Tại sao Tarot Reader hạn chế trả lời CÓ/ KHÔNG và BAO GIỜ? - Tarot dưới góc nhìn khoa học, tâm lý học (Phần 2)
Tiếp tục nói về ý 2 của bài trước nhé! 2. Law of One (Oneness): Luật của một/ Nhất thể Trong cuốn Thông điệp của nước, giáo sư...
Tiếp tục nói về ý 2 của bài trước nhé!
2. Law of One (Oneness): Luật của một/ Nhất thể
Trong cuốn Thông điệp của nước, giáo sư Masaru Emoto có đề cập đến những thí nghiệm của ông về việc tinh thể nước biến đổi hình dạng như thế nào khi nghe những lời tích cực, nhạc vui tươi và ngược lại.
Tarot vốn ban đầu là một trò chơi nhưng với tư tưởng về tính ngẫu nhiên và tất cả mọi thứ đều liên kết với nhau, Tarot có khả năng kết nối với tần số năng lượng của người đọc lẫn người xem.
Chúng kết nối thông qua những reader có năng lực tâm linh được mở rộng/ có sự thức tỉnh tâm linh (spiritual awakenness), kết nối với tiềm thức người xem và đi sâu vào vô thức. Chúng linh hoạt bắt sóng với Higher Self (bản thể tối thượng) và Linh hồn hướng dẫn (Spirit Guides), với Vũ Trụ thông thái để đưa ra những phân tích sâu xa về bản thân bạn và cuộc sống.
Chúng tiên tri dựa trên nguyên tắc đặt câu hỏi: Mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào nếu người xem duy trì mức năng lượng/ tần số hiện tại? Đây cũng chính là lý do nhiều reader giải bài theo cổ mẫu, biểu tượng và những tri thức khoa học thường ít nói có/ không hoặc bao giờ mà chỉ ra cách để xử lý với có/không hoặc đẩy nhanh việc đạt được mong muốn thông qua các chỉ dẫn thay đổi mức năng lượng.
Tarot kết nối chúng ta - những con giời đang sống ở thế giới vật chất với thế giới tâm linh (tâm linh nhưng không mê tín dị đoạn nhé).
Người đọc Tarot ngoài kiến thức Chiêm tinh còn sử dụng kiến thức khác tiêu biểu như Thần số học (Numerology - mình theo trường phái Pythago). Thả một chiếc video về Thần số học full tiếng Việt nên đừng bảo là tui không biết tiếng Anh nhé. Kiến thức ở khắp mọi nơi.
Ngoại trừ lúc làm việc với các reader theo hồn bài hoặc có khả năng thấu thính (clairaudience) - lắng nghe được tiếng nói từ bên thứ ba (cái này mình chưa có trải nghiệm), khi đi xem Tarot, bạn không nên đặt các câu hỏi Có - Không? Bản thân mình đã có trải nghiệm thấu thị (thấy trước hình ảnh) nhưng với mình, có hay không không quan trọng bằng bạn xử lý nó như thế nào. Thử hình dung nhé, bạn tìm đến mình hỏi: Tui có nên bán mặt hàng A không nhỉ? và mình bảo: Đ** thì bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ khỏi làm luôn dù bên trong vẫn thôi thúc: Bán đi bán đi, sợ gì? hay bạn sẽ chửi mình: Ơ con điên này, tui chuẩn bị hết rồi mà lại bảo đừng bán là sao? Mình không có quyền tước đi trải nghiệm cuộc sống của bạn vì trải nghiệm sống dù tích hay tiêu cực đều có ý nghĩa. Với trường hợp này, mình sẽ gợi ý khách các câu hỏi như:
+ Tại sao bạn bị thu hút bởi lĩnh vực kinh doanh này?
+ Bạn cần học bài học gì ở đây?
+ Bạn cần làm gì để giảm thiểu thất bại xuống mức thấp nhất và học bài học đấy một cách hài lòng nhất?
Nói tóm lại, mình luôn bẻ câu hỏi có - không thành câu hỏi: Nếu có thì sao mà nếu không thì sao? Tôi phải làm gì để bình an, chấp nhận và học hỏi ở điều này? Nếu điều đó là điều phải xảy ra với tiến trình của tôi, tôi cần làm gì?
Tương tự câu hỏi có - không, bạn cũng nên hạn chế hỏi: ''Bao giờ?''. Mình thấy câu hỏi ''Bao giờ'' là một loại câu hỏi cần chuyển đổi. Sớm hay muộn thì cũng đâu giúp bạn giải quyết được điều gì? Đến sớm thì bạn sẽ làm gì với nó và đến muộn thì bạn sẽ xử lý ra sao, đó mới là điều chúng ta cần quan tâm.
