Đệ tam đế chế chỉ là một đế chế tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử lâu dài của thế giới này, nhưng đó là một đế chế mà không người Châu Âu nào có thể quên được. Không phải vì sự phát triển thịnh vượng hay tiến bộ vượt bậc, thứ người ta không thể quên đó là chiến tranh, chính sách diệt chủng, cướp bóc, lao động nô lệ đến từ những con người bị xiềng xích bởi tư tưởng  quốc gia cực đoan. Trong những năm ác liệt của chiến tranh, người Đức đặt ra một thứ gọi là Trật Tự Mới lên những lãnh thổ bị chiếm đóng. Trật Tự Mới này được tạo ra mới mục tiêu duy nhất: lấy người Đức làm trung tâm, tiêu diệt mọi chủng tộc được cho là hèn kém trong mắt Đức Quốc Xã. Những quyết định tàn ác đưa ra nhằm mục tiêu xóa sổ các nền văn minh đang tồn tại trên thế giới này.
Chúng ta sẽ đi qua mặt tối của quốc gia đã phát động thế chiến II trong bài viết này, nhằm hiểu thêm phần nào về quá khứ kinh khủng mà Hitler cùng lũ côn đồ cấp dưới áp đặt lên đế quốc rộng lớn của ông ta.

Những ý định ban đầu

Không có một tài liệu hay kế hoạch rõ ràng nào nói về Trật Tự Mới, nhưng từ những gì người ta đã biết sau chiến tranh, có thể nói rằng Hitler muốn có một nước Đức thống trị Châu Âu. Phát xít sẽ biến Châu Âu thành nô lệ, tài nguyên của lục địa sẽ bị khai thác nhằm phục vụ cho người Đức, những người “hạ đẳng” theo học thuyết Quốc Xã, đặc biệt là người Do Thái và những dân tộc Slav ở Đông Âu sẽ bị tiêu diệt. Hitler cho rằng họ không có quyền sống ngoại trừ một số người Slav có thể làm nô lệ. Cùng với đó “Không gian sống” là mục tiêu chính yếu, Đức sẽ xâm lược sang Đông Âu, sau đó đuổi hoặc tiêu diệt người dân bản địa và những vùng đất sẽ được cải tạo để người Đức định cư ở đó. Nền văn minh của dân tộc Slav gồm người Ba Lan hay Nga sẽ bị xóa sổ, những thành phố lớn như Warsaw hay Moscow sẽ bị san phẳng thành bình địa cùng dân cư; sẽ không có nền giáo dục cho họ, giới tri thức là nguy hiểm cần loại trừ sạch sẽ, theo Hitler, sẽ không còn bất cứ người Do Thái nào tồn tại ở châu Âu.
Những kế hoạch truyền miệng này lúc đầu chỉ có những lãnh đạo của Quốc Xã được biết, nhưng khi chiến tranh nổ ra, nó được đưa tới những người bình thường hơn, người ta thực hiện nó một cách đầy triệt để.
Dù nghe có vẻ tàn ác, nhưng chúng ta không thể làm khác được. Đây vốn dĩ là quy luật của cuộc sống. Giống loài vượt trội sẽ sống sót trong khi những kẻ hạ đẳng bị diệt trừ. Adolf Hitler
Nhưng trước khi bắt đầu đi vào Trật Tự Mới của người Đức, ta phải biết được cuộc sống của người dân Đức từ trước khi chiến tranh xảy ra.

Cuộc sống trong nước Đức

Trước tiên ta cần phải hiểu rõ đời sống trong chính nước Đức từ khi Quốc Xã lên nắm quyền năm 1933. Hiểu rõ được bản chất trong cuộc sống của chính người dân trong nước Đức, lúc đầu là một nền cộng hòa đang trên đà sụp đổ bởi khủng hoảng và nợ nần, người Đức chưa bao giờ nhục nhã như vậy. Họ mong ước một chính phủ có thể đổi thay Đế Chế đang sụp đổ của họ, chính phủ kế nhiệm do Adolf Hitler thành lập mang lại niềm hi vọng mãnh liệt cho người Đức. Có thể nói người Đức yêu nước một cách cuồng nhiệt, thật khó tin khi ai đó sống trong giai đoạn bị kiểm soát báo chí, tự do ngôn luận, khủng bố, mà lại bình thản như người Đức được. Từ khi chế độ mới thành lập, hàng ngàn cuốn sách bị đốt cháy bởi những sinh viên, một trong những việc làm tự phá hoại nền tri thức, những cuốn sách được cho là mầm mống bất ổn của những kẻ đầu độc nước Đức. Các tác phẩm nghệ thuật cũng bị giới hạn, các vở kịch vĩ đại và tráng lệ của nên văn minh nhân loại lại được thay bằng những thứ nhàm chán, rỗng tuếch, tới nổi người ta phải tẩy chay các vở kịch này vì nó quá nhảm nhí.
Báo chí, truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, mọi tờ báo chỉ được phép đăng nhưng tin mà Quốc Xã định trước. Các nhà đài đăng những thứ sai lệch về tính chính xác, truyền đạt tư tưởng phân biệt chủng tộc vào đầu người dân Đức. Thoạt đầu không phải ai cũng nghe theo, nhưng con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Nhiều năm sống trong chế độ chuyên chế, người ta bị lung lay về mặt nhận thức, các thông tin sai lệch dễ làm con người lung lay, ta không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng khi sống nhiều năm trong cách tuyên truyền có tính toán từ trước. Khi đó người ta bắt đầu nhiễm tư tưởng cực đoan, người Đức lập lại những thông tin mà họ nghe được như được lập trình sẵn từ trước, khi một người nói ra sự thật, họ chỉ nhận lại những ánh mắt kinh ngạc của người Đức.
Về giáo dục, một tổ chức tên là Đoàn Thanh Niên Hitler được thành lập, với mục đích giáo dục thể chất, trí tuệ, tinh thần theo lý tưởng của chủ nghĩa Quốc Xã. Hitler vốn không có đam mê với việc cho con trẻ học hành một cách bình thường. Ông cho rằng những môn khoa học tự nhiên, là những thứ vô bổ, vũ khí của người Do Thái nhằm thống trị thế giới, hay thực tế hơn thì Hitler vốn dốt đặc về những môn này. Hitler không mong đợi gì vào các chương trình giảng dạy, thứ ông ta muốn chính là muốn sử dụng giáo dục để hướng giới trẻ tới ý thức hệ của Quốc Xã. Có lẽ, chính quyền Đức rất biết cách sử dụng sức mạnh của giáo dục.
Từ 6 tuổi tới 18 tuổi, tất cả nam nữ đều được kết nạp vào đoàn thanh niên Hitler. Cha mẹ không thể ngăn cản được việc này, tất cả hành vi chống đối sẽ bị phạt tù, việc phản kháng đưa con mình vào một tổ chức bất ổn là vô ích, khi các vụ mang thai xảy ra nhiều.
Trẻ em từ 6 đến 10 tuổi sẽ vào nhóm nhi đồng, khi trẻ 10 tuổi , phải trải qua các cuộc thi về thể chất, cắm trại, lịch sử Quốc Xã.
Đến năm 14 tuổi, học sinh được nhận vào Đoàn thanh niên Hitler cho đến năm 18 tuổi. Đoàn viên của tổ chức bán quân sự này được huấn luyện về thể thao, quân sự, thuyết Quốc Xã và các hoạt động ngoài trời khác, kỉ cương được cho là quan trọng trong đoàn thanh niên này. Các buổi huấn luyện quân sự được phổ biến tới thanh niên, đương nhiên, các nữ thanh niên cũng đi tập trận như nam, được cấp đồng phục và huấn luyện tương tự các nam thanh niên. Khi đến 18 tuổi, các thanh niên sẽ gia nhập nghĩa vụ quân sự hay lao động. Có vài nghìn nữ thanh niên phục vụ lao động trong nông nghiệp. Những người này sống trên nông trường hoặc trong lều, khi sáng sớm được chở đi làm việc. Sự hiện diện của những cô gái trẻ trung xinh đẹp này đôi khi làm nông dân khó tập trung làm việc, có nhiều vấn đề về đạo đức xuất hiện, người ta phàn nàn về việc con gái của mình mang thai ngày càng nhiều. Vấn nạn càng nghiêm trọng hơn khi các thiếu nữ ở gần khu vực nghĩa vụ lao động của nam thanh niên. Nhưng các cấp lãnh đạo không coi những vấn đề này vi phạm đạo đức. Người ta thường nghe những lời giảng dạy của các lãnh đạo đoàn thanh nữ (thường xấu xí và ế chồng) nói về việc nhiệm vụ cao cả của người phụ nữ Đức là sinh ra đứa con thuần chủng về dòng máu thượng đẳng. Đó là cách thể hiện lòng yêu nước nồng nàn đối với Đế chế. “Hãy sinh con trong hôn nhân nếu được hoặc ngoài hôn nhân nếu cần thiết”.
Nhưng dù có phần ép buộc và kỉ cương cùng nhiều vấn đề, không thể phủ nhận các thanh niên đã được huấn luyện về tâm lý tốt. Dù họ bị tách khỏi gia đình, tư tưởng bị truyền nhiễm nặng nề, chương trình giáo dục không giống một nơi nào, nhưng có vẻ họ vẫn khá hạnh phúc, tràng đầy sức sống; sẵn sàn cống hiến mạng sống của mình cho Đệ Tam Đế Chế. Cuộc sống trong đoàn thanh niên Hitler  mang mọi giai cấp đến với nhau, mọi người đến sống với nhau dù giàu hay nghèo, con nhà nông hay công. Các thanh niên làm việc ngoài trời hiểu được ý nghĩa của lao động chân tay, họ hòa thuận với mọi người dù ở bất kì tầng lớp. Các phong trào vui chơi đều rất năng động và vui vẻ, sức khỏe thể chất của thanh niên rất tốt . Giới trẻ của Đế chế Đức có niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước họ.
Về phần công lý trong đế chế.Luật Pháp Quốc xã đã nêu rõ từ lúc hình thành. Hitler chính là luật. Người ta nói luật là lệnh của Hitler. Ông ta tuyên bố mình là lãnh tựu tối cao của dân tộc Đức, với quyền hạng bắt ai chết là phải chết. Như thế Ta biết luật pháp của Quốc Xã như một ngôi nhà không có nội thất bên trong. Các vụ xét xử công bằng trong quốc gia này từ năm 1933 trở nên ngớ ngẩn khi bị cáo xét tội phạt tù nhẹ trong các phiên tòa sau khi ra ngoài liền bị mật vụ đưa vào trại tập trung. Hay có những vụ án chỉ được xét xử trong vòng một ngày, không có người làm chứng cho bị cáo, còn luật sư thì biện hộ một cách hời hợt, phán quyết đưa ra thường là tử hình.
Nhiều người bị bắt đưa vào trại tập trung vì bị nghi ngờ có ý định chống phá, họ bị bắt ở bất cứ đâu. Trong các trại tập trung dù mới những năm đầu 1933, thì chính luật pháp đã tạo ra những vụ giết người. Có một bản luật của trại Dachau do chỉ huy trại là Theodor Eicke soạn vào đầu tháng 11 năm 1933 cho thấy rõ ràng điều này:
Điều 11: Người phạm những tội sau đây... sẽ bị treo cổ: phát biểu và tụ tập chống đối; tạo bè đảng và rình rập người khác; tuyên truyền cho phe đối lập; cung cấp thông tin đúng hoặc sai về trại tập trung, đưa những thông tin này cho bất cứ ai ngoài trại đều sẽ phải bị hành quyết. Điều 12: Người phạm những tội sau đây... sẽ bị bắn ngay lập tức hoặc bị treo cổ: tấn công một nhân viên bảo vệ hoặc sĩ quan. Không tuân lệnh hoặc xô xát, lớn tiếng, phát biểu trong khi làm việc hay di chuyển.
Vậy có thể thấy rõ, Công lý trong Đế Chế Thứ Ba không tồn tại với những kẻ khác ý thức hệ, Quốc Xã làm mọi cách để thay đổi nhận thức, ý chí của con người. Cho dù có những người vẫn giữ được lập trường, thì việc chống đối vốn không thể thực hiện được.

