Mỗi người đều có hai hình ảnh của bản thân về chính mình: một là hình ảnh trong tâm trí người đó tự tạo ra hay cách tự nhìn nhận về bản thân, và hai là hình ảnh thực tế khi được đưa ra nhìn nhận một cách khách quan hoặc có sự quan sát của một người thứ ba.
Một nghiên cứu tâm lý học đã được thực hiện như sau: các nhà nghiên cứu cho các tình nguyện viên trả lời bảng câu hỏi, trong đó có một câu hỏi về việc nếu bạn nhìn thấy tiền rơi thì bạn có nhặt hay không. Câu trả lời của đa số những người tình nguyện trả lời câu hỏi chiếm đa số là “Không”. Cũng với những người tình nguyện đó, vào một lần khác, các nhà tâm lý học đã bố trí thì nghiệm một cách bí mật để các tình nguyện viên tham gia không biết rằng họ đang tham gia vào một buổi thí nghiệm, ở đó họ được cho nhìn thấy một tờ tiền mà ai đó đã “vô tình” đánh rơi trong phòng khi hầu như không có ai ở xung quanh đó cả. Bằng camera quan sát, thì phần lớn, trong số người đã trả lời bảng câu hỏi là không, khi nhìn thấy tờ tiền đó đều đã nhặt nó sau khi nhận ra rằng không có ai ở xung quanh họ vào lúc đó.
Thí nghiệm này đã khiến các nhà tâm lý học nhân ra được, trên thực tế, mỗi người luôn có hai hình ảnh về bản thân một hình ảnh tưởng tượng do tâm trí tạo ra và một hình ảnh thực tế (hành động thực tế) về bản thân mình mà chúng ta hầu như không nhận ra được điều đó.
Hình ảnh tưởng tượng là những thứ mà mọi người tưởng rằng mình đang là và mình sẽ thực hiện điều đó nếu như gặp phải tình huống như vậy trong thực tế. Tuy nhiên, hình ảnh này được tạo ra bởi chính suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm, kiến thức thu nhận được, môi trường sống, chuẩn mực đạo đức xã hội của chính bản thân người đó. Lý trí của họ nói rằng đối với tình huống như thế này thì nên làm như thế này mới được cho là đúng, là phù hợp.
Còn hình ảnh thực tế chính là những gì mà người đó hành động. Trên thực tế, người ta thường hành động theo thói quen và cảm xúc. Thường chỉ có thiểu số những người có thể quan sát được hành động trong hoàn cảnh thực tế của bản thân để cân nhắc liệu nó có đúng với những gì mà họ đang tưởng tượng về mình hay không. Khi đối mặt với tình huống thực, tất cả những điều họ làm đều là những thứ mà họ cho rằng họ nên làm vào thời điểm đó và họ có đủ lý do để giải thích vì sao họ đã không hành động như những gì họ đã nghĩ hoặc nói.
Nên vì sao một số người nói nhịn ăn để giảm cân nhưng sau khi nhịn bữa chính họ sẽ đền bù bằng những bữa vặt nhỏ dẫn đến sau thời gian nhịn ăn lại chẳng thấy thay đổi gì cả, thậm chí còn có thể tăng cân. Một số người quyết tâm cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tiền, họ không chi dùng những khoản chi phí lớn nhưng đến cuối tháng tiền vẫn đi hết sạch, đó là bởi thay vì chi một lúc một khoản lớn, họ đã chia ra để chi rất nhiều những khoản nhỏ hàng ngày. Tất cả những hành động đó được dẫn dắt bởi thói quen khiến mọi người đều thực hiện trong vô thức và không hề được kiểm soát.
Để biết được khoảng cách giữa hình ảnh thực tế và hình ảnh tưởng tượng của bản thân về chính mình thì có một cách khá hiệu quả chính là sử dụng nhật ký. Nhật ký chính là thứ ghi lại mọi việc, mọi suy nghĩ, mọi hành động trong ngày của mỗi chúng ta. Ghi nhật ký chi tiết nhất có thể về tất cả những gì chúng ta đã nghĩ và đã làm chính là cơ hội để bản thân quan sát lại hình ảnh thực tế của mình là như thế nào, liệu nó có phù hợp với những gì mà chúng ta đang nghĩ về mình hay không. Từ đó, chúng ta có thể nhận biết được khoảng cách giữa hai hình ảnh này và thu hẹp lại để chúng trở nên trùng khớp với nhau hơn.
Chúng ta chính là kết quả từ những hành động của chính mình, khi bạn không đạt được những gì mà bạn mong muốn thì nguyên nhân chính là do có một hành động thực tế nào đó của chúng ta chưa phù hợp với kết quả mà mình mong đạt được. Do đó, việc tốt nhất để có thể biến những điều ước của chính bạn thành hiện thực chính là biến những gì bạn hình dung mình sẽ làm, thành việc làm trên thực tế.