Sau cải cách của Marius, không những tổ chức quân đội được thay đổi mà còn đem đến một sự thay đổi rất lớn cho trang bị của mỗi người lính Lê Dương (Legionary). Trước đó, không phải ai cũng có thể mua cho bản thân những trang bị chất lượng do chính quyền La Mã không cung cấp những trang bị cần thiết cho quân đội của mình, nên chất lượng quân đội còn tương đối nghèo nàn dù được tổ chức khá quy củ và kĩ càng. Nhưng sau cải cách, quân đội không những có tổ chức hơn mà còn chất lượng hơn trong trang bị của mỗi người lính. (Trong bài viết này nêu ra cả trang bị trước cải cách và sau cải cách)

I/ Mũ

Quân lính La Mã thường đeo giáp mũ để bảo vệ phần quan trọng nhất của họ trong trận chiến. Mặc dù cách thiết kế có sự thay đổi qua hàng thế kỉ, mũ của lính La Mã luôn tuân theo những khuôn mẫu như: phần chóp mũ hình bán cầu; có thể có hoặc không tấp bảo vệ má hoặc cổ; phần bên trong mũ chỉ được lót vải sơ sài mà người lính sẵn có.
1/Montefortino
Vào thời kì Cộng hòa, loại mũ được sử dụng nhiều nhất được gọi là "Montefortino", một kiểu thiết kế của người Celt phổ biến trong khoảng thế kỉ IV TCN. Montefortino được tạo từ một tấm đồng phẳng rồi được đập thành dạng hình bán cầu bởi búa. Kiểu mũ này không được quá cách điệu, thường người La Mã chỉ thêm mào ở đỉnh đầu hoặc vài chiếc lông chim đặt ở 2 bên mang tai. Mũ Montefortino được người La Mã sử dụng sau cải cách Marius và đến tận thế kỉ đầu tiên CN. Hầu như chỉ có phần bảo vệ má và cổ to hơn trước
Montefortino của người La Mã
Montefortino của người La Mã
2/Coolus
Một loại mũ khác phát triển từ Montefortino cũng đã được ra đời vào thế kỉ đầu tiên được gọi là "Coolus", ngắn hơn và không có kí hiệu mũi tên như Montefortino. Coolus là một trong số loại mũ mà quân La Mã sử dụng nhiều nhất và ta cũng thường xuyên thấy nó trong game hay phim ảnh.
Mũ Coolus
Mũ Coolus
3/Các kiểu thiết kế Imperial
(Tôi thực sự không biết nên gọi tên kiểu thiết kế này là gì trong tiếng Việt nên đưa tên gốc vào)
Loại mũ Imperial-Gallic cùng tồn tại với Coolus và cùng xuất hiện với Coolus. Thiết kế này cũng có nguồn gốc Celtic, nhưng lại không được phát triển trực tiếp dựa trên Montefortino như Coolus. Imperial-Gallic là kiểu thiết kế được cách điệu nhiều nhất và thẩm mĩ nhất. Xung quanh chiếc mũ là những họa tiết phức tạp. Cũng có một loại mũ tương tự với Imperial-Gallic là Imperial-Italic, cả hai dù ngoại hình tương đồng nhưng chất lượng của Imperial-Italic lại kém hơn rõ rệt so với Imperial-Gallic.
Imperial-Gallic
Imperial-Gallic
Imperial-Italic (phần che đầu không vuông như Imperial-Gallic)
Imperial-Italic (phần che đầu không vuông như Imperial-Gallic)
Tất cả loại mũ cho quân đội vào thời điểm thế kỉ I CN đều được làm bằng hợp kim đồng hoặc sắt. Những chiếc mũ sắt được đập tròn từ những tấm sắt phẳng như mũ đồng thời Cộng hòa. Nhưng mũ từ hợp kim đồng được làm từ việc kéo sợi kim loại, vì vậy việc sản xuất trở nên nhanh hơn và quy trình trở nên ít khó khăn hơn. Vào thế kỉ II CN, thì Imperial-Gallic/Italic mới trở nên phát triển với việc phần bảo vệ cổ và má lớn hơn, bổ sung giằng chéo (phần mấu nhô ra ở trán mũ). Sự phát triển của Imperial-Gallic/Italic đã thay thế những loại và kiểu thiết kế khác.
Từ đó trở đi, sự phát triển chủ yếu là ở kích thước phần bảo vệ cổ. Nhưng đến một thời điểm, mũ nồi (helmet-bowl) đã thay thế những thiết kể kiểu cũ vào thế kỉ V CN
Mũ nồi của quân La Mã sau thời kì là Đế quốc thống nhất (minh họa)
Mũ nồi của quân La Mã sau thời kì là Đế quốc thống nhất (minh họa)
Một chiếc mũ nồi được tạo từ 2 tấm kim loại trở lên, tăng cường độ cứng cáp và cũng đồng thời đơn giản hóa quá trình rèn nên.

