Bạn có thể đặt ra một câu hỏi. Cơ thể chúng ta được làm ra từ những nguyên tử, phân tử, electron, những phần tử ở cấp độ vi mô. Điều này đúng cho mọi thứ trong thế giới vĩ mô chẳng hạn như một quả bóng hay thậm chí là các ngôi sao và các hành tinh.
Vậy tại sao chúng ta không thấy được những hiệu ứng lượng tử với những vật thể thường thấy hằng ngày? Tại sao chúng ta không thấy một quả bóng ở hai vị trí cùng một lúc, hay một con mèo vừa nằm dưới chân bạn vừa đuổi bắt chuột? Câu trả lời đến từ một khái niệm được gọi là sự mất liên kết lượng tử (quantum decoherence).
Thực tế là, khái niệm này có liên hệ với một định luật thống kê mà chúng ta đã nói đến, đó là luật số lớn.Khi nhìn vào thế giới vi mô, các nguyên tử, phân tử có thể được mô hình hóa như những đại lượng ngẫu nhiên. Nhưng hãy thử nhìn vào những vật to lớn mà chúng ta thường thấy, chẳng hạn như cơ thể người. Một cơ thể người có khoảng 7×10 nguyên tử trong đó. Tức là số 7 và 27 con số 0 đằng sau nó, một con số rất lớn. 
Luật số lớn chỉ ra rằng, nếu chúng ta lấy trung bình tác động của một số lớn các phần tử độc lập, độ biến động sẽ ngày càng giảm đi. Sự ngẫu nhiên sẽ triệt tiêu lẫn nhau và ngày càng giảm đi khi số lượng quan sát tăng lên. Điều đó có nghĩa là, khi nhìn trên cấp độ vĩ mô, ảnh hưởng của sự ngẫu nhiên sẽ bị triệt tiêu và trở nên không đáng kể.Điều tương tự xảy ra khi chúng ta nói đến khái niệm về sự mất liên kết lượng tử. Mỗi phần tử trong thế giới vi mô được mô tả dưới dạng một hàm sóng. Nếu hai phần tử, chẳng hạn như hai electron, được mô tả với một hàm sóng giống hệt nhau, chúng ta gọi chúng là có tính liên kết lượng tử (quantum coherence). Ngược lại, nếu hai electron được mô tả bằng hai hàm sóng khác biệt, chúng có đặc tính mất liên kết lượng tử (quantum decoherence).Hãy liên tưởng khái niệm này với một hồ bơi có nhiều đứa trẻ đang chơi đùa trong đó. Nếu mỗi đứa trẻ vỗ vào mặt nước và tạo ra các sóng khác nhau, các sóng này sẽ triệt tiêu lẫn nhau, làm cho mặt nước sẽ dao động ngẫu nhiên với trung bình bằng 0.
Ngược lại, nếu các đứa trẻ đều vỗ vào mặt nước theo cùng một nhịp điệu, chẳng hạn mỗi hai giây một lần, những gợn sóng đó sẽ được khuếch đại lên và trở thành một sóng rất lớn. Hình dung, nếu chúng ta lấy trung bình kết quả của các hàm sóng mất liên kết lượng tử, vì các hàm sóng là khác nhau, các kết quả đó sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Điều này làm giảm đi sự ngẫu nhiên lượng tử khi kết hợp ảnh hưởng của rất nhiều các phần tử vi mô lại. Vì các phần tử vi mô cấu tạo nên vật chất mà chúng ta thường thấy có tính chất mất liên kết lượng tử, chúng ta sẽ không thấy được hiệu ứng lượng tử khi nhìn vào thế giới vĩ mô.
Đó là lý do mà vật lý cổ điển hoàn toàn có thể được áp dụng với những vật thể không phải ở mức độ vi mô. Tóm lại, điều bạn cần biết ở đây là, sự ngẫu nhiên tuyệt đối có thể tồn tại ở mức độ vi mô trong vật lý lượng tử, nhưng nó sẽ hầu như không thể quan sát được trong thế giới vĩ mô mà chúng ta đang sống. Sự ngẫu nhiên tương đối là thứ duy nhất chúng ta có thể nhận thấy hằng ngày.