asphalt road between the trees
Photo by Artur Aldyrkhanov on Unsplash
Sáng mệt người lướt facebook một cách lười biếng, thì thấy có bài viết nói về việc cảm giác thua kém với người khác, thấy nhiều người thành công và giỏi giang đến vậy mà tự ti về bản thân mình.
Thì mình nghĩ, ngoài việc nhìn quá nhiều vào thành công khủng bố của các nhân vật nổi tiếng, được truyền thông bơm lên theo đúng chuyên môn của họ, thì còn một lý do quan trọng hơn nữa. Đó chính là niềm tin mù quáng của chính bản thân chúng ta khi đánh giá bản thân quá cao và quá tự tin, lạc quan về mình.
Một thống kê (ở Mỹ) về việc người ta đánh giá như thế nào về trình độ lái xe của mình. Thang từ 0 đến 10, 0 là tệ lắm, 5 là trung bình, 10 là xuất sắc. Kết quả thu về khá bất ngờ, khi đa số mọi người tự đánh giá khả năng lái xe của mình là trên trung bình, số điểm trung bình của cuộc khảo sát là 8 điểm. Tức là hầu hết mọi người, kể cả những người lái xe khá kém, cũng tự tin rằng mình lái xe tốt hơn trung bình đa số mọi người. Rằng mình đặc biệt theo một cách nào đó.
Tương tự như chuyện khả năng lái xe đơn giản ở trên, thì nhìn vào cuộc sống chúng ta cũng thường có những đánh giá về khả năng của bản thân theo cách tự tin thái quá. Đặc biệt với tầm phủ sóng khá lớn của các lời động viên, quảng cáo, dụ khị kiểu như là “Bạn có thể”, “Bạn thật đặc biệt”, “Hãy khác biệt”. Khiến chúng ta rất tự tin cho rằng mình khác biệt, mình trên trung bình. Và điều đó có nghĩa là gì? Mình cũng nên thành công trên trung bình chứ nhỉ?
Và đó là một cái bẫy nguy hiểm vãi chưởng ra.
Thật sự thì đa phần chúng ta chỉ là những người bình thường, sống ở mức trung bình, thu nhập trung bình, kỹ năng lái xe trung bình, vẻ ngoài trung bình, kỹ năng trung bình, giao tiếp trung bình. Thật. Nghe thì đau lòng thật đó, nhưng nó thật. Ai cũng nghĩ rằng mình đặc biệt và giỏi giang thế nào đó chứ, sao lại chỉ trung bình được. Nhưng thế mới gọi là một cái bẫy. Chúng ta giống hệt những lái xe trung bình tự tin cho mình mức điểm 8 vậy, nhưng thật ra ta chỉ ở mức trung bình, 5 điểm về chỗ.
Và thành quả thu được cho đến ngày hôm nay của chúng ta cũng ở mức trung bình, rất tương xứng. Rất tự nhiên và hợp logic và đúng với bản chất cuộc sống. Rất công bằng và chẳng có bất công nào ở đây cả.
Nếu chúng ta biết sự thật đó thì hoàn toàn ngon lành rồi, chẳng phải phiền lo chuyện gì nữa.
Vấn đề là chúng ta nghĩ rằng mình là 8 điểm, và đáng ra phải xứng đáng với thành quả 8 điểm chứ, sao lại chỉ có 5. Và rồi trong những đêm không trăng không sao không ai rủ đi nhậu, ta ngồi nhà một mình và tự trách bản thân mình sao kém cỏi, sao không sống hết được những tiềm năng của bản thân mình, ai cũng làm được 8 điểm cả sao mày chỉ có 5. Đúng thật là loser. Blah blah đủ kiểu nếu bạn nào từng lâm vào cảnh này thì hẳn sẽ có thêm nhiều ví dụ cụ thể hơn cả mình viết ở đây nữa kia.
Có 2 cách để giải quyết chuyện này. Một cách khó và một cách dễ.
Cách dễ là gạt đi nước mắt, quyết tâm đứng lên một lần nữa làm việc hăng say phấn đấu hết sức của mình để dần dần có được thành quả 6, rồi 7, rồi 8, cho thỏa cái mộng ước và kỳ vọng của mình. Suốt hành trình đó sẽ giản khổ và thất vọng đấy, nhưng rồi cuối cùng sẽ hạnh phúc viên mãn. Cách này dễ là bởi vì ta chẳng phải thay đổi tư duy gì cả, cứ cắm cúi tiếp tục với cuộc sống và dự định hiện tại thôi.
Còn cách khó hơn là thay đổi cái tư duy phải gió đã khiến cho mình đau khổ kia. Để tìm cách đánh giá lại khả năng của mình cho đúng, là mình chỉ có 5 điểm thôi. Chấp nhận và hài lòng với nó. Rồi thì tin rằng mình 5 điểm, có thành quả 5 điểm, hài lòng và vui sướng. Nếu muốn cải thiện, thì lại cố gắng và dành thời gian tâm sức cho nó, để khả năng lên 6 điểm, rồi thành quả 6 điểm tương ứng. Cứ thế, chúng ta có thể làm cho điểm số mình tăng lên. Nhưng nếu không muốn nó tăng lên nữa vì cố nhiều cũng mệt chứ bộ, thì thôi, có nhiêu sài nhiêu, còn nhiều thứ khác trong cuộc sống cũng đáng để dành thời gian tận hướng chứ ha.
Vậy phải thay đổi như thế nào?
Chắc phải hẹn bài viết sau mất, vì thời gian đã hết, mình phải nộp bài, hẹn bài viết tiếp sau mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về câu hỏi như thế nào này nhé.
YOLO!