Cướp bóc Châu Âu

Từ Tư tưởng của Quốc Xã, có thể thấy họ sẽ làm gì đầu tiên với những lãnh thổ bị chiếm đóng của mình; cướp bóc một cách triệt để mọi thứ như nhân vật quyền lực thứ hai của Đức Hermann Goering đã nói :
Trước đây người ta thường nói là cướp bóc, nhưng bây giờ nhiều việc có vẻ văn mình hơn . Mặc vậy, tôi dự định sẽ cướp bóc, và cướp bốc tận lực.
Thật khó để biết chính xác Phát Xít đã lấy bao nhiêu tài sản, đó là con số mà không ai có thể tính toán được, nhưng từ những số liệu của Đức cùng ước tính của Đồng Minh thì Đức đã chiếm đoạt 40 tỉ USD, thực tế thì con số này có thể còn lớn hơn nhiều. Mọi hàng hóa thiết yếu được cho là cần thiết sẽ bị tịch thu và chở về nước Đức, như ở Pháp đã bị cướp 9 triệu tấn ngũ cốc, 75% tổng sản lượng lúa mạch, 85% dầu hỏa, 74% thép..., còn ở Đông Âu,Toàn quyền Ba Lan là Hans Frank nói sẽ vắt kiệt mọi thứ ở Ba Lan nếu còn có thể vắt kiệt được. Mọi hàng hóa nông nghiệp, các máy móc thiết bị, nhà máy bị chuyển sang Đức, người dân chỉ được cung cấp một lượng thực phẩm thiết yếu đủ để tồn tại, rồi họ sẽ làm nô lệ phục vụ cho đế chế; các cơ sở giáo dục là không cần thiết. Tại Liên Xô thì mọi thứ đã bị tàn phá nặng nề nên hành động cướp bóc khó thực hiện hơn. Theo Liên Xô đã có 9 triệu con bò, 9 triệu tấn ngũ cốc, 2 triệu tấn cỏ, 3 triệu tấn khoai tây đã bị bòn rút trong suốt thời gian chiếm đóng.
Người Do Thái đặc biệt bị cướp đoạt tài sản một cách mạnh mẽ, nhà cửa, tiền bạc, vật dụng, hay thậm chí sách vở. Hàng trăm nghìn trang trại của người Do Thái bị thu hồi, sau đó được chuyển lại cho người Đức đến định cư, người Do Thái không bao giờ được đền bù một khoảng chi phí nào cho những chuyện này; ngược lại, mọi việc còn trở nên khủng khiếp hơn khi người Do Thái bắt đầu bị thảm sát, Đức Quốc Xã lấy mọi thứ từ người họ khi họ bị hành quyết, quần áo, trang sức đều được cống hiến cho đế chế này. Có một vài gia đình người Đức còn sưu tầm da của nạn nhân, da được làm thành nhiều vật trang trí như chụp đèn, một sở thích man rợ đến lạ người của những vị chủ nhân thượng đẳng.
Không chỉ hàng hóa, ngay cả những tác phẩm nghệ thuật từ bảo tàng của các quốc gia còn bị chuyển về Đức, những tác phẩm được cung cấp cho Hitler và Goering để làm bộ sưu tập cá nhân, được chuyển vào bảo tàng Đức, có nhiều tác phẩm bị bán đấu giá, một số thì bị đốt cháy công khai. Việc trộm cắp này đa số diễn ra ở Pháp nơi có nhiều bảo vật nghệ thuật nhất. Người ta ước tính được rằng đã có 21.000 tác phẩm nghệ thuật bị lấy đi. Đó là một thiệt hại nằng nề về mặt nghệ thuật ở Châu Âu, những tác phẩm vô giá bị cướp bóc một cách có hệ thống theo ý muốn của những kẻ tham lam. Cũng giống như sách, Các tác phẩm không hợp ý Quốc Xã bị đốt cháy để lại hậu quả vô cùng lớn. Con người sống trong Trật Tự Mới này có lẽ cũng nhận ra, nếu thời kì này còn tồn tại lâu dài thì nền văn hóa của nhân loại sẽ bị hủy hoại hết. Việc cướp bóc có lẽ cũng khiến người ta biện minh được vì mục đích hỗ trợ chiến tranh mặc dù điều đó làm người dân tại vùng chiếm đóng khổ sở hoặc đôi khi là chết đói, nhưng bản chất tham lam của Quốc Xã thể hiện rất rõ và không thể biện minh khi lấy đi những tác phẩm vốn chẳng giúp gì cho chiến tranh; cùng với bản tính tàn ác vốn có của bè lũ Phát Xít được bộc lộ sau này khi thứ họ cướp đi không còn là của cải vật chất mà ngay cả mạng sống con người cũng bị tước đoạt.

