Những dòng viết cực nhọc. Năm ấy tôi đôi mươi.
Tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm lại cho mình cảm giác cân bằng...

" To balance sometimes for love is  part of living a balanced life " ( Đôi khi, việc tình yêu làm ta mất cân bằng lại là một phần của sự tìm lại cân bằng trong cuộc sống ). Tình yêu ở đây tôi nói đến không đơn thuần chỉ là thứ tình cảm trai gái, mà nó là tình thân, tình thương, và những mối tình câm, tình thầm trong công việc mà mãi đến khi đắm chìm vào chúng rồi tôi mới nhận ra rằng mình đã yêu quý chúng biết bao nhiêu.
Trong hình ảnh có thể có: Nguyễn Hoàng Mai Thy
Ảnh: Nắng chụp

Trong những ngày còn lại ít ỏi của tuổi 19, cái tuổi mà cô bạn của tôi bảo rằng cứ cố gắng tận hưởng đi, sống hết nó thật trọn vẹn. Tôi không thấy nhiều sự khác biệt giữa tuổi 19 và 20. Với tôi, mỗi ngày trôi qua ở mỗi độ tuổi đều đáng để chúng ta suy ngẫm và cảm nhận. Suy cho cùng thì cuộc sống của chúng ta được tạo lặp ra bằng rất nhiều sự kiện, liên kết với nhau bằng thời gian, và chúng ta đóng vai trò là những người lưu giữ chúng, không phải sao?
Hai năm, 730 ngày, hơn 730 câu chuyện, có vui, có buồn, có thành công, có thất bại, không dễ dàng gì để có thể đứng dậy đúng lúc và tỏ ra dửng dưng như chẳng có gì. Nhưng chúng ta phải thế thôi, không sớm thì muộn, chúng ta phả lớn theo cách của chúng ta. Môi trường hiện tại của tôi đã cho tôi quá nhiều, mà cũng lấy đi của tôi không ít. Nhưng tôi cho rằng, mọi sự đánh đổi đều rất đáng giá, và nếu không đánh đổi, chúng ta hẳn vẫn còn mắc kẹt lại đâu đó trong mê cung đời mình.

Sự đánh đổi đầu tiên: chọn một ngôi trường mà người ta cho rằng nó quá đắt để theo học một ngành đại trà mà trường nào cũng đào tạo, chọn chỉ vì trường đẹp, trường nhà giàu, trường quá trẻ,...hàng loạt những nghi ngại và nghi ngờ. Và sự thật là tôi chưa bao giờ nghĩ mình sai khi chọn đại học Tôn Đức Thắng để làm bệ phóng cho những dự định xa hơn trong tương lai. Một ngôi trường 20 tuổi nhưng sự phát triển của nó to lớn hơn cái tuổi, sự phát triển luôn là một bí ẩn, sự quyết tâm chinh phục rõ ràng, sự kỷ luật trở thành danh hiệu và được doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, sự chuyên nghiệp và môi trường quốc tế hóa như món đặc sản mà bao người ngoài kia ao ước một lần bước vào. Mỗi lần nghe người ta nói trường tôi là trường dân lập, trường thế này thế nọ, tôi không tức, không giải thích, chỉ nghĩ rằng, thì ra trường tôi đã lớn mạnh và trưởng thành từ lâu trong khi dư luận vẫn mãi trẻ con chưa bao giờ chịu lớn. 
Điều làm tôi yêu quý nơi đây, là những con người đầy tâm huyết, đầy đam mê với những việc mà họ theo đuổi. Chúng ta không chỉ đấu tranh với chính mình, đấu tranh với lời ra tiếng vào, mà sự đấu tranh dai dẳng nhất vẫn là sự cân bằng. Đi nhanh quá cũng không tốt, đi chậm quá cũng không tốt, quan trọng nhất là biết thức thời, biết đâu là khởi hành, đâu là trạm dừng. 
Điều thứ hai làm tôi yêu quý nơi này, vì nó khá giống với ngôi trường cấp 3 tôi từng theo học, giống ở đây không phải là ngang hàng nhau, mà là những định hướng giống nhau, định hướng trong việc giảng dạy, định hướng xây dựng cơ sở vật chất, lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng làm sao là tốt nhất cho học sinh của mình, phát triển chúng toàn diện chứ không phải chỉ áp đặt chúng học như những con mọt sách, những con thiêu thân. Điểm tương đồng rõ ràng nhất mà tôi có thể cảm nhận là dám thay đổi, dám là người tiên phong, dám thử thách, dám khác biệt mỗi ngày.

Điều thứ 3 và cũng là điều cuối cùng, nơi đây đã tôi luyện tôi thành một người làm việc có suy nghĩ, bản năng là cần thiết, nhưng bản năng không phải lúc nào cũng đúng. Những tháng ngày này, dù bị khó khăn và stress dập tả tơi, có những lúc mình đưa tay ra nhưng chả một cánh tay trục vớt mình, cảm giác cực kỳ tệ hại, nhưng điều đó không đồng nghĩa là mình bị bỏ rơi. Mọi người vẫn ở đó, vẫn rất tình cảm, rất nồng ấm, mọi thứ đều như trước, nhưng khoảng thời gian ấy chúng ta mãi mãi chẳng thể quay trở lại nữa. Và nếu ai cũng chỉ đứng yên ở đấy, chờ đợi và ậm ừ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ kịp nhịp nhau.