II/Khiên

1/Scutum
Scutum là chiếc khiên tiêu chuẩn cho bộ binh của La Mã. Nhìn chính diện thì Scutum có dạng hình chữ nhật, nhưng nó được làm cong theo bề ngang để tăng diện tích bảo vệ cho người lính ra 2 bên. Thiết kế của Scutum đã được dùng từ thời kì ban đầu của Cộng hòa La Mã và tiếp tục kiểu dáng ấy đến tận thế kỉ III CN khi bị thay thế bởi những chiếc khiên hình tròn và bầu dục.
Khiên Scutum (dài 100-130cm, rộng 60-80cm)
Khiên Scutum (dài 100-130cm, rộng 60-80cm)
Scutum được làm từ gỗ, vải hoặc da. Thông thường, chiếc khiên sẽ được ghép từ nhiều tấm gỗ lại với nhau, lớp gỗ bên ngoài được bẻ cong theo chiều ngang, lớp gỗ bên trong được bẻ theo chiều dọc. Một khi 2 lớp gỗ được ghép lại với nhau, chiếc khiên này sẽ được ngăn chặn những điểm yếu của vân gỗ. Rồi sau đó được bọc bởi da thú hoặc vải, và một số chi tiết nữa như tấm bảo vệ tay cầm của người lính. Trong thời Cộng hòa La Mã, tấm bảo vệ tay cầm được làm bằng gỗ, nhưng vào thế kỉ I CN, tấm bảo vệ tay cầm đã được chuyển sang làm bằng sắt để tăng mức độ bảo vệ.
2/Parma
Một chiếc Scutum có thể bảo vệ người lính bộ binh toàn diện hơn so với những loại khiên khác, nhưng dẫn đến khối lượng nặng hơn đáng kể nên sẽ được sử dụng bởi những người lính Lê Dương (Legionary), còn những lính trợ chiến (Auxiliary-Những chiến binh ngoài La Mã) mang những chiếc khiên nhỏ và phẳng hơn gọi là Parma
Khiên Parma (đường kính ~91cm)
Khiên Parma (đường kính ~91cm)
Parma là một loại khiên hình tròn và kích thước nhỏ. Cũng có một lịch sử lâu đời từ thời kì đầu của Cộng hòa La Mã. Những người lính không dùng Scutum có khuynh hướng chọn những chiếc khiên tròn và phẳng hơn do chúng rẻ hơn và nhẹ hơn. Những lợi thế ấy khiến chúng trở thành chiếc khiên chính cho những Auxiliaries và Aquilifer/Signifer (những người mang biểu tượng cho quân đoàn/bách binh đoàn, Aquilifer có địa vị cao hơn Signifer do họ mang trên tay đại bàng của cả Legion). Dù vậy, đến thế kỉ I CN thì Parma đã lỗi thời và dần bị thay thế bằng những kiểu thiết kế khác.

III/Giáp

1/ Lorica Segmentata (giáp tấm)
Lorica Segmentata được thiết kế lần đầu vào thế kỉ I CN, và được sử dụng rộng rãi trong một thế kỉ sau đó. Kiểu giáp tấm đặc biệt này là một điểm nhận dạng của một lính Lê Dương La Mã. Tên gọi của loại giáp này xuất phát từ cấu tạo của nó, là những tấm kim loại (segments) được ghép lại với nhau. Phần giáp thân được tạo bởi 26 dải kim loại. Còn phần vai được tạo bởi vài tấm kim loại phủ chồng rộng đến cánh tay. Những tấm dải ấy được làm từ sắt hoặc thép có độ carbon thấp phụ thuộc vào thời gian chế tạo là khi nào. Các dải được nối với nhau bằng dây buộc bằng da, có một số nấc và có thể tùy biến độ chặt cho dây để phù hợp với tất cả dáng người.
Ảnh phục chế giáp Lorica Segmentata
Ảnh phục chế giáp Lorica Segmentata
Những phụ kiện bằng đồng đi kèm trong giáp thường mỏng, chúng sẽ thường xuyên bị vỡ ra. Tại thế kỉ II CN, một sự cải tiến mới cho kiểu áo giáp này đã được ra đời. Giảm số lượng tấm giáp, những phụ kiện trở nên cứng hơn. Cải tiến Lorica Segmentata khiến cho bộ giáp có tuổi thọ lâu hơn và ít cần sửa chữa hơn
2/Lorica Hamata (giáp lưới)
Lorica Hamata là tên gọi của loại giáp lưới La Mã, là 1 trong 2 loại áo giáp xuất hiện đầu tiên vào thời kì đầu của Cộng hòa La Mã. Đồng thời cũng là một thiết kế có gốc gác Celtic, người La Mã đã sao chép lại kiểu thiết kế này sau khi thấy được sự hữu dụng của nó.
Một phần của Lorica Hamata
Một phần của Lorica Hamata
Như có thể thấy ở hình minh họa phía trên, một chiếc Lorica Hamata được làm từ những chiếc vòng nhỏ (bằng đồng) được móc chặt lại với nhau. Thường thì một người lính sẽ mắc giáp ở phía bên ngoài áo vải của anh ta để thoải mái nhất. Giáp lưới tỏ ra rất hữu dụng khi mà ngăn chặn sát thương của những phát chém từ lưỡi kiếm (và việc chém là hành động thường xuyên hơn với một người cầm kiếm), nhưng lại rất yếu trong việc chống đỡ lại những nhát đâm từ kiếm đầu nhọn. Vì yếu điểm không thể chống lại việc bị đâm, giáp Hamata đã mất đi tính ưa chuộng vào thế kỉ I CN và được thay thế bởi Lorica Segmentata. Dù vậy, lính Auxiliary vẫn được trang bị giáp lưới, và được sử dụng rộng rãi trở lại sau thời kì chia cắt Đế quốc.
3/ Lorica Squamata (giáp vảy)
Lorica Squamata là loại giáp thứ 3 được sử dụng bởi quân đội La Mã, và là loại giáp còn lại xuất hiện trong thời kì đầu của nền Cộng hòa. Giáp vảy được sử dụng nhiều bởi những Auxiliary và Aquilifer/Signifer. Thay vì được làm từ những dải kim loại như là Segmentata, Squamata dùng những "vảy" nhỏ hơn rất nhiều, được nối lại với nhau bằng những dải da và một chiếc áo trong bằng vải lanh. Giáp vảy là một phiên bản lai giữa giáp lưới và giáp tấm và là một sự kết hợp ưu điểm của 2 loại giáp ấy. Nhiều lớp vảy sắt hoặc đồng không những giảm đáng kể sát thương từ những cú chém của kiếm mà còn giúp tăng độ cơ động của binh lính (do giáp vảy nhẹ hơn). Dù là như thế, Squamata vẫn mắc một yếu điểm chết người của Hamata đó chính là yếu trong việc bảo vệ người lính khỏi những cú đâm từ các loại vũ khí.
Những lớp vảy của Squamata
Những lớp vảy của Squamata
Vào thời thế kỉ I CN, thiết kế của Squamata đã đưược thay đổi bằng việc thay thế áo trong bằng vải lanh thành một lớp giáp lưới ở trong (được gọi là Plumata), tăng độ chống chịu đáng kể cho bộ giáp nhưng cũng đồng thời độn thêm rất nhiều nguyên liệu để sản xuất nên không được sử dụng nhiều và chỉ được trang bị cho những viên sĩ quan.