Lao động nô lệ trong Trật Tự Mới

Đức Quốc Xã tận dụng mọi nguồn lực từ những quốc gia bị xâm lược trong thế chiến II, không chỉ tài nguyên mà cả nguồn nhân lực khổng lộ cũng được tận dụng, người dân bị cưỡng ép lao động phục vụ cỗ máy chiến tranh đang chống lại thế giới. những người này ban đầu thuộc một nhóm tuổi nhất định để lao động. Tuy nhiên, sau thất bại của chiến lược Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng)  năm 1942 đã mang lại một bước ngoặt quan trọng khi Đế chế Đức chuyển đổi sang nền kinh tế chiến tranh toàn diện. Trong bối cảnh gần như tất cả nam công dân Đức đều phải nhập ngũ, việc sản xuất vũ khí hay nhu yếu phẩm, hay mọi thứ duy trì cuộc chiến với Liên Xô chỉ có thể thành hiện thực bằng việc bóc lột lao động nước ngoài hàng loạt. Lao động nô lệ chiếm hơn 1/4 nguồn lao động, trong một số nhà máy có tới 60% lực lượng lao động trong một số bộ phận. Với người Đức, chỉ lao động nô lệ mới có thể duy trì nguồn cung cấp và việc sản xuất vũ khí. Các tập đoàn lớn cũng như các ngành thủ công nhỏ, các xã, các cơ quan hành chính, ngay cả nông dân hay các hộ gia đình tư nhân vẫn tiếp tục đòi hỏi ngày càng nhiều lao động nước ngoài. Họ cùng chịu trách nhiệm về hệ thống lao động cưỡng bức. Ngành công nghiệp được hưởng lợi từ việc mở rộng sản xuất nhờ lao động cưỡng bức.
Tất cả quốc gia bị Đức xâm lược đều bị cưỡng bức lao động, người dân bị bắt đi các trại lao động, nông trường, nhà máy, nhiều người được vận chuyển đi nơi khác, xa khỏi quốc gia của mình. Ước tính có khoảng gần 12 triệu người bao gồm thường dân nước ngoài và tù binh chiến tranh là lao động nô lệ cho Đức. Thường thì họ bị xúc phạm, ngược đãi, đánh đập, tra tấn dã man, môi trường làm việc bẩn thỉu.Trẻ em cũng không có ngoại lệ, miễn là đủ tuổi để làm việc thì tất cả sẽ đều bị bắt đi. họ phải làm việc liên tục nhiều giờ liền mà không được cung cấp thực phẩm, tình trạng chết đói diễn ra thường xuyên trong các trại lao động, nhà máy. Việc có được thức ăn vốn vô cùng quý giá lúc này. Tất cả những điều này được phục vụ cho nền kinh tế chiến tranh của người Đức vốn thiếu nguồn lực hơn kẻ thù của mình là Liên Xô, nhưng Đức Quốc Xã đã sai lầm trong chính sách tàn bạo này. Tù binh hay nạn nhân của các cuộc lao động dài ngày ốm yếu luôn căm ghét Quốc Xã, họ sẽ không thể làm việc được nhiều như người Nga vốn đang tận dụng mọi nguồn nhân lực của Liên Bang, những con người của Liên Xô lao động một cách đầy tâm huyết với lòng yêu nước, ý chí bảo vệ sự tồn tại của  bản thân, quốc gia mình. Tinh thần đó là sức mạnh mà Đức Quốc Xã không có được khi họ sử dụng lao động nô lệ, cùng chính sách không để phụ nữ Đức tham gia lao động của mình. Người Đức sẽ sớm nhận kết cục thất bại.
Thông thường các nô lệ lao động bị bắt đi một cách bất ngờ, Quốc Xã không quan tâm người dân thuộc địa phản ứng như thế nào, chống đối thường dẫn tới bị bắn ngay lập tức. Các báo cáo của Đức tràn ngập nhiều vụ bắt bớ bạo lực như thế này. Việc bắt bớ thường dân diễn ra một cách tàn bạo, người ta có thể bị bắt ở bất cứ đâu dù đang đi dạo hay ở trong nhà, dù ở thành thị hay ở nông thôn, bất cứ ai cũng sợ hãi vì có thể bị bắt đi mà không hay biết gì, trong một số trường hợp, những người trẻ tuổi bị bắt trong các buổi lễ ở trường hoặc nhà thờ. Mọi việc quá sức tưởng tượng tới nỗi có một quan chức viết cho toàn quyền Ba Lan là Hans Frank:
Việc săn lùng người diễn ra một cách tàn nhẫn  và man rợ, được thi hành ở mọi nơi từ thành thị tới nông thôn, trên đường, quãng trường, nhà ga, ngay cả trong nhà thờ, nhà riêng. Cư dân hoang mang vì cảm thấy nguy hiểm. Tất cả có nguy cơ bị bắt đi dù họ ở đâu trên mặt đất. Chẳng ai biết được điều gì xảy ra với người thân của mình
Sau khi bị bắt, các nạn nhân của Trật Tự Mới sẽ được chuyển đi các trại tập trung bằng tàu hỏa. Điều cũng kinh khủng không kém như lúc họ bị bắt:
Vì có nhiều xác chết trên xe lửa chở các lao động về, một thảm họa có thể xảy ra... Trên xe lửa này, có một số phụ nữ sinh con trong cuộc hành trình rồi trẻ sơ sinh bị ném ra khỏi cửa sổ. Những người bị bệnh lao và những bệnh lây lan qua đường tình dục đi cùng toa xe. Nhiều người hấp hối nằm mà không có lớp lót rơm, và một người chết bị ném lên nền đường sắt... Trên các chuyến chở về hẳn cũng có tình trạng tương tự. một báo cáo của phát xít Đức ngày 30/9/1942
Nhưng cũng chưa phải là tất cả, thứ đón chờ họ ở phía trước còn kinh khủng hơn những việc này, rồi người ta nhận ra cuộc sống của mình thật mong manh như những con chuột lang bị giết bởi những kẻ không còn là con người, những công việc nặng nhọc, những cơn đói cồn cào, những căn bệnh, những trận đòn roi, tất cả đều đang chờ họ đến.
Đức Quốc Xã bắt hơn 2 triệu tù binh làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí và đạn dược phục vụ chiến tranh, điều này vi phạm các công ước quốc tế quy định không được sử dụng tù binh làm những việc như vậy. Thậm chí có nhiều tù binh Nga còn bị bắt điều khiển súng phòng không hay tải đạn ra chiến trường. Chính sách lao động còn dành cho các vùng lãnh thổ phía Đông bị chiếm đóng chủ yếu dựa vào kẻ thù chính trị, tù binh, người Do Thái cho những công việc đòi hỏi nhiều lao động nhất. Họ buộc phải sửa chữa đường xá, san bằng các tòa nhà không thể sửa chữa, dọn sạch không gian cho các địa điểm xây dựng mới, khôi phục các cây cầu, xúc tuyết; có nhiều tù nhân làm việc thiêu xác người trong ở các lò thiêu sau khi Đức Quốc Xã giết người trong phòng hơi ngạt, nhưng sau cùng họ cũng sẽ phải chết. Điều kiện sống của những  lao động  vô cùng mong manh, bởi họ không được cung cấp đầy đủ lương thực nhưng lại phải làm việc trong hàng giờ liền không được nghỉ ngơi đầy đủ, dịch vụ y tế tồn tại rất ít đối với người lao động. Người làm việc bị đủ các thứ bệnh hoặc kiệt sức không thể làm việc được nữa, sau cùng sẽ bị bắn. Và việc bị bệnh vốn là đặc điểm nhận dạng của lao động nô lệ. Có nhiều nô lệ nữ làm việc trong tổ hợp nhà máy công nghiệp Krupp bị nhiễm nhiều thứ bệnh. Một bác sĩ đã mô tả lại việc này trong tòa án Nuremberg:
Khi đến đấy lần đầu, tôi thấy những người phụ nữ này bị nhiều vết thương mưng mủ cùng nhiều bệnh khác. Tôi là bác sĩ đầu tiên mà họ gặp trong ít nhất nữa tháng… Không vật dụng  y tế… Họ không có giày, chỉ đi chân không. Trang phục duy nhất cho mỗi người chỉ là một tấm vải lớn với những lỗ cho đầu và hai tay. Họ được cạo trọc đầu. Trại được rào bằng dây kẽm gai xung quanh và được canh giữ cẩn mật. Lượng thực phẩm trong trại rất ít và chất lượng rất kém. Ai nấy đều có bọ chét…
Mặc dù có nhiều người đã báo cáo tình trạng kinh khủng này nhưng tất cả đều vô ích. Chẳng có gì cải thiện. Các trại lao động quá đông đúc làm dễ lây lan nguồn bệnh, thiếu thức ăn, nước uống, nhiều chuột bọ ruồi muỗi truyền nhiễm bệnh tật.
Trong những hoàn cảnh éo le của số phận như vậy, việc cái chết đến với người ta rất dễ. Lao động nô lệ của Trật Tự Mới này biết rất rõ rằng có nhiều khả năng là họ sẽ chết nhanh thôi, việc bị bỏ đói cùng với làm việc kiệt sức khiến cho nhiều nhu cầu sống của họ bị giới hạn lại. Người lao động trong cái đói, rét không  hay nghĩ về phụ nữ nếu họ là đàn ông hoặc các loại hình giải trí tiêu khiển thú vui khác. Có nhiều người mất đi ý chí sống của mình, bị làm nhục,đánh đập tra tấn, xỉ vả mỗi ngày bởi những binh sĩ canh trại, thật khó để có thể chịu đựng được hoàn cảnh éo le này. Nhưng cũng có nhiều người vẫn còn ý chí sống mãnh liệt, họ mơ về lý tưởng của đời mình, về vợ con của họ đang đợi họ ở nhà, về những bữa ăn nóng hổi đầy đủ chất dinh dưỡng khi đang ngồi kế bên lò sưởi vào một mùa đông lạnh giá như mùa đông mà họ đang phải ngủ trong những túp lều phong phanh,  phải chịu đựng những căn bệnh quái quỷ. Nhưng họ tin rằng nếu mình sống sót cho đến hết cuộc chiến này, nếu quân Đồng Minh chiến thắng được phe Trục thì tất cả những gì họ mơ tưởng cũng sẽ thành hiện thực. Sau cùng vận may của số phận dành cho những người có ý chí mãnh liệt.
Ngoài những lao động nô lệ làm việc trong nhà máy và thành phố. Còn khoảng 2 triệu lao động làm việc tại các nông trại. Mặc dù có vẻ dễ dàng sống sót hơn nhưng vẫn có rất nhiều điều tồi tệ xảy ra với họ. Giới cầm quyền Quốc Xã quy định rõ ràng, lao động không được hưởng những loại hình giải trí như xem kịch hay chiếu phim, việc dự lễ nhà thờ cũng bị cấm. Đặc biệt, không được quan hệ tình dục với phụ nữ Đức, nếu có trường hợp như vậy xảy ra, cần phải xử tử ngay lập tức. Số phận của nông nô phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nô, người chủ có quyền trừng phạt. Người ta khuyến khích tách nông nô ra khỏi cộng đồng để đưa vào chuồng gia súc… Nếu có những biểu hiện biến nhác thì những cách như vậy thường được ưu tiên để trừng phạt.
Bên cạnh nô lệ trong những nhà máy và nông trường còn có nhiều người phụ nữ (đa số là người Nga), bị bắt làm nô lệ cho người dân Đức. Mặc dù cực khổ, nhưng lao động theo cách này có thể giúp tỉ lệ sống của lao động cao hơn là làm việc đến chết trong những trường hợp bên trên, nhưng họ cũng bị cấm đoán rất nhiều thứ; không được tự do xin thời gian nghỉ, không được tự do đi ra ngoài, gia chủ có quyền trừng phạt họ. Cũng như Chính quyền nói: không được thương xót dù chỉ một ít đối với những kẻ vốn là cặn bã, đơn giản là nô lệ.

Đối với Liên Xô

Có một sự thật cay đắng khi nghĩ về Liên Xô trong chiến tranh thế giới, một tổn thất không thể tưởng tượng trong các cuộc chiến tranh từ trước tới giờ tại Châu Âu, tổn thất về người vô cùng lớn đối với một quốc gia. Đó là hậu quả của cuộc chiến tranh không phải với ý chí xâm lược mà là thuộc về ý chí tiêu diệt hơn của Đức Quốc Xã. Mọi thứ bị hủy diệt trong tầm mắt, một cuộc chiến tranh nhằm tận diệt quốc gia đối địch với chủ nghĩa Phát Xít diễn ra một cách tàn khốc. Thật khó để biết bao nhiêu người Liên Xô đã chết trong Thế Chiến II, nguồn tin ước tính chính xác nhất là từ 18 – 20 triệu người. Trong đó thiệt hại lớn nhất ở những tháng đầu tiên khi người Đức cho thấy sự hiệu quả của Blitzkrieg; Hồng quân bị chia cắt rồi bao vây với tốc độ không tưởng, đỉnh điểm của những cuộc bao vây là trận Kiev, gần 600.000 người bị chia cắt. Một trong những nguyên nhân chính gây tổn thất nặng cho Liên Xô đến chính từ quân đội thua thiệt hơn Đức giai đoạn đầu cuộc chiến, việc thiếu kinh nghiệm và bị tấn công bất ngờ khiến cho quân lính bị động trong chiến đấu. Nhưng khi quân Đức bị chặn đứng trước cửa ngõ Moscow, thế cục đã xoay chiều, người Liên Xô dần dần rút ra kinh nghiệm chiến trường, cùng việc phát triển học thuyết “Tác Chiến Chiều Sâu” của mình. Tới năm 1943 chiến thắng đầu tiên tại Stalingrad đã lật ngược tình thế với Đức Quốc Xã. Cùng việc thành công khắc chế học thuyết Blitzkrieg bằng phòng ngự chiều sâu tại trận vòng cung Kursk, người Nga đã nắm được thế chủ động. Từ đó đi đến thắng lợi cả cuộc chiến.
Tuy nhiên cái giá phải trả của quân đội đỏ dành cho chiến thắng rất đắt. 8- 10 triệu binh sĩ đã chết xuyên suốt cuộc chiến. Nguyên nhân phần nhiều bị giết trên chiến trường, bị thương, bệnh tật, bị hành quyết. Cái chết còn bao gồm của tù binh Nga, có khoảng 5,7 triệu tù binh, 2 triệu người Nga trong số đó đã chết. Có rất nhiều tù binh bị bắt trong mùa hè năm 1941, trong các chiến dịch bao vây của Quốc Xã. Không giống như tù binh phương Tây, người Nga được xem là thấp kém và bị bỏ đói đến chết, điều mà sau này các sĩ quan Đức bào chữa do không đủ lương thực. Thực tế, họ đã có thể cung cấp cho người Nga thức ăn, nhưng tuyệt nhiên họ không bao giờ có ý muốn lo liệu cho người Nga. Nhiều người đã chết vì bệnh tật và đói vào mùa đông cuối năm 1941. Số thương vong cao tới mức không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí có người còn sẵn sàng ăn thịt cả đồng loại để sinh tồn. Về việc bị hành quyết cũng không đếm xuể, đối tượng là người Châu Á, Do Thái, các quan chức Liên Xô, tất cả đều bị xử bắn.
Nhưng các lãnh đạo Quốc Xã lại xem các chuyện này là tốt, họ nói: "càng nhiều tù nhân chết thì càng có lợi cho ta". Như đã nói từ trước, việc này có lẽ sẽ không đúng như họ nghĩ khi sau này người Đức liên tục thua trận và cần nhân lực để duy trì cỗ máy chiến tranh; họ bắt đầu thay đổi chính sách từ tiêu diệt sang sử dụng nhân lực. Ít ra với chính sách mới này người Nga vẫn còn nhiều cơ may sống sót hơn mặc dù vẫn bị ngược đãi.
Ngay từ trước khi xâm lược Liên Xô, người Đức đã quyết định số phận của tù binh như thế nào,cả bạn lẫn thù đều biết rõ mỗi tháng cả trăm ngàn người Nga chết. Sau đó người ta lại phải trải qua hoàn cảnh kỳ quặc là phải tuyển chọn hàng triệu lao động từ các lãnh thổ bị chiếm đóng phía đông sau khi tù binh chết hàng loạt. Cái chết của những tù nhân là thảm kịch bi thảm nhất. Nhiều người cho rằng tù binh có thể được cứu sống, chỉ cần có được lương thực.
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chỉ huy các trại cấm mang thực phẩm nuôi tù binh, mà để họ chết đói. Ngay cả khi dẫn họ đến trại, dân thường cũng bị cấm tiếp tế thực phẩm cho tù binh. Trong nhiều trường hợp khi tù binh không thể đi theo kịp vì đói hoặc kiệt sức, họ bị bắn trước đôi mắt kinh hoàng của thường dân và xác của họ bị bỏ lại. Ở nhiều trại, không có chỗ trú thân cho tù binh. Họ nằm giữa trời dưới mưa hoặc tuyết... Cuối cùng, phải nói đến việc bắn tù binh. Việc này... không đếm xỉa đến mọi hiểu biết chính trị. Ví dụ, trong nhiều trại, người Châu À bị bắn...
Trong điều kiện tồi tệ đó, bệnh tật bắt đầu rình rập các trại. Uốn ván, nhiễm trùng máu, bạch hầu, sốt rét, viêm da pellagra, lao, viêm phổi và sốt phát ban đã tàn phá các trại. Một tù nhân nhớ lại rằng rằng sau khi xảy ra chết đói, dịch sốt thương hàn đã bắt đầu. Có tới 500 người chết vì căn bệnh này mỗi ngày. Những người chết được ném trong những ngôi mộ tập thể, chồng lên nhau. Khốn khổ, giá rét, đói, bệnh tật, chết chóc. 
Liên Xô có số dân thường tử vong nhiều hơn bất kì quốc gia nào trong cuộc chiến. Ở đây người ta thấy rõ ràng sự độc ác của Quốc Xã đối với người dân. Có nhiều điều nghe có vẻ đáng sợ, mặc dù vậy người ta đã quen với cảnh giết chóc. Khoảng 10 triệu người dân không trang bị vũ khí đã chết. Một trong những cái chết phổ biến chết đói. Đức Quốc Xã tìm mọi cách vơ vét toàn bộ tài nguyên của Liên Xô còn sót lại sau nhưng chiến dịch càn quét của mình, mặc dù nguồn sống duy nhất của người dân là lương thực, thì tất cả cũng bị lấy sạch; lương thực từ Liên Xô dùng để cung cấp cho quân lính trên tiền tuyến hoặc người dân đế chế. Hậu quả xảy ra một nạn đói khủng khiếp, hàng triệu người chết đói vì ruộng đồng tan hoang, gia súc không còn. Một trong những biểu tượng của sự thiếu thốn, cùng mức độ chịu đựng phi thường của người dân là trận bao vây Leningrad, một trong những cuộc bao vây gây chết người nhiều nhất lịch sử nhân loại; thành phố bị bao vây từ năm 1941 tới năm 1944. Trong khoảng thời gian đó người dân bị kẹt lại bên trong. Gần 900 ngày bao vây đã gây ra nạn đói cực độ trong Leningrad. Trong mùa đông khắc nghiệt 1941-1942 số người chết đạt cực điểm vào khoảng 100.000 mỗi tháng.
Thật xót xa cho những con người khốn khổ kẹt lại trong thành phố, cái chết đến với tất cả mọi người, người ta tuyệt vọng khi gia đình mình lần lượt ra đi. Hàng xóm của mình qua đời vì bị suy dinh dưỡng hoặc cả cái chết của những người không quen biết.
Zhenya mất vào 12 giờ trưa ngày 28 tháng 12 năm 1941 Bà mất vào ngày 25 tháng Giêng lúc 3 giờ, năm 1942 Leka mất ngày 17 tháng 3 năm 1942, lúc 5 giờ sáng năm 1942 Chú Vasya mất vào ngày 13 tháng 4 lúc 2 giờ sáng năm 1942 Chú Lesha, ngày 10 tháng 5, lúc 4 giờ chiều, năm 1942 Mẹ vào ngày 13 tháng 5 lúc 7:30 sáng năm 1942 Savichev đã chết Mọi người đếu chết Chỉ còn lại Tanya - Nhật ký của Tanya Savicheva
Người ta dần quen với việc nhìn thấy xác chết khi đã chứng kiến quá nhiều khung cảnh chết chóc. Bom đạn của Quốc Xã dội xuống đầu các tòa nhà một cách đều dặn, người dân dần dần đi tản vào sâu trong thành phố để tránh những đòn hỏa lực, mặc vậy thương vong do đạn pháo gây ra vô cùng lớn. Trong hoàn cảnh này, có một vài lệch lạc về mặt đạo đức xuất hiện. Việc ăn thịt người được ghi lại trong báo cáo của Liên Xô, tuy chỉ một vài trường hợp. Nhiều người tỏ vẻ không tin về những báo cáo này. Nhưng sự thật là chúng tồn tại. Những kẻ ăn thịt đồng loại thường là phụ nữ không nhận được hỗ trợ, có con nhỏ. Kẻ ăn thịt được chia làm hai loại: ăn xác chết và ăn thịt người. Loại thứ nhất bị giam giữ trong khi loại thứ hai bị bắn.
Với phạm vi rộng lớn của nạn đói, việc ăn thịt người hiếm diễn ra hơn là giết người vì tranh giành suất ăn. Mặc dù chịu đựng những cơn đói cồn cào sau nhiều ngày, nhưng con người vẫn cố gắng duy trì chuẩn mực đạo đức trong hoàn cảnh khó tưởng tượng đó.
Ngoài chết vì thiếu thức ăn, người dân còn bị hành quyết hàng loạt, các nhà lãnh đạo của Đức trong Trật Tự Mới đã đưa ra giá thành của con người: cứ một người Đức bị giết thì hành quyết 100 người Liên Xô. Một tỉ lệ nhảm nhí thể hiện sự thượng đẳng lố bịch của người Đức trong cuộc chiến. Mệnh lệnh này đưa ra nhằm chống lại các cuộc chiến tranh du kích của Hồng quân ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, dập tắt ý chí chiến đấu của họ.
Nhưng vì những điều kinh khủng người Đức đã làm, ta thấy người dân Nga đều đồng lòng chống lại Quốc Xã. Đáng lẽ nếu người Đức thay đổi chính sách đối với người Nga, những người vốn đang khổ sở vì chủ nghĩa cộng sản độc tài của Stalin, có nhiều người vẫn đang chống lại chế độ Bolshevik; khi quân Đức tiến vào Liên Xô, họ thấy có nhiều người đang tỏ vẻ chán ngán với chính quyền và mong chờ một tương lai tươi đẹp hơn cho mình, người dân vui vẻ chào đón quân Đức và tự đặt mình vào vòng cai trị của Quốc Xã. Đáng lẽ nghĩa vụ của Đức là phải bảo đảm an toàn cho người dân, nhưng chẳng có gì thỏa đáng cả. Người ta nhận ra chủ nghĩa Phát Xít của Hitler còn kinh khủng hơn nhiều so với Stalin.
Vậy có hai yếu tố được đưa ra về việc người Nga chống lại Đức một cách điên cuồng: việc giết người một cách dã man và sử dụng người Nga làm lao động nô lệ. Nếu Hitler khôn khéo hơn, các cấp lãnh đạo khoan dung hơn cho người dân ở Đông Âu, thì những người Nga được ăn uống đầy đủ và không sợ bị giết bất cứ lúc nào có lẽ phần nhiều không chống đối lại Đệ Tam Đế Chế
Sau cùng một quốc gia toàn trị như Đức Quốc Xã sớm muộn cũng bị số phận đào thải. Không phải do đen đủi, sự thất bại đến từ chính những quyết định sai lầm trong Trật Tự Mới này, cũng như những mệnh lệnh quân sự của Hitler đã khiến cho một quốc gia đang trên đà thắng lợi phải thua trận. Thật khó để nói, nhưng chính Hitler là người đã vực dậy nước Đức, cũng chính ý chí của ông ta kéo nước Đức đi xuống.
Không ai nhận ra nguyên nhân của sự thất bại này. Đức Quốc Xã vẫn tiếp tục thi hành một Trật Tự Mới đầy sự chết chóc như vậy đối với các dân tộc khác. Đặc biệt đối với người Do Thái

Holocaust

Vào năm 1933, Adolf Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức, từ đó việc chống lại người Do Thái bắt đầu. Ông ta có một mối thâm thù sâu sắc với Do Thái. Tâm lý ảo tưởng, táo bạo của Hitler cho rằng người Do Thái chính là kẻ thù nguy hiểm, là chủ mưu đứng sau thất bại của người Đức ở Đệ Nhất Thế Chiến. Ông ta vu khống người Do Thái là những tên tư bản tham lam chiếm đoạt tài sản của quốc gia. Bằng chính tài hùng biện của mình, Hitler thuyết phục đại đa số người Đức đang lâm vào khủng hoảng tin rằng Người Do Thái thật sự là kẻ thù. Sự thất bại trong chiến tranh cùng các cuộc khủng hoảng về sau khiến chủ nghĩa bài Do Thái tăng mạnh. Quốc Xã chống lại Do Thái vì đó là ý thức hệ của họ, phân biệt chủng tộc là bản chất cốt lõi trong tư tưởng, thế giới quan của chủ nghĩa Phát Xít. Ban đầu các đạo luật chống lại việc mưu sinh của dân Do Thái, các doanh nghiệp của họ bị hạn chế, tẩy chay. Người Do Thái bị loại trừ khỏi các dịch vụ dân sự. Những việc này khiến nhiều người Do Thái rời bỏ nước Đức, cũng có nhiều người bị trục xuất. Việc thảm sát không phải ý định ban đầu của Hitler. khi Chiến Tranh Thế giới bùng nổ, giới lãnh đạo Quốc Xã mới lên kế hoạch tiêu diệt người Do Thái, bản chất là hàng loạt quyết định dựa trên hoàn cảnh, những người cấp thấp hơn mới chính là nguyên nhân chính dẫn đến diệt chủng; Những kẻ đang tìm kiếm giải pháp thỏa mãn ý thức hệ của mình.
Khi Đức tiến vào Áo năm 1938, họ đã áp dụng tất cả chính sách của họ lên người Do Thái ở quốc gia này, S.S (là một tổ chức bán quân sự được lập ra với mục đích duy nhất để tiêu diệt người Do Thái) cướp bốc và đánh đập nhiều người Do Thái, các hành vi sỉ nhục như bắt họ chà rữa nhà vệ sinh hay các đường phố ở Vienna. Nhưng những việc này chỉ mới là bắt đầu cho sự kinh hoàng mà Quốc Xã gieo rắc trên lãnh thổ chiếm đóng, càng về sau họ càng thấy được chính quyền Phát Xít sẽ chào đón người Do Thái không chỉ bằng ngôn từ hay nắm đấm mà còn có những viên đạn và khí độc.
Kristallnacht - Đêm thủy tinh vỡ xảy ra vào 7/11/1938. Đúng như tên gọi, đó là đêm pha lê vỡ rất nhiều, vỡ từ những ngôi nhà, cửa hàng, nhà thờ của người Do Thái; cả thế giới được chứng kiến sự thô bạo của Quốc Xã và tất cả cũng bắt đầu hình dung được số phận của người Do Thái sẽ đi về đâu . Cũng sau sự kiện này cuộc diệt chủng chính thức diễn ra chậm rãi theo quy mô chưa từng có.
7/11/1938, Herschel Grynszpan vốn là người Do Thái Ba Lan vì gia đình đã bị trục xuất, đã ám sát nhà ngoại giao Đức Ernst vom Rath để trả đũa tại đại sứ quán Đức ở Pháp. đến 9/11 khi Rath qua đời cuộc bạo động bắt đầu diễn ra, dòng người quá khích tràn xuống đường để tấn công người Do Thái, nhà cửa, bệnh viện, trường học bị đập phá, tiếng thủy tinh vỡ van lên khắp mọi nơi, những ngôi nhà bị đốt sáng rực. Nhiều người vô tội bị hành hung đánh đập dã man, tại sản bị cướp bóc và phá hủy. Mọi việc tiếp diễn tới 10/11.
"giết người, hãm hiếp, cướp bóc, phá hủy tài sản và khủng bố trên quy mô chưa từng có" David Cesarani
Ước tính thiệt hại là 815 cửa hàng bị cháy, 171 nhà ở bị phá hoặc đốt, 195 giáo đường bị phá...36 người chết, 36 người bị thương nặng, tất cả đều là người Do Thái. Nhưng sau những thiệt hại đó người Do Thái lại phải chi trả cho tài sản của họ đã bị phá hủy. Họ phải trả 1 tỷ Mark Đức cho hành vi ám sát của họ.
Hitler nói với hạ cấp của mình rằng họ (người Do Thái) phải chịu sự trừng phạt của Đức vì tội ác "kinh tởm" mà họ đã gây ra.
Sau những ngày đó hàng chục ngàn người Do Thái bị đưa đi các trại tập trung. Đến 12/11/1938 người Do Thái bị cấm hoàn toàn khỏi các dịch vụ và ngành nghề còn lại, đánh dấu sự kết thúc cho bất kỳ loại hoạt động văn hóa công khai nào của người Do Thái. Họ đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi nền kinh tế Đức.

