Đi theo đam mê không phải là điều gì tồi tệ, nhưng khi truyền thông đại chúng đang ra rả thúc dục các bạn trẻ làm theo "đam mê", thì xác xuất cao là nó sẽ trở thành một lời khuyên tệ hại.

girl walking near trees
Nguồn: Photo by Einar Storsul on Unsplash
Thứ nhất "Đam mê" là một thứ rất khó định nghĩa và gọi tên.
Nó rất dễ bị nhầm lần với các sở thích hay niềm vui thú nhất thời. Hồi 3 tuổi bạn thích ăn kem hay là bạn đam mê ăn kem mà cuối tuần nào cũng đòi ba mẹ mua cho bằng được? Hay năm 2 đại học thức đêm đến 2 giờ sáng để chơi game là đam mê game hay là hứng thú cám dỗ nhất thời? Thật khó để phân định. Thêm nữa, hầu hết chúng ta là những người trẻ, mà trẻ thì đã có hiểu biết sâu sắc về mình, về xã hội, về nhân sinh quan, về đủ thứ khác làm tiền đề cho "đam mê" đâu. Nên khả năng cao là chúng ta khá mù mờ về cái được gọi là đam mê của mình. Mà có biết thì cũng chỉ là "đoán" một cách tự tin, vì chưa có nhiều trải nghiệm thực tế để mà chứng mình nó.
Có thể khi nghĩ về chính mình lúc này, chúng ta đang rất tự tin rằng mình xác định được đam mê của bản thân. Nhưng hãy nhớ rằng nhận thức của chúng ta vẫn đang lớn lên không ngừng, và bạn của 10 năm về sau sẽ rất khác bạn lúc bây giờ, cũng như bạn bây giờ khác bạn 10 năm trước vậy. Hãy nghĩ về một niềm tin ngô nghê nào đó của bạn năm 10 tuổi, ví dụ như là "con ước được làm ông già Noel", "con sẽ hái hoa tặng cho bạn Lan suốt đời". Với một nhận thức lớn hơn, chúng ta dễ dàng thấy được sự ngô nghê và sai lầm của chính mình trong quá khứ. Nên ngay lúc này đây, dù bạn tự tin 100% là mình đúng, thì cũng có thể là do nhận thức của bạn chưa đủ lớn để nhận ra sai lầm mà thôi. 10 năm sau với kinh nghiệm và hiểu biết nhiều hơn, rất có thể bạn sẽ suy nghĩ khác. Tôi nói điều này không phải có ý rằng chúng ta sẽ luôn ngây ngô, mà muốn nói rằng chúng ta "CÓ THỂ" sai. Chúng ta có thể đúng với cái "đam mê" đang theo đuổi, nhưng cũng CÓ THỂ sai. Và là một người có đủ trách nhiệm công dân rồi, chúng ta phải lường trước cái sai đó, nếu không thì hậu quả tự mình chịu à.
Nếu răm rắp nghe theo lời khuyên theo đuổi đam mê, thì thằng bé 3 tuổi sẽ lớn lên với ước mơ duy nhất làm ông bán kem, còn anh sinh viên kia sẽ chơi game tối ngày đến khi bị đuổi học. Đó chẳng phải là con đường sáng suốt lắm.
Không phải ai cũng có đam mê
Người ta nói ai cũng có một sư mệnh trên đời là tìm cho ra đam mê của bản thân. Tôi thì nói là ai cũng có một sứ mệnh trên đời là sống sao cho trọn cái sứ mệnh đó.
Theo như tôi nghiên cứu, tức là đọc và tự lập luận, thì người ta chưa tìm ra bằng chứng sinh học nào để nói rằng con người có sẵn một cái đam mê trong người. Có một số người có đam mê rất lớn và mãnh liệt, nhưng cũng có một số người không có đam mê nào nổi trội cả. Đam mê là một sự kết hợp của 3 thứ:
(1) cảm xúc bên trong bạn (sự thích thú), đây là cái chúng ta dễ cảm thấy nhất, và cũng dễ nhầm lần nhất khi thiếu 2 yếu tố tiếp theo.
