Pump là một cô bé bướng bỉnh. Người ta nói thế. Mẹ cô bé cũng nói thế. Không hẳn là ngỗ ngược nhưng rất cá tính.
        Ngay từ bé, khi hầu hết các đứa bé khác say mê, thích thú những món đồ hàng hay những con búp bê dễ thương, xinh xắn thì cô bé lại sẵn sàng đập, ném không thương tiếc những món đồ chơi nhỏ mà mẹ cô bé mua cho. Đứa bé còn quá nhỏ để hiểu rằng, những món đồ đấy là cả sự chắt chiu, gom góp của người mẹ để mua cho em. Ngược lại em rất thích thú khi thấy những thứ đồ chơi đầy màu sắc kia méo xệch, nứt vỡ.
        Nhưng cô bé lại rất thích chiếc xích đu nhà hàng xóm - một ngôi biệt thự với những hàng rào trắng bao quanh. Có bể bơi xanh trong, rất rộng. Chủ nhân ngôi nhà ấy không có con, chiếc xích đi cứ ở đấy, thỉnh thoảng được gió đẩy qua, lại rồi thôi. Pump vẫn thường năn nỉ bác giúp việc của ngôi nhà biệt thự cho sang chơi. Chỉ yêu cầu thế thôi - lẽ dĩ nhiên lại được chấp nhận - chiếc xích đu gỗ trở thành thứ đồ chơi duy nhất mà cô bé chơi một cách giữ gìn.
        Hai năm sau, công ty đổ vỡ, chủ nhân của ngôi biệt thự đành bán ngôi nhà. Và chiếc xích đu bằng gỗ màu nâu được thay thế bởi một bức tượng do chủ nhân mới đặt. Thú vui duy nhất không còn, cô bé bắt đầu quậy phá, theo lũ trẻ nhem nhuốc, chân trần đi đào đất, trêu chọc những con thú nuôi cho nó kêu vắng cả lên. Hay chỉ là nhấn chuông quấy rầy ai đó … Cha cô bé lượm những mẩu gỗ người ta vứt đi, làm cho cô một chiếc bập bênh gỗ. Từ đó, Pump ở nhà chơi món đồ chơi mới.


        Lên 12 tuổi, cô bé càng xinh tươi hơn, nhưng sự mạnh mẽ thì vẫn còn nguyên. Đột nhiên, cha cô mất trong một tai nạn lao động. Cô bé không khóc, không cười, 12 tuổi: đủ để biết thế nào là đau, là mất mát chứ. Song, cô bé chỉ nhìn, im lặng, nhìn người ta khóc, gào, vật vã. Pump chớp mắt rồi đi đến nơi đặt chiếc bập bênh cũ, khẽ cười. Từ ngày cha mất, cô bé cứ hành động một cách ngớ ngẩn hơn. Gặp người lớn cô bé không chào. Việc mẹ sai bảo, Pump không làm. Đôi mắt tròn lúc nào cũng nhìn xuống đất như lim dim.
        Một hôm, mưa bã, nhưng Pump vẫn nằng nặc đòi đi học. Thương con, người mẹ đành lặn lội đưa con đi. Chiếc xe ì ạch, tiếng chiếc xe cà tàng cũ kĩ, tưởng chừng như sắp long sòng sọc cũng bị át đi trong tiếng gió giật. Trời như đang nổi giận. Người mẹ như hét lên trong cơn mưa:
        - “Ngồi nép vào mẹ đi, Pump”
        - Không có tiếng trả lời
        - “Ôm lấy mẹ đi nào !”
        Pump lại càng ngồi xa hơn, cô bé vẫn thế, từ bé đến giờ, rất ít khi Pump ôm mẹ. Cuối cùng rồi cũng đến trường. Nhưng cả trường không có một ai. Được nghỉ, Pump và mẹ lại ngụp trong cơn mưa về nhà. Sau ngày hôm ấy, Pump bị sốt rất cao. Mấy ngày liền cô bé mê man. Năm ngày sau, đôi mắt đờ đẫn lờ mờ mở. Cô bé hướng ra phía của sổ, nheo mắt lại, ngượng cười. Đêm hôm ấy, mẹ ngủ cùng với Pump, cô bé vòng tay ôm lấy mẹ, người mẹ vui mừng, cười hiền hậu.
        Sáng hôm sau, khi đã đỡ hơn, Pump đòi mẹ đưa giấy bút cho để tập vẽ, cô bé hý hoáy cả buổi rồi mệt, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Mẹ với tay cất những tờ giấy đi thì quờ được một mảnh giấy nham nhở, nhàu nhàu, trên đó có dòng chữ: “Muốn một thứ gì đó còn mới thì dùng nó ít thôi hoặc có thể đừng dùng đến nó”.
        Người mẹ nghĩ là con gái thích sưu tầm những câu chuyện hay châm ngôn chẳng hạn, nên gấp tờ giấy lại, để ngay ngắn trong ngăn kéo.
        Và hôm đó, Pump đã đi vì một căn bệnh mà lâu nay chưa phát hiện. Trong lúc nắm tay cô bé lần cuối, người mẹ tìm thấy một tờ giấy nhàu nát như tờ trước: “….Và, chỉ mình muốn ôm mẹ một lần trước khi ra đi, để kịp giữ hình bóng mẹ cũng thấy vui rồi ”
        Hôm ấy, trời đổ mưa, như cái hôm gió bão Pump đòi bằng được đi học. Sau nhà, bập bênh gỗ vẫn ở đó, nhẹ đung. Một linh hồn đã ra đi, chỉ khác là hôm ấy, không một ai khóc.
                                                                                                            7/3/11