Giải pháp cuối cùng cho người Do Thái

Cụm từ này ý nói ám chỉ cách giải quyết cuối cùng là cái chết cho người Do Thái. Người Đức đã loại trừ hai phần ba dân số Do Thái ở Châu Âu. Giải pháp này được đề xuất vào tháng 1 năm 1942, trong lúc cao trào của chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô nhằm đề ra cách xử lí cuối cùng cho người Do Thái, nhưng thực giải pháp này đã được Hitler nghĩ tới từ lâu về trước và bước đầu được thực hiện trong năm 1941...
Ban đầu. Người ta lần đầu thấy tính bạo tàn của người Đức đạt đến đỉnh điểm khi Thế Chiến xảy ra, khi chiếm Ba Lan, Phát Xít tiến vào quốc gia này hàng loạt cuộc khủng bố được ghi nhận. Hàng loạt vụ xả súng hàng loạt xảy ra do các lực lượng S.S thực hiện, có một trường hợp ghi nhận một đội S.S đã bắt 50 người Do Thái vào một nhà nguyện Do Thái giáo và sau đó tàn sát toàn bộ họ. Không chỉ Do Thái mà người Ba Lan cũng bị hành quyết, giới lãnh đạo, tri thức Ba Lan là những mục tiêu bị tiêu diệt đầu tiên, thường dân cũng bị bắn hàng loạt.
Cũng trên Ba Lan này, hàng loạt trại tập trung được lập ra để tống người Do Thái vào đó, mà về sau được biết đây chính là những nơi giết người hàng loạt và hiệu quả nhất thế giới từng biết. đa số người Do Thái bị chuyển về các trại ở Ba Lan, nhưng cũng không phải tất cả.
Người Do Thái ban đầu thường sẽ bị bắn trực tiếp tại các nơi hành quyết.
Trong thời kì chiến tranh, các đội đặc nhiệm được lập ra để thủ tiêu người Do Thái bởi chỉ huy S.S là Himmler, một trong những kẻ chủ mưu cho cuộc diệt chủng Holocaust. Trong cuộc xâm lược Ba Lan, các đội này theo sau quân đội Đức để áp giải người Do Thái vào các trại tập trung. Đến khi xâm lược Liên Xô, các đội này chuyển sang hành quyết người Do Thái, các chính ủy Cộng Sản. Có 4 đội đặc nhiệm được thành lập: A, B, C, D. Các báo cáo cho thấy họ đã hành quyết rất nhiều người. Như đội A báo cáo đã loại trừ 230.000 người Do Thái trong lãnh thổ Liên Xô.
Tại tòa án Nuremberg mở tại Đức, xét xử các lãnh đạo, tướng lĩnh Quốc Xã sau chiến tranh, Ohlendorf là một người cầm đầu đội đặc nhiệm D đi hành quyết, đã mô tả lại việc thi hành bước đầu của "giải pháp cuối cùng" diễn ra như thế nào.
Trong vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Liên Xô.
Sẽ có một đội đặc nhiệm đi vào một làng hoặc thị trấn, yêu cầu tập hợp tất cả người Do Thái, mọi món đồ giá trị sẽ bị tịch thu, quần áo sẽ bị cởi bỏ và họ sẽ được chở đi đến nơi hành quyết, ở đó sẽ đào một hố lớn. Họ sẽ xếp thành hàng để bị bắn hàng loạt cùng lúc. Và sau đó sẽ bị ném xuống hố.
Cũng từ một lời khai của một kĩ sư người Đức khi chứng kiến các cuộc hành quyết:
Những người bước xuống từ các xe tải (đàn ông, phụ nữ, trẻ em mọi lứa tuổi), họ phải cởi bỏ quần áo theo lệnh của một binh sĩ S.S cầm một cây roi. Họ đặt quần áo đúng nơi chỉ định phân ra theo từng loại áo, quần, giày. Tôi thấy có một đống giày khoảng 800 đến 1000 đôi, những đống lớn trang phục ngoài và áo quần lót. Họ không la thét hay khóc lóc, họ cởi bỏ quần áo, đứng xúm xít nhau theo từng gia đình, hôn nhau, nói lời vĩnh biệt và chờ dấu hiệu của một binh sĩ S.S, đứng gần hố, cũng cầm roi. Trong 15 phút đứng gần hố, tôi không nghe thấy một lời than vãn hay cầu xin nào... Một người phụ nữ già với mái tóc bạc trắng đang bế đứa bé 1 tuổi, hát cho nó nghe và cù lét nó. Đứa bé thầm thì một cách vui thú. Bố mẹ nó nhìn nó với đôi mắt đẫm lệ. Người cha đang nắm tay một cậu bé 10 tuổi và nhỏ nhẹ nói chuyện với nó; cậu bé cố ghìm nước mắt. Người cha chỉ tay lên trời, xoa đầu đứa trẻ và có lẽ giải thích với nó điều gì đó. Vào lúc ấy, binh sĩ S.S đứng gần hố thét lên câu gì đó cho đồng đội. Anh này đếm khoảng 20 người và ra lệnh cho họ đi đến phía đống đất.... Tôi đi qua đống đất và thấy một nấm mộ khổng lồ, những con người bị đè chặt lên nhau nên chỉ thấy được đầu., hầu như tất cả đều có máu chảy từ đầu xuống vai. Vài người vẫn còn cử động. Vài người nhấc tay lên và quay đầu để cho thấy họ vẫn còn sống. Cái hố đã đầy được khoảng hai phần ba. Tôi ước tính có khoảng 1000 người. Nhóm người, hoàn toàn khỏa thân, đi xuống vài bước và trèo qua đầu những người đang nằm để đến chỗ binh sĩ S.S chỉ định. Họ nằm xuống, trước những người chết hoặc bị thương, vài người vuốt ve những người còn sống và thầm thì với họ. Rồi tôi nghe một loạt đạn. Tôi nhìn xuống hố và thấy những thân người đang giãy giụa hoặc nhìn những cái đầu bất động nằm trên những xác chết. Máu đang chảy từ cổ họ. Nhóm người kế tiếp đi đến. Họ xuống hố, đứng kế bên những nạn nhân trước rồi bị bắn...
Một lính S.S chứng kiến vụ Thảm sát Bila Tserkva diễn ra ở lãnh thổ Liên Xô, đã mô tả lại:
Tôi đã đi đến khu rừng một mình. Quân Đức đã đào một ngôi mộ. Những đứa trẻ được dắt theo trong một chiếc máy kéo. Tôi không liên quan gì đến những việc này. Những người Ukraine đang đứng xung quanh run rẩy. Những đứa trẻ được đưa xuống khỏi máy kéo. Họ đứng dọc theo đỉnh của ngôi mộ và sẽ bị bắn cho vào đó. Người ta không nhắm vào bất kỳ bộ phận cụ thể nào của cơ thể. Họ rơi xuống mồ. Tiếng khóc không thể diễn tả được. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi không thể chịu đựng được. Tôi đặc biệt nhớ đến một bé gái nhỏ có mái tóc mượt mà đã nắm lấy tay tôi. Bé ấy cũng bị bắn sau đó ... Ngôi mộ nằm gần một khu rừng... Nhiều trẻ em đã bị đánh bốn hoặc năm lần trước khi chết.

Trại tử thần

Để thực hiện "Giải pháp cuối cùng" một cách hiệu quả, Quốc Xã đã dùng nhiều biện pháp để thử nghiệm cách thức giết người nhanh nhất, rồi họ cũng tìm được giải pháp tối ưu một cách kinh khủng, đó chính là phòng hơi ngạt. Các phòng hơi ngạt thực sự có hiệu quả ghê gớm, chưa có một cách thức giết người nào thậm tệ và nhanh chóng trong lịch sử đến như vậy, cho đến khi vũ khí hạt nhân ra đời. Loài người sẽ không bao giờ quên được các trại tử thần đã tồn tại trong thời kì chiến tranh bởi những điều khủng khiếp mà nó mang lại.
Phương pháp ban đầu của cách thức giết người này, là xe tải khí. Himmler mong muốn một giải pháp làm cho nguời Do Thái ra đi càng nhiều càng tốt, Khi ông ta xem cách thức hành quyết của các đội đặc nhiệm, Himmler đã nôn ói, và mất kiểm soát khi chứng kiến những người phụ nữ bị bắn, vì điều này ông ra lệnh phải hành quyết họ bằng xe tải khí độc vì cách sử dụng súng không những gây tổn hại đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng tâm lí của người thi hành, nhưng số người bị giết không nhiều. Vì thế người gần như đã ngất khi chứng kiến các cảnh giết chóc thấy cần phải mở rộng phương pháp này hơn nữa. Thế là những phòng hơi ngạt ra đời.
Đa số các trại tử thần được dựng lên ở Ba Lan. Các trại được nối với hệ thống đường sắt ở Ba Lan. Một trong số những trại nổi tiếng nhất là trại Auschwitz, trại đã giết hơn 1 triệu người.
Người Do thái sẽ bị chở về trại bằng tàu hỏa, ở đó họ sẽ phải cởi bỏ tất cả món đồ có giá trị, và sẽ được tuyển chọn để làm việc, những người được chọn sẽ phải lao động cực khổ. Cho đến khi kiệt sức và trở thành nạn nhân cho "giải pháp cuối cùng"; còn những người không được tuyển chọn lao động sẽ tiến về phòng hơi ngạt. Quốc Xã không muốn các nạn nhân của họ biết cái chết sẽ đến như thế nào và khi nào; nạn nhân bị lừa rằng sẽ được đi tắm hoặc khử trùng, những loại nhạc nhẹ nhàng, du dương được chơi nhằm mang lại cảm giác thoải mái cho nạn nhân, những kỉ niệm xưa cũ sẽ ùa về trong đầu nạn nhân trước cái chết mà họ không biết sẽ diễn ra. Nhiều người được nghe binh sĩ S.S nói về cuộc sống trong trại sẽ an toàn và thoải mái như thế nào. Nhưng không phải ai cũng bị lừa. Những người làm loạn sẽ bị bắn không thương tiếc.
Phòng rất rộng, có thể chứa đến 2000 người, khi nạn nhân đã vào chật không một kẽ hở, lính S.S đóng cửa lại. Đó cũng là lúc họ nhận ra có gì đó không đúng, tắm thì không ép quá nhiều người như vậy. Từ trên trần nhà, qua các vòi phun và lỗ ống khí. Những khí độc sẽ được phun ra ngoài. Chủ yếu là Zyklon B hay hydrogen cyanide. Khí độc tỏa xuống dưới phòng, tù nhân nhận ra và trở nên hoảng loạn, chạy ra khỏi làn khí về phía cửa, nhiều người trở nên điên dại, la hét, xô đẩy, cào xé nhau.
Sau 30 phút, khi tất cả trở trở nên im lặng, không còn ai cử động. Người ta mở cửa ra. Công nhân dọn dẹp tiến vào, họ là những người tù Do Thái, họ sẵn sàng làm những công việc dọn, thiêu xác đồng bào của họ để được sống, nhưng sau cùng họ vẫn bị giết để giấu đi sự tồn tại của các trại tiêu diệt. Họ tiến vào, cạy bất cứ cái răng vàng nào, và lục soát các món đồ có giá trị trên thân thể nạn nhân, sau đó dọn đống xác chết to lớn. Xác chết sẽ được hỏa thiêu ở các lò thiêu. Tro cốt bị đổ xuống các dòng sông hoặc làm phân bón cho cây. Thậm chí mỡ người còn được một công ty thu về dùng để làm xà phòng.
Từ cửa kính phía trên Phòng hơi ngạt, có thể quan sát tất cả quá trình giết chóc diễn ra. Những kẻ lãnh đạo đã chứng kiến những sự việc này khi đi thị sát, những kẻ cuồng tín nhất và muốn giết nhiều người nhất, khi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng của Trật Tự Mới đều sững sờ, không thốt lên lời... Thật sự khá khó để hiểu được, những người còn là con người đó, họ thật sự kinh sợ trước những hành động tàn ác đó, nhưng họ không bao giờ dừng lại. Như Himmler, ông ta trở nên điên loạn khi nhìn thấy nạn nhân bị bắn, điều đó thật quá sức với ông ta, nhưng ông ta không bao giờ dừng việc ra lệnh giết người. Như những người lính trực tiếp thực hiện, có nhiều người kinh sợ, ám ảnh bởi việc làm của mình, có vài trường hợp tự vẫn vì không thể chịu được, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận làm những việc đó dù biết nó sai trái. Những kẻ lãnh đạo, họ bị quyền lực chi phối để ra các mệnh lệnh, còn những người lính được huấn luyện để bị kiềm hãm bởi các mệnh lệnh tàn độc kia.
Về sau khi Liên Xô tiến về phía Tây, Quốc Xã áp giải các tù nhân trong trại nhằm tránh khỏi quân Nga để che giấu đi những việc làm của mình. Các phòng hơi ngạt, lò hỏa thiêu bị tháo bỏ. S.S lùa tù nhân trong trại tiến về phía Tây. Tù nhân bị nhồi nhét lên các chuyến tàu hỏa hay xe, hoặc đi bộ. Không có thức ăn, những người bị ốm hay kiệt sức sẽ bị bắn trên đường đi. Có 700.000 người được ghi nhận, trong số đó 250.000 người chết trong các chuyến đi chết chóc này.
Ước tính trong cuộc diệt chủng Holocaust, 6 triệu người Do Thái bị tàn sát bởi Đức Quốc Xã, hai phần ba người Do Thái ở Châu Âu bị giết trong các trại hủy diệt, bị bỏ đói và hành quyết.

