I - Mở đầu.

Đôi khi, những vấn đề xảy ra dễ dàng đến mức không ai nhận ra.
Câu chuyện như thế này nhé, mỗi khi chúng ta bán một món đồ, thường là giá trị cao hoặc mang tính cá nhân lớn như: chiếc xe của tôi, căn nhà của bạn...mà không có một quy định bắt buộc về giá bán, chúng ta thường đánh giá giá trị của chúng cao hơn so với người mua. Tại sao thế? Vì sao trong những giao dịch kiểu này, người bán sẽ luôn tin rằng thứ họ bán xứng đáng nhiều hơn so với bên mua đưa ra.
Đầu tiên, phải khẳng định rằng điều tôi vừa nói không đúng với mọi trường hợp. Ví dụ những đồng Bitcoin được bán trong quá khứ có giá cách khá xa so với bây giờ hay những món đồ cổ - thứ rất khó để định giá thường được bán quá rẻ khi người bán ít hiểu biết về nó. Gần gũi hơn, tôi đã thấy bạn tôi bán tất cả những album của một nghệ sĩ cô ấy từng yêu thích với giá rất rẻ sau khi "thần tượng" kia dính vào một vụ khá lớn. Để chắc chắn rằng bạn hiểu rõ điều tôi muốn nói trong bài viết này, tôi xin loại trừ những trường hợp trên và một số lí do tương tự. Cuộc sống luôn muôn màu muôn vẻ và đó là lí do chúng ta yêu cuộc đời này, hoặc không.

II - Sự sở hữu.

Một hiện tượng tâm lí đời thường.
Để làm rõ về việc chênh lệch mức định giá, chúng ta hãy thử làm quen với một khái niệm, gọi là sự sỡ hữu. Nói đơn giản, nó là thứ luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người, trong xã hội loài người nhưng lại luôn ẩn nấp một cách vô cùng kín đáo, chúng ta nhận ra nó nhưng lại thân thuộc tới mức bạn vô tình bỏ qua nó một cách không ngờ tới. Đơn giản, vì cả cuộc đời của mỗi người luôn là sự sở hữu. Chúng ta có một cơ thể từ khi sinh ra sau khi trải qua quá trình phát triển trong bụng mẹ, có gia đình, bạn bè hay các mối quan hệ xã hội khác thậm chí là sở hữu những tài sản sau này. Chính sự sở hữu này đã tác động lên những quyết định khi được hỏi về định giá, cụ thể, chúng sẽ tác động dựa trên ba lí do chính sau đây: Một - Chúng ta thường có cảm giác yêu quý thứ chúng ta đang có. Cảm giác thiện cảm này thường đi chung với những kỉ niệm mà bạn đã trải qua. Bạn sống hơn 20 năm trong căm nhà này, đã đi nhiều nơi và có nhiều kỉ niệm trong chiếc xe sắp bán...Điều này thường xuất hiện một cách vô thức, nhất là khi chúng ta suy nghĩ và quyết định rằng mình sẽ mất đi thứ gì đó. Hai - Con người có một nỗi sợ về sự mất đi lớn hơn nhiều so với niềm vui về những gì chúng ta nhận lại được. Nói một cách khác, điều này là một khía cạnh khác của sự sợ hãi, thứ luôn đeo đuổi con người từ khi loài này có mặt tới tận bây giờ. Cảm xúc sợ hãi đã khiến chúng ta đưa ra sai lệch về giá trị của món đồ, vì vậy, khi bán nó đi, chúng ta thường có xu hướng nghĩ về những thứ mất đi nhiều hơn thứ chúng ta nhận về được ( điều này càng trầm trọng hơn khi bạn còn chưa có kế hoạch cho tài sản nhận lại). Cuối cùng - Sự nhìn nhận về giá trị của người mua và người bán vốn dĩ đã khác nhau, song bạn lại hi vọng người mua sẽ có những cảm xúc hay góc nhìn của bản thân người bán. Bạn nghĩ rằng người mua sẽ biết được cảm giác ấm cúng khi ở trong căn nhà vào mùa đông, sự mát mẻ vào mùa hè. Song, người mua, vốn là người chưa từng trải qua những điều đó thì lại chỉ nghĩ về một ngôi nhà cũ kĩ với nội thất cần sửa sang...
Tính sở hữu của con người thực ra không làm mất đi sự lí trí của chúng ta thường có, chỉ là nó làm sai lệch đi việc quyết định bằng cách đưa ra những luận điểm thay đổi sự lí trí ban đầu. Vốn dĩ, chuyện này có thể xảy ra tự nhiên là vì sự sở hữu cũng có những đặc điểm của riêng nó. Ví dụ như việc bạn càng bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc cho một vật nào đó, tính sở hữu của bạn với vật đó càng cao. Và đương nhiên, sự sai lệch về giá trị thực của nó cũng tỉ lệ thuận với việc này. Bạn mất 10 năm để mua căn nhà này, nên bạn thấy nó đáng tiền hơn một căn tương tự được ông hàng xóm mua trong 3 năm. Yếu tố giá trị vốn dĩ giữ nguyên trong khi yếu tố cảm xúc bị tăng lên đột biến. Một điểm nữa là bạn có thể có tính sở hữu ngay cả trước khi bạn thực sự sở hữu nó. Việc này thường gặp đối với những thứ vốn dĩ đang thuộc phạm vi tranh chấp. Trong một cuộc đấu giá dài ngày, bạn đã cố gắng để mình là người dẫn đầu trong suốt một khoảng thời gian dài, ai đó đột nhiên xuất hiện và đẩy bạn xuống phía sau. Điều thần kì là bạn sẽ cố gắng bằng mọi cách để lấy lại vị trí của mình, tăng giá lên để sở hữu nó mà không nhận ra rằng số tiền đó đã vượt qua dự định ban đầu của bạn. Một ví dụ dễ hiểu nữa là về các kỉ lục, người ta cố gắng dùng một kỉ lúc này để phá vỡ một kỉ lúc đã được xác lập trước đó, rồi lại tiếp tục như vậy ở lần tiếp theo, lần tiếp theo và lần tiếp theo nữa.

III - Ngoài lề.

Vậy, chúng ta đọc những thứ linh tinh vừa rồi để làm gì?
Trong thực tế, tính sở hữu chính là sự sống còn trong ngành quảng cáo. Hầu hết trong cả cuộc đời, chúng ta rất ít khi thực sự biết mình cần một thứ gì đó, cho đến khi chúng ta thấy ai đó sở hữu chúng. Chúng ta không cần một chiếc xe đời mới cho đến khi nó xuất hiện trên mọi quảng cáo xung quanh bạn, từ chiếc điện thoại thông minh, tới những trang tin tức... Có một cách nữa thường được áp dụng dạo gần đây là các chương trình dùng thử, bạn được miễn phí 1 tháng với các chương trình này, nghe nhạc miễn phí, xem phim không quảng cáo và có thể huỷ gói đăng kí bất kì lúc nào. Nhưng một khi bản thân đã quen với việc " dùng thử" này, thật khó để bạn quay lại với mức độ thấp hơn trước đó. Thật khó để chấp nhận việc video của bạn đang xem bị chèn vào giữa 2,3 cái quảng cáo... Và tất nhiên, thế là bạn bị mắc vào "cái bẫy" của sự sở hữu ảo.
Cám ơn các bạn đã đọc đến tận đây. Hi vọng bài viết này sẽ có ích hoặc đơn giản là mang lại niềm vui cho ai đó.
-c0nnect9r-