Triết học với tôi ngày xưa như mặt trăng trên bầu trời, triết học với tôi ngày nay như mặt trăng trong lòng bàn tay tôi chứa nước..
Tôi đã bao ngày ngẫm nghĩ về chủ đề “Triết học thực hành giúp giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống” vì đối với tôi “triết học” là một cụm từ mang khái niệm gì đấy rất mơ hồ… Và đến hôm nay, tôi quyết định đặt bút xuống đây để chia sẻ những gì tôi đã thực hành giúp cho tôi bình yên được trong cuồn cuộn bão táp của cuộc đời. Tôi hi vọng rằng bài chia sẻ của tôi có thể giúp cho các bạn hữu duyên tìm được cách giữ cho mình bình an và hạnh phúc. 

Triết học với tôi, là một điều bình dị. 

Triết học với tôi là những bài thơ ngâm với chất giọng âm ấm pha với chất Huế bùi ngùi của Sư Ông Làng Mai.
Triết học với tôi là những giai điệu da diết của Trịnh Công Sơn những ngày xưa cũ, là những câu hát miên man của Lê Cát Trọng Lý. 
“Lắng nghe và hiểu được những đau khổ bên trong sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề mà chúng ta gặp phải.”
-----Thiền sư Thích Nhất Hạnh-----
"Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
"Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tôi thừa nhận tôi có những nỗi đau

Tôi không ngừng so sánh tôi với bạn bè và luôn tự trách mình với những lời lẽ cay đắng.

Tôi có tuổi thơ với thành tích học tập khiến tôi rất tự hào. Có lẽ vì quá khứ rực rỡ nên những năm tháng đại học khi tôi nhận ra mình không còn giỏi như xưa, tôi chán ghét mình. Nhìn bạn bè năng nổ, giỏi giang, tham gia đủ loại hoạt động, chương trình khiến tôi ghen tị. Còn bản thân mình, tôi luôn ngậm ngùi nhận thư báo kết quả với câu “Xin cảm ơn bạn và rất tiếc vì..” Cảm xúc của tôi ngày càng nhão nhẹt chảy ra hiển hiện rõ ràng nên hai chữ “THẤT BẠI”. Vậy là tôi bỏ cuộc, tôi tự hỏi mình “Sao mày dở vậy? Sao mày nộp gì cũng rớt vậy?” 
Rồi theo sau đó là chuỗi ngày tôi tự trách bản thân thật dở, tôi luôn trách cứ chính mình mà không còn một chút niềm tin nào sót lại nơi tôi. Có chăng, tôi chỉ dần tin rằng, tôi thực sự không có năng lực. Tôi hôm nay tự thấy xấu hổ với tôi của ngày xưa. 

Tôi luôn than trách ông trời và số phận sao lại nghiệt ngã đặt để tôi vào những trường hợp khó khăn cùng cực như thế

Với quá khứ êm ấm ít gặp khó khăn, tôi tự tin bước vào quãng đường đại học. Để rồi khi bị khó khăn và thử thách liên tục đón đầu, tôi thất bại với những vết thương đầy mình. Không nghị lực, hết mạnh mẽ, tôi rớt xuống vực thẳm. Tôi trầm cảm một thời gian với cảm xúc tiêu cực luôn vây quanh và với đôi mắt đầy nước trực chờ tuôn ra bất cứ khi nào. Vậy là tôi trách, sau khi trách mình chán chê, tôi trách đời. Tôi trách ông trời tại sao lại đặt để tôi vào hoàn cảnh cùng cực này. Tôi trách số phận vì sao khiến cuộc đời tôi bê bết khi gặp những người này. Tôi trách tất cả những gì xảy ra khiến tôi không thể tiến bước cũng không thể lùi lại. 

Tôi tuyệt vọng và bắt đầu đi tìm tình yêu bên ngoài để lấp đầy bên trong mình - mục ruỗng với đầy nỗi đau

Trong thân tâm tôi, tôi có một ly tình thương khô cạn.Tôi thèm khát tình thương! Tôi thèm những cái ôm ấp mang hơi ấm và động viên. Tôi thèm cảm giác có ai đó hoàn toàn lắng nghe mình - chỉ vỏn vẹn lắng nghe với không một phán xét nào được tuôn ra. Tôi xa gia đình từ khi học cấp 3, tôi không hợp và có rất ít bạn bè thời đại học. Sự cô đơn luôn vây lấy tôi nên tôi đã bắt đầu vươn sức đi tìm tình thương bên ngoài. Tôi sắm cho mình rất nhiều bản thể khác nhau khi tìm được bến đỗ. Cốt yếu cũng chỉ để làm hài lòng đối phương vì tôi luôn mang nỗi sợ bị bỏ rơi trong mình. Kết cục tôi nhận được là sự trống rỗng! Tôi mục ruỗng vẫn hoài mục ruỗng, chiếc ly của tôi vẫn chưa khi nào được lấp đầy. 
"Buông bỏ" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
"Buông bỏ" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
“Tịch tình tính tính tang tang
Ngày vui mang thai ngày buồn
Tịch tình tính tính tang tang
Lệ cay mang thai cười vui” 
Lời bài hát Mang Thai
-----Lê Cát Trọng Lý-----
Bạn có biết không, Vũ Trụ này luôn hoạt động với những quy luật rất rõ ràng, ở quãng 22 của đời người, tôi rớt xuống vực, tận cùng sâu thẳm. Và, như một quy luật hiển nhiên, điều gì rớt xuống chạm mức rồi thì cũng bắt đầu vực dậy, như một biểu đồ hình sin, có khi còn “trồi lên” cao hơn những đỉnh ban đầu! 

TÔI “TRỒI LÊN” TỪ ĐÁY VỰC THẲM ĐỂ BẮT ĐẦU HỌC CÁCH NHÌN NHẬN NỖI ĐAU VÀ CHỮA LÀNH CHÚNG

Tôi ngừng tự trách và bắt đầu “kết bạn với chính mình”, tin tưởng bản thân nhiều hơn

“Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số 1? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc”
-----Thiền sư Thích Nhất Hạnh-----
Đau khổ cùng cực, tôi bắt đầu tìm về nương tựa nơi Bụt. Tôi đọc danh ngôn của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, những câu danh ngôn khiến tôi bắt đầu nhìn lại mình. Tôi im lặng lắng nghe chính mình, tôi tự hỏi rằng, điều tôi thật sự muốn trong cuộc sống này là gì? Là giấy chứng nhận, là nhìn cho “oách” để phải luôn tự dằn vặt bản thân vì không đủ giỏi hay tôi rốt cuộc chỉ muốn được sống hạnh phúc mỗi ngày với một buổi chiều lộng gió ngả lưng dựa vào tảng đá trên nền cỏ êm ái của khuôn viên trường để đọc sách và biết rằng tôi hôm nay đã tốt hơn tôi của ngày hôm qua được một chút? 
Tôi tĩnh lặng. Tôi nhẹ nhàng làm bạn với bản thân mình để lắng nghe câu trả lời rốt cuộc tôi muốn gì. Và sau đó, tôi hiểu rằng, tôi muốn tôi ngày càng trở nên ưu tú hơn, không phải khi so sánh với bạn bè, mà là khi so sánh với tôi của quá khứ. Tôi ngừng tự trách mình vì tôi hiểu, thay đổi nào cũng cần thời gian và sự kiên trì cố gắng mỗi ngày. Tôi tạo mối quan hệ tốt với chính mình bằng cách nói với mình những lời tích cực, và tôi trao niềm tin cho tôi nhiều hơn. Khi đứng trước khó khăn hay cơ hội nào, tôi đều tin bản thân tôi có thể “xử lý” và “nắm bắt” được một khi tôi cố gắng hết sức mình. Vậy nên tôi đã vô tình bắt đầu áp dụng luật Hấp dẫn vào trong cuộc sống của mình và đã dần gặt hái được những quả ngọt nho nhỏ! 
Vậy là, tôi chọn làm người hưởng thụ hạnh phúc, và thành công không trong vị trí nạn nhân!
Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tôi dừng than trách số phận ngược đãi và mở rộng lòng mình để đón nhận hết thảy mọi sự trong đời

“..Đời cho ta thế cứ hãy cất bước đi mọi nơi
Đời cho ta thế cứ hãy sống tới như mọi ai
Đời cho ta thế đứng giữa bão tố không buồn vui
Đời cho ta thế với những sớm tối không đổi thay..”
Lời bài hát Đời Cho Ta Thế
-----Trịnh Công Sơn-----
Quay về nương tựa nơi Bụt, tôi hiểu ra rằng mọi sự xảy ra trên cuộc đời này không sự nào là dư thừa. Bất cứ chuyện gì xảy ra đều có nguyên nhân của riêng nó. Có chuyện ta thấy rõ nguyên nhân trước mắt, có chuyện ta phải ngẫm nghĩ hồi lâu mới ngồ ngộ ra, lại có chuyện, ta không tài nào biết được nguyên nhân vì sao. Nhưng, ta có thể biết rằng, ta đang sống và hoạt động dưới những quy luật của Vũ Trụ này, và luật Nhân quả là điều không một ai có thể trốn tránh được. 
Vậy nên, tôi bình tĩnh chiêm nghiệm lại những nỗi đau đã đến trong đời mình. Đương nhiên sẽ có những điều tôi không thể lí giải được, và tất nhiên, cũng có những điều tôi hiểu rõ nguyên nhân (phần lớn nằm ở tôi) vì sao chúng xảy ra với tôi. Tôi rút ra được nhiều bài học cho mình, và cũng thầm “Cảm ơn” quá khứ vì nếu không có nó, có lẽ tôi đã không thể bước sang trang mới của cuộc đời - tươi sáng và hạnh phúc hơn. 
Kể từ sự nhận thức sâu sắc này, tôi dừng oán trách số phận, oán trách ông Trời lại. Tôi bắt đầu thực hành trang bị một tâm thế cởi mở nhất để đón nhận tất cả mọi sự sẽ xảy ra tiếp theo trong đời tôi. Khó khăn và thử thách, niềm đau và nước mắt, nếu có xuất hiện thì tất cả cũng giúp tôi học một điều gì đó mà tôi phải học trong kiếp sống này thôi! 
"Biết thương mình để được thương" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
"Biết thương mình để được thương" - Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tôi không mang chiếc ly khô cạn tình thương đi tìm kiếm “cứu trợ” nữa! Tôi bắt đầu tự làm đầy chiếc ly tình thương cho mình! 
“Ai là kẻ có thể hiểu anh, có thể thương anh? Nếu anh không hiểu được anh, nếu anh không thương được anh, thì anh sẽ hiểu được ai và anh sẽ thương được ai?” 
-----Thiền sư Thích Nhất Hạnh-----
Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống này, ai ai cũng cần được thấu hiểu và yêu thương. Yêu thương có thể nói là bản năng của con người nhưng để yêu thương thật trọn vẹn, thì chúng ta cần phải học cách yêu thương sao cho đúng! 
Thời điểm nỗi đau chồng chất trong tôi, tôi làm gì biết đến khái niệm yêu bản thân mình! Tôi bỏ mặc bản thân với những thói hư tật xấu. Tôi không tập thể dục, tôi ăn uống không lành mạnh, tôi lười biếng và sống không mục đích. Tôi chỉ luôn đem chiếc ly khô cạn của mình đi xin lòng thương từ bên ngoài mặc cho trước khi được rót tình thương vào thì tôi có thể sẽ đau lòng nhiều hơn nữa. 
Và cũng từ lúc về với Bụt, tôi hữu duyên đọc được những chỉ dạy của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, tôi biết rằng, điều tôi cần làm trước tiên là học cách yêu thương bản thân mình. Tôi phải lắng nghe bản thân mình, hôm nay tôi thế nào, tâm trạng tôi ra sao. Tôi và bản thân mình bắt đầu hiểu nhau hơn. Tôi hiểu luôn cả những điều không tốt ở mình, tôi chấp nhận, bắt đầu tu sửa.
Tôi xây dựng cho mình thói quen sống khoa học và lành mạnh. Tôi tập dậy sớm, ăn uống điều độ và tập yoga, ngồi thiền mỗi ngày. Tôi cho bản thân thời gian, từng chút một và tăng dần mức độ theo từng ngày. Không nuông chiều bản thân quá mức và đưa bản thân vào khuôn phép kỷ luật vừa phải. Tôi dần dần làm đầy ly tình thương của tôi. Điều này khiến tôi không cảm thấy thiếu thốn tình thương nữa. Chính tình thương của tôi đã lấp đầy mọi sự trống rỗng trong mình. Tôi biết rằng, tương lai sau này, tôi sẽ trở thành một người mà nếu có ai đó đến với tôi, tôi niềm nở đón chào, nếu có ai đó hết duyên rời đi, tôi ấm áp đưa tiễn. Tôi vẫn là chính tôi dù có ai đến hay đi khỏi đời mình. 
Vậy nên, khi hiểu và thương chính mình rồi, tình thương trong mình sẽ luôn ngập tràn và khi ta có đi cùng đường với người thương, ta cũng sẽ hiểu và thương người thương như thương mình! Tôi tin đây chính là luật Cân bằng của Vũ Trụ. 
Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tranh thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Có thể sau khi đọc đến đây, bạn sẽ tự hỏi vậy triết học thực hành của tôi nằm ở đâu?! (^^) Có lẽ phải trả lời triết học thực hành của tôi là một nồi lẩu thập cẩm (miền Tây gọi là “hằm bà lằng”) với những lời dạy của Bụt, những bài giảng của Sư Ông Làng Mai và đặc biệt, những ẩn ý chất chứa trong lời hát của Lý, trong sáng tác của Trịnh. Và, bạn tin không, như tôi đã lồng ghép vào trong 3 điều tôi thực hành để giải quyết nỗi đau và khó khăn, tôi tin vào quy luật Vũ Trụ! Luật Nhân quả, luật Hấp dẫn và Luật Cân bằng là 3 quy luật mà hiện tại tôi đã cảm nhận và xác thực một cách rõ ràng nhất! 
Tôi xin kết bài bằng một câu văn kinh điển thời cấp 2 rằng: “Bài viết đến đây cũng đã dài, tôi xin phép được dừng bút”! Tôi hi vọng các bạn sẽ “lụm” được một điều gì đó có thể giúp các bạn vượt qua khó khăn trong cuộc sống (nhất là vào thời điểm dịch bệnh này) từ trong bài viết của tôi! Tôi muốn lan tỏa cho các bạn niềm tin yêu vào cuộc sống và sự an yên, hạnh phúc khi ta vui sống trong phút giây hiện tại. 
"Niềm hi vọng là điều rất quan trọng. Nó giúp cho hiện tại bớt khắc nghiệt. Nếu ta hi vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, ta sẽ chịu đựng được khó khăn của hôm nay."
-----Thiền sư Thích Nhất Hạnh-----