 "  Sự đổ nát có khi lại là một món quà. Là con đường giúp chúng ta nhìn nhận để thay đổi." Nhiều lúc tôi chỉ muốn mình từ bỏ và quên hết mọi thứ như chưa bao giờ nhớ, mà tất cả là trạng thái cố gắng trong một lúc, cơ bản là chúng ta sẽ không bao giờ quên được, chỉ là...khi nhắc lại, khi gặp lại chuyện đó/người đó, bạn có còn sự giận dữ hay cảm giác thân thương nào không. Sau tất cả, những người mà chúng ta gặp gỡ trong khoảng thanh xuân xanh rực kia, hình ảnh của họ mãi đẹp, mãi còn. Hãy học cách giữ lại một ít tức giận cho mình và cho đi hơn một cảm tình với người đối diện, đó gọi là bão hòa trong quan niệm của tôi. Chừa lại con đường lui, mai này gặp lại trong một chuyến xe, trong quán cafe hay vô tình trên con đường xa lạ, chúng ta còn có thể hỏi nhau vài câu vì sự tử tế còn lại mà lần cuối cùng chúng ta cãi nhau ấy. Tất cả mọi thứ có hình dạng và định giá trong cuộc đời này đều có thể lấy lại, chỉ thời gian và lời nói là hai thứ không thể vãn hồi. Hãy yêu thương nhau, hãy tìm lại tình thân, tình thương nếu lỡ có đánh mất.

Sự đánh đổi thứ 2: Cho mình 2 năm để học hỏi và tạo khung cho mình trong khi bạn bè mình đã chạy, đã lao trên cung đường mà họ mơ ước. Sự chờ đợi này thật sự rất dài, rất thơ, nhưng cũng rất tàn nhẫn. Như hai kẻ yêu xa, tôi chỉ có thể mường tượng ước mơ của mình mỗi ngày trong trí tưởng tượng và những kế hoạch chấc chồng trên giấy. Tôi luôn hỏi mình, bao giờ thì mới từ bỏ những chiếc vòi bạch tuột đang trì tay níu chân mình để nhìn lại và một lần yêu thương chính mình. Đau đớn nhất là sau bao nhiêu lần nói đây sẽ là lần cuối, nhưng lại không đủ nhẫn tâm bỏ đi, lúc nào cũng như bị cuốn vào nó một cách có ý thức. Một câu nói rất quen thuộc mà người ta cứ hay rỉ rả tai nhau:  Điều khó có thể nghĩ tới hơn việc ra đi là ở lại; điều khó có khả năng xảy ra hơn việc ở lại là ra đi. Trách nhiệm và lòng tin đè nát vai mình, bản thân thì làm việc với tất cả những cuồng nhiệt, rồi dần thành nặng nề, không biết rõ khi nào mình ngã, ai ở lại với mình, có ai cùng mình không? Cho đến thời điểm cách đây hơn 1 tháng, quyết định ra đi hình thành trong dòng suy nghĩ của tôi, ra đi không có nghĩa là không nhìn lại, nhưng mình đã không còn có thể thực hiện lời hứa nữa. Chúng ta quá mệt mỏi rồi, rời đi để tìm lại bản thân mình, xoa dịu mọi thứ và chừa cho mình chút nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành với mọi người trong một vai trò khác. Vậy sẽ tốt hơn.

Sự đánh đổi thứ 3: Dám chấp nhận mình là người trầm cảm, tự tìm cách chữa trị cho mình và ấp ủ những điều ấm áp lan tỏa đến người khác bằng hành động thiết thực. Một người trầm cảm thường nhìn mọi thứ tiêu cực, bằng cách này hay cách khác, nhưng suy nghi ấy không thể nào thoát ra khỏi người họ trong một sớm một chiều. Hạnh phúc, với họ, là mỗi ngày bớt cô đơn hơn một chút, một cuộc sống vừa đủ nhẹ nhàng, những mối quan hệ trong vùng an toàn, những cuộc chiến cơm áo gạo tiền không có khả năng sát thương một ai, gặp một người đủ bao dung để ôm họ vào lòng, sống ở một nơi mà mọi người không ai biết quá khứ của ai, tất cả đều là sự bắt đầu. "  Chúng ta kiếm tìm hạnh phúc ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta lại giống chàng ăn mày nổi tiếng trong một tác phẩm của Tolstoy, người đã dành cả cuộc đời của hắn ngồi trên một chiếc lư vàng. Kho báu của bạn, sự hoàn hảo của bạn, tất cả đã có sẵn trong bạn rồi. Nhưng để tìm thấy chúng, bạn cần gạt bỏ những chấn động tâm lý, những ham muốn của bản ngã và khám phá sự tĩnh lặng của trái tim. "

Lẽ ra sẽ có một cái kết cho những tâm sự dài ngoằng nhưng tôi nghĩ chẳng bao giờ có một điểm kết thúc cho tâm tư, tình cảm. Tôi rất thích nghe và kể những câu chuyên, về mình, về những người tôi yêu quý, thậm chí những câu chuyện từ những người tôi gặp trên chuyến xe, gặp ở góc đường cũng vô cùng hấp dẫn. 
Sài Gòn, đêm thật sáng (23/02/2018)