I. Thử lòng
Cre: i.pinimg.co
Cre: i.pinimg.co
Hồi cũng lâu rồi, mình có theo dõi một chị kia trên mạng vì chị đó có một chuyện tình yêu xa khá dễ thương. Có một hôm vô tình đọc được một bài viết của chị ấy nói về việc hai người yêu nhau bình yên quá, nên có một lần chị đã thử lòng anh người yêu của mình bằng cách nổi giận và quát tháo lên xem ảnh phản ứng sao. Kết quả, anh ấy vẫn giữ bình tĩnh và rất kiên nhẫn với chị. Chuyện đó khiến chị càng tin rằng anh có tố chất làm chồng. Lúc ấy mình cứ phải là tâm đắc và cảm thấy vui vì chị kia tìm được một nửa tốt như vậy. Uay, chị gái thật biết cách chọn chồng mà cũng thật may mắn.
Cơ mà sau này khi bắt gặp một số content tương tự trên IG reel, mình bỗng nhớ lại câu chuyện của chị này và cảm thấy sai sai thế quái nào ấy. Làm sao mà người ta lại có thể thử lòng người khác trong khi con người là luôn thay đổi nhỉ? Sự kiên nhẫn lúc đầu là thứ có thể giả vờ được mà. Nó không chứng minh rằng khi ở trong những điều kiện khác đều sẽ như vậy. Chẳng hạn như là việc ở bên nhau quá lâu và không cần tỏ ra lịch sự như hồi đầu mới quen nữa, đang gặp phải áp lực khác mà còn bị người yêu quát, hoặc nhân sinh quan thay đổi theo thời gian khi anh ta nhận ra việc mình bị quát là không chính đáng và muốn phản pháo lại,… Hóa ra chuyện thử lòng này trông có vẻ... không đáng tin cho lắm. Nhưng điều thực sự đang diễn ra là có một người đã bị tổn thương trong câu chuyện giận dỗi vô cớ này. Vậy là vì sợ chuyện giận dỗi sẽ xảy ra nên người ta chủ động cãi nhau trước hả? Hmm…
II. Đỡ hay không đỡ đứa trẻ bị ngã?
Cre: i.pinimg.com
Cre: i.pinimg.com
Mình không nhớ ai đã từng nói với mình rằng, nếu một đứa bé bị ngã (không nặng) thì hãy để chúng tự đứng dậy, cũng không được dỗ khóc. Phải tập quen như vậy để nhỡ sau này lớn lên, ra đời không có ai giúp thì cũng không thấy bị tổn thương. Hồi còn nhỏ mình cũng rất tán đồng về điều này. Thế nên mỗi lần thấy trẻ nhỏ ngã mình thường lại có chút phân vân và bối rối, còn hành xử thì mình lúc này lúc khác. Đến giờ mình vẫn thấy chuyện để trẻ tự đứng dậy là đúng, duy chỉ có vấn đề nằm ở phản ứng của những người xung quanh.
Khi đứa bé ngã xuống, có người lớn sẽ vội quay mặt đi chỗ khác. Làm như vậy để trẻ không nhìn thấy có người đang để ý đến và sẽ không khóc đòi. Có người sẽ quát mắng và buộc trẻ tự đứng dậy. Họ có lẽ nghĩ làm thế để trẻ tự lập, tránh khỏi sự tổn thương về sau khi bị người khác từ chối giúp đỡ. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn thứ đang xảy ra hiện tại là đứa bé vốn đang bị tổn thương vì bị người thân phó mặc lúc mình đang đau. Và khả năng thứ hai có thể xảy ra hơn, là đứa bé vô thức được dạy rằng, chuyện bỏ mặc người khác đang té ngã cũng là bình thường vì chúng ta cũng từng đối xử với chúng như vậy.
Ngoài lề một tí thì mình nghĩ phản ứng tốt nhất là cho trẻ cảm thấy mình đang dõi theo, không đỡ nhưng vẫn trấn an và động viên trẻ tự đứng lên rồi khen ngợi khi chúng đã tự làm được. Chúng sẽ bình thường hóa chuyện té ngã tự đứng lên nhưng mà vẫn cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương. Rõ ràng, tình yêu thương là thứ thuốc thần dược nhất trên đời, tại sao lại phải tỏ ra lạnh lùng và không thể hiện nó ra. Tại sao lại tạo ra sự tổn thương chỉ để ai đó tránh bị tổn thương về sau? Và tại sao lại tạo ra một đứa trẻ lạnh lùng, trước cả khi chúng bắt gặp một ai đó lạnh lùng ngoài xã hội?
III. Cố học để sau này khỏe
Cre: Hyowon Park
Cre: Hyowon Park
Lại là câu chuyện cũ rích. Một số người cứ cố bắt con cắm đầu học lấy học để cho sau này chúng nó sung sướng, đỡ vất vả. Cơ mà chưa thấy tương lai sung sướng ở đâu mà hiện tại đã bị cực khổ quá trời. Ngày học hai buổi trên trường, tối về còn phải “tăng ca” với gia sư, gia sư về xong tiếp tục ôn bài cũ cùng với các mẹ. Nhưng đây quả thực là một cú lừa. Chắc chưa ai nói với mấy nhóc là sau bao năm mài đít trên ghế nhà trường thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục mài tiếp ở chỗ làm việc. Lúc này mọi người vẫn chưa thôi đâu nhá.
“Ráng đi con/cháu, kiếm một mớ rồi sau này khỏe à”
Mấy “đứa nhóc” nghe thấy cũng tràn đầy hy vọng, lại cày cuốc đêm ngày nhưng cái kết là một đống bệnh trĩ nội trĩ ngoại, trầm cảm lo âu, suy nhược cơ thể xyz (là khỏe dữ chưa :v). Vậy là vì sợ những đứa trẻ lớn lên sẽ khổ cực nên bây giờ mọi người chủ động cho mấy đứa cực luôn rồi đó.
Bài này chỉ tóm lại như trên tiêu đề và không có gì hơn. Thì tính trước từ xa đâu phải chuyện gì xấu đâu, cơ mà mình thấy mấy kiểu này có vẻ như “tính già hóa non” và không có tác dụng cho mấy ấy nhỉ?
Lại gửi một bài hát cuối blog, không liên quan nhưng mà nó dễ thương: