Bài viết này, tôi viết dưới góc độ là một con người nặng lòng với văn chương chữ nghĩa và cũng vô cùng đam mê Truyện Kiều. Hồi cấp 2, lúc còn học đội tuyển, tôi từng được thầy giáo dạy mình lúc đó bất ngờ và trầm trồ vì có thể thuộc hơn 1000 câu Kiều khi chỉ mới là học sinh cấp 2. Lên cấp 3, tôi thuộc gần như toàn bộ. Cho nên, bài viết này, có thể đi ngược lại với nhiều đánh giá “trên trời” từ truyền thông, nhưng tuyệt đối không phải được viết từ một người không am hiểu hay thiếu kiến thức. 
Vài dòng bất chợt này, có lẽ từ sự kiện tôi vô tình thấy trên báo : Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam trong một chuyến viếng thăm vào tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden xướng hai câu Kiều trước sự đón tiếp đầy trọng thị từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng : 
“Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”
Và cũng như những lần khác, sự xuất hiện của 2 câu Kiều tạo nên sự vỗ tay nhiệt liệt từ cánh truyền thông, những tung hô về một áng văn được mệnh danh Quốc hồn - Quốc túy lại càng thêm mỹ miều. Chậm lại một nhịp, tôi có chút ái ngại, Tổng thống Joe Biden đọc 2 câu Kiều - mang tính chất chiến lược - được tham mưu kĩ càng từ tổ  cố vấn Nhà Trắng. Tuy nhiên, phải đặt ra câu hỏi : Hai câu “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” đối chiếu vào trong Truyện Kiều thì cơ bản là mô tả Thúy Kiều vốn được anh hùng Từ Hải cứu khỏi chốn lầu xanh, có được cuộc sống nhung gấm sang giàu, nhưng sau đó Từ Hải lại ra đi nhanh chóng - như một ánh sao băng lướt qua cuộc đời tăm tối của Kiều. Nếu vậy thì liên quan gì đến tình hình ngoại giao của Việt Nam với Hoa Kỳ đằng sau những câu chữ tưởng chừng là mỹ miều ???
Vậy nên, tôi có gì đó hơi ngại khi nghe người ta xướng Kiều, nếu không thực sự tinh tế và cảm thụ chính xác tình huống giao tiếp thì sự góp mặt của vài câu Kiều chỉ làm nên sự gượng gạo, thậm chí là không phù hợp. 
Như một thói quen, các anh lãnh đạo đến Việt Nam rất mê đọc Kiều, nhưng có thật sự hiểu hay không thì bố ai mà biết được. Giống như mang tính chất chiến lược “Hehe trước khi đến nhà anh chơi là tôi đã thuộc bài rồi đấy nhó” - và được báo chí Việt Nam trầm trồ. 
Cùng điểm lại những lần khoe kiến văn của của các vị lãnh đạo nước ngoài : 
Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2016, đọc 2 câu Kiều : 
“Rằng trăm năm cũng từ đây
  Của tin gọi một chút này làm nghi”
Bill Clinton gặp chủ tịch Trần Đức Lương xướng câu : 
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”
Riêng cái lần gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại tiệc chiêu đãi ở Bộ Ngoại giao Mỹ cách đây 9 năm, Joe Biden đọc :  
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” 
Hay ! Rất đúng trọng tâm ! Hai câu ấy là lời Kim Trọng nói sau mười lăm năm gặp lại Thúy Kiều. Có thể hiểu rằng chúng ta còn sống đến tận hôm nay, để còn thấy nhau, đó là phép lạ của định mệnh. “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” mang tính chất ám chỉ một tương lai tươi sáng đang ẩn hiện, nhá nhem nơi đầu ngõ sương tan, rất đúng trọng tâm giữa bối cảnh hai nước đã đi được những bước dài trong 20 năm bình thường hóa quan hệ và chuyến viếng thăm của Tổng Bí Thư mang tính chất là  chuyến thăm lịch sử, với nhiều kết quả toàn diện và thực chất. 
Duy chỉ có một lần khác biệt, là Donald Trump đọc Nam Quốc sơn hà - phản ánh rất rõ phong thái của phe Cộng Hòa - rõ ràng, đi vào thực chất và hạn chế khoe kiến văn. 