Thử nghiệm y học

Trong thời kì này Phát Xít có một vài thử nghiệm y học lên người, Những thử nghiệm này không mang lại kết quả gì, chủ yếu là do bản tính tra tấn bạo lực đến từ những bác sĩ cuồng sát. Không biết có bao nhiêu nạn nhân trong những cuộc thử nghiệm này, nhưng bản tính bạo tàn của người Đức đã đạt đến mức đỉnh điểm; nạn nhân là bất cứ ai: người lớn, trẻ nhỏ, tù binh chiến tranh hay thậm chí là người Đức.
Các thử nghiệm lên người khá đa dạng. Như thí nghiệm cấy ghép xương, tách xương từ người này ghép lên người khác, nạn nhân bị tách xương không có gây mê, dẫn đến cảm giác đau đớn dữ dội, bị thương tật vĩnh viễn. Thí nghiệm nước mặn được thực hiện nhằm tìm cách giúp con người uống nước mặn. Các bác sĩ bắt người thí nghiệm uống nước biển, không cung cấp thực phẩm, đa số chết vì thiếu nước. Thử nghiệm nhiệt độ, người Đức tiến hành với mục đích ngăn ngừa và điều trị hạ thân nhiệt. Bằng cách làm cho nhiệt độ tù nhân hạ xuống, nạn nhân bị ngâm mình trong nước đá hàng giờ liền, mực nước có thể ngập tới đầu; hoặc khỏa thân ngoài trời giữa mùa đông. Sau đó người Đức tìm cách tăng thân nhiệt, họ cho nạn nhân ngâm nước nóng hàng giờ liền, hay xử dụng "thân nhiệt của động vật", bằng cách bắt những phụ nữ ôm chặt nạn nhân thí nghiệm hay quan hệ, cách này tăng mạnh thân nhiệt cho nạn nhân như cách ngâm nước nóng. Nhưng thật kinh tởm.
Sau đây là một lời kể của một nạn nhân về thử nghiệm nhiệt độ:
Mỗi ngày, tôi bị ngâm trong nước nóng. Bất cứ khi nào tôi cố gắng nhô đầu lên khỏi mặt nước để thở, tôi lại bị bác sĩ Josef Mengele (Bác sĩ tử thần) ép xuống nước. Ông ta có vẻ tận hưởng sự đau khổ của tôi. Tôi bị ngâm trong nước nóng dài trong 10 phút. Ngay sau đó tôi được ngâm mình trong nước lạnh và quy trình tương tự được lặp lại. Có năm người bao gồm cả tôi đang bị tra tấn. Sau những thí nghiệm hàng ngày này, chúng tôi được đưa đến doanh trại số 8 - Auschwitz, nơi dành riêng cho những người sẽ chết, để xem chúng tôi sẽ sống sót trong bao lâu. Một người phụ nữ đi ngang qua thấy tôi đang ra hiệu và kêu cứu qua một cái lỗ trên tấm ván của doanh trại bằng gỗ. Cô ấy mở ván và ôm lấy tôi. Tôi đã được cứu. Tôi không biết gì về số phận của bốn người còn lại.
Người Đức dùng con người cho thí nghiệm độ cao nhằm hỗ trợ các phi công, bác sĩ Sigmund Rascher là người thực hiện những công việc kinh khủng này. Thí nghiệm này mô phỏng độ cao trên không trong các buồng hạ khí áp, không khí trong buồng bị hút ra ngoài để có dược áp suất và không khí giống ở trên không. Trong báo cáo của mình, Rascher ghi lại:
Thử nghiệm có khí oxi ở độ cao 8960 mét, được thực hiện trên một người Do Thái có thể chất tốt. Sau 4 phút, người thử nghiệm đổ bắt đầu đổ mồ hôi. Sau 5 phút, triệu chứng co giật xuất hiện. Giữa phút thứ 6 và 10, người bệnh bất tỉnh. Từ phút 11 đến phút 13, hô hấp giảm còn 3 lần hít vào mỗi phút, rồi dừng hẳn ở cuối thời gian này. 30 phút sau, việc khám nghiệm tử thi bắt đầu.
Có một thử nghiệm được kể lại bởi nhân viên làm việc trong văn phòng bác sĩ Rascher như sau:
Qua cửa sổ, chính mắt tôi thấy tù nhân trong phòng hạ áp chịu đựng chân không cho đến khi phổi họ bị vỡ. Họ trở nên điên loạn, giật tóc nhằm giải tỏa áp lực. Họ cào cấu đầu và mặt. Họ đấm và húc đầu vào tường, la hét để giải tỏa áp suất trong màng tai của họ. Sau cùng là tử vong.
Vấn đề giống nòi có vẻ được quan tâm khá nhiều, học thuyết Quốc Xã đề cao tính thuần chủng ngớ ngẩn của mình họ muốn thế giới này sẽ chỉ có những chủng tộc theo họ là thượng đẳng nhất tồn tại. Hay nói cách khác, Phát xít Đức muốn triệt sản toàn bộ những người họ cho là không được phép tồn tại. Trong khoảng thời gian Trật Tự Mới diễn ra, đã có 300.000 người bị triệt sản. Phương pháp là tiêm thuốc các loại thuốc khác nhau vào cơ quan sinh sản của nạn nhân, những nạn nhân chống đối sẽ được xem là không phù hợp với thử nghiệm và sẽ bị giết ở phòng hơi ngạt. Sau đây là lời kể của những người bị thí nghiệm triệt sản:
Thí nghiệm được thực hiện với tôi ở Auschwitz. Thí nghiệm được thực hiện trong tử cung của tôi. Tôi bị tiêm thuốc vào tử cung và kết quả là tôi ngất xỉu vì cơn đau dữ dội. Nhiều năm sau, Giáo sư Hirsh từ bệnh viện ở Tzrifin đã khám cho tôi và nói rằng tử cung của tôi giống như tử cung của một đứa trẻ 4 tuổi, buồng trứng của tôi bị teo lại.
Mọi thứ thật kinh khủng. Làm ơn hãy hiểu. Tôi không bao giờ có thể có con. Khi tôi nhớ lại, họ - các bác sĩ Đức Quốc xã - đã thử nghiệm trong âm đạo của tôi bằng các dụng cụ và vết cắt khác nhau. Đó là nỗi đau đớn khôn nguôi. Họ cho tôi đủ thứ thuốc khiến tôi buồn nôn. Đau đớn tột cùng và nó khiến tôi phát ốm. Các bộ phận phụ nữ của tôi không hoạt động. Nó khiến tôi không có con. Tôi đã có chồng, nhưng tôi không thể có con, kết quả là anh ấy ly dị tôi. Ngoài ra, có thứ gì đó đã bỏ vào thức ăn của chúng tôi khiến chúng tôi đau bụng và nhiễm trùng. Tôi là một lao động nô lệ trong một nhà máy, nơi họ sản xuất bom, đạn, một nhân viên nhà máy đưa cho tôi một lát bánh mì. Tôi muốn mang đến cho em gái tôi, người đang chết vì đói. Vì vậy, tôi đã giấu lát bánh mì trong tay áo của mình. Người lính đã tìm thấy nó, dẫn đến việc tôi bị đánh nhiều nhát khắp mặt, tai, cho đến khi máu chảy ra cả hai tai. Không có sự chăm sóc y tế nào, nên tai tôi bị nhiễm trùng. … Tôi đã được cứu… vào ngày 4 tháng 5 năm 1945. Tôi hoàn toàn bị điếc khi họ đưa tôi đến bệnh viện. Sau đó các bác sĩ chăm sóc cho tôi và nói với tôi rằng tôi không còn màng nhĩ trong tai. Cho đến hôm nay, tôi rất khó nghe. Đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, nhưng không có kết quả gì. Nói cách khác, bây giờ tôi bị điếc. Tôi bị điếc tai phải 100%, tai trái 80%. Tôi không chỉ bị mất thính giác; ước mơ của chính tôi là trở thành một ca sĩ opera. Nhưng không bao giờ điều đó thành sự thật
Các thử nghiệm này thực sự rất tàn khốc và là tội ác. Sau chiến tranh, phiên tòa xét xử diễn ra đối với các bác sĩ thực hiện thử nghiệm, nhưng khi bị thẩm vấn các bác sĩ này thường lấy lý do phục vụ mục đích nghiên cứu phát triển y tế, hay lòng yêu nước của họ. Điều đó là không thể chấp nhận bởi các thử nghiệm hoàn toàn không mang lại giá trị gì. Do bản chất tàn bạo của con người họ. Phiên tòa xử tử hình nhiều bác sĩ bằng cách treo cổ. Có nhiều người trước lúc chết còn nói bản thân cảm thấy tự hào vì phục vụ cho quốc gia của mình, một số tỏ vẻ ăn năn hối lỗi trước lúc chết.
Trật Tự Mới do Đức Quốc Xã vốn chỉ mới là bước khởi đầu cho mọi thứ, nếu chiến thắng trong cuộc chiến chẳng ai biết mọi chuyện sẽ còn kinh khủng như thế nào. Nhưng chí ít, có lẽ số phận đã an bài sẵn cho thế giới này. Vào năm 1945, Phát Xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt một Trật Tự Mới ngắn ngủi nhưng đầy đau thương này.
Sau cùng, tội lỗi của người Đức không thể rửa sạch được. Con người sẽ không bao giờ quên được thời khắc đen tối ngắn ngủi của thế giới này. Nhưng chúng ta cũng sẽ không phải quá lo lắng về quá khứ sẽ lặp lại vào tương lai. Những tên độc tài có ý chí cuồng loạn chí ít sẽ phải dè chừng, những nhà nước phát xít với tư tưởng cực đoan như Đức Quốc Xã sẽ không xuất hiện nữa. Có thể nói, chúng ta đang sống trong một thế kỉ yên bình nhất từ trước tới nay, nền văn minh nhân loại đang tiến bộ, người ta càng bảo vệ nhân quyền . Nhiều cuộc xung đột giảm dần, số lượng thương vong không cao như thế kỉ XX. Đây là một hiện tại đẹp đẽ dành cho chúng ta.Không phải vì thế chúng ta quên đi quá khứ tăm tối này, cuộc Thế chiến và Trật Tự Mới của Quốc Xã là định mệnh không thể tránh khỏi của nhân loại. Tội lỗi của Người Đức thật sự rất lớn, không gì có thể xóa bỏ được.
Tôi có cảm giác tiếc nuối trong cay đắng khi nghĩ về người Đức, những người đáng kính theo tư cách cá nhân nhưng đáng khinh theo tư cách tập thể. Goethe Trích - Sự Trỗi Dậy và Suy Tàn của ĐẾ CHẾ THỨ BA
Ta cần phải học được bài học từ quá khứ đen tối này. Để có thể cảm nhận được ý nghĩa của sinh mạng quý giá đến nhường nào
Mặc dù có nhiều vấn đề cần đưa vào hơn, nhưng trong khuôn khổ một bài viết. Tôi cũng chỉ có thể tóm tắt thật ngắn gọn, cùng lúc đưa ra một vài quan điểm cá nhân của riêng mình. Hi vọng độc giả cảm thấy bài viết này bổ ích với bản thân.
có nhiều nguồn tài liệu mà tôi đã sử dụng tham khảo trong quá trình viết bài này. Bao gồm cả sách và các trang nước ngoài.
Một trong số cuốn sách tôi dùng để trích dẫn nhiều nhất, bài viết nhiều phần được giúp đỡ bởi cuốn sách này. Hi vọng độc giả có thể tìm đọc: SỰ TRỖI DẬY VÀ SUY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ THỨ BA của tác giả William L. Shirer. Đây là một trong những tác phẩm lịch sử quan trọng nhất mọi thời đại theo New York Times.