài không gây được cảm hứng cho lắm và phản ứng của những người tụ tập trên đồi khá dửng dưng. Cảnh đó làm người ta mong một kết cục kiểu Mystery Science Theater 3000, mà trong cảnh quần chúng có gã công nhân giọng đặc New York có thể la lên “Thằng này là thằng nào?”. Ngược lại thì, dụ ngôn của Giê-su cũng thuyết phục được vài người, và rồi Scorsese chiếu một cảnh mà ta thấy Giê-su băng qua hoang mạc và các tông đồ tăng dần lên. Chúng ta không được thấy Giê-su cảm hóa đoàn người, chúng ta chỉ được thấy kết quả. 
Luận điểm của tôi là cả hai tác phẩm đều có thể khiến vị khán giả vô tôn giáo băn khoăn cái đống này là gì đây, và như thế cả hai tác phẩm đều dành cho người mộ đạo hoặc người có biết về tôn giáo. Thêm nữa, cả hai phim đều nhắc tới những đau khổ của Giê-su. Nhưng “Cám dỗ cuối cùng” thì gợi ý rằng Ngài chủ yếu đau khổ về tinh thần, còn “Khổ nạn” thì gợi ý Ngài chủ yếu đau khổ về thân xác. Đây là hai cách diễn giải hoàn toàn đối lập. Cá nhân tôi thấy ý đầu tiên thuyết phục hơn, nhưng tôi không chắc ý thứ hai có thật sự kém cỏi hơn không.
The Passion of the Christ
EH: Tôi đồng ý rằng Gibson đã cố ý giới hạn quy mô của câu chuyện, dựa vào truyền thống diễn kịch Khổ nạn (Passion play) để tập trung đơn thuần vào thời khắc trước cái chết của Giê-su. Chắc chắn đây là kế thừa từ thần học Ki-tô giáo: không chỉ từ việc diễn lại vở kịch Khổ nạn, mà cả từ các Đàng Thánh giá (Stations of the Cross) trải dài trong các nhà thờ. Kể cả khi ấy, tôi vẫn khó hiểu bộ phim muốn đạt được gì ngoài việc tung hô bao nhiêu đau đớn thể xác mà Giê-su đã trải qua. Có lẽ như vậy là thỏa mãn một nhóm người, cũng như cảnh hành hạ vô nghĩa trong phim Saw. Ngược lại, phim của Scorsese, mặc dù có những khoảng cách và mâu thuẫn, nhưng ít nhất trong thâm tâm có quan điểm thực sự. Trong khi “Cám dỗ cuối cùng” quan tâm đến những vất vả khi làm theo ý Thượng Đế khi Ngài chỉ muốn những gì đáng sợ và gian khó từ chúng ta, thì “Khổ nạn” quan tâm đến điều gì? Phim của Scorsese yêu cầu sự chủ động từ phía khán giả để suy ngẫm các ý tưởng và hình tượng của nó; còn Gibson cho chúng ta hai tiếng đồng hồ đánh đập hành hạ. Tôi sẽ nói rằng người vô tôn giáo, khi xem “Cám dỗ cuối cùng”, có thể lỡ mất vài ẩn ý, ám chỉ và tình huống, nhưng những chủ đề chính - hoài nghi, niềm tin, sự tốt lành cùng với thói đạo đức giả của tôn giáo có tổ chức đối nghịch với tâm linh chân thực - vẫn đọng lại với họ. Tôi không nghĩ “Khổ nạn” có thể làm được như thế. Tôi không biết thông điệp mà nó mang tới là gì, hay về bản chất chủ đề của tác phẩm là gì.
(còn nữa)