Những sự kiện kiểu thế cứ làm Truyện Kiều dường như thành một tác phẩm của … truyền thông, với những đánh giá rất cao “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh) và được xưng tụng là một thứ Quốc hoa của dân tộc Việt.
Tuy rất mê những ngôn từ gấm hoa tuyệt tác từ Truyện Kiều, nhưng để bảo đó là Quốc hoa - Quốc hồn - Quốc túy, có lẽ là chưa tới.
Thứ nhất, Truyện Kiều là một phóng tác từ Trung Hoa, chứ không phải sáng tác. Chính vì thế, âm hưởng Trung Hoa vẫn còn rất đậm, thấm đẫm chất Trung từ văn hóa đến chữ nghĩa. Từ ngữ tuy uyên bác nhưng để đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân để trở thành Quốc hồn thì thực sự khó. Như tôi nói ở trên, để xướng Kiều mà đúng trọng tâm và phù hợp với ngữ cảnh, điều đó không phải ai cũng làm được,  không chỉ đòi hỏi người giao tiếp phải thực sự am hiểu về mặt ngôn từ mà còn phải tinh tế trong những ý tứ thâm trầm ẩn sau mỗi câu Kiều.  Về bản chất, Truyện Kiều chưa thực sự thuần Việt.
Thứ hai, xét về nội dung, nhìn lại toàn bộ thì hầu như Truyện Kiều… xoay quanh một cô gái. Một cô gái “tài sắc ai bì”  với cuộc đời phải bán mình chuộc cha, hai lần bị bán vào lầu xanh làm gái, hai lần đi tu, hai lần tự sát, trầm luân 15 năm với bao đắng cay khổ nạn. Cuộc đời “Một bước phong trần, mấy phen khổ nạn” của Thúy Kiều được coi như là một tiếng hét căm phẫn vào xã hội phong kiến với nhiều bất công. Nếu phân tích theo hướng cuộc đời Kiều là một lát cắt phản ánh được chân dung thời đại chứ không đơn giản xoay quanh số phận một con người, thì thử hỏi, “chân dung thời đại” đó còn là hiện thực của xã hội phong kiến của các quốc gia nói chung chứ riêng gì màu sắc Việt Nam ? Và bản chất thì chìm nổi của đời Thúy Kiều vẫn là nguyên tác Trung Hoa, màu sắc Việt trong nội dung vẫn là rất ít. 
Hơn hết, nói sâu xa hơn, cuộc đời Kiều xoay quanh khổ nạn của một đóa hồng nhan là chính, khiến cho tác phẩm Truyện Kiều nhìn chung không đóng góp gì quá lớn về mặt tư tưởng để có thể xếp vào hàng bất hủ. Và nếu bảo Truyện Kiều là Quốc hồn, thì có gì đó Quốc hồn của dân tộc Việt kém quá xa so với Tứ đại danh tác của Trung Hoa với Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký và Thủy Hử. 
Trong Truyện Kiều, những nhân vật hầu như được lý tưởng hóa, Thúy Kiều là "tiếng hạc bay qua", "hoa trôi man mác", là "tay tiên gió táp mưa sa".... Còn Từ Hải là "gươm đàn nửa gánh", "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", là "những phường giá áo túi cơm xá gì". Nói chung, thiếu đi cái căn tính dân tộc.  
Cụ Ngô Đức Kế nhận định một cách gay gắt : “Nguyễn Du dịch Kiều từ thời Gia Long; thế thì từ Gia Long về trước, khi chưa có Truyện Kiều thì nước ta không quốc hoa, không quốc tuý, không quốc hồn, thế thì cái văn tự vũ công sáng chói từ triều đinh, Lê, Lý, Trần ở đâu đem đến?”
Nói như thế, tôi không phủ nhận những đóng góp của Truyện Kiều trong nền văn học Việt Nam. Phải thừa nhận tôi rất mê những ý tứ thâm trầm lắng đằng sau mỗi ngôn từ gấm hoa của Truyện Kiều. Tuy phóng tác từ Trung Hoa, nhưng vẫn phải hiểu chuyển từ truyện sang thơ với những niêm vần chặt chẽ là rất rất khó. Đó là cả một công trình sáng tác chữ nghĩa rất đồ sộ, mỗi chữ gieo xuống toát lên đầy đủ cái lực của nó, xứng đáng là một kiệt tác của dân tộc. Lời văn rất luyện, ý tứ rất sâu và lắng trong nó nhiều cảm tình vô hạn. Dường như qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đưa tiếng Việt lên một tầm cao mới, một hương hoa quý báu, nở rộ vẻ vang giống nòi.
Về tư tưởng, có lẽ nổi bật trong Truyện Kiều là Thuyết Tài mệnh Tương đố với những định luật siết chặt trần gian, về những mặt sáng tối trắng đen bù trừ trong số phận con người : 
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau”
“Có đâu thiên vị người nào,
Chữ TÀI chữ MỆNH dồi dào cả hai,
Có TÀI mà cậy chi TÀI,
Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần".
Dường như tinh thần Nho giáo phảng phất nhiều trong Truyện Kiều với Thuyết Thiên mệnh - số phận là một cơn xoay vần đã được lập trình : 
“Ngẫm hay muôn sự tại TRỜI
TRỜI kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao".
Tư tưởng mọi sự đều là số phận, đều là trời định xuyên suốt Truyện Kiều như một châm ngôn. Ông Trời dường như là nguồn cơn cho mọi vô thường, thăng trầm vinh nhục của kiếp người. Tuy vậy, trong cái tận cùng bất lực đó, Truyện Kiều vẫn nhá nhem tư tưởng của Đức Thế Tôn với sự mở đầu theo lối “Đời là bể khổ” với “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Sắc thái Phật giáo dường như cũng ẩn hiện trong tư tưởng chấp nhận, đón lấy những sự kiện đến với cuộc đời con người theo tính chất nghiệp quả : 
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn bởi tại lòng ta,
          Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI".
Giá trị Phật giáo toát lên rất rõ trong những từ ngữ quen thuộc “nghiệp”, “thân”, “thiện căn” và đúc kết sáng ngời “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” như một ngọn hải đăng để con người thoát khỏi kiếp trầm luân. 
Không những vậy, tuy là một phóng tác từ Trung Hoa, nhưng nàng Kiều của Việt Nam có gì đó đẳng cấp hơn rất nhiều so với nàng Kiều của nguyên tác Trung Quốc. Tuy cuộc đời thăng trầm bãi bể nương dâu thì nàng Kiều của Việt Nam vẫn toát lên chất “thanh” so với nhiều phân đoạn khá tục của nàng Kiều Trung Hoa cùng nhiều đối đáp sắc sảo hơn nguyên tác.
Cụ Ngô Đức Kế từng hết lòng chê trách Truyện Kiều vì không ngấm nổi một đôi thiếu nam nữ dám tự tiện hẹn ước với nhau nơi đêm khuya ngõ vắng, đó là đi sai khỏi đạo đức Nho giáo. Tuy vậy, đối với tôi, chính bước chân của nàng Kiều thoăn thoắt trong bóng đêm nặng nề lễ giáo của xã hội thời đó mới làm nên tuyên ngôn bất diệt về quyền con người, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc. Giá trị ấy thực sự bất tử và vượt lên trên thời đại !!
—----------------------------------------
Với tôi - một đứa nặng lòng với các giá trị truyền thống của dân tộc, vẫn công nhận Truyện Kiều là một kiệt tác,  một tác phẩm lớn về mặt ngôn ngữ, thi pháp. Còn xét về tư tưởng hay nội dung, vẫn nên xem xét. Còn để đưa nó lên thành “Quốc hồn”, thì căn cứ theo từ điển tiếng Việt, Quốc hồn là tinh thần đặc biệt của một nước do quá trình đấu tranh của nhân dân tạo nên. Tôi thấy Truyện Kiều có lẽ chưa chạm đến được tinh thần đặc biệt của dân tộc Việt.  Tôi cảm được Truyện Kiều và mê Truyện Kiều có lẽ vì một phần là con người tôi trong cách sử dụng chữ nghĩa có đôi chút phô trương, màu mè (tôi thừa nhận), nhưng  đối với nhân dân miền Nam, với cách nói chuyện giản dị, dân dã làm nên bản sắc thì Truyện Kiều hầu như không được ứng dụng bởi cách viết hoa hòe, cầu kỳ cũng như ý tứ sâu xa. Vậy nên, Truyện Kiều có thực sự thấm nhuần vào lời ăn tiếng nói dân tộc, có ẩn hiện trong lời ru tiếng hát, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ..
Lê Thảo Quỳnh