Như đã nói ở trên, mọi vật đều là sóng rung, thời gian chỉ là sự thay đổi rung động nên chúng ta có thể thay đổi ít nhiều tương lai nên việc quá bám chấp vào kết quả có thể tước đi trải nghiệm của hành trình. Trong một lớp học tâm lý thầy mình bảo:
Gieo suy nghĩ, gặt hành vi - Gieo thói quen, gặt tính cách - Gieo tính cách, gặt tương lai
3. Law of Attraction (Luật hấp dẫn) và Self-fulfilling prophecy (lời tiên tri ứng nghiệm)
Mình có đọc bài viết của Monster Box về Luật hấp dẫn, bao gồm cả những bài học nói Chiêm tinh lừa đảo (dù bài viết chỉ đề cập đến Cung mặt trời để phân tích mà vứt hết những tri thức về Cung mặt trăng, cung mọc,...). Bản thân mình cũng đã từng cười nhạo những khái niệm đó suốt thời sinh viên cho đến khi mình được trải nghiệm và thực hành. Trong bài này mình đặt Luật hấp dẫn với khái niệm quan trọng trong nghiên cứu tâm lý - Lời tiên tri ứng nghiệm vì lẽ đó.
Vẫn như bài trước, mình không bàn về những biến tướng của Luật hấp dẫn, Tarot, Chiêm tinh hiện nay. Với mình, cứ điều gì mất cân bằng (cao quá/ thấp quá) đều không ổn. Mù quáng vin vào Tarot, Chiêm tinh, Luật hấp dẫn cũng không ổn. Chúng ta cần niềm tin nhưng không lấy niềm tin đó làm tấm khiên để bảo vệ nỗi sợ phải đối mặt phần tiêu cực, phần tối (shadow self) bên trong. Đó không phải là cách chúng ta thực hành thứ được gọi là Luật hấp dẫn.
Trong các buổi xem bài của mình, mình luôn hỗ trợ khách thực hiện thêm bước thứ 3, gọi là Xử lý trải bài. Đây là lúc mình hiển diện hoàn toàn để lắng nghe những tâm sự, câu chuyện của bạn hoặc thực hiện một số hướng dẫn nhằm hỗ trợ bạn trong việc nâng cao tần số của bản thân hay xử lý những năng lượng tiêu cực từ trải bài. Những hướng dẫn đó bao gồm cách thực hành luật hấp dẫn & chánh niệm (tập trung cao độ phần ý thức để nhận biết những điều đang diễn ra khách quan lẫn chủ quan).
Lý do mình và một số reader mình quen hạn chế trả lời câu hỏi có - không, bao giờ là cũng một phần là vậy. Chúng mình đưa cho bạn công cụ để làm việc với những kết quả có - không, sớm - muộn. Khi đó, linh hồn mới thực sự bước vào sự tiến hóa hay như Freud gọi là Động lực phát triển tâm lý mới được vận hành. Chúng mình xem Tarot như công cụ để hỗ trợ khách hàng hướng đến sự cân bằng trong thế giới luôn thay đổi.
Cân bằng không có nghĩa là phát triển, liên tục hướng đến sự cân bằng mới là phát triển.
Nếu đã đọc Nhà giả kim hoặc hay lang thang trên mạng, bạn ắt đã nghe câu: "Khi bạn khao khát một điều gì đó cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.'' Đó chính là Luật hấp dẫn - tư tưởng cho rằng mọi thứ người ta muốn hoặc cần có thể được thỏa mãn bằng cách tin vào một kết quả, liên tục nghĩ về nó và duy trì trạng thái cảm xúc tích cực để " thu hút "kết quả mong muốn. Luật hấp dẫn được diễn giải chi tiết trong “The Secret” của Rhonda Byrne nhưng một số sách khác cũng diễn giải ý này như: The game of life and How to play it.
Lời tiên tri tự ứng nghiệm (Self-fulfilling prophecy) là một khái niệm, một hiện tượng nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý & xã hội học, được khám phá lần đầu bởi nhà xã hội học Robert Merton năm 1948. Ông nói rằng: “Một nhận định sai lệch về tình huống làm xuất hiện một hành vi khiến nhận định sai lầm ban đầu trở thành sự thật.” Ví dụ:
- Mong đợi của giáo viên về học sinh gây ảnh hưởng lên màn thể hiện của học sinh. (Rosenthal và Jacobsen, 1960)
- Hiệu ứng giả dược (Isaksen, 2012). Xem video có vietsub sau.
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra các bằng chứng mạnh mẽ về tác động của những niềm tin và mong đợi lên kết quả, đặc biệt là khi ta bị thuyết phục rằng những mong đợi của chúng ta sẽ thành hiện thực, và thậm chí khi ta không thực sự nhận thức được sự tồn tại của những mong đợi đó.
“Khi ta mong đợi sự xuất hiện của một dạng hành vi nào đó ở người khác, chúng ta có thể hành xử theo cách khiến khả năng xuất hiện hành vi đó trở nên cao hơn.” (Rosenthal & Babad, 1985)
Mình sẽ không nói lại về cơ chế của Luật hấp dẫn mà tập trung vào việc thực hành như thế nào thông qua Tarot.