(2) kỹ năng: cho thấy rằng bạn làm việc gì đó tốt đến mức nào. Messi có thể nói là đam mê bóng đá, vì cậu ấy quá giỏi trong việc đó. Nhưng thật khó để nói rằng Messi đam mê ca hát. Thích hát thì dễ hiểu, chứ đam mê ca hát thì không hợp lý chút nào.
(3) Sự tưởng thưởng của môi trường và xã hội. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua. "Hãy tìm đam mê bên trong bạn", người ta hay nói như thế. Nhưng tìm bên trong mình thì chỉ thấy tim gan dạ dày phổi các thứ, chứ đam mê không có đâu. Đam mê còn là thứ xuất phát từ bên ngoài của chúng ta nữa. Khi các cầu thủ bóng đá được tung hô và nhận lương hậu hĩnh, thì "đam mê đá bóng" nghe sẽ hợp lý hơn là "đam mê nhặt bóng", dù cả hai việc đều làm với trái bóng.
Không phải khi nào chúng ta cũng có đủ cả 3 yếu tố này, mà thường chỉ có 2 hay thậm chí là 1 yếu tố. Ý kiến của tôi có phần chủ quan ở đây, nhưng tôi nghĩ chiến thuật tốt nhất là sống với chỉ 2 yếu tố cũng được, đừng tốn công tìm cái gì có đủ cả 3 yếu tố, biết đâu tới già vẫn chưa ra mà cuộc đời thì đã hết rồi.
Không cần làm theo đam mê cũng có thể dẫn con người ta đến thành công và hạnh phúc.
Tôn Ngộ Không lúc bị đè dưới đỉnh núi, chẳng hề nói rằng "Đam mê của tôi là phò tá một sư phụ nào đó về miền đất xa xôi". Chẳng hề, mà cũng chẳng có cái đam mê nào như vậy cả. Nhưng rồi Thề thiên đã có một hành trình dài cùng Đường Tăng và đạt đến một cái đích mới của sự giác ngộ. Thì ta cũng hoàn toàn có thể nói đó là một sự thành công, và hẳn Ngộ Không đã hạnh phúc với điều đó.
Có thể lúc này bạn chẳng ưa gì công việc hiện tại, và bạn muốn bỏ nó ngay lập tức và xách ba lô đi xuyên Việt như một blogger nào đó bạn đọc được trên mạng. Có thể công việc làm bạn chán. Có thể du lịch làm bạn vui. Nhưng bỏ việc mà không có kế hoạch tài chính an toàn thì bạn lại buồn phiền vì thiếu tiền nhiều hơn là niềm vui nghỉ việc. Công việc nuôi sống bạn, cho bạn một nơi ở an toàn và những bữa ăn ngon miệng. Nó cho bạn sự ổn định để lo đến chuyện gia đình, chuyện tương lai, hay lo cả chuyện cái nhà trả góp nữa. Nhưng có thể, có thể thôi, là bạn sẽ hạnh phúc tột cùng khi con gái đầu lòng của bạn chào đời và bạn có thể chu cấp đủ cho con bé những điều tốt nhất. Niềm vui trên những chặng đường xa, hay niềm vui làm cha mẹ có trách nhiệm, bạn có chắc mình thích niềm vui nào hơn?
Mục đích của cuộc sống là sống hạnh phúc, sống trọn vẹn. Đam mê có thể là một con đường để chúng ta đi tới đó, nhưng nếu không có cũng còn 1001 con đường khác cơ mà.
Viết đến đây, tôi chỉ có một mục đích duy nhất, đó là mong muốn làm giảm nhẹ đi vai trò của "Đam mê" đối với cuộc sống mỗi người, để chống lại những làn sóng truyền thông đại chúng tung hô "Đam mê" một cách thái quá. Tôi cũng từng buồn, vì tự nghĩ mình chẳng có cái đam mê nào lớn lao cả, và cũng thấy lạc lối, rằng phải tìm đam mê ở đâu bây giờ. Nhưng tôi nghĩ có chiến lược khác tốt hơn là đi tìm đam mê. Đó làm làm tốt nhất việc mình có thể, lắng nghe cảm xúc của bản thân, và đủ tỉnh táo thu xếp cuộc sống của mình một cách chu tất và trọn vẹn. Giờ tôi có thể sống mà không cần đam mê. Mà nếu chẳng may đam mê ập đến, thì tôi cũng biết cách phải nhìn nhận nó như thế nào.
YOLO!