Một bài viết trước đây của tôi, đôi lời về ngành học.
 1. Việc vừa dễ vừa nhàn nhưng lương cao?
Nếu bạn là COCC hoặc con nhà gia thế thì bạn có thể bỏ qua phần này. Bạn là ngoại lệ. 
Còn nếu bạn không thuộc ngoại lệ thì ngưng ảo tưởng.
Giả sử thực sự có ngành vừa dễ vừa nhàn nhưng lương cao. Bạn biết ngành ấy tức là hàng vạn người khác cũng biết. Mọi người đổ xô đi học, dẫn đến cung tăng. Khi cung tăng vượt quá mức của cầu sẽ khiến việc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Giả sử lương sẽ vẫn cao như trước (cũng có trường hợp giảm), nhưng để có được việc đó không còn dễ như trước. Hoặc là bạn cực giỏi hoặc là COCC. Nếu bạn là COCC thì như mình đã nói ở trên, nó là ngoại lệ. Còn nếu bạn cực giỏi thì nhà tuyển dụng sẽ cố gắng vắt hết sức của bạn, nên sẽ không còn chuyện vừa dễ vừa nhàn nữa.
Chốt: Đừng học một ngành vì nghe nói sau này vừa dễ vừa nhàn nhưng lương cao.
2. Nghĩ mình thích ngành này nhưng hỏi tính chất ngành ấy như thế nào thì không biết?
Không hiểu chút gì về ngành, tại sao bạn lại bảo thích nó? Bạn thích nó ở điểm gì? Vì cái tên nghe hay ho?
Để biết rõ hơn việc mình thực sự có phù hợp với một ngành nào đó hay không, bạn cần hiểu càng sâu càng tốt về hai đối tượng, một là bạn, hai là ngành đó. 
Tìm hiểu tính cách bản thân thì có thể check MBTI hoặc bất cứ bài test nào check tính cách của mình. Vừa xem kết quả vừa nghĩ xem có giống mình không, rồi học cách quan sát bản thân, xem mình phản ứng như nào trong mỗi tình huống.
Tìm hiểu năng lực thì mình nghĩ kì thi ĐH và các chứng chỉ có lẽ là đủ. Bạn đủ sức vô trường thì tức là đủ sức theo, đấy là ý nghĩa của kì thi đầu vào. Vào được rồi thì đừng nghi ngờ bản thân mình, hãy tin mình đủ sức, mình sẽ theo được. Có tin thì mới có cơ hội.
Quan trọng là bạn cần tìm hiểu về ngành. Đặc điểm, tính chất, nhân tố, học những gì, tình hình việc làm hiện tại, quá khứ và tương lai. Nếu đọc rồi mà thấy càng đọc càng hay ho thì có thể kiếm các lớp học online trên mạng. Mình khuyến khích việc tự học nên mình nghĩ các bạn nên tự tìm hiểu về các khái niệm cơ bản của ngành ấy, tự google được gì thì google luôn. Cũng có thề mua sách về đọc, lên mạng search list sách thì nhiều, đọc review coi sao. Còn bạn nào tiếng Anh kha khá thì nên search bằng tiếng Anh hơn, trời, tài liệu tiếng Anh nhiều vô vô kể, đông gấp vạn lần kiến, vừa học vừa rèn tiếng Anh luôn. Có rất nhiều khóa học bằng tiếng Anh miễn phí trên các trang web như Youtube, Codeacademy, Khanacademy, Edx, Coursera, bla bla (Cảm ơn cuộc đời!). Trời ơi nhiều lắm lắm lắm, chỉ sợ bạn học không nổi thôi!!! Nếu bạn nào tiếng Anh hơi đuối, lúc đầu học mệt lắm, nhưng đọc hiểu được thì không lo, nếu không nghe được thì bật subtitle, học hết 1 khóa bạn sẽ thấy đỡ hẳn. Nên, một là học, hai là học, ba là, à nhầm, không có ba.
Mình nghĩ, mỗi người không chỉ thích một ngành duy nhất, họ thích vài ngành, chỉ là có thứ tự ưu tiên. Hơn nữa, thích là cảm xúc, mang tính chất cảm tính, nên đôi lúc bạn nghĩ bạn thích nhưng đến lúc thực sự học lại không thấy thích như ban đầu nghĩ nữa. Đôi lúc mình thích một ngành vì mình giỏi nó. Lại có lúc mình giỏi nó nhưng lại không thích nó. Nhưng thường thì kỹ năng đi trước đam mê, giỏi trước rồi mới mê, càng mê lại càng giỏi, rồi càng giỏi lại càng mê.
Cách tìm hiểu: Google.
Chốt: Tìm hiểu kỹ bản thân và ngành học, càng kỹ càng tốt.
3. Mình tìm hiểu kỹ rồi, mình thích ngành này, ngành ý cũng rất ổn sau này, nhưng sao mình vẫn lo quá?
Bạn sợ rằng bạn sai ở đâu đó và sau này bạn không thích nó như bạn tưởng. Bạn nghĩ về tương lai và những chữ nếu. Lần tôi nghĩ tôi sẽ chuyển ngành, tôi thức trắng đêm nguyên tuần, lo không ngủ nổi. Đêm tôi quyết tâm theo nó, tôi nằm co quắp trên giường, ngực đau thắt, tim nhói rất lâu, từng nhịp từng nhịp. Người tôi căng cứng, nặng chịch, dán chặt xuống giường, tưởng như bị cái gì đó hút thật mạnh, và vài giây sau đây thôi, tôi sẽ đột tử. Nhưng bạn biết không? Tôi đã ổn và hoàn toàn ổn. 
Cảm xúc tiêu cực là phản ứng tự nhiên, nó không hề muốn hại bạn. Nó muốn bạn cân nhắc lại mọi chuyện thật kỹ hơn. Nó ở đó để giúp bạn cân bằng. Chấp nhận nó, nó ở đó. Nó cần tự do, nó ghét bị kìm nén hoặc ép buộc. Nếu bạn cố ép nó, nó sẽ nén lại, và đến lúc nó bùng lên thì sẽ mệt hơn cho bạn. Nên đừng sợ cảm xúc tiêu cực của mình, lo sợ là hoàn toàn bình thường. Bạn sẽ ổn. Như tôi. 
Khi đã chắc chắn, hãy dũng cảm. Dũng cảm không phải là không biết sợ. Dũng cảm là dù sợ tái người nhưng vẫn bước tiếp. Vì bạn biết có điều đang đợi bạn ở đó. Nhưng cũng đừng nhầm với bồng bột. Việc học cái gì là quan trọng, nên dành nhiều thời gian cho nó, đừng quyết quá nhanh khi chưa có đủ chắc.
Chốt: Bạn lo lắng là chuyện bình thường. Bạn ổn và sẽ ổn. Tin bản thân và hãy dũng cảm.
4. Lỡ học sai ngành rồi, giờ tính sao?
Hừm, cái này hơi khó, vì ở VN mình muốn đổi ngành thì phải thi lại :"< Ở nước ngoài không cần thi lại, có thể dùng kết quả thi trước đó, nhưng cũng tùy nước mà cách thức khác nhau. Nhưng không phải cuộc đời bạn sẽ phải gắn mãi với ngành bạn đang học. Bạn lựa chọn.
Bạn có thể thi lại. Hoặc bạn có thể tiếp tục học ngành đang học và tự học ngoài (trung tâm, các khóa học ngắn hạn, học online và công cụ siêu tiết kiệm mà cool ngầu - Google), tạo dựng các mối quan hệ liên quan đến ngành, tham gia các hoạt động liên quan đến ngành (sẽ cực đấy :"<). Hoặc bạn ngầu hơn nữa thì xin học bổng nước ngoài (Đội này siêu ngầu rồi :">>)
5. Bổ sung
Nếu lỡ học ngành mình không thích, có thể là do bạn chưa đầu tư công sức và thời gian cho nó, nên bạn cảm thấy mình kém cỏi và tự ti, đâm ra ghét ngành. Nên hãy thử học thật nghiêm túc nó, học vì kiến thức, khi bạn giỏi ngành ấy rồi thì khả năng lớn bạn sẽ thích nó. Còn nếu vẫn không thích nổi thì đúng là nó không phải dành cho mình.
Nếu thi lại thì bạn phải chuẩn bị tinh thần cho những ánh mắt soi mói và những lời nói khinh miệt. Không sao cả, là họ không hiểu hết mọi chuyện nên mới như thế. Ở mình việc đang học một ngành rồi thi lại chuyển ngành như mang trọng tội vậy. Thực sự thì không phải như vậy. Bạn hãy coi như mình dành một năm cùng công sức để tìm cái dành cho mình 30-40 năm về sau vậy. Còn nếu bạn nào nhà hoàn cảnh khó khăn thì mong bạn gắng tiếp, mình nghĩ xoay xở thêm một năm sẽ cực nhưng bạn đã quen và biết cách, bạn giỏi lắm.

Thi lại còn hơn là việc bạn lãng phí 4 năm sức, tiền và thời gian, rồi lại lãng phí những năm sau đó loay hoay với ngành ấy.

Bạn không cần nói quá nhiều, chỉ cần tìm cách thuyết phục bố mẹ và những người thân thiết nhất rằng đây là lựa chọn của bạn, bạn rất cần sự ủng hộ của họ, mong họ giúp bạn. Bạn sẽ mất thời gian tương đối dài để thuyết phục, vì đây là quyết định quan trọng, mọi người cần thời gian để làm quen và hiểu nó. Hãy thật kiên nhẫn.

-----------
Lề: Tôi từng học kinh tế. GPA năm đầu trên 4.5 (thăng điểm 5), tôi học thực, không gian lận mánh khóe, vì thực sự tôi cũng thích học kinh tế. Nó giúp tôi hiểu được nhiều cái xung quanh. Tôi nêu GPA ra chỉ để nói rằng tôi không học kinh tế nữa không phải vì tôi dốt nó, mà là vì dù tôi đã cố gắng học nó, cũng thích học nó, đến bây giờ tôi vẫn thích, nhưng lúc ý tôi vẫn cảm thấy không đủ, tôi thấy thiếu. Hơn nữa môi trường làm việc và cơ hội việc làm sau này cũng có vài điểm tôi ghét. Nên tôi tìm hiểu ngành khác - IT. Và thực sự, càng tìm hiểu IT tôi càng thích nó. Tôi tự học HTML trên Freecodecamp, học vài khóa khác trên Codeacademy, đọc các bài viết về IT, tìm hiểu bất cứ cái gì liên quan đến nó. Sau đó thích không chịu nổi nữa, tôi quyết chuyển ngành. Cũng bị phản đối ghê lắm, mà giờ ok rồi :">>

Phải nói quyết định học IT là quyết định tôi cảm thấy biết ơn và tự hào nhất trong năm 2017. Một năm nhìn lại, tôi cảm ơn mình rất rất nhiều vì ngày đó tìm hiểu IT và tự học một ít code.
-----------
27/12/2017
#Cào_Cào