Mấu chốt của Luật này bao gồm: Ước nguyện + Niềm tin (trạng thái tích cực đầy tin tưởng). Bắt đầu với ước nguyện, mình thường hướng dẫn khách hàng trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn mong muốn điều gì?
- Tại sao bạn lại mong muốn điều đó? Nó mang lại lợi ích gì cho bạn? Lợi ích ở đây thường là trạng thái cảm xúc, cái đích cuối cùng (trút bỏ được tức giận và sợ hãi/ hãnh diện/ sướng như lên đỉnh/ cảm thấy khỏe mạnh/ mát mẻ/ tự hào,...)
- Bạn đã đạt trạng thái tương tự hay bị kìm nén trạng thái đó trong quá khứ chưa?
Nói tóm lại, mình hướng dẫn khách gieo ước nguyện đúng cách. Thay vì bám chấp vào cái đích hữu hình, tập trung vào cảm giác vẫn hơn. Điều này giúp những ước nguyện của bạn hình thành theo mô hình SMART (Cụ thể - Đo lường được - Có thể đạt được - Liên quan tới giá trị bạn theo đuổi - Có timeline đàng hoàng) dễ hơn.
Ví dụ, bạn mong muốn được đi du học. Nhưng lý do thực sự của bạn có thể sẽ chẳng giống ai ngoài kia. Bạn muốn có cảm giác uyên bác và thượng đẳng hơn? Bạn muốn hãnh diện vì được đi đây đi đó chứ cũng không quan tâm đến học hành lắm? Bạn muốn tìm bồ nước ngoài? Bạn muốn tăng lương khi trở về? Bạn chỉ đơn giản là thèm cảm giác được trải nghiệm vì nó khiến bạn như lên đỉnh?
Có một anh đến xem bài của mình về chủ đề này và cuối cùng nhận ra: Lý do thực sự là nỗi sợ thua kém bên trong anh. Anh sợ thua cô em họ cùng tuổi. Chị ấy đã đi du học và có cuộc sống rất hạnh phúc và anh mong vượt qua chị ấy để có cảm giác chiến thắng chứ bên trong anh không hứng thú chút nào với trải nghiệm viết luận ở bậc thạc sỹ anh apply. Trong quá khứ anh luôn hơn chị về mọi mặt nhưng khoảnh khắc anh thấy chị vượt qua anh khiến anh cảm thấy mình mất điều gì đó nhưng không biết là gì. Sau này, mình có xem free thêm một buổi và phát hiện điều anh đánh mất là cảm giác tin vào giá trị bản thân. Chính điều đó khiến anh luôn thấy sai sai mỗi khi nói đến chuyện du học của mình.
Trong trường hợp này, chúng ta không gieo ước nguyện vào việc: Tôi nhất định đi du học mà chuyển thành: Tôi hoàn toàn tin tin vào giá trị của bản thân và tiến trình nâng cao nó mà tôi đang trải qua. Tôi sẵn sàng đón nhận thử thách để khẳng định điều đó.
Du học chỉ là một phương thức/ lựa chọn của cái đích đó và với việc liên kết những trải nghiệm quá khứ, bạn sẽ nhận ra mình có nhiều hơn một sự lựa chọn để đến với đích cuối cùng về cảm giác/ cảm nhận. Anh khách của mình không giới hạn những phương thức khác bên cạnh du học dù cuối cùng anh vẫn chọn đi, nhưng theo hình thức khác lựa chọn nghiên cứu giống hệt người em họ kia.
Có rất nhiều cách khác nhau để thực hành Luật hấp dẫn như: nghe nhạc ở tần số cao tương ứng với những cảm nhận mà bạn muốn có, thực hành ghi chép (journal) sự biết ơn và những khẳng định tích cực với bản thân, thực hành một số nghi thức tâm linh như Candle Ritual, Burning Ritual, vẽ Sigil,...
*Lưu ý:
- Khi thực hành luật hấp dẫn, hãy tập trung vào cảm nhận cuối cùng mà bạn muốn có, hãy tĩnh tâm đặt ego sang một bên và nhận biết nhu cầu thật sự.
- Không dùng các khẳng định "tôi muốn, tôi hi vọng, tôi ước, tôi cần,..'' mà nói ''tôi + điều mà tôi ước''.
- Khi tìm thấy cảm xúc đằng sau những ước nguyện, hãy cứ hành xử như cảm xúc đó đang chảy tràn trong bạn. Cứ kiên nhẫn, đừng thúc ép bản thân nhưng đừng quên bất cứ lúc nào bạn cũng có thể cảm nhận điều đó ngay tại thời điểm này thay vì khoảnh khắc nào trong quá khứ/ tương lai.
Sử dụng Tarot để gọi tên những nhu cầu ẩn sâu bên trong, những cảm xúc bị đè nén và tìm kiếm những chỉ dẫn cho tình huống. Đó là lý do mình và những người bạn reader khác của mình ít khi bỏ ngỏ câu trả lời ở điểm: có - không/ bao giờ.
Đọc thêm:
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất