TỰ DO VÀ SỰ THẬT VỀ KHAO KHÁT TỰ DO TRONG MỖI CHÚNG TA
Chúng ta hay nói với nhau về sự tự do, có lẽ hầu hết chúng ta ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có những khao khát nhất định về sự tự do. Vậy bản chất của khao khát ấy là gì?
Chúng ta hay nói với nhau về sự tự do, có lẽ hầu hết chúng ta ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có những khao khát nhất định về sự tự do. Khi những thứ như “hàng rào” (tôi sẽ gọi những thứ ngăn cản tự do là “hàng rào” vì từ này và ngay cả bài viết này được lấy cảm hứng từ một vài câu thoại của nhân vật Ohshima trong Kafka bên bờ biển, anh đã gọi như vậy, nó rất tượng hình và thực sự dễ hiểu) càng cao lên thì khao khát ấy lại càng lớn. Những cái khao khát ấy âm ỉ, lẩn khuất ở khắp mọi nơi, mọi lúc, thường trực trong chúng ta từ khi còn là tấm bé cho đến khi trưởng thành.
Ngay từ khi còn là em bé, hẳn là bố mẹ nào cũng ngăn không cho chúng ta chơi một vài trò chơi nào đó, hoặc bắt chúng ta tránh xa một vài thứ gì đó nguy hiểm. Và chúng ta thì luôn mong muốn được thoát khỏi vòng tay của bố mẹ để tự do chơi những thứ mình thích. Khi đi học, chúng ta thích những giờ ra chơi giữa các tiết học để được tự do chơi đùa mà không bị thầy cô kiểm soát. Thậm chí nhiều người còn chọn cách trốn học để được tự do làm điều mình thích mà không bị kiểm soát gò bó trong lớp học. Lớn lên một chút là sinh viên, việc đầu tiên có lẽ chúng ta muốn là được học ngôi trường mình thích để được theo đuổi ước mơ của mình. Sau đó chúng ta muốn ra ở riêng để có một cuộc sống tự do ngủ nướng vào buổi sáng, tự do thức khuya chơi game hay tham gia những cuộc vui overnight cùng bạn bè để tụ tập chơi bời mà không bị gia đình kiểm soát.
Khi trưởng thành, sự khát khao về tự do của chúng ta lại càng lớn hơn. Chúng ta khao khát tự do ở phạm vi rộng hơn. Chúng ta muốn tự do chọn công việc mình yêu thích, tự do mua món đồ mình muốn, tự do chọn nơi ở mình muốn, tự do yêu người mình thương và tự do sống theo cách của mình. Ngay cả khi đang trong một mối quan hệ yêu đương chúng ta cũng khao khát có những khoảng thời gian được tự do giao lưu với bạn bè, hoặc làm điều mình thích một cách tự do không có sự can thiệp của người yêu.
Ở bất kì giai đoạn nào chúng ta cũng đều có những khao khát tự do nhất định dù ít dù nhiều. Một khi khao khát được phát sinh thì hẳn sự đáp ứng sẽ mang lại sự thỏa mãn. Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự có được cảm giác vui sướng và thỏa mãn nếu được sở hữu sự tự do đó. Hay chúng ta sẽ chỉ vui sướng vì được sở hữu một thứ gì đó đại diện cho sự tự do giống như chiếc balo mà Kafka trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” của tác giả Haruki Murakami luôn mang bên mình, khi ấy Ohshima đã nói với Kafka rằng:
“Có một vật tượng trưng cho tự do có thể khiến người ta sung sướng hơn là thực sự đạt được chính cái tự do ấy”
Chúng ta thực sự có thích tự do đến vậy, nếu thực sự đạt được nó chúng ta thực sự có vui vẻ như chúng ta nghĩ. Nếu một em bé được thỏa thích nghịch thứ chúng muốn, hẳn chúng sẽ dễ gặp những tai nạn khiến chúng bị thương, khi ấy chắc sự tự do hẳn cũng không vui lắm. Và càng lớn thì chúng ta càng hiểu hơn về những thứ "hàng rào" mà gia đình hay xã hội dựng lên cho chúng ta, những thứ chúng ta luôn muốn phá đi ngay lúc chúng ta cần nó nhất. Và ở một giai đoạn nào đó đủ những trải nghiệm, đủ trưởng thành chúng ta có thể hiểu được rằng chúng ta thực sự không thích tự do đến vậy. Hoặc chúng ta có thể lừa dối chính mình giống như Ohshima đã nói với Kafka (trong Kafka bên bờ biển):
“Kafka ạ, có thể hầu hết mọi người trên thế giới đều không cố gắng để được tự do. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng mình tự do. Ảo tưởng hoàn toàn. Nếu họ thực sự được tự do, phần lớn sẽ cảm thấy thực sự gò bó. Cậu nên nhớ kỹ điều đó. Thực ra người ta thích không tự do hơn.”
Câu nói “Nếu họ thực sự tự do, phần lớn sẽ cảm thấy thực sự gò bó.” thực sự rất đúng. Chẳng hạn như khi chúng ta muốn tự do ở nơi mình thích, làm điều mình muốn, chọn công việc mình yêu thì có một số điều kiện bắt buộc phải đi kèm. Muốn làm được những việc ấy đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự chủ về tài chính, chúng ta phải có đủ tiền để trang trải cho cái cuộc sống tự do chúng ta muốn. Và khi ấy, chúng ta sẽ thực sự phải đặt ra cho mình những "hàng rào" như những nguyên tắc chi tiêu, sắp xếp cuộc sống nếu chúng ta không muốn rơi vào những tình thế éo le. Liệu chúng ta có thực sự tự do hay chúng ta chỉ chuyển từ một chiếc xích nhẹ nhàng buồn tẻ sang 1 chiếc xích nặng trĩu nhưng do chúng ta tự chọn và được phép tự vẽ hoa lá lên trên đó.
Một ví dụ khác về sự gò bó ngay trong chính sự tự do. Tôi là một Designer và tôi biết trong giới Design không ít người ra làm Freelance toàn thời gian vì không muốn hàng ngày phải lên văn phòng ngồi 8 tiếng đồng hồ và bị gò bó bởi những quy định lùng nhùng tiểu tiết về giờ giấc, kỉ luật hay 1 tỉ thứ rườm rà khác. Nếu nghĩ về công việc có thể thoải mái làm tại nhà theo quy định của mình, dưới đế chế của chính mình thật là thích. Nhưng có một sự thật là cái giá phải trả cho việc làm Freelance là chúng ta phải chịu áp lực gấp 2, gấp 3 thậm chí gấp nhiều lần việc chúng ta làm nhân viên. Khi làm Freelance chúng ta phải tự lực trên mọi mặt trận. Từ việc quản lí giờ giấc để có thể làm việc hiệu quả, việc tìm được job để làm, tạo niềm tin cho khách hàng, thuyết trình dự án với khách hàng, thuyết phục khách hàng và chịu trách nhiệm về toàn bộ các rắc rối hay bất cứ chuyện gì xảy ra với dự án. Ngay cả việc tạo cho mình một networking, việc chăm sóc khách hàng và giữ những kết nối với khách hàng để ươm mầm cho những dự án tiếp theo trong tương lai. Và khi đó chúng ta lại phải nằm trong những "hàng rào" do chúng ta phải tự tạo ra để quản lí thời gian hiệu quả, những nguyên tắc khi làm việc, và cả quy tắc về việc đáp ứng những mong muốn khách hàng. Tất cả những điều ấy là thực sự cần thiết khi chúng ta muốn đứng vững một cách tự do trong đế chế của chính mình. Đương nhiên những áp lực ấy sẽ giảm bớt khi chúng ta có một đội nhóm, nhưng ngay cả khi làm đội nhóm thì sự tự do cũng sẽ bị giảm bớt, vì có đội nhóm chắc chắn sẽ có những quy định của đội nhóm. Vậy chẳng phải khi thực sự tự do, phần lớn chúng ta lại phải đảm nhận thêm những thứ tạo ra nhiều sự gò bó hơn hay sao?
Cũng là lời của Ohshima trong Kafka bên bờ biển anh nói rằng:
“Phải. Mình cũng thích mất tự do hơn. Đến một mức độ nào đó, Jean-Jacques Rousseau đã định nghĩa văn minh là khi nào người ta biết dựng hàng rào. Một quan sát rất là sâu sắc. Đúng thế, tất cả các nền văn minh đều là sản phẩm của việc hạn chế tự do bằng cách rào nó lại. Tuy nhiên, những thổ dân Úc lại là một ngoại lệ. Họ đã duy trì dược một nền văn minh không có rào cản cho đến thế kỉ XVII. Họ tự do triệt để. Họ muốn đi đâu, lúc nào thì đi, thích gì làm nấy. Cuộc đời họ là một cuộc hành trình theo nghĩa đen. Lang thang là một ẩn dụ hoàn hảo cho cuộc sống của họ. Khi người Anh đến dựng hàng rào để nhốt gia súc của họ, những người thổ dân không lường hết được. Và vì không hiểu mục đích của động thái này, họ bị coi là nguy hiểm và chống xã hội, do đó bị dồn về những vùng khỉ ho cò gáy. Cho nên mình muốn cậu cẩn thận. Những kẻ dựng hàng rào cao, chắc chắn là những kẻ tồn tại lâu nhất. Cậu phủ nhận thực tế đó thì chỉ có chuốc lấy nguy cơ bị dồn về chốn hoang dã mà thôi.”
Thứ tự do thực sự không có gò bó chính là thứ tự do như những thổ dân Úc trong dẫn chứng của Ohshima. Nhưng thứ tự do ấy lại không thể giúp chúng ta tồn tại và phát triển trong xã hội này. Vậy là về bản chất thứ tự do chúng ta muốn chỉ là thoát khỏi những “hàng rào” của người khác và nếu muốn tiếp tục tồn tại trong thế giới đó chúng ta phải biết tự tạo ra những “hàng rào” cho chính mình và thậm chí còn phải cao hơn cái “hàng rào” cũ kia.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất