Dạo gần đây, mình có đọc một cuốn sách khá nổi tiếng của tác giả Camilo Cruz, cuốn sách mang tên “Ngày xưa có một con bò…” bản dịch Tiếng việt. Truớc đây, cô giáo dạy văn cũng từng giới thiệu quyển này đến lớp mình. Mình đã mua quyển sách này vào hồi đầu năm nhưng mãi đến gần đây mình mới đọc nó. Mình muốn chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân về quyển sách này.
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ:
Tác giả Camilo Cruz là một nhà đào tạo doanh nghiệp, một nhà chiến lược cuộc đời và là một diễn giả nổi tiếng. Ông ấy đã viết khá nhiều đầu sách nhưng có lẽ, khán giả biết đến ông nhiều hơn qua những buổi diễn thuyết sinh động, hài hước. Các bạn có thể lên youtube và tìm nghe những bài diễn thuyết của ông ấy.
“NGÀY XƯA CÓ MỘT CON BÒ…”
Là một trong những quyển sách nổi tiếng của ông. Quyển sách này đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng trên thế giới, ngoài ra còn có hàng trăm nghìn lượt tải sách từ trang sách trực tuyến. Liệu có thực sự rằng “Ngày xưa có một con bò…” là “một câu chuyện ngụ ngôn sẽ tạo bước đột phá cho cuộc sống của chúng ta”?
KHÁI QUÁT CHUNG:
Quyển sách được chia thành 9 chương nhưng theo mình có thể khái quát thành 3 nội dung như sau:-
*Chương 1: Câu chuyện ngụ ngôn về con bò. Từ câu chuyện ấy, mượn hình ảnh “con bò”, tác giả đã ẩn dụ đề cập đến “những con bò” tồn tại trong tư duy của mỗi người. Thực chất “bò” là gì?
*4 chương tiếp theo: Tác giả điểm mặt từng “con bò” thường thấy hay nói cách khác “bò” cũng tồn tại trong “muôn hình vạn trạng” khác nhau. Nhưng cuối cùng, cũng giống như “ bò sữa” , “bò thịt”, chúng đều có nguồn gốc là những con bò. “Con bò” trong mỗi người cũng xuất phát từ những nguồn gốc chung ấy.
*4 chương cuối cùng: Tác giả đưa ra một số giải pháp giúp chúng ta tiêu diệt những con bò ấy và cách để giúp ta sống với một tư duy không còn bò nữa.
TỪ “CON BÒ” ĐẾN “CON NGƯỜI”
Xuất phát từ câu chuyện ngụ ngôn mà Camilo đã kể lại như sau: Có một ông thầy giáo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm muốn truyền đạt bí quyết để sống cuộc đời thịnh vượng và hạnh phúc cho người học trò của mình. Ông đã dẫn người học trò đến một ngôi nhà nghèo nhất làng và xin ở trọ qua đêm tại đấy. Ngôi nhà ấy vô cùng tồi tàn, không có gì đáng giá ngoài một con bò sữa. Sự tồn tại của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào con bò ấy. Đến giữa đêm, hai thầy trò rời đi từ sớm nhưng trước khi đi, người thầy nọ đã rút dao giết chết con bò- nguồn sống của gia đình tội nghiệp. Nhưng nhiều năm sau, khi họ quay lại thì gia đình ấy đã trở nên khấm khá, thậm chí còn xây dựng hẳn một ngôi nhà khang trang, vững chãi.
Từ câu chuyện ấy, ông giáo đã dạy người học trò hiểu ra rằng: “Con bò chính là sợi dây xích trói buộc gia đình họ với đói nghèo và khổ cực…Sự thoả mãn bắt đầu huỷ hoại cuộc đời con….Cũng giống như ‘con bò”, thái độ đó luôn luôn kìm hãm con…Điều đó cũng giống như con tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình thắng cuộc.”
“DĂM BẢY LOẠI BÒ”
Như câu chuyện bên trên, “bò” chính là rào cản ngăn gia đình ấy đến với cuộc sống mới theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Bởi trong suy nghĩ, “con bò” là lý do để họ bám trụ vào đói nghèo, là nỗi sợ hãi khi phải thay đổi. Họ chấp nhận cuộc sống thê thảm ở thực tại bởi họ tin vào những “con bò” đang nuôi sống gia đình mà không hề hay biết “bò” chỉ đang giúp họ tồn tại chứ thực sự họ không hề đang “sống”. Nhưng với Camilo, “con bò” trong tư duy mỗi chúng ta còn nhiều hơn thế. Đó là:        *Những cái cớ và lí do để bao biện cho những sai lầm của bản thân.   
*Sự né tránh trách nhiệm khi thất bại. Nói cách khác, khi đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác khi bạn thất bại thì bạn đang nuôi dưỡng một “con bò” ngu ngốc trong tư duy.
*Niềm tin sai lầm và mù quáng vào lời khuyên từ người khác.
*Tin vào sự yếu kém bản thân khi chưa thực sự hành động.    
*Nỗi sợ hãi khi phải thay đổi.   
*Hợp lí hoá những sai lầm, thoả hiệp và chấp nhận cuộc sống tầm thường, tự an ủi bản thân khi cho rằng: “Khối người còn đang mong muốn cuộc sống của mình"
.…
Với những “con bò” vừa được mình gọi tên như trên, khi đọc sách các bạn còn có thể bắt gặp nhiều con bò hơn nữa, thậm chí đôi khi là hình ảnh của bản thân đang “vỗ về” những chú bò ấy. Với mỗi phần, tác giả sẽ có những câu chuyện chứng minh rằng: bạn đang thực sự nuôi một con bò béo ú! Đó là những câu chuyện rất chân thật trong cuộc sống hàng ngày như: giảm cân, cai thuốc hay bỏ rượu…bởi như tác giả nói những câu chuyện ấy là một phần trong hơn 10.000 người đã gửi email chia sẻ những thay đổi tích cực của bản thân khi đọc xong ấn bản e-book đầu tiên của cuốn sách này.
TÓM LẠI “BÒ KHÔNG TỰ NHIÊN SINH RA VÀ CŨNG KHÔNG TỰ NHIÊN MẤT ĐI…”
Nguồn gốc: Bò ở đâu ra?
Trải qua gần 10 trang sách, với câu chuyện của một người đàn ông đã dành 50 năm cuộc đời mình chỉ để “sợ phát biểu trước đám đông” hay những ví dụ về lời nói huyễn hoặc bản thân có nội dung như phần “Dăm bảy loại bò”, tác giả đi đến kết luận: những con bò được hình thành từ những niềm tin sai lầm trong nhận thức mỗi người. Nghĩa là: “bạn muốn như thế nào, bạn sẽ như thế đó”. Chẳng hạn, nếu tôi tin chắc chắn rằng tôi viết lách rất dở, không thể cải thiện được thì sẽ có chẳng có động lực nào để tôi viết nên cái bài này cả. Và khi tôi không viết một bài nào cả thì chắc chắn rằng tôi ngày càng yếu kém trong việc viết và điều này lại càng củng cố cho niềm tin của tôi. Niềm tin sai lầm ấy lớn dần lên và được tác giả gọi là “con bò”.
Làm thế nào để sống mà không còn bò nữa?
Tác giả chỉ ra 3 việc cần làm:    *Không nên nhận bất cứ con bò nào người ta tặng cho mình.      
*Loại bỏ những con bò ra khỏi cuộc sống bằng cách: nhận diện từng con bò, viết ra những hậu quả bạn sẽ gặp phải nếu tiếp tục nuôi chúng và lập một danh sách kết quả tích cực khi bạn đã loại bỏ được nhưng con bò.    
*Thiết lập những hành vi mới và duy trì nó.
ĐÁNH GIÁ QUYỂN SÁCH DỰA TRÊN GÓC ĐỘ CÁ NHÂN:
Với mình đây quyển sách có nội dung không mới, chỉ là cách kể khác đi song cũng chưa thực sự cuốn hút khi có những phần nội dung bị lặp lại. Sách thuộc thể loại self-help với mục đích giúp người đọc nhận ra cái thái độ dễ dàng “chấp nhận” và “thoả hiệp” trong cuộc sống. Chúng ta thường tự mãn với chính mình và chấp nhận để cuộc sống của bản thân xuôi theo hoàn cảnh. Tất nhiên, với thái độ đó, chúng ta khó có thể thành công và sống một cuộc đời như mình ao ước. (Ngay cả khi đọc “Đắc nhân tâm” bạn cũng biết được điều này, thậm chí nhiều hơn thế). Những đầu sách kiểu này đa số đánh vào tâm lý, làm thay đổi nhận thức một cách hời hợt, chủ quan. Giả sử có đoạn tác giả đã viết:
“Camilo này, tôi cho anh vài lời khuyên nhé.
  ….
Anh đã thật sự có kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề mà anh sắp sửa cho ý kiến không? Nếu có, đó có phải là kinh nghiệm thành công không? Anh có cho rằng mình đủ trình độ để cho một lời khuyên lão luyện về lĩnh vực này không?...”
Đây chính là cách mà tác giả khuyên chúng ta nên làm để không phải nhận bất kì con bò nào từ người khác. Phải chăng ý tác giả muốn nói rằng lời khuyên của người khác chính là con bò cản bước chúng ta khi mà ông ấy còn chưa thực sự biết nó là gì? Nếu bạn làm điều đấy ngoài đời thật, tôi nghĩ nó thật lố bịch. Chúng ta có nhiều cách để né tránh lời khuyên ấy nếu nó không tốt. Thay vì "chặn họng" người khác, hơn hết chúng ta nên tìm hiểu bản thân muốn gì và giữ vững thái độ kiên định với chúng.
Tóm lại, đây là một quyển sách dành cho những ai mới tiếp cận đến dòng sách chữ, đặc biệt sách self-help, nó có thể thay đổi nhận thức chúng ta một cách lạc quan hơn một chút. Cũng có thể đọc để học cách hành văn, lối dẫn dắt của tác giả để nâng cao khả năng viết của mình hoặc đọc để va chạm, so sánh, đối chiếu với những quyển sách khác để khi đọc sách, bạn sẽ nhận ra được giá trị thực sự của mỗi quyển sách mà không bị nó chi phối.
Rate 2.5/5